Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Hành Xử Khôn Khéo
4.11 Thánh Charles Borromeo, Tiến Sĩ
Pl 3:17; Pl 4:1; Tv 122:1-2,3-4,4-5; Lc 16:1-8
Hành Xử Khôn Khéo
Một sợi tơ mỏng manh nhỏ bé dường như chẳng làm nên tích sự gì. Nhưng bạn nên nhớ rằng tấm lụa mượt mà kia đã được dệt bằng những sợi tơ như thế. Cuộc đời chúng ta được kết dệt bằng biết bao việc nho nhỏ được trải đều trong khắp cả đời sống thường ngày. Từng giây, từng phút trong đời, một cử chỉ yêu thương, một lời nói dịu dàng, một hy sinh kín đáo, một cái nhìn cảm thông, một ý tưởng ngay lành, tất cả những điều đó, từng chút chút một, sẽ dệt nên cuộc sống tươi đẹp, hào hùng thấm đầy ơn phúc của Thiên Chúa. Chúa Giê-su đã nhắc nhở chúng ta: “Ai trung tín trong việc rất nhỏ thì cũng trung tín trong việc lớn, ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn” (Lc 16, 10).
Khôn ngoan để luôn luôn tích cực xây dựng Nước Trời, đó là lời Chúa Giêsu nhắn nhủ qua dụ ngôn người quản lý trong Tin Mừng hôm nay. Dụ ngôn có lẽ dựa trên một cuộc biển lận xẩy ra trong bất cứ xã hội nào. Chúa Giêsu không có ý tán thành hành vi biển lận của người quản lý; Ngài chỉ khen cung cách giải quyết vấn đề của ông: ông biết nhìn xa thấy rộng để tìm phương thế cho hoạn nạn sắp phủ xuống trên ông. Bài học có thể rút ra từ dụ ngôn chính là tận dụng thời gian, biết tất cả thành cơ may để gặp gỡ Chúa và xây dựng Nước Trời.
Thái độ của con người thường là nổi loạn, than trách, buông xuôi, bỏ cuộc. Chúa Giêsu khuyên chúng ta khôn ngoan điềm tĩnh để biến đau khổ thành cơ may đưa đến một ơn ích cao đẹp hơn. Ðạo sĩ trong câu truyện trên đây không dừng lại để rủa xả con khỉ, nhưng điềm nhiên sử dụng trọn vẹn trái dừa. Người điềm tĩnh khôn ngoan là người biết nhìn một cách lạc quan những thất bại, mất mát trong cuộc sống. Thánh Phaolô đã có cái nhìn lạc quan ấy, khi nói: “Ðối với những ai yêu mến Chúa, thì mọi sự đều dẫn về điều thiện”.
Dưới cái nhìn của con người, loài người được xếp theo những hơn thua về tài năng, may mắn, thành công, thông minh, nhưng trong cái nhìn yêu thương của Chúa, tất cả đều là ân sủng. Chúng ta hãy tín thác cho Chúa, đón nhận mọi biến cố như lời mời gọi yêu thương, tin tưởng. Bên kia những gì chúng ta có thể ước đoán, tưởng tượng, Thiên Chúa vẫn yêu thương chúng ta. Hãy xử thế như người quản lý trong dụ ngôn: biến tất cả thành cơ may để nhận ra tình yêu Chúa, để loan báo, chia sẻ tình yêu ấy với mọi người.
