Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Đừng đố kỵ
2.4 Thứ Bảy trong tuần thứ Tư Mùa Chay
Gr 11:18-20; Tv 7:2-3,9-10,11-12; Ga 7:40-53
Đừng đố kỵ
Càng ngày, Chúa Giêsu càng tiến đến gần lúc nguy hiểm. Dân chúng trước đây cách chung ủng hộ Ngài nay hoang mang, kẻ thì nói Ngài là Đức Kitô, kẻ khác không còn tin nữa, vì theo những kẻ này Đức Kitô không xuất thân từ Galilê mà phải xuất thân từ Bêlem thành của vua Đavít. Các thượng tế và biệt phái thì nóng lòng muốn bắt Ngài. Gamaliên lên tiếng bênh vực Ngài thì bị chụp mũ là đồng bọn Galilê với Ngài.
Lời Chúa trong Tin Mừng Thánh Gioan thuật lại hôm nay, soi sáng cho chúng ta thấy một thái độ sống rất cần thiết, một cách thế để nhận định và đánh giá về một người nào đó.
Khi nghe Chúa Giêsu giảng trong Đền thờ, dân chúng đã dị nghị về Ngài. Và khi nghe bài giảng xong, dư luận càng chia rẽ về nguồn gốc của Ngài. Bài Tin mừng cho biết dân chúng trước đây cách chung ủng hộ Ngài nay hoang mang, kẻ thì nói Ngài là Đấng Kitô, kẻ khác không còn tin nữa, vì theo những kẻ này Đức Kitô không xuất thân từ Galilê, mà phải xuất thân từ Belem thành của Đavít. Các thượng tế và biệt phái thì nóng lòng muốn bắt Ngài. Nicôđêmô lên tiếng bênh vực Ngài thì bị chụp mũ là đồng bọn Galilê với Ngài.
Chúa Giêsu là ai ? Đứng trước Chúa Giêsu, kẻ thì nhìn nhận Ngài là Con Thiên Chúa làm người, kẻ thì nghĩ Ngài là một vĩ nhân, một tiên tri có sứ mệnh đặc biệt nào đó, kẻ khác nữa thì cho là một người phàm như mọi người. Thế là người ta hoang mang chia rẽ nhau. Đó cũng là thái độ của người Do thái thời Chúa Giêsu như được thuật lại trong bài Tin mừng hôm nay.
Chúac Giêsu đã trở nên một dấu hỏi lớn. Mỗi người phải tìm một câu trả lời cho câu hỏi: “Đức Giêsu là ai ? Thật ra điều kiện chính yếu để có thể nhận biết Thiên Chúa, đó là thái độ khiêm tốn, vô tư, trung thực, gạt bỏ tự cao tự đại, thay đổi quan điểm, thành kiến, hy sinh quyền lợi riêng tư, để theo sự chỉ dẫn của Thiên Chúa. Người Do thái xưa đã không tin nhận Đức Giêsu là vì họ thiếu những điều kiện kể trên.
Ta quan sát đám đông dân chúng, một số người đã nghe Đức Giêsu giảng thì nhận định : “Ông này thật là vị ngôn sứ” ; “Ông này là Ðấng Kitô”. Nhưng Thánh Gioan lại cho biết thêm, có những người trước khi nghe giảng thì đã có những định kiến sẵn về nguồn gốc của Đức Giêsu rồi : “… Nào chẳng phải : Ðấng Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Ðavít và từ Bêlem, làng của vua Ðavít sao ?” Chúng ta nhận thấy sự khác biệt của hai thái độ nghe này : một là nghe bằng sự trong sáng, hai là nghe khi đã có định kiến, chắc chắn hai cách nghe này sẽ dẫn đến hai cách hành xử khác nhau.
Thánh Gioan cũng cho thấy một nhóm người khác là các vệ binh, những người này được sai đi để bắt Đức Giêsu, nhưng họ đã trở về với các thượng tế và người Pharisêu rồi trả lời họ : “Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy !”. Nhóm người thứ hai này có một thái độ khác, họ không chỉ nghe với tất cả sự trong sáng mà thôi, nhưng họ còn biết so sánh và nhận định “xưa – nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy”…, cuối cùng họ mới đưa ra một kết luận và quyết định cách hành xử, quay trở về và không tra tay bắt Chúa Giêsu nộp cho các thượng tế.
Các thượng tế, biệt phái và người Pharisiêu dường như lại có thái độ ngược lại, họ không chịu lắng nghe, mà nếu có nghe, thì họ đã có những định kiến rồi. Họ chẳng nghe cho kỹ, hiểu cho sâu. Họ cũng chẳng so sánh, chẳng nhận định, chẳng diện đối diện như các vệ binh. Trái lại họ dựa vào ý kiến của một số người để kết luận“Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pharisêu, đã có một ai tin vào tên ấy đâu ?” (Câu 48). Sau khi dựa vào một số người, không thấy có gì thuyết phục, họ dựa vào “lề luật” để kết luận “Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa !” (Câu 49). Thái độ đánh giá người khác dựa vào: định kiến, dựa vào lề luật, dựa vào nguồn gốc xuất thân của người đó, dựa vào tiếng nói của một số người mạnh thế, chắc chắn không phải là một thái độ của Tin Mừng.
Rất may mắn cho chúng ta, là đoạn Tin Mừng còn nói đến một nhân vật khác nữa, một Pharisêu, người tên là Nicôđêmô, trước đây đã đến gặp Ðức Giêsu ; ông nói với họ : “Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không ?”. Vâng, lời nói của ông Nicôđêmô thật đáng cho mọi người suy nghĩ. Ông xứng đáng là một người trong giới lãnh đạo. Ông cũng dựa vào “lề luật”, nhưng không phải là để bắt bẻ, dèm pha. Ông tìm thấy sự nghiêm túc của “lề luật”, sự liên quan đến luật hoàn hảo là đức ái, muốn kết án ai phải nghe và biết người ấy đã làm gì.
Như vậy, muốn kết luận hay đánh giá về một người nào đó, Tin Mừng hôm nay dạy chúng ta : trước tiên phải biết lắng nghe, nghe cả những người hèn kém thấp cổ bé miệng nhất; nghe với toàn bộ sự trong sáng của tâm hồn, không dựa vào định kiến, không dựa vào vị thế hoặc nguồn gốc xuất thân của người đối diện; cũng không dựa vào một nhóm người nào đó ủng hộ hoặc về phe của mình; cuối cùng, sau khi nghe phải đến tận nơi tìm hiểu để biết người ấy đã làm gì, rồi mới được kết luận hành xử.
Chúa Giêsu đã trở nên một dấu hỏi lớn. Mỗi người phải tìm một câu trả lời cho câu hỏi “Giêsu là ai ?”. Câu trả lời của tôi thế nào: đối với tôi, Giêsu là Đấng để tôi chạy tới xin ơn ? Là Đấng nhân từ luôn thông cảm tha thứ ? Là người rắc rối hay đặt vấn đề cho lương tâm tôi ? Là đấng mà tôi phải trung thành đi theo, cho dù phải theo trên con đường Thập giá ?
Trong khi nhiều người chống đối Chúa Giêsu, nhiều người khác hoang mang không xác định rõ lập trường, thì Gamaliên đã can đảm lên tiếng bênh vực Ngài. Chung quanh chúng ta ngày nay cũng có nhiều người chống đối hay chưa hiểu Chúa Giêsu. Tôi có can đảm như Gamaliên không ?
Qua bao nhiêu thế hệ, kể từ khi Chúa Giêsu xuống trần gian rao giảng Tin Mừng, thực hiện ơn cứu rỗi cho con người, mở đầu một giai đoạn lịch sử cứu rỗi mới, nhưng lúc nào cũng có những con người cứng lòng chối bỏ Chúa. Và ngược lại thì cũng có nhiều tâm hồn chân thành tin yêu Chúa, sống kết hợp với Chúa như trường hợp các vị chư thánh trong Giáo Hội.
Ước gì Lời Chúa hôm nay soi sáng tâm hồn và cuộc đời chúng ta, để chúng ta biết cách nhìn người khác, lắng nghe và hiểu ngọn nguồn trước khi có kết luận đánh giá.
Đối với chúng ta ngày nay, chúng ta đã tin nhận Đức Giêsu, nhưng chúng ta có thực hiện Lời Chúa dạy bảo không ? Đức tin không việc làm là đức tin chết. Mùa Chay là ăn năn sám hối và sửa đổi đời sống, chúng ta hãy nghe Lời Chúa kêu gọi: “Hôm nay nếu anh em nghe Lời Chúa, thì đừng cứng lòng nữa”.