Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
GIỮ MÌNH KHỎI MỌI THỨ THAM LAM
17/10 Thứ Hai
Thánh Inaxiô thành Antiôkia, Gmtđ
Ep 2:1-10; Tv 100:2,3,4,5; Lc 12:13-21
GIỮ MÌNH KHỎI MỌI THỨ THAM LAM
Người ta nghĩ rằng: Thánh Inhaxiô thành Antiôkia chính là đứa trẻ mà Chúa Giêsu đã ôm vào lòng và đặt giữa các tông đồ để làm gương mẫu về lòng trong trắng và đức khiêm tốn Kitô giáo. Vài tác giả còn quả quyết rằng: ngài là đứa trẻ đưa 5 chiếc bánh và 2 con cá cho Chúa Giêsu làm pháp lạ nuôi 500 người ăn. Điều chắc chắn là ngài đã được đặt làm giám mục thứ nhì kế vị Thánh Phêrô tại Antiôkia khoảng năm 68, sau khi Thánh Giám mục Evôda qua đời. Suốt 40 năm cai quản giáo phận, kể cả những năm bị bách hại dưới triều Domitianô, ngài đã tỏ ra là một giám mục gương mẫu về mọi nhân đức.
15 năm bình lặng sau cái chết của bạo vương Domitianô qua đi, cơn bách hại lại nhen nhúm ở vài tỉnh dưới thời Trajanô. Vị hoàng đế cuồng tín này cho rằng: mình đạt được nhiều chiến thắng là nhờ các thần minh. Ông coi việc bách hại các tín hữu Chúa là một nghĩa cử để tỏ lòng biết ơn các thần minh. Tháng giêng năm 107, ông tới Antiôkia. Được biết tại đây có Giám mục Inhaxiô đã không vâng lệnh thờ cúng tượng thần, lại còn ngăn cản người khác, ông truyền điệu ngài tới để xét hỏi. Sau khi đe doạ và dụ dỗ đủ cách mà vô hiệu, ông kết án vị giám mục thánh thiện này phải điệu về Roma cho thú vật xâu xé.
Cuộc hành trình về Roma mang sắc thái một cuộc khải hoàn. Mỗi khi con tàu dừng bến nào, dân chúng đều tuốn đến chào kính vị tử đạo. Nhân dịp này, Thánh Inhaxiô có dịp tiếp xúc với nhiều giáo đoàn và đã viết 7 bức thư cho các Giáo hội. Tuy vậy, chuyến đi không dễ chịu gì. Bọn lính áp giải đã cố tình hành hạ thánh nhân để mong được các tín hữu ngưỡng mộ ngài đút lót tiền bạc. Thánh nhân viết với lòng khiêm tốn:
Trên đất liền hay ngoài biển khơi, ngày đêm tôi phải chiến đấu với các súc vật, bị xiềng vào mười con sư tử. Tôi muốn nói là những người lính canh giữ tôi. Người ta càng cho tiền, họ càng hung dữ. Những người đối xử tàn tệ của họ là trường đào luyện tôi mọi ngày, nhưng không phải vì vậy mà tôi được nên công chính đâu.
Ở Smyrna, Thánh Inhaxiô đã gặp Thánh Pôlycarpô. Vị giám mục thánh thiện này cũng là môn đệ của Thánh Gioan như Thánh Inhaxiô. Thánh Pôlycarpô đã hôn xiềng xích của người bạn lừng danh. Tại đây, Thánh Inhaxiôco có dịp gặp đại diện của nhiều Giáo Hội tới thăm. Biết rằng ở Ahila Delphia có sự chia rẽ trong hàng giáo sĩ, ngài đã viết thư khuyên nhủ họ:
Hãy tránh xa những phân rẽ và các giáo thuyết nguy hiểm. Hãy theo mục tử các bạn khắp nơi như đoàn chiên. Tôi vui sướng hết mực những góp phần củng cố đức tin các bạn, nhưng không phải do tôi mà do Chúa Giêsu Kitô. Được mang xiềng xích vì danh Chúa, hơn lúc nào, tôi cảm thấy mình còn quá xa sự trọn lành. Nhưng kinh nguyện của các bạn sẽ làm cho tôi được xứng đáng với Thiên Chúa và với di sản mà lòng nhân từ và đã dọn sẵn cho tôi.
Các thư của các thánh nhân gửi riêng cho mỗi nơi, ngài ca tụng tinh thần kỷ luật của tín hữu Manhêsianô (Magnésiens): Tôi hãnh diện được gặp các bạn nơi cá nhân Đức Giám mục Damas của các bạn. Tuổi trẻ của ngài không được nên cớ để các bạn suồng sã với ngài. Các bạn cần phải tôn kính chính Thiên Chúa là Cha nơi ngài.
