Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Hãy vui lên !
27/5 Thứ Sáu trong tuần thứ Sáu Mùa Phục Sinh
Cv 18:9-18; Tv 47:2-3,4-5,6-7; Ga 16:20-23
Hãy vui lên !
“Anh em sẽ lo buồn nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui”.
Tin Mừng theo Thánh Gioan hôm nay như Lời nhắn nhủ riêng thật thắm thiết với mỗi người chúng ta. Bởi vì những Lời này đã được Chúa tâm sự trong bữa tiệc chia tay. Chúa nói với các môn đệ: “Một ít nữa, anh em sẽ không xem thấy Thầy, rồi một ít nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy”. Câu này thật khó hiểu đối với các môn đệ ngày ấy, nhưng có thể dễ hiểu với chúng ta ngày nay, vì chúng ta biết rõ cái chết trên thập giá đang chờ Chúa Giêsu. Và chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, các môn đệ không còn được thấy Thầy mình nữa. Rồi chúng ta lại biết rằng chỉ một thời gian ngắn sau đó, Chúa Giêsu sẽ Phục sinh, và sẽ hiện ra cho các môn đệ thấy.
Thật sự mất Thầy là một thách đố thật lớn trong đời người môn đệ. Thầy là chỗ dựa, là lý do khiến họ chấp nhận cuộc sống bấp bênh này. Chính Thầy đã gọi, đã kéo họ ra khỏi gia đình và nghề nghiệp ổn định, để lang thang đó đây. Bây giờ mất Thầy, các môn đệ biết đi về đâu và đi với ai?
Vì thế hơn ai hết, cái chết và sự Phục sinh của Chúa Kitô gắn liền với sự đau khổ và niềm vui của các môn đệ. Hay nói một cách chính xác hơn cái chết và sự Phục sinh của Chúa Kitô chiếu dọi ánh sáng vào mọi đau khổ của con người. Niềm tin Kitô giáo không chối bỏ cái chết và sự đau khổ, nhưng qua cái chết và sự Phục sinh của Chúa Kitô, Kitô giáo không còn nhìn cái chết và sự đau khổ như một ngõ cụt của cuộc sống. Trái lại, trong ánh sáng Phục sinh của Chúa Kitô, cuộc sống con người mang một ý nghĩa thật tuyệt vời, cho dù đâu đó còn đầy dãy những đau khổ mà con người phải trải qua.
“Anh em sẽ khóc lóc và than van… Anh em sẽ buồn phiền…”. Khi tảng đá đã khép kín ngôi mộ, chẳng còn thấy Thầy nữa, khi thế gian và thủ lãnh của nó hả hê vui sướng vì chiến thắng, liệu người môn đệ có vượt qua được nước mắt đau đớn này không?
“Một ít nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy… và nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui”. Anh em sẽ lại thấy Thầy lúc Thầy hiện ra gặp anh em sau Phục sinh, lúc Thầy sai Thánh Thần đến nâng đỡ anh em, và nhất là lúc Thầy đồng bàn với anh em trong bữa tiệc Thiên Quốc.
Chúa Giêsu mời gọi người môn đệ hãy tham dự vào mầu nhiệm vượt qua của Ngài, có nghĩa là cả những lúc tăm tối nhất của cuộc đời, những lúc như không còn thấy Chúa, thì vẫn phải bám chặt lấy Ngài để tiến bước. Đời sống người Kitô hữu đan xen giữa vui với buồn. Có lúc như thấy mất Chúa và mất hướng, thấy thất vọng và buồn chán. Đó là lúc chúng ta phải chia sẻ cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa. Cuộc sống cho dẫu có đau khổ thế nào đi chăng nữa, người theo Chúa vẫn luôn tìm được ý nghĩa đích thực cho cuộc sống mình, vì mình đang đi trên con đường chính Chúa đã đi.
Ngoài ra, tham dự vào mầu nhiệm của Chúa cũng còn có nghĩa là bằng con mắt đức tin, nhận ra Chúa nơi những người anh chị em đang đau khổ ở xung quanh chúng ta, yêu thương những anh chị em đó như chính Chúa đã yêu thương ta. Sự cảm thông, chia sẻ, phục vụ đối với những anh chị em đang đau khổ này,giúp họ chấp nhận được cuộc sống với những bất toàn, những trái ý, làm cho tâm hồn họ cũng có được bình an , niềm vui và hy vọng. Và như thế, ánh sáng Tin mừng Chúa Phục sinh đang thực sự làm cho tâm hồn mỗi người chúng ta đang được hồi sinh.
