Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Đừng bưng tai bịt mắt
20.9 Thánh Andrê Kim, Lmtđ, Phaolô Chong, và các Bạn Tử Đạo
1 Tm 3:14-16; Tv 111:1-2,3-4,5-6; Lc 7:31-35
Đừng bưng tai bịt mắt
Hôm nay Giáo Hội cho chúng ta mừng lễ kính thánh Andrê Kim và Thánh Phaolô Chung cùng các bạn tử đạo tại Giáo Hội Đại Hàn.
Phải nói Giáo Hội Đại Hàn đã được bắt đầu như một phép lạ. Nói theo cái nhìn của Chúa Giêsu thì Giáo Hội đó được bắt đầu như một hạt cải nhỏ bé nhưng bây giờ nó đã lớn lên, lớn lên mạnh mẽ và oai hùng trước sự kinh ngạc vả cảm phục của nhiều người.
Nào có ai ngờ được rằng chỉ có một người. Người đó tên là Li Sung Hung. Người ta gọi Li Sung Hung là một học giả. Li Sung Hung đã đến Bắc Kinh năm 1784. Li Sung Hung được học đạo và rửa tội tại đây. Sau khi được trở thành một Kitô hữu, Li Sung Hung thấy mình là người được hạnh phúc. Li Sung Hung đã không muốn một mình vui hưởng niềm hạnh phúc đó. Li Sung Hung muốn chia sẻ niềm hạnh phúc đó cho đồng bào ruột thịt trên quê hương đất nước của mình. Thế là chỉ với một ít sách báo, tài liệu hiếm hoi, Li Sung Hung đã lên đường về nước rồi với nhiệt tình nóng bỏng truyền giáo, Li Sung Hung đã làm cho ngọn lửa Đức tin được bùng cháy lên.
Việc làm lúc đầu tưởng chừng chỉ là đơn độc và khó lan truyền, thế nhưng như lời Chúa tiên báo ngọn lửa đó đã bùng cháy lên.
Một Giáo Hội đã được thành hình. Không linh mục, thậm chí không có một nhà truyền giáo, chỉ có một giáo dân, rồi từ từ lan toả, từ từ lớn lên, bất chấp mọi trở ngại, bất chấp mọi khó khăn nhất là những hiểu lầm lúc khởi đầu.
Rồi ngay sau đó, nhờ những nỗ lực của một nhóm học giả Hàn quốc tìm tòi, nghiên cứu về đức tin công giáo qua các sách vở mà ông Li Sung Hung đã mang về từ Trung Hoa, những người giáo dân Hàn quốc này bắt đầu dạy giáo lý cho những người khác và rửa tội cho họ. Mãi tới 11 năm sau (1784- 1795), nhờ sự học hỏi tìm hiểu sâu rộng, nhóm giáo dân công giáo đầu tiên này mới bắt đầu nhận thấy: họ cần có một linh mục. Thế là một đại diện ngoại giao đoàn đã được gửi sang Bắc kinh. Đức giám mục Bắc kinh đã chấp thuận ngay lập tức. Và vào năm 1795, cha Chumuymô, vị linh mục thuộc giáo phận Bắc kinh đã chính thức được cử sang Đại hàn và trở thành nhà truyền giáo đầu tiên tại đây.
Giáo hội Đại Hàn bắt đầu lớn lên và càng ngày càng lớn nhanh, lớn mạnh. Thế nhưng cũng như bất cứ Giáo hội nào của Chúa, như một định luật chung, cứ bắt đầu thành hình, lớn lên là bắt đầu chịu nhiều cản trở, cấm đoán cản ngăn, thậm chí nhiều khi còn đi đến chỗ bị bắt bớ tiêu diệt.
Giáo Hội Đại hàn đã phải trải qua một cơn đại hoạ kéo dài 100 năm như thế.
Trong khoảng thời gian kéo dài gần 100 năm đó, lịch sử còn ghi lại con số 103 vị tử đạo. Trong số 103 vị tử đạo này có 92 giáo dân thuộc đủ mọi giai cấp trong xã hội, 45 người nam và 47 phụ nữ. Nổi bật nhất là vị linh mục đầu tiên tại đất nước Hàn quốc là Andrê Kim Têgôn và mười nhà truyền giáo Pháp. Trong số 103 vị tử đạo, 79 vị đã được phong chân phước năm 1925, họ là nạn nhân của cuộc bách hại đầu tiên, và 24 vị được nâng lên hàng chân phước năm 1968, là nạn nhân của cuộc bách hại sau này.
Cha Chumuymô cũng được phúc tử đạo. Cùng chịu tử đạo với ngài lúc đó, có khoảng 300 người mới trở lại đạo trong đó có ông Phaolô Chung, một nhân công trong một xưởng dệt dây thừng, một gương mặt tiêu biểu cho những người công nhân, đã được rửa tội năm 30 tuổi, và đã hoạt động tích cực trong việc truyền bá đức tin công giáo bằng cách giấu ẩn các tín hữu trong vùng khi họ đến nhận lĩnh các bí tích. Ông đã bị bắt vào năm 1839, bị tống ngục và bị tra tấn dã man. Vì không chịu đựng được những cực hình, ông đã đồng ý chối đạo, và được trả lại tự do. Tuy nhiên, sau đó ông hối hận và trở lại nói với chánh án, là ông muốn rút lại lời tuyên bố chối đạo. Một lần nữa, ông bị bắt giam tù và bị đánh đập. Ông chết vì các vết thương làm độc, năm ấy ông 41 tuổi.
