Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Hiển Dung như Chúa
6.8 Lễ Chúa Giêsu Hiển Dung
St 1:12; St 2:4; Tv 9:8-9,10-11,12-13; Mt 17:14-20
Hiển Dung như Chúa
Tin Mừng thánh Luca trình bày quang cảnh Chúa Giêsu Hiển Dung để tỏ bày vinh quang của Người. Qua đó, Người khích lệ và nâng đỡ cho niềm tin của các môn đệ cũng như của mỗi người chúng ta.
Chúa Giêsu Hiển Dung khi Người đang “cầu nguyện”, trong sự kết hợp thân mật với Chúa Cha “dung mạo của Người bỗng đổi khác”. Chúa Cha đã làm cho vinh quang của Chúa Con được chiếu tỏa trên núi thánh, để xác nhận về sứ mạng đã giao phó cho Người: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!”. Tin Mừng Luca sử dụng thuật ngữ “người được tuyển chọn” từ bài ca thứ hai về Người Tôi tớ, trong lúc Hiển dung và khi trên thập giá (Lc 23,35), để nhấn mạnh mối liên hệ giữa cuộc khổ nạn và phục sinh vinh quang của Chúa Giêsu. Người chính là “Đấng Thánh của Israel” bị “người đời khinh chê” (Is 49,7).
Đồng thời, chúng ta thấy ý nghĩa sâu xa hơn nơi biến cố Hiển Dung của Chúa Giêsu: Người đến để hoàn thành toàn bộ lời hứa của Thiên Chúa trong Cựu ước. Sự hiện diện của ông Môsê đại diện cho Lề luật và của ông Êlia đại diện cho các Ngôn sứ nhằm mục đích làm sáng tỏ công trình cứu độ Chúa Giêsu thực hiện. Các ngài nói về sự “chết của Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem”; hình ảnh “núi” và “mây che phủ”, cùng với nỗi sợ hãi của các môn đệ, nhắc nhớ về biến cố Thiên Chúa hiện ra trên núi Sinai. “Lều” mà Phêrô xin được dựng gợi lại hình ảnh dân Israel ngày xưa đi trong sa mạc tiến vào đất hứa. Chúa Giêsu chính là Môsê mới, hướng dẫn dân Israel mới là toàn thể nhân loại đi về Đất hứa là Nước Trời; Ngài cũng tiếp tục công việc của ngôn sứ Êlia là đưa con người ra khỏi tình trạng thờ ngẫu tượng để quay về với Thiên Chúa.
Trên núi Ta-bô trước mặt ba môn đệ được chọn lựa, Đức Giê-su đã biến dạng để hiển thị một dung mạo hoàn toàn mới, điều mà chúng ta quen gọi là ‘hiển dung’ hay ‘biến hình’. Theo cách mô tả của Lu-ca thì khuôn mặt hiển dung của Chúa Giê-su lúc đó rất mang nặng nét ‘Cựu Ước’, vì các môn đệ đều là những người theo đạo Do Thái. Một Thiên Chúa của Cựu Ước thì phải có dung mạo uy nghi sáng láng, thân thể Ngài phải tỏa chiếu hào quang; và để nhấn mạnh hơn nữa tính cách Cựu ước của toàn cảnh, hai nhân vật tiêu biểu là Mô-sê và Ê-li-a đã xuất hiện trong tất cả vẻ huy hoàng tráng lệ. Thế nhưng, hình như khuôn mặt Cựu Ước đó lại không phải là điều Chúa Giê-su muốn trình bày, và vì lẽ đó, Người đã không muốn các môn đệ duy trì hình ảnh này lâu dài; “Thưa thày, chúng con ở đây, thật là hay chúng con xin dựng ba cái lều”… và Người nghiêm cấm các ông.
Biến cố hiển dung được cả ba Phúc Âm Nhất Lãm trình bày với một vài khác biệt, tuy nhiên nội dung căn bản thì khá tương đồng. Nội dung đó là: vinh quang Ta-bô tự nó không phải là tâm điểm để mà phải quan tâm. Nó chỉ là tiền đề hay biểu tượng của một thứ vinh quang khác quan trọng hơn nhiều sẽ xảy đến sau này. Quả thực cả ba trình thuật đều khởi đầu bằng một xác định thời gian liên quan tới một lời công bố: 06 ngày theo Mát-thêu và Mác-cô, còn theo Lu-ca thì khoảng 08 ngày ‘sau khi nói những lời ấy’. ‘Lời ấy’ xác định điều đã được Đức Giê-su lặp đi lặp lại nhiều lần: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy”.
Lời công bố không tiên báo sự kiện hiển dung Ta-bô, ngược lại là đàng khác, biến cố hiển dung là để giải thích ý nghĩa của lời công bố. Chính cái chết và phục sinh của Đức Giê-su mới đích thực là diện mạo, là vinh quang của Thiên Chúa, một diện mạo và vinh quang mà sự sáng láng chói lọi bên ngoài trên đỉnh Ta-bô chỉ là minh họa cho dễ hiểu: “Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành mà Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem”. Cuộc xuất hành được đề cập tới đó chính là biến cố ‘chết thập giá và phục sinh’ của Đức Giê-su, cao điểm mạc khải về Thiên Chúa khi dung mạo đích thực của Người được tỏ lộ cho toàn thể nhân loại.
Đó là dung mạo của một Thiên Chúa cứu độ, một Thiên Chúa xót thương, ngay cả đối với những con người tội lỗi nhất. Đức Ki-tô đã chẳng gọi đó là giờ phút vinh hiển Người được tôn vinh là gì: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” (Ga 12:23)? Và không chỉ tôn vinh bản thân Người, mà còn tôn vinh chính Thiên Chúa là Cha nhân ái: ‘Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống: “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa!”’ (Ga 12, 28).
Thế nhưng, hiển dung của lòng thương xót cứu độ mà Thiên Chúa biểu lộ qua Thập Giá và Phục Sinh của Đức Ki-tô Giê-su thì chỉ những ai có con mắt đức tin mới chiêm ngắm được mà thôi. Phê-rô, bằng con mắt thịt đã từng ngây ngất trước vinh quang của Ta-bô bao nhiêu, thì lại càng bị vấp phạm trước vinh quang của Thập Giá bấy nhiêu: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thày gặp phải chuyện ấy!” (Mt 17, 22) Còn các môn đệ khác thì, cả khi Đức Giê-su tiên báo cuộc thương khó của Người tới lần thứ ba, “các ông không hiểu gì cả; đối với các ông, lời ấy còn bí ẩn, nên các ông không rõ những điều Người nói” (Lc 18, 31-34).
Như vậy thì, cho dầu đoạn Tin Mừng có trình bày quang cảnh hoành tráng của cuộc hiển dung trên đỉnh Ta-bô, chúng ta vẫn không được phép dừng lại ở đó bằng cặp mắt xác thịt. Cặp mắt đức tin của Ki-tô hữu phải hướng về vinh quang của Can-vê hơn là của Ta-bô, vì chính trên đỉnh Can-vê, Thiên Chúa mới thực sự hiển thị dung mạo vĩ đại đích thật nhất của Người. Mải mê dừng lại mãi, tới độ muốn dựng ba lều trên Ta-bô, là một cám dỗ có thể dẫn tới phản bội niềm tin Ki-tô hữu. Phản bội này có thể xảy ra cho bất kỳ ai, chứ không chỉ riêng cho Phê-rô; “Chúa Giê-su truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại.” (Mc 9, 9)
Đối với Ki-tô hữu chúng ta, Thánh Lễ chính là thời gian, là dịp để khám phá, chiêm ngắm và đi vào vinh quang đích thực của Thập Giá! Nếu hiển dung Ta-bô không phải là đích đến mà chỉ là bước đầu chập chững của niềm tin, thì đúng là, qua ngày lễ ‘Hiển Dung’ hôm nay, Hội Thánh muốn dẫn mọi Ki-tô hữu đạt tới đích đến thật là vinh quang của Thập Giá, khi mời gọi các tín hữu hãy chiêm ngưỡng dung mạo chói lọi của một Thiên Chúa đầy nhân ái và xót thương; một diện mạo mà Cựu Ước hay những con xác phàm, không thể hoặc không hề được chiêm ngắm. Cuộc hành trình đức tin này thì mọi Ki-tô hữu bất kỳ, ai cũng phải làm, bắt đầu từ Phê-rô thủ lĩnh, cho tới tất cả các môn sinh sau này, các tín hữu qua mọi thời đại, kể cả các linh mục và các tu sĩ chúng ta…
Qua biến cố Hiển Dung, Chúa Giêsu muốn khích lệ và nâng đỡ cho niềm tin của các môn đệ. Chính ba môn đệ này cũng chứng kiến đau khổ của Chúa Giêsu trong vườn cây dầu sau này (Mt 26, 37). Cả hai trường hợp các ông đều ngủ. Sức nặng của những khổ đau đã đè nặng các ông. Vì thế, biến cố Hiển Dung của Chúa Giêsu cho các môn đệ cảm nếm trước vinh quang thần linh của Người, giúp các ông hiểu rằng để đến vinh quang phục sinh phải qua đau khổ thập giá.
Như thế, cuộc Hiển Dung của Chúa Giêsu giúp chúng ta ý thức về một nguy hiểm: đó là sự chán nản, nhụt chí, thất vọng khi gặp những khó khăn thử thách và đau khổ trong đời sống đức tin. Để vượt qua mối nguy hiểm này và để trung tín đến cùng với Thiên Chúa, chúng ta cần biết lắng nghe và thực thi Lời Chúa trong đời sống hằng ngày, để sống xứng đáng là người được Thiên Chúa tuyển chọn.