Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
GIA TĂNG TÌNH YÊU VÀ LÒNG THA THỨ
17.6 Thứ Hai trong tuần thứ Mười Một Mùa Quanh Năm
1 V 21:1-16; Tv 5:2-3,5-6,7; Mt 5:38-42
GIA TĂNG TÌNH YÊU VÀ LÒNG THA THỨ
Kết thúc “Bài giảng trên núi”, căn tính của Ki-tô hữu là muối, là ánh sáng. Tiếp theo sau đó, Chúa Giê-su dạy các môn đệ về thái độ cần phải có cũng như thực hành trong đời sống: “Các con đã nghe bảo… Còn Thầy, Thầy bảo các con “. Vậy nghe bảo gì? Giáo huấn của Chúa Giê-su cho các môn đệ mình ra làm sao?
Khi Chúa Giê-su trích dẫn câu nói của người xưa về luật công bằng về trả thù đã được ghi rõ trong Cựu Ước “Mắt đền mắt, răng đền răng ” (Xh 21,24). Chúng ta phải thừa nhận rằng, đây là một bước tiến lớn trong tương quan hành xử giữa người với người so với thời La-mã, bởi La-mã đã từng nói với vợ: “Vì một vết thương, ta giết một người, (Ta) trầy da, một nam nhi toi mạng. Vì Ca-in sẽ được báo thù gấp bảy, nhưng La-méc thì gấp bảy mươi bảy! ” (St 4,23-24) Vậy là trả thù mãi mãi. Luật “Mắt đền mắt, răng đền răng” (Xh 21,24) giúp con người khỏi rơi vào tình trạng thái quá. Trái lại, Luật của tình yêu phủ nhận sự đồng nhất với kẻ thù: “Còn Thầy, Thầy bảo các con: đừng chống cự lại với kẻ hung ác” (Mt 5, 39).
Theo Chúa Giê-su, yêu thương là vượt ra khỏi vòng tròn luẩn quẩn của cái ác và sống tình huynh đệ đại đồng. “Đưa má bên kia cho nó nữa” là xây đắp tình hiệp thông anh em, giúp đối phương khám phá ra tình yêu và rằng thực hành bác ái là điều có thể. Đưa má bên kia còn muốn nói với kẻ ác rằng nó đã nhận được người anh em như nó là anh em. Một hành động như thế sẽ phá tan bạo lực.
Chúa Giê-su yêu cầu gia tăng thêm tình yêu và lòng tha thứ càng nhiều càng tốt! Vì tình yêu có sức mạnh giúp đối phương xích lại gần ta hơn bằng tình người. Như thế, bằng cách trao ban, chúng ta nhận nó là anh em.
Cho nó cả áo choàng, đi với nó hai dặm không phải một mà áp đặt, nhưng chứng minh con người luôn có sáng kiến về tình yêu. Vì đó là điều đẹp lòng Chúa, nên chúng ta từ bỏ điều có đi có lại và chủ động xây đắp tình hiệp thông trong tình yêu. “Ai xin, thì con hãy cho. Ai muốn vay mượn, thì con đừng khước từ ” (Mt 5, 44). Tình yêu là điều vĩ đại, thôi thúc ta hướng lên cao mà không còn bị vướng bận vào bất cứ điều gì thuộc trần thế.
Trong cuộc sống hàng ngày, theo tình cảm tự nhiên, trước người anh em làm khổ chúng ta, chúng ta đáp trả bằng sự giận hờn, căm thù: Lửa để chống lại lửa, dễ dàng theo luật trả thù mắt đền mắt, răng đền răng. Cách hành xử đó trở nên như là nguyên tắc báo thù: Phạm nhân phải bồi thường tương xứng với thiệt hại đã gây nên. Nguyên tắc này đã được áp dụng chung từ thời xa xưa cho đến nay trong thế giới văn minh của con người. Người ta đã tìm thấy nguyên tắc báo thù này trong bộ luật Hammourai 2000 năm trước Chúa Giêsu. Trong Cựu ước được quy định “Mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân, phỏng đền phỏng, bầm đền bầm, sưng đền sưng” (Xh 21,24 và x. Đnl 19,21; Lv 24,20).
