skip to Main Content
Lịch Sử đức Mẹ Măng đen

Đức Mẹ Măng Đen Với Quyền Năng Của Hai Bàn Tay Cụt

ĐỨC MẸ MĂNG ĐEN, GIÁO XỨ KON-XƠM-LUTH

 GIÁO PHẬN KONTUM

ĐỨC MẸ MĂNG ĐEN Với Quyền Năng Của Hai Bàn Tay Cụt

-Ngày 03 tháng 01 năm 2008 tôi được may mắn hành hương với nhóm Anh em hèn mọn Vườn Mít-Pleiku đến cầu nguyện trước tượng đài Đức Mẹ Măng Đen, cách thị xã Kontum 52km về hướng đông bắc, và cách thành Phố Pleiku 100km. Địa điểm Măng Đen nằm trong huyện Kon Plông của tình Kontum, nên người ta cũng gọi là Đức Mẹ Kon Plông. Trước đây, tôi đã được diễm phúc hành hương tới một số trung tâm Thánh Mẫu như La Salette, Lộ Đức, La Vang…, nhưng chính tại Măng Đen này tôi trải nghiệm những cảm xúc mãnh liệt nhất khi cầu nguyện với Đức Mẹ. Không hiểu vì sao?… Tôi đã quen với hình ảnh Đức Mẹ đẹp và trang trọng trong nghệ thuật hội họa và tạo hình của Giáo Hội cả phương Tây lẫn phương Đông, với những bức tượng thánh và những tác phẩm điêu khắc tuyệt vời, xứng với những đặc ân vĩ đại Thiên Chúa ban cho Mẹ và những tước hiệu cao quý Giáo Hội gắn cho Mẹ. Tại Măng Đen, lần đầu tiên, tôi nhìn thấy một pho tượng Đức Mẹ với gương mặt không đẹp, và vẻ xấu xí thể hiện nổi bật nhất nơi hai bàn tay cụt. Khi nhẩm đọc những kinh Kính Mừng, không hiểu vì sao tôi liên tưởng một cách tự nhiên tới những người khuyết tật, những bệnh nhân phung cùi, bệnh nhân Aids-Siđa, và cả anh em dân tộc thiểu số nữa. Tôi cảm thấy sốt sắng đến rưng rưng nước mắt khi cầu nguỵện cho họ. Và tôi cũng gửi gắm cho Đức Mẹ Măng Đen một vài ước nguyện thiết tha của nhóm Anh em hèn mọn Vườn Mít chúng tôi đang gặp khó khăn trong việc truyền giáo cho anh em dân tộc. Tôi chú mục cách riêng vào hai bàn tay cụt của Đức Mẹ, và thế là tự thâm tâm nảy ra đề tài suy niệm: “Quyền năng của hai bàn tay cụt nơi Đức Mẹ Măng Đen”.

I.- Trở về nguồn cội thánh kinh

  1. Trong Kinh Thánh, bàn tay, hoặc cánh tay, nhất là cánh tay phải, là biểu tượng của uy quyền và sức mạnh Thiên Chúa. Chính bàn tay Thiên Chúa đã làm nên trời đất (Is 66,2), cánh tay uy quyền và sức mạnh vĩ đại của Người đã tạo thành càn khôn (Ge 32,17). Cánh tay uy quyền của Đức Chúa đã được tỏ cho ai (Is 53,1)? — Người đã vung cánh tay thần thánh của Người trước mặt muôn dân (Is 52,10), nhất là trước mặt dân Ai Cập để giải phóng dân riêng Người tuyển chọn khỏi ách nô lệ (x. Đnl 4,34; Cv 13,17…). