skip to Main Content

ĐỪNG NÔ LỆ CHO TỘI

20.3 Thứ Tư trong tuần thứ Năm Mùa Chay

Đn 3:14-20,91-92,95; Đn 3:52,53,54,55,56; Ga 8:31-42

ĐỪNG NÔ LỆ CHO TỘI

Đối với người Do thái, tự do là quyền bẩm sinh của họ. Họ cho tự do một giá trị rất cao, đến nỗi luật quy định rằng, dù nghèo hèn đến đâu, người Do thái không thể bị hạ thấp xuống hàng nô lệ: “Nếu người anh em của ngươi lâm cảnh túng thiếu bên cạnh ngươi và phải bán mình cho ngươi, thì ngươi không được bắt nó làm công việc của người nô lệ” (Lv 25: 39).

Vì thế, khi Chúa Giêsu nói “sự thật sẽ giải phóng các ngươi”, thì họ nổi điên lên vì cho rằng Chúa Giêsu nói họ đang sống trong sự nô lệ và cần phải được giải phóng. Tuy nhiên, ở đây Chúa Giêsu không nói đến sự nô lệ về thể xác, mà về phương diện tinh thần: “Ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội” (Ga 8: 34).

“Nô lệ cho tội” là một mối tương quan giữa tôi tớ và chủ nhân. Trong mối tương quan này, người tôi tớ phải vâng lời chủ, vì họ thuộc về chủ. Tôi tớ không được làm theo ý riêng của mình. Họ bị ràng buộc với chủ nhân. Cũng vậy, khi chúng ta trở nên nô lệ cho tội lỗi, thì tội lỗi trở thành chủ nhân của chúng ta, còn chúng ta là tôi tớ, chúng ta không thể chống lại tội lỗi.

Tuy nhiên, tội lỗi lại ẩn nấp dưới nhiều hình thức khác nhau, nó có thể là: thú vui, sở thích… Đây là những điều chưa phải tội lỗi, nhưng nó là khởi đầu cho mọi tội lỗi. Ai cũng có thú vui hoặc sở thích trong cuộc sống, nhưng quan trọng là, chúng ta điều khiển thú vui và sở thích hay để chúng điều khiển chúng ta? Điều đó sẽ là khởi đầu cho tội lỗi.

Chúa Giêsu nói cho người Do Thái biết điều gì trói buộc họ khiến họ làm nô lệ, và điều gì sẽ giải thoát khiến họ được tự do. Điều trói buộc họ thành nô lệ là tội, nhất là tội tự mãn mình là con cháu Abraham nhưng không làm theo gương Abraham là mở rộng cõi lòng để tin vào Thiên Chúa và Đấng mà Thiên Chúa đã sai đến. Điều giải thoát cho họ được tự do là nghe lời Chúa Giêsu để biết Sự Thật, “Sự thật sẽ giải thoát con người”.

Đức Giêsu đã nói: Ai ở lại trong Ta thì biết sự thật và sự thật sẽ giải phóng cho kẻ đó được tự do. Sự tự do mà Đức Giêsu muốn nói ở đây là sự sống trong ân sủng của Thiên Chúa. Khi chúng ta phạm tội mất ơn thánh, nghĩa là chúng ta phải sống xa Chúa là sự tự do tuyệt đối. Khi phạm tội, chúng ta bị trói buộc vào con đường của ma quỉ, của những đam mê dục vọng. Chúng ta chỉ có thể sống hạnh phúc và tự do khi sống đúng địa vị làm con Thiên Chúa. Sự tự do ấy chỉ có được trong Đức Giêsu, khi chúng ta liên kết cuộc đời chúng ta với Ngài.

Trong bài Tin mừng, Đức Giêsu nói cho người Do thái biết điều gì đã trói buộc họ khiến họ phải làm nô lệ, và điều gì sẽ giải thoát họ để họ được tự do. Điều giải thoát họ khỏi nô lệ và được tự do: “Nếu các ngươi cứ ở trong lời Ta, các ngươi sẽ thật là môn đệ của Ta, và sẽ được biết sự thật, và sự thật giải thoát các ngươi”.