Với dân Trallianô (Tralliens), ngài viết: “Hãy yêu thương nhau. Xin cầu nguyện cho tôi nữa. Tôi cần đức ái và lòng nhân hậu Chúa để được nhận vào hưởng gia nghiệp mà tôi đã sẵn sàng chiếm hữu”.
Nhưng ngài sợ dân Rôma, vì nhiệt tâm mà cất mất triều thiên tử đạo của mình. Nhờ một du khách đi Italia, ngài khẩn khoản: “Các bạn không thể trao tặng cho tôi một bằng chứng quý mến nào khác, là để cho tôi được tế hiến mình cho Thiên Chúa. Ân huệ tôi van xin các bạn là hãy hát bài ca cám tạ ơn Chúa mà nhờ công nghiệp Chúa Giêsu Kitô, Đức Giám mục Smyrna bên Tây phương đã được, để ngài được đưa vào vinh quang. Hãy để cho tôi thành của ăn nuôi thú vật, hầu tôi được vui hưởng Thiên Chúa, Tôi là hạt lúa mì của Thiên Chúa. Tôi cần được răng thú dữ nghiền nát để trở thành bánh tinh tuyền của Chúa Kitô.
Tốt hơn, hãy săn sóc các thú vật này để chúng thành nấm mồ của tôi. Chính lúc này tôi đang trở nên một môn đệ chân chính. Chớ gì những hình khổ độc dữ nhất đổ xuống mình tôi, miễn là tôi được Chúa Giêsu Kitô. Được cả thế gia này nào có ích lợi gì cho tôi? Tôi chỉ ước mong được kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô…
Ngài còn viết thêm: Ước mơ của tôi là được đóng đinh vào thập giá. Trong tôi chỉ có một dòng nước hằng sống vẫn rì rầm lời kêu gọi: Hãy về với Cha.
Thánh nhân còn viết nhiều điều khác nữa, bàn về chân lý đức tin, kỷ luật Giáo Hội và những sai lầm nguy hại.
Ngày 20 tháng 12 năm 107 là ngày cuối cuộc vui cũng là ngày Thánh Inhaxiô tới Roma. Sau khi đọc bức thư của nhà vua, quan tổng trấn truyền đem thánh nhân đến thẳng hí trường. Dân chúng đang tụ họp đông đảo. Ngài lặp lại câu nói đã viết trong trường hợp gửi dân Roma: “Tôi là hạt lúa mì của Thiên Chúa. Tôi cần được răng thú dữ nghiền nát để trở thánh bánh tinh tuyền của Chúa Kitô”. Hai con sư tử gầm rống và bổ tới thánh nhân mà cắn xé. Người ta kính cẩn thu nhặt những khúc xương còn lại và đưa về Antiôkia. Dưới thời Hêracliô, xương ngài lại được đưa về Roma.
Ta thấy một anh thanh niên đến khiếu nại xin Đức Giêsu can thiệp để người anh phải chia gia tài cho anh ta. Nhưng Người từ chối, và nhân dịp này đã dạy mọi người phải tránh thói tham lam ích kỷ, cũng đừng trông cậy vào sự bảo đảm của tiền bạc cho tương lai cuộc đời mình.
Và rồi Chúa kể ra dụ ngôn về một người giàu có chỉ lo thu tích của cải và làm giàu cho bản thân. Điều đó thật là dại khờ! Vì chính lúc anh ta tưởng rằng tương lai cuộc đời của mình được của cải bảo đảm, để yên tâm nghỉ ngơi ăn uống và vui chơi thỏa thích, lại là lúc cái chết thình lình ập đến. Thế thì số tài sản của anh ta tích trữ kia sẽ về tay ai? Cuối cùng Người kêu gọi người ta hãy lo làm giàu về thiêng liêng, để những của cải này sẽ có giá trị trước tòa phán xét sau này.
Điều Chúa Giêsu muốn dạy qua Tin mừng hôm nay: Khi chết thì cái chúng ta cần đến không phải là những gì đã tích trữ được khi còn sống, mà chính là những việc tốt đã làm ở trần gian. Vì “Không phải hễ ai được dư giả, thì mạng sống người ấy nhờ của cải mà được bảo đảm đâu”. Thực tế đã có biết bao người giàu phải ra đi mãi mãi khi chưa kịp “nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi cho đã”.
Cho nên điều quan trọng chúng ta phải làm là: ý thức về giá trị đích thực của tiền bạc: Chúng chỉ có giá trị tương đối ở đời này và là phương tiện Chúa ban để chúng ta sử dụng mà phục vụ làm sáng danh Chúa và mưu ích cho tha nhân, nhờ đó chúng ta sẽ được hưởng hạnh phúc đời sau. Vì thế, chúng ta đừng bao giờ coi tiền bạc là ông chủ, nhưng chỉ là đầy tớ. Vì quả thật: “Đồng tiền sẽ là một đầy tớ tốt, nhưng lại là một ông chủ xấu !”.