Ban đầu Thiên Chúa tìm cách làm cho dân riêng biết vâng phục Lề Luật, biết vâng lời và luật đã quy định một cách rất tự nhiên trong cách hành xử giữa người với người mình như luật quy định: “Mắt thế mắt, răng đền răng” (Xh 21,24). Trong Cựu ước người ta còn cầu nguyện “chống lại” các kẻ thù của mình “Lạy Chúa, ước chi Ngài tiêu diệt kẻ gian tà… Lạy Chúa, kẻ ghét Ngài, làm sao con không ghét? Con ghét chúng, ghét cay, ghét đắng, chúng trở thành thù địch của chính con” (Tv 139,19-22) (và xem thêm các Thánh vịnh 17,13; 28,4; 69,23-29…). Thủ bản kinh Thánh ở Qumram có lệnh truyền này: “Ngươi sẽ ghét những đứa con của bóng tối”.
“Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16). Ngài tỏ lộ trên dân Ngài đặc tính tình yêu và giáo dục dân Chúa cách tiệm tiến để đạt tới tình yêu thương tuyệt hảo như Cha trên trời. Dân Chúa trưởng thành từ từ và vươn đến sự toàn thiện. Để sự thù hận nơi con người được hòa giải bằng tình yêu qua sự tha thứ, quảng đại, yêu thương. Nhờ vậy con người sẽ được bình an và vui sống trong sự hoàn thiện như Chúa Cha mà Chúa Giêsu đã mời gọi mọi người hãy trở nên như Ngài (x. Mt 5,48).
Trong thực tế hôm nay, nhiều người Công Giáo không dám sống căn tính của mình là yêu thương. Bởi vì khi yêu thương như Chúa đòi hỏi, thì họ phải trả giá bằng chính sự thiệt thòi, ức hiếp, bóc lột, coi thường, khinh khi…, vì thế, không thiếu gì hình ảnh những người Công Giáo cũng “ga lăng” chẳng kém gì ai! Đây đó vẫn có những người Công Giáo sống kiểu “đàn anh đàn chị!”.
Người đời cư xử với nhau theo sức mạnh. Mạnh được yếu thua. Câu chuyện vườn nho Na-vốt là tiêu biểu. A-kháp đã có nhiều vườn tược. Nhưng vẫn còn ham muốn vườn nho của Na-vốt. Hoàng hậu I-de-ven đã dùng thủ đoạn gian dối. Vu cáo Na-vốt. Giết chết ông. Và chiếm vườn nho. Người có quyền thế có mọi sự. Sai bảo người khác làm điều dữ. Giết người. Cướp của. Nhưng lại dùng chiêu bài đạo đức. “Trong thư bà viết rằng: “Hãy công bố một thời kỳ chay tịnh và đặt Na-vốt ngồi ở hàng đầu dân chúng. Hãy đặt hai đứa vô lại ngồi đối diện với nó, để chúng tố cáo nó: ‘Ông đã nguyền rủa Thiên Chúa và đức vua’. Và hãy đem nó ra ngoài ném đá cho chết”.Thật là ghê gớm.
Ngược hẳn với thói cư xử của người đời, Chúa dạy ta điều răn mới. Kiện toàn Lề Luật. Đề ra một lối sống mới. Đó là tinh thần Nước Trời. Và sẽ canh tân trần gian. Không còn mạnh hiếp yếu. Quyền lực áp chế dân đen. Nhưng là hiền lành, khiêm nhường và bác ái. Không dùng bạo lực. Chỉ dùng bác ái. Quảng đại. Yêu thương. Phục vụ: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: … Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặn, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi”. Đó chính là tinh thần của Chúa. Chính Chúa Giê-su đã làm như thế. Quỳ xuống rửa chân cho các tông đồ. Chữa lành anh lính bị Phê-rô chém đứt tai. Tha thứ cho những kể giết mình. Xin Chúa tha tội cho những kẻ làm hại mình. Đó chính là tinh thần Nước Trời.
Lời Chúa ngày hôm nay mời gọi mỗi chúng ta hãy trở nên “thánh thật” chứ không chỉ làm thánh “lâm thời”. Muốn trở nên “thánh thật” thì phải mến Chúa trên hết mọi sự và yêu thương nhau thật lòng, dầu có phải thiệt thòi đôi chút. Chấp nhận đau khổ, hiểu lầm vì mối lợi lớn hơn là được biết Chúa và được Chúa yêu thương. Sẵn sàng đi trên con đường tình yêu được chứng minh bằng việc đón nhận thập giá trong cuộc sống vì lòng yêu mến Chúa, để qua đó, chúng ta có sự sống đời đời làm gia nghiệp.