ĐỨC TRINH NỮ MARIA CÓ GIỌNG NÓI NHƯ THẾ NÀO?…
Gánh nhau trong đời & có nhau trong đời
Gánh nhau trong đời & có nhau trong đời
Gánh ! Chắc có lẽ là vật dụng chỉ có trong đời sống của người Á Đông. Với quang gánh trên vai, người ta có thể mang – vác vật gì đó nhẹ nhõm hơn. Và rất đơn giản, ta thấy lực nặng được đặt trên bờ vai như chung chia gánh nặng 2 đầu.
Với người Việt, nhất là thời xưa, hình ảnh quang gánh rất quen và rất gần với đời sống. Nhờ những quang gánh, trong quang gánh và với quang gánh đã gánh biết bao nhiêu mảnh đời, biết bao nhiêu phận người. Những quang gánh gánh nặng đời người vẫn còn in bóng trong cuộc đời của những người cả đời lam lũ. Gánh nhau lên núi, gánh nhau vào rừng và gánh nhau xuống biển.
Chắc có lẽ, bà mẹ quê miềng Bắc không bao giờ quên được gánh đời mình. Trên quang gánh cuộc đời của Mẹ, cạnh lương thực, cạnh đứa con còn có những tấm hình Mẹ Maria Hằng Cứu Giúp như là Đấng gánh cả gia đình trong suốt chặng đường chạy loạn.
Và nhắc đến Việt Nam, nếu không nhắc đến khúc ruột miền Trung quả là điều thiếu sót. Đơn giản là đồng bào miền Trung là những người phải gồng gánh thiệt hại nặng đề do thiên tai bão lũ. Năm này đến năm khác, tháng nọ đến tháng kia mưa lũ cứ dâng tràn để rồi cả đời khổ lại khổ thêm.
Người nông dân miền Trung suốt cuộc đời bán lưng cho trời bán mặt cho đất để kiếm miếng cơm manh áo. Năm nay, lũ chồng lũ và bão chồng bão để rồi cuộc sống cứ quay quắt và con người phải chống chọi.
Trên đường từ Đức Mẹ Măng Đen về xóm nhỏ, lòng quặn lòng với một đoàn xe 2 bánh mang biển số 76. Cứ 2 người một trên con ngựa sắt, họ tràn về miền xuôi như tránh lũ và nhất là tìm kế sinh nhai. Chả ai muốn bỏ nhà bỏ cửa, bỏ nơi chôn nhau cắt rốn để đi làm xa nhưng hoàn cảnh cuộc đời cứ đẩy đưa và họ phải đưa đẩy đế cứu lấy mạng sống mình.
Cùng trong dòng người ngược về miền xuôi ấy thi thoảng lại thấy dòng xe tải cũng như những xe nhỏ từ miền xuôi lên miền ngược. Dòng xe ấy, dòng người ấy hết sức dễ thương bởi lẽ họ lên non với cả tấm lòng.
Dừng chân nơi quán cơm gia đình thân thuộc – Cô Sinh – ở huyện Kon Plong – tại hạ lại bắt gặp những người quen như đã từng gặp nơi trung tâm hành hương Mẹ ở vùng sông nước. Lên đây, dâng Lễ với Mẹ cũng gặp và về với quán cơm quen biết cũng lại gặp. Tay bắt mặt mừng họ lại mong gặp Cha nơi xứ nghèo.
Đoàn người từ xuôi lên người phải chăng họ kề vai vào gánh chút gì đó với người đồng bào, với anh chị em vùng lũ. Bao năm miệt mài để rồi lũ đến lũ đi để lại bao tang thương mất mát. Có những nơi trở về bước khởi đầu bởi lũ đã qua đi và không còn để lại một thứ gì cho cuộc sống. Cả con heo, con chó trong nhà cũng bị lũ đem đi.
Dù rằng đời mưa lũ đó nhưng rồi lại đâu đó có những tấm lòng, có những bờ vai kề vào gánh phụ như chung chia nỗi đau của người đồng loại. Thương lắm miền Trung ơi ! Thương lắm người đồng bào thiểu số vùng Tây Nguyên ơi !
Trở về nhà, êm ấm trong căn phòng dù được xây kiên cố cùng với những bữa cơm thường nhật cà đắng cá kho nhưng làm sao có thể an yên khi chung quanh mình còn nhiều người cùng khổ. Chả làm được gì cho họ vì mình cũng đang chung vai cùng gánh với người nghèo. Ý thức được cuộc sống của mình dù còn đó những khó khăn nhưng dẫu sao vẫn may mắn hơn nhiều người khác để rồi luôn nhắc nhớ người bên cạnh là có chi tiêu nhưng nhớ để dành cho ngày mai cũng như chung chia cho những người khác nữa. Chỉ dám nhẹ nhàng nhắc nhẹ : “Xung quanh nhà mình còn nhiều và nhiều người nghèo lắm. Khi đi chợ, khi nấu ăn phải nhớ đến những người không may mắn như mình …”
Vậy đó ! Đời là những nỗi đau và nỗi đau của anh chị em đồng loại không phải là nỗi đau của riêng ai. Nỗi đau của họ hình như cũng là nỗi đắng trong đời của mình. Cùng một sức nặng nhưng khi ta kề vai chung gánh với người khác có lẽ gánh nó sẽ nhẹ nhàng hơn. Lòng dặn lòng bớt đi tiêu pha một chút để gánh nhau trong đời và có nhau trong đời.
Thật thế ! Chia cho nhau chút gánh nặng trong đời có lẽ đời ta và đời người khác nhẹ hơn. Gánh nhau một chút trong đời và chia nhau một chút cho người ta sẽ cảm thấy đời có ý nghĩa và sống có hạnh phúc hơn.