Năm 1984, Giáo hội công giáo Hàn quốc mừng lễ kỷ niệm 200 năm ngày học giả trẻ tuổi Li Sung Hung đến Bắc Kinh năm 1784, được rửa tội tại đây, đoạn trở về quê hương với một số sách đạo và một ánh lửa đức tin, để rồi sau đó làm bùng cháy ngọn lửa đức tin công giáo tại Hàn quốc.
Ngày 6.5.1984, tại Seoul, Nam Hàn, trong một thánh lễ phong thánh đầu tiên được cử hành ngoài Rôma kể từ thế kỷ XIII, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nâng 103 vị tử đạo lên bàn thờ và gọi dịp này là ngày vui mừng nhất, ngày trọng đại nhất trong lịch sử Giáo hội Công giáo tại Hàn quốc.
Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã phải buồn phiền mà thốt lên rằng: “Ta phải ví thế hệ này với ai đây?” Chúa đến để loan báo Tin mừng cho dân Ngài; ấy vậy, họ sống nửa vời với Ngài; họ nóng cũng không nóng hẳn, lạnh cũng không lạnh hẳn. Họ không hẳn tuyệt đối tin tưởng vào Ngài và cũng không hẳn ra mặt tảy chay Ngài.
Lý do dân Chúa sống nửa vời với Chúa ấy là thời bấy giờ người ta đã có sẵn trong đầu hình ảnh một đấng Mêsia đầy uy quyền và sẽ lãnh đạo dân chúng làm một cuộc cách mạng đẫm máu để lật đổ đế quốc La Mã và xây dựng lại một vương quốc Israel hùng cường, thịnh vượng như thời vua Đavít; nhưng đến khi Đức Giêsu, Đấng Mêsia đích thực, xuất hiện, thì xem chừng Ngài chẳng được uy quyền như họ nghĩ, vì thế họ bán tín bán nghi và dửng dưng với Ngài. Đang khi họ mong chờ Ngài phải làm cuộc cách mạng lật đổ đế chế La Mã, thì Ngài lại “đi la cà với quân thu thuế và phường tội lỗi”! Họ đâu biết rằng Đấng Mêsia đích thực đến trần gian để giải thoát tâm hồn người ta khỏi ách thống trị tội lỗi và sự chết đời đời! Còn với một thể chế trần gian, nếu tự nó đã chất chứa mầm mống của tội lỗi và sự gian ác thì nó sẽ tự hủy diệt chính nó trong sự gian ác của nó, chứ Chúa không đến để làm một cuộc cách mạng đẫm máu để lật đổ nó, vì làm như thế sẽ là sự ác chồng chất thêm sự ác, máu đổ thêm máu. Chúa đến để xây dựng một vương quốc của tình thương, vương quốc của sự hy sinh, tha thứ để hóa giải mọi hận thù, oán ghét. Và khi vương quốc này triển nở và thịnh vượng trong lòng nhân thế, thì tự khắc các thể chế, các cơ cấu của tội lỗi và sự gian ác sẽ bị sụp đổ.
Chúa Giêsu muốn lên án thái độ cố chấp, ngoan cố của những người Biệt phái và Luật sĩ. Dù thông hiểu Kinh Thánh và chứng kiến những phép lạ, công việc mà Chúa Giêsu đã thực hiện như lời Kinh Thánh tiên báo, nhưng họ vẫn khước từ tin nhận và tìm mọi lý lẽ để không chấp nhận Ngài là Con Thiên Chúa. Họ cố chấp đến mức độ: Ông Gioan Tẩy giả sống đời sống khổ hạnh “không ăn bánh, không uống rượu” thì họ bảo ông bị quỷ ám. Còn Chúa Giêsu sống hòa nhập, gần gũi với mọi người “cũng ăn cũng uống như ai” thì họ lại bảo Người là tên ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi”.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta nhiều khi cũng như những người Biệt phái và Luật sĩ xưa, luôn sống với cái tôi và ý riêng của mình, “bưng tai bịt mắt” không tìm kiếm, không lắng nghe và thi hành thánh ý của Thiên Chúa trong cuộc đời này. Thậm chí, chúng ta còn muốn Thiên Chúa phải làm theo những điều mình ước mong và muốn người khác phải phục vụ mình. Nếu như chúng ta luôn giữ và sống thái độ này trước Thiên Chúa thì chúng ta khó mà có thể đón nhận được ơn cứu độ của Người thương ban. Xin cho mỗi người biết mặc lấy sự khôn ngoan của con cái Thiên Chúa, đó là sự khôn ngoan của trẻ thơ luôn đơn sơ, tin tưởng và phó thác vào Chúa.