Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
ĐỪNG HÌNH THỨC
19.6Thứ Tư trong tuần thứ Mười Một Mùa Quanh Năm
2 V 2:1,6-14; Tv 31:20,21,24; Mt 6:1-6,16-18
ĐỪNG HÌNH THỨC
Tôn giáo là một tổ chức. Nhưng thực chất lại là mối liên hệ sâu xa và riêng tư giữa từng người với Thiên Chúa. Càng sâu xa và riêng tư hơn nữa khi đó là mối liên hệ Cha – Con. Vì thế các thực hành tôn giáo đúng nghĩa chỉ nói lên mối tình Cha – Con riêng tư. Không để khoe khoang thành tích. Không làm để cho người đời khen tặng. Thực tế đã có nhiều giả hình, phô trương trong sinh hoạt tôn giáo. Mượn đạo tạo đời. Đó là điều Chúa Giê-su cảnh báo: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiếng đánh trống, …Khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy…Khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả,…Còn anh, khi ăn chay, phải làm…để không ai thấy là anh ăn chay, ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh”.
Tin Mừng hôm nay ghi lại những lời dạy của Chúa Giêsu về tinh thần tu đức cần phải có, với nguyên tắc sống đạo: đừng làm việc lành có ý phô trương cho người ta thấy. Theo luật Môsê, bố thí, cầu nguyện, ăn chay là những việc lành cao quý, và người ta thường tổ chức các việc đạo đức đó cách công khai để thúc đẩy nhiều người tham gia. Chúa Giêsu không phản đối các việc đó, nhưng Ngài chỉ muốn người ta thực hiện chúng với ý hướng mới, đó là làm vì lòng yêu mến và tìm đẹp lòng Chúa hơn là để được người đời khen ngợi. Chẳng vậy, các việc đạo đức ấy có thể chỉ có hình thức, đấy là chưa nói đến trường hợp có nhiều người làm bộ cầu nguyện lâu giờ, ăn chay nhiều ngày, bố thí rộng rãi để dễ lừa gạt người khác.
Chúa Giêsu cảnh giác chúng ta đề phòng thứ đạo đức vụ hình thức. Nhưng việc đạo đức tự nó rất ích lợi cho bản thân, cho tha nhân và đáng được Thiên Chúa ban thưởng, với điều kiện chúng được thực hiện với ý ngay lành. Chúng ta cần thực hành các việc lành với ý hướng này, vì đó là lẽ sống, là niềm vui và là động lực cho cuộc đời hy sinh phục vụ của chúng ta.
Tất cả chúng ta đều nhìn nhận rằng những cách cư xử như vậy mà Chúa muốn chúng ta chấp nhận, đều là tuyệt hảo. Bố thí không khua chiêng đánh trống, cầu nguyện không để cho ai thấy, ăn chay không làm bộ rầu rĩ, ta muốn cho mọi người hành động như thế, và ta muốn mình cũng làm như vậy. Nhưng thực ra không phải dễ dàng đâu. Trong ta, mỗi người đều có một chút riêng tư, thực tế khó mà dứt ra được.
Ta thích cho người khác nhìn thấy việc tốt ta làm, cũng là thích phô trương những khía cạnh tốt của ta. Người ta phô trương mình, cũng là vì ý tốt và hàu như vô tình thôi.
Khi người khác có dụng ý khoe khoang, tìm những cử chỉ hợp thời để làm nổi bật mình, ta rất tinh để nhận ra điều đó. Lẽ nào ta lại không tinh tường đủ để nhận ra chính mình cũng mắc chứng tật đó khi tìm dịp để đặt mình lên bục cao sao?
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta phương thế để tìm kiếm và chọn lựa.
Thật thế, bố thí, cầu nguyện và ăn chay là ba nét chính yếu trong đời sống đạo của người Do thái, vì chúng diễn tả đến ba mối tương quan của con người. Có thể gọi “bố thí” là sự liên hệ đối với người khác, “cầu nguyện” là trao đổi, trò chuyện cùng Thiên Chúa và “ăn chay” là công việc liên quan đến chính bản thân mình.
Trong đời sống đạo chẳng thể bỏ qua ba công việc này, chúng rất cần thiết, vì đó là hình thức diễn đạt của con người hữu hình. Một tinh thần chịu sự lệ thuộc của thân xác, hình thức bên ngoài để bộc lộ bên trong. Tuy nhiên, cũng vì hình thức bên ngoài mà việc làm lại mang những ý nghĩa khác nhau, vì có người lợi dụng chiếc vỏ hình thức này để che giấu hoặc phô bày những khuyết điểm, nghĩa là thái độ giả hình. Thái độ giả hình này đã bị Chúa Giêsu thẳng thắn kết án. Những hạng người giả hình này, họ cũng bố thí, ăn chay, cầu nguyện, nhưng tựu trung chỉ để phô diễn cái tôi của họ để rồi đánh mất giá trị đích thực của công việc. Giá trị ít khi đi chung đường, và chính giá trị này sẽ hủy diệt giá trị kia.
Giữa Thiên Chúa và thế gian đã có một cách biệt rõ ràng; nếu chỉ tìm kiếm những giá trị trần gian thì con người khó lòng vươn tới được giá trị ở trong Thiên Chúa: “Họ đã được thưởng công rồi”. Lời nói nhẹ nhàng của Chúa Giêsu cũng là một tuyên bố dứt khoát đối với những ai mải mê chạy theo các giá trị trần thế, và dù người ta có muốn quay về với giá trị đích thực thì giấc mộng phù du cũng đã cản lối quay về.
Bố thí là một lời yêu thương nghĩ đến người khác, nhưng nếu bố thí chỉ muốn làm thỏa mãn cái tôi của mình thì làm sao thấy được kẻ khác. Cầu nguyện hướng về Thiên Chúa, thế mà chỉ quy về bản thân thì làm sao còn chỗ cho Thiên Chúa, còn biết Ngài ở đâu để trò chuyện. Ăn chay là một đền bù cho những gì sai lỗi, khiếm khuyết. Ăn chay được diễn tả như một khao khát được Thiên Chúa lấp đầy, thế nhưng nếu con người đã no thỏa với chính mình thì họ đâu cần đến Thiên Chúa. Đã tìm thấy giá trị nơi bản thân mình nên con người đánh mất giá trị quý báu do công việc đem lại.
Bởi thế, lời dạy của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay luôn là lời hướng dẫn cho người Kitô hữu khi hành động, không chỉ trong các việc làm căn bản của đời sống đạo, mà cả đến mọi công việc làm trong đời sống hằng ngày của con người. Công việc chỉ có giá trị khi người Kitô hữu biết nhìn công việc bằng ánh mắt của Đức Kitô, biết phân tích theo những tiêu chuẩn thẩm định của Thiên Chúa. Có thể người đời cho là thấp kém hoặc không ai biết đến. Tuy nhiên, Thiên Chúa Đấng thấu suốt mọi điều, Ngài sẽ thưởng công cho cách tràn đầy.
Khi sống đạo hình thức. Ta không có Chúa. Đạo thật buồn nản. Là gánh nặng. Nhưng khi sống nội tâm. Với một mình Chúa. Ta có niềm vui. Và sức sống. Vì Chúa sẽ đổ tràn niềm vui mừng hạnh phúc, trả lại cho ta.