Giải phóng cho chúng ta tự do… Sự tự do mà Đức Giêsu muốn nói ở đây là sự sống trong ân sủng Thiên Chúa. Khi chúng ta phạm tội mất ơn thánh, nghĩa là chúng ta phải sống xa Chúa là sự tự do tuyệt đối. Sự tự do ấy chỉ có lại được trong Đức Giêsu, khi ta gắn bó lại, liên kết lại cuộc đời chúng ta với Ngài. Chúng ta chỉ có thể hạnh phúc khi sống địa vị làm con Thiên Chúa – con cái tự do.

Khi nguyên tổ Adong-Evà phạm tội lỗi nghịch cùng Chúa, ma quỉ đã đem tội lỗi vào trần gian. Và khi tội lỗi xâm nhập trần gian, con người đắm chìm trong tội, nô lệ cho mọi khuynh hướng xấu, bị giam hãm trong tội nguyên tổ, sự xuống cấp của một luân lý suy đồi “tội trần gian” và làm tôi cho ma quỉ. Tự sức mình con người không thể tự giải thoát mình, nên cần đến ơn Cứu độ. Đức Giêsu đã phải trả giá đắt để chuộc con người và đem con người trở nên con cái tự do. Đức Giêsu cũng khẳng định: “Kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi” (Ga 8,35).

Muốn được sống tự do, muốn giải thoát con người của mình khỏi những trói buộc của lỗi lầm và khuyết điểm, thì điều cần thiết trước tiên là phải biết sự thật về mình. Nhà văn văn Shakespeare nói: “Người dại thường nghĩ rằng mình khôn, còn người khôn lại tự biết mình dại”. Như vậy, chúng ta cần phải khôn ngoan. Có nhiều người bỏ xưng tội rước lễ cả mấy chục năm, nhưng khi đề nghị với họ nên xét mình xưng tội, thì họ trả lời: “Con chẳng có tội gì!”

Nhìn lại cuộc sống của mình, nhiều khi bị quở trách vì những điều này điều kia, chúng ta thường lý sự rằng: “Đó là sở thích của tôi, tôi làm theo sở thích của tôi chứ có ảnh hưởng gì đến anh đâu; tôi có tiền mà, tôi thích thì tôi mua; tôi có quyền, tôi thích thì tôi làm; anh có quyền và có tiền thì anh cũng làm như vậy đi…”. Dĩ nhiên, chúng ta có thể làm điều chúng ta thích. Nhưng sự thật là người phạm tội chẳng làm điều mình thích, mà làm điều tội lỗi thích. Nhưng mấy ai nhận ra vấn đề này trong “cơn lốc đam mê” của mình! Nhiều khi chúng ta để cho thói quen và sở thích bám chặt lấy mình đến độ không thể nào thoát ra được. Thời gian dần dần trôi qua với những thú vui và sở thích đó, đến một lúc chúng ta có thể lâm vào tình thế “vừa ghét” và “vừa yêu” sở thích và thú vui của mình. Chẳng hạn, cả ngày ngồi lướt Facebook coi hết video này đến video khác; chúng ta biết nó chiếm nhiều thời gian của chúng ta, nhưng chúng ta vẫn cứ cầm điện thoại lên bấm liên tục và lướt không rời tay! Vậy, trong những sở thích và thú vui đó, cái gì là chủ nhân? và ai là nô lệ? Chúng ta có tự do không hay chúng ta đang bị tội lỗi (thú vui, sở thích) điều khiển?

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã đưa ra một lời cảnh tỉnh cho đời sống của chúng ta. Lời cảnh tỉnh này mời gọi chúng ta nhìn lại đời sống của mình trước các hình bóng của tội lỗi được ẩn nấp dưới nhiều hình thức khác nhau. Qua đó, chúng ta lấy lại quyền làm chủ trước các thú vui và sở thích đang chiếm hữu cuộc sống của mình.

Chúng ta là những người mang danh hiệu Kitô hữu, là những người tự nhận mình là con cái Thiên Chúa. Tuy nhiên, danh xưng ấy không làm nên thực chất, cái áo không làm nên ông thầy tu, chỉ có danh hiệu bên ngoài và thậm chí ngay cả những việc đạo đức bên ngoài mà thôi, thì vẫn chưa làm nên một đời sống đức tin đích thực. Đức tin chân chính được thể hiện qua những việc làm công chính. Người ta thường nói “xem quả biết cây”, chúng ta đã suy nghĩ, nói năng, hành động như thế nào trong cuộc sống hằng ngày, nhất là trong Mùa Chay thánh này?

 

Back To Top