skip to Main Content

Hãy lấy tình yêu hóa giải hận thù

23.2Thứ Sáu trong tuần thứ Nhất Mùa Chay

Ed 18:21-28; Tv 130:1-2,3-4,4-6,7-8; Mt 5:20-26

Hãy lấy tình yêu hóa giải hận thù

Người Công Giáo chúng ta thật hạnh phúc vì được gọi Thiên Chúa là Cha và được Người nhận là con trong ân sủng. Hơn nữa, chúng ta được Con Thiên Chúa đến để cứu chuộc chúng ta bằng chính cái chết trên Thánh Giá. Mặt khác, Ngài tiếp tục thi ân giáng phúc cho chúng ta qua Giáo Hội nơi các Bí tích.

Tuy nhiên, nếu niềm vui, hãnh diện, tự hào vì được đảm bảo bao nhiêu, thì chúng ta phải cẩn trọng bấy nhiêu, vì chính Đức Giêsu đã nói: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn Luật sĩ và Pharisiêu thì anh em không được vào Nước Trời”.

Tin Mừng bàn đến một vấn đề hệ trọng thuộc điều răn thứ V là chớ giết người. Chúa nói rằng: “Người xưa dạy cấm giết người, kẻ giết sẽ bị can án” (c.21). Giết người thì ở đâu và thời nào cũng là tội nặng. Đó là công lý. Luật Cưu ước cũng cấm ngặt (Xac 20,13), vì chỉ có Chúa làm chủ sự sống mới có quyền đó (Đnl 32,39).

Sang tới Tân ước, Chúa Giêsu quả quyết phải sống vượt trên những lề luật của người biệt phái, Ký lục thì mới được vào nước trời (c.20) Luật của Chúa đi vượt trên công lý nữa. Công lý hay luật pháp buộc tội khi một người phạm tội. Còn Chúa, Chúa đi xa hơn, Chúa nói nguồn gốc của tội là gì và rồi kết án ngay từ trứng nước.

Chúa nói ai giận anh em mình thì đáng bị tòa xét xử rồi (c.22), ai mắng chửi anh em là đồ ngốc thì sẽ bị lên án trước công nghị và ai mắng chửi anh em mình là thứ khùng thì đáng lửa trầm luân (c.22). Người xưa kết tội khi người ấy ra tay giết anh em mình. Còn Chúa Giêsu lên án ngay từ đáy lòng kẻ mắc tội lỗi ấy. Vì vậy, kẻ giết người thì thường bắt đâu từ chỗ ganh ghét, ghen tỵ, giận dỗi. Và Chúa cấm ngay từ chỗ tư tưởng đó chứ không chờ cho việc xảy ra bằng hành động. Chúa cấm từ trong trứng nước như vậy. Cho nên Chúa nói: “nếu các ngươi không giữ luật thì các ngươi sẽ không vào được nước trời đâu” (c.20). Chúa nói như vậy là Chúa cố ý đặt ra một tiêu chuẩn. Luật Chúa thì khác hẳn luật biệt phái ở chỗ luật Chúa buộc ở tận đáy tâm hồn, tận đáy lòng.

Xưa kia thì Giavê đã ghi khắc 10 điều răn trên bia đá rồi… Nhưng phải chờ đến ngôi Lời giáng thế ghi khắc trong linh hồn và làm sáng tỏ, giải thích ra để mà gìn giữ. Người xưa và các giới lãnh đạo tôn giáo lúc ấy hiểu rằng giết người là tra tay giết một án mạng, cho nên ai giết một nhân mạng thật mới bị lên án phạt. Còn Chúa, Chúa đi xa hơn nữa, Chúa nói đến cái chết linh hồn, đấy mới là căn nguyên chính, là vấn đề phải tính toán.

Đức Giêsu đã cắt nghĩa vấn đề này bằng một loạt bài giảng về luận lý từ chương 6 đến chương 8 trong Tin Mừng theo thánh Mátthêu: đừng giận ghét, đừng gian dâm, đừng nóng giận, đừng thề thốt… Về vấn đề giận dữ, thánh Gioan còn nói rõ: “Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt”. Hơn nữa, Ngài còn nói rõ điều kiện để được Chúa nhận lời là phải tha thứ: “Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình”.

Trong cuộc sống thường ngày, chắc chắn chúng ta không có dịp để tha thứ cho những xúc phạm nặng, nhưng những phiền lòng nho nhỏ thì không thiếu do đó chúng ta luôn được mời gọi để tha thứ. Tác giả tập sách Đường Hy vọng đã ghi lại kinh nghiệm như sau ” Đừng tức tối vì người ta chỉ trích con, hãy cám ơn vì còn bao nhiêu tồi tệ khác nơi con mà người ta chưa nói tới. Chúa nói : nếu ai làm mất lòng con, hãy để của lễ về làm hoà với người ấy trước : còn con , con làm ngược lại : cứ  dâng của lễ và phóng thanh cho mọi người biết. Con không khuyết điểm tại sao lại tức tối và tấn công khuyết điểm của người khác.

Thật ra, tha thứ không phải là điều dễ. Nhưng đó lại là điều kiện để tôn vinh Thiên Chúa một cách xứng đáng : “Nếu ngươi đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ anh em đang có điều bất bình với ngươi, hãy đặt của lễ trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em trước, rồi hãy đến mà dâng của lễ”. Tha thứ không có nghĩa là một sự cắt đứt, nhưng là bắt đầu lại mối tương quan tốt đẹp với người anh em, theo gương Chúa đã tha thứ và bắt đầu lại mãi với mỗi người chúng ta.

Trong cuộc sống hôm nay, biết bao mối thù hận, giận ghét ngay trong gia đình như: mẹ chồng nàng dâu; cha mẹ với con cái; anh chị em trong gia đình với nhau… Hay hàng xóm; nghề nghiệp, bạn bè… Biết bao nhiêu giận hờn chồng chất!

Ai bất hòa với anh em thì mối giây liên đới với Thiên Chúa cũng bị cắt đứt. Yêu thương anh em là điều kiện cần thiết : Không có lòng mến Chúa thật, nếu lòng mến đó ‘không bám rễ trong lòng hòa thuận với anh em, bất cứ hành vi thờ phụng nào cũng sẽ vô nghĩa và không thể đẹp lòng Thiên Chúa nếu không có hòa bình ngự trị giữa anh em với nhau.

Mùa chay là thời giờ chúng ta tới gần Chúa, nhưng Đức Giê-su nói với chúng ta rằng: “Hãy coi chừng, trước hết, hãy xem xem tâm trạng của con đối với anh em con thế nào”.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: hãy lấy tình yêu hóa giải hận thù, vì chỉ có tình yêu mới cải tạo được con người; còn bạo lực, oán thù chỉ đem lại chết chóc mà thôi. Nếu có ai đó mà chúng ta không thể thương được thì đừng làm hại họ, nhưng hãy làm ơn cho họ.

Back To Top