skip to Main Content

Giờ chết đã đến gần

1.4 Thứ Bảy trong tuần thứ Năm Mùa Chay

Ed 37:21-28; Gr 31:10,11-12,13; Ga 11:45-57

Giờ chết đã đến gần

Câu chuyện Chúa Giêsu đến Bêtania và làm phép lạ cho Ladarô sống lại đã làm rúng động trong dân chúng và nhiều người đã tin vào Đức Giêsu cũng như giáo huấn của Ngài.

Chính vì điều này mà cuộc thương khó của Chúa Giêsu ngày càng gần kề. Sự kiện này được đánh dấu bằng việc những nhà cầm quyền và các Thượng Tế quyết định họp Hội Đồng và ra lệnh bắt, giết Chúa Giêsu. Họ đã ra lệnh truy nã đối với Ngài: ai biết được ông ấy ở đâu thì phải báo cho họ đến bắt.

Lý do họ bắt và quyết định giết Chúa Giêsu là vì họ đã ghép cho Ngài cái tội chính trị. Họ nói: “Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rôma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta”. Rồi một câu nói đầy uy lực của nhóm Thượng Tế mà Caipha là đại diện đã đem đến quyết định loại trừ Chúa Giêsu: “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”.

Tuy nhiên, thực tế thì lý do chính yếu khiến họ giết Đức Giêsu đó là sự ghen tỵ và sợ bại lộ lối sống hình thức và mất uy tín trong dân, đồng thời sợ bị mất lợi lộc mà các Thượng Tế đang được hưởng.

Sau phép lạ cho Lagiarô sống lại thì có hai phản ứng rõ rệt. Một là những người tin nhận Chúa. Hai là những người không tin và chống đối Chúa, đứng đầu là nhóm Biêt phái và các thượng tế. Họ triệu tập một công nghị (c.47), tìm cách đối phó với Chúa, vì Chúa làm được nhiều việc quá  (c.47). Giờ đây họ quyết định dứt khoát không đội trời chung với Ngài nữa, phải khử trừ cho xong. Ho  cho rằng Đấng cứu thế mà họ trông mong phải là người giải thoát họ khỏi cảnh áp bức của các nước lân bang như đế quốc La mã. Mà rõ ràng là Chúa Giêsu Giêsu không đứng ra lãnh đạo một cuộc giải phóng như vậy. Cho nên họ kết luận Chúa Giêsu không  phải là vị Cứu thế.

Nhưng đứng trước những giáo lý cao siêu và những phép lạ Ngài làm nhiều người đã thán phục, tin theo… Cho nên chính họ thấy khó xử. Nên họ mới nghĩ ra cách đổ lỗi cho những phép lạ Chúa làm kia là đã gây xáo trộn hoang mang nơi dân Do thái. Mà nếu như người Lamã đô hộ nghe thấy chuyện hoang mang đó thì coi như nhóm họ không có tài điều hành dân chúng. quân La mã sẽ chinh phạt họ và cả dân chúng. Đó là dự tính của nhóm Thượng tế và biệt phái với nhau.

Chúng ta thấy là họ không thể bắt bẻ Chúa điều gì trong lãnh vực tôn giáo Do thái lúc ấy. Thật ra, họ cũng từng thử tố cáo Chúa về lãnh vực này như Chúa công khai tuyên bố phá hủy đền thờ Giêrusalem, đã vi phạm luật Sabat, đã không tuân giữ luật truyền thông về rửa tay hay ăn uống… nhưng những tội đó đã không là tội và không đủ yếu tố để kết án. Cho nên họ chuyển Chúa qua một tội khác là vi phạm tới quyền của dân La mã.

Chúng ta biết là thời gian Chúa Giêsu, dân Do thái bị dân La mã đô hộ nên mất hết chủ quyền, mất luôn cả quyền xét xử tội nhân nữa. Quyền này nằm trong tay người La mã lúc ấy là quan Phongxiô Philatô làm tổng trấn đại diện. Oâng này muốn lương dân không hiểu gì về vấn đề Do thái giáo. Vậy muốn cho Philatô phê chuẩn án tử hình nói trên thì họ buộc tội Chúa phản nghịch với La mã. Cho nên sau này trước tòa án Philatô, đã buộc tội Chúa rằng:

“Chúng tôi đã bắt được tên này làm rối loạn an ninh trong nước chúng tôi,. Hắn cấm nộp thuế cho vua César và tự xưng mình là Kitô” (Lc 23,3). Hắn còn giảng dạy xúi dân làm loạn khắp xứ Giuđêa từ Galilê đến đây” (Lc 13,2).

Philatô có vẻ coi thường những lời buộc tội trên đây. Một đàng vì ông tin vào sức mạnh vô địch của đoàn lính Lê-dương La mã, một đàng thấy nét mặt hiền từ, ông không tin rằng Ngài có thể làm loạn, một mặt khác ông không thấy có sự thực như họ tố cáo. Tuy nhiên Philatô đã thẩm vấn Chúa Giêsu 4 lần: “Ông có phải là vua dân Do thái  ?” (Lc 23,2 Ga 10,33), “có là Con Thiên Chúa” (23,70), “sự thật là gì ?” (Gio 19,38). Và rồi chính Philatô không thấy Chúa có tội gì để kết án, nên ông tìm cách tránh né và rửa tay (Mt 27,24) tuyên bố: “Ta không thấy người này có gì để lên án cả” (Ga 18,38). Và ông trao Chúa Giêsu về Galilê cho vua Herôđê là người có trách nhiệm vùng Galilê.

Nhưng trước thái độ lừng khừng của Philatô, dân chúng cùng nhómbiệt phái hô to hơn nữa là sẽ tố cáo tội này với hoàng đế César (Gio 19,12). Họ cam chịu nhận quyền độ hộ của La mã một lần nữa: “Chúng tôi không có vua nào khác ngoài César” (Gio 19,15). Philatô đành trao cho họ đem đi xử tử và đóng đinh vào thập giá. Thế là đúng y như lời Caipha đã nói trước “Thà một người chết thay cho toàn dân…” (Gio 11,50). Lời ấy đã trở thành chân lý cứu rỗi.

Chúng ta hãy coi cái chết của Chúa xảy đến cũng chỉ vỉ lòng ghen tuông, hận thù, nghi kỵ mà thôi. Tuần đại thánh sắp đến, chúng ta cần cầu xin Chúa mở toang tâm hồn như một nấm mồ đón nhận mọi sự tha thứ.

Những người Do Thái đã nhìn hành động của Chúa theo mầu sắc chính trị. Họ đã thắc mắc : “Ta phải làm gì? Vì con người ấy làm nhiều sự lạ. Nếu cứ để như vậy, mọi người sẽ tin vào ông ta và quân Rôma sẽ đến hủy diệt nơi thánh và dân tộc ta”. Lý luận của người Do Thái không tin thật lộn xộn : Dân chúng tin theo Chúa là việc tôn giáo, quân Rôma đến phá hủy là việc chính trị, làm sao việc tôn giáo lại kéo theo hậu quả chính trị như thế được. Vả lại chính quyền Rôma lúc đó cho người Do Thái được tự do hành đạo, và chính Tổng trấn Philatô sau này cũng đâu muốn kết án Chúa vì lý do tôn giáo. Người Do Thái đã phải tố cáo Chúa về tội chính trị : xúi dân làm loạn, không nộp thuế cho Hoàng đế César. Thật là trớ trêu, nhưng Chúa đã không phản đối. Ngài chấp nhận một cái chết bất công để biến nó thành cái chết hy sinh cứu chuộc nhiều người

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở mỗi người hãy ý thức lại việc sống đạo bấy lâu nay: có bao giờ chúng ta theo Chúa chỉ vì muốn được hưởng lợi lộc trần gian? Nếu vì giá trị Tin Mừng đòi ta phải từ bỏ lối sống và hành vi không phù hợp, liệu chúng ta có sẵn sàng không? Hay có khi nào chúng ta cũng vì ghen tức mà loại bỏ anh chị em mình như những Pharisêu và Kinh Sư hôm nay đối với Chúa Giêsu?

 

 

Back To Top