Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Đừng xét đoán
Chúa Nhật Tuần VIII Mùa Thường Niên Năm C
PHÚC ÂM: Lc 6, 39-45
Đừng xét đoán
Giả hình là việc phô trương bên ngoài nhằm che dấu thực tại bên trong. Thánh Kinh kết án sự giả hình, nhất là trong những việc liên quan tới niềm tin.Khi nhắc đến cách sống của những người đạo đức giả với lối sống chuộng hình thức bề ngoài, giả hình kiểu Pharisiêu, Chúa Giêsu thốt lên: “Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em”.
Sống giả hình có nhiều dạng thức biểu hiện, Tin Mừng đã nhiều lần đề cập. Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đặc biệt chú trọng đến hai biểu hiện của người đạo đức giả và Ngài hướng dẫn cách để sửa lối sống giả hình ấy.
Thái độ săm soi những lỗi lầm của người khác, thấy khuyết điểm của người khác thì muốn phóng đại; nhưng bản thân không muốn nhìn về những lầm lỗi và không muốn sửa sai những khuyết điểm của chính mình. Đây là một thái độ đạo đức giả tinh vi hơn. Nếu ở mức thứ nhất chỉ “xét đoán” thì ở mức thứ hai này mang nặng màu đạo đức kiểu như: “Dám góp ý, sửa sai và có ý tưởng giúp đỡ anh chị em nên tốt”.
Với thái độ này, người ta che cho mình một lớp áo đẹp, một vẻ bên ngoài đạo mạo, là muốn làm điều tốt cho người khác, muốn chỉ bảo, sửa dạy, thay vì xét đoán. Họ hướng về người khác với ý hướng cao hơn, nhưng không dám đối diện với Chúa và cũng chẳng đủ khiêm tốn để đối thoại với anh chị em về yếu đuối hay lầm lỗi của mình. Với những người này thì họ bị cái xà ngăn chặn không cho họ thấy những điều tốt đẹp nơi người khác, họ nghĩ rằng ai cũng tội lỗi xấu xa và có cái xà lớn trong mắt giống như họ tưởng. Vì thế, những lỗi lầm của anh chị em dù nhỏ như cái rác, họ cũng biến nó trở thành to lớn như cái xà.
Chúa Giêsu dạy “đừng xét đoán” người khác nhưng trước tiên hãy xét mình,bởi vì khi mình chưa loại bỏ được cái xà trong mắt mình, là những nết xấu và thành kiến của mình, thì mình không thể thấy và lấy được cái rác trong mắt anh em. Với cái nhìn tầm xa hơn, việc xét mình còn giúp mình nhận thức rõ hơn thân phận mình trước mặt Thiên Chúa: thân phận tội lỗi. Như thế, nếu chúng ta mong được Thiên Chúa phán xét với lòng thương xót, thì chúng ta cũng phải biết sống với anh chị em bằng lòng nhân ái bao dung.
Để giúp cho những người đạo đức giả, Chúa Giêsu mời gọi họ nỗ lực khiêm tốn nhìn nhận lầm lỗi, hãy sửa đổi tâm hồn, hãy “lấy cái xà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người khác”. Hãy sửa sai chính mình trước khi đứng ở nơi cao làm thầy dạy sửa bảo người khác. Hãy đứng về phía anh em để cầu xin lòng thương xót Chúa chứ đừng dành chỗ của Chúa mà “xét đoán” anh em.
Chúa Giêsu còn dạy: xem quả thì biết cây. Thời gian sẽ cho biết cây nào xấu, cây nào tốt, khi chúng ra hoa kết trái. Thời gian sẽ cho biết ai thật ai giả. Công trình xây dựng có giá trị hay không, mưa nắng sẽ chứng nghiệm chất lượng. Chúa cũng căn cứ vào kết quả để biết rõ ai là môn đệ thật. Ngươi môn đệ thật là cây tốt sinh trái tốt.
Thánh Giacôbê đã viết : “Chỉ có một Đấng ra Lề luật và xét xử, đó là đấng có quyền cứu thoát và tiêu diệt, còn bạn là ai mà dám xét đoán người thân cận” (Gia 4,12). Vì vậy, khi chúng ta xét đoán người khác và kết án họ, chúng ta đang tiếm quyền hay ‘ăn cắp’ quyền năng của chính Thiên Chúa.
Trong Tin mừng Luca, Thánh ký có thuật lại câu chuyện, Chúa Giêsu được mời đến tham dự 1 phiên tòa, xét xử người phụ nữ bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình. Rất nhiều ‘các đấng các bậc’ hoặc những nhân vật ‘tai to mặt lớn’ cũng có mặt trong phiên tòa ngày hôm đó. Mỗi người cầm trong tay một hòn đá, rất hỷ hả chờ giây phút tuyên án để ném vào phạm nhân. Nhưng, tình thế cuối cùng đã thay đổi hoàn toàn. “Ai trong các ông vô tội, cứ việc cầm đá mà ném trước đi.”
Dường như câu nói của Chúa Giêsu đã làm lay động lương tâm chai lỳ của đám đông khiến tất cả mọi người lần lượt bỏ ra về hết sạch, từ người lớn tuổi nhất đến người nhỏ tuổi hơn…Cuối cùng khi không còn ai, Chúa mới ôn tồn nói với người phụ nữ : “Tôi không kết án chị đâu. Chị hãy về đi và đừng phạm tội nữa.”. Mỗi lần chúng ta đến tòa cáo giải, Chúa cũng nói với chúng ta giống hệt như vậy. Mọi người chúng ta đều là tội nhân nhưng đã không bị Chúa kết án bao giờ. Vậy tại sao chúng ta lại dám to gan và lạnh lùng kết án lẫn nhau, nhất là nhiều khi chúng ta lại kết án một cách rất hồ đồ với nhiều ác ý. Đây là những sự vu khống rất thường hay xảy ra. Sự kết án với ác ý nhằm bôi nhọ người khác là 1 trọng tội, giống hệt như tội giết người. Ngạn ngữ tây phương có câu “Có một thanh gươm không bao giờ rỉ sét, đó là cái lưỡi của con người”. Thanh gươm không rỉ sét dùng để chém giết hay tàn phá danh dự lẫn nhau luôn là những công cụ rất nguy hiểm mà chúng ta phải hết sức cẩn trọng và đề phòng.
Khi Chúa Giêsu nói về những người biệt phái và về những tiến sĩ luật: “Hãy làm những điều họ nói và đừng làm như họ sống, họ đặt những gánh nặng cho người khác, còn họ không vác”. Chúng ta có thể chắc rằng họ phải nổi giận bất bình với lời tố cáo như thế vì họ không cho họ là giả hình. Chúng ta có tốt hơn họ chăng?
Chúng ta tố giác anh chị em mình, chê trách họ đủ điều sai trái, chúng ta thấy họ nhiều thiếu xót không thể tha thứ được, không thể khoan hồng, không thể thông cảm và không cần tử tế với họ. Chúng ta sẽ giật mình ghê sợ nếu họ cũng kết án chúng ta như chúng ta kết án họ, nếu họ bảo chúng ta biết rõ những lỗi lầm của chúng ta như chúng ta khám phá thấy nơi họ.
Chúa Giêsu không ngại quở trách những người không “biết mình”, mà chỉ soi mói anh em giống như những Pharisêu, luật sĩ là những kẻ giả hình: “Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!”.