Trung thực trong việc quản lý tiền bạc: Điều Chúa Giêsu muốn dạy các tín hữu chúng ta hôm nay là phải có lối hành xử công chính về tiền bạc. Có người đã nói: «Lấy lửa thử vàng; lấy vàng thử đàn bà; và lấy đàn bà thử đàn ông». Một người không trung thực về tiền bạc không thể là một người tốt, thành thật và đáng tín nhiệm được. Một người được người khác nhờ cậy giao tiền cho một người thứ ba, đã gửi số tiền ấy vào ngân hàng để lấy lãi cho mình, thì người đó không thể có lòng đạo đức thực sự. Hiện nay, có nhiều người giữ những địa vị cao trong xã hội, nhưng lại thiếu trung thực trong việc quản lý tiền bạc của tập thể. Đức Giêsu đã đưa ra tiêu chuẩn: “Nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em?”. Qua đó, Chúa muốn dạy chúng ta rằng: Công bình là nền tảng của bác ái, và bác ái là nền tảng của một lòng đạo đức thực sự.
Phải hành động cách khôn khéo: Nếu “con cái đời này” mà còn biết cách làm lợi cho bản thân mình, thì tại sao “con cái sự sáng” lại không biết sử dụng của cải Chúa ban trong giây phút hiện tại để lo cho phần rỗi đời đời của mình sau này? Nếu người quản gia bất lương biết dùng tiền của bất chính để mua lấy bạn hữu, đề phòng khi mất việc…, thì tại sao người tín hữu chúng ta lại không biết sử dụng của cải chóng qua đời này bằng cách quảng đại chia sẻ cho người nghèo khổ để có thêm bạn hữu, hầu đến giờ chết những người đó sẽ đi đón rước chúng ta vào hưởng Nước Trời là hạnh phúc vĩnh hằng?
Đồng tiền cho đi: Nên nhớ rằng: Chúng ta sẽ không trở nên giàu có trước mặt Thiên Chúa với những đồng tiền “nhận lãnh”, nhưng là với những đồng tiền “cho đi”. Chỉ khi biết quảng đại ban phát của cải cho những kẻ thiếu thốn, chúng ta mới thực là những người quản gia trung tín và khôn ngoan biết làm theo ý chủ. Chỉ khi biết coi tiền của là phương tiện phục vụ tha nhân, chúng ta mới chứng tỏ mình là tôi trung của Thiên Chúa. Các Rabbi Do thái có câu này: “Kẻ giàu giúp kẻ nghèo ở đời này, nhưng kẻ nghèo sẽ giúp kẻ giàu ở đời sau”.
Khi chú giải truyện người giàu ngu dại xây kho vựa lớn hơn để tích trữ nhiều của cải, thánh Ambrosiô đã nói: “Bụng của người nghèo, nhà của bà goá, miệng của trẻ nhỏ là những kho vựa tồn tại mãi ở đời đời.” Người Do thái tin rằng của bố thí cho kẻ nghèo được ghi vào trương mục đời sau của kẻ cho. Do đó, sự giàu có thật của con người không hệ tại ở những gì mình đang nắm giữ, nhưng căn cứ ở những gì mình quảng đại cho đi.
Làm chủ hay đầy tớ đồng tiền?: Mỗi người chúng ta hãy tự hỏi mình: Tôi hiện đang làm chủ hay đang làm đầy tớ cho đồng tiền?
Tôi sẽ là chủ đồng tiền nếu dám chia sẻ số tiền mình đang có cho người khác, dám cho vay mượn, dám lập tức trả lại cho chủ của khi phát hiện ra đồng tiền mình đang chiếm giữ không phải của mình. Nhất là khi bị mất cắp, tôi sẽ không quá đau buồn như kẻ mất hồn, đến nỗi chẳng còn thiết tha làm bất cứ việc gì khác!
Tôi sẽ là đầy tớ đồng tiền nếu năng nghĩ đến nó, thích mang ra nhìn ngắm và đếm đi đếm lại nhiều lần trong ngày; Năng đề cập đến tiền bạc trong câu chuyện và đề cao sức mạnh vạn năng của nó; Có thái độ tôn trọng đồng tiền hơn mọi thứ có giá trị khác; Sẵn sàng làm bất cứ việc gì dù vi phạm luật pháp hoặc bất công và bất nghĩa… miễn sao có nhiều tiền cho đầy túi tham.