Chúa muốn nói gì với các môn đệ : “Các con sẽ buồn sầu, nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui”? Thưa, Chúa Giêsu muốn nói đến niềm vui phục sinh. Ngài sẽ trải qua đau khổ và đón nhận cái chết, nhưng Ngài sẽ phục sinh và lên trời.
Đây là niềm vui lớn làm cho các ông quên hết nỗi buồn, chẳng khác gì người phụ nữ mang thai và sinh con; bà sẽ vui khi chính đôi tay của mình ôm ẵm đứa con vừa chào đới; bà quên hết nỗi đau đớn khi sinh con.
“Nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui”, tình thế đảo ngược, từ bi đát đến chiến thắng vẻ vang, là nét đặc biệt nơi những người có niềm tin vào Đức Kitô : Hội Thánh và những Kitô hữu trong Hội Thánh, là tất cả những người đang sống trong niềm hy vọng vào Đức Kitô, là những người đang phải trải qua những đau khổ trong cuộc sống đời này, nhưng mọi người sẽ tin tưởng hơn, hy vọng hơn nơi Đức Kitô Phục sinh. Ngài là niềm vui và hy vọng cho mọi người. Ngài sẽ giải thoát mọi khổ đau và thay thế tất cả bằng niềm vui vĩnh cửu.
Với cái nhìn mới mẻ này của Tin Mừng càng thúc đẩy chúng ta tin vào Chúa Kitô. Vì qua bí tích Rửa tội, tất cả chúng ta được cùng chết với Ngài, và cùng được phục sinh với Ngài.
Với cái nhìn mới mẻ này của Tin Mừng, chúng ta đừng quên rằng, chúng ta phải bước qua những cuộc vượt qua nơi bản thân, đó là chiến đấu chống lại tội lỗi, sự dữ, những yếu đuối của bản thân, để chúng ta không dừng lại nơi những niềm vui chóng qua và tạm bợ nơi trần thế, nhưng luôn sống xứng đáng là con cái của Đấng Phục sinh, để được hưởng sự sống đời đời với Chúa.
Với cái nhìn mới mẻ của Tin Mừng, chúng ta sẽ can đảm vượt qua những thử thách gian nan trong cuộc sống, vì chúng ta tin rằng chúng ta luôn có Chúa đỡ nâng : “Ơn ta đủ cho con”. Nhờ Lời Chúa hướng dẫn, nhờ những ơn ban của Bí tích Thánh Thể nuôi dưỡng, chắc chắn đức tin của chúng ta sẽ vững mạnh, để vượt qua những sóng gió trong cuộc đời hiện tại.
Chúa Giêsu cho các môn đệ thấy trước viễn tượng của cuộc Khổ Nạn và Phục sinh của Ngài. Sẽ có một sự thay đổi lớn giữa “nỗi buồn” và “niềm vui.” Người phụ nữ đau đớn khi “mang nặng đẻ đau,” nhưng sau đó ngập tràn hạnh phúc vì một người con đã chào đời.
Cũng vậy, các môn đệ sẽ thất vọng, buồn chán trước cái chết đau thương của Thầy mình, nhưng rốt cuộc lòng các ông sẽ “chan chứa niềm vui” khi được Đấng Phục Sinh hiện ra và trao chúc bình an. Dưới ánh sáng của mầu nhiệm Phục Sinh và ân sủng của Thánh Thần, các Tông Đồ đã mạnh dạn làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh bằng cả mạng sống mình.
: “Ngày nay cũng vậy, Chúa Phục Sinh bước vào nhà và trái tim chúng ta… Ngài đến đem niềm vui và an bình, sự sống và hy vọng, là những quà tặng chúng ta cần cho sự tái sinh nhân bản và thiêng liêng… Chỉ có Ngài mới có thể đem lại ý nghĩa cho đời sống của những ai đang mệt mỏi, buồn rầu và tuyệt vọng… Hai địa điểm “ưu tiên” chúng ta có thể gặp gỡ Đấng Phục Sinh để biến đổi đời sống mình: Lời Chúa và Thánh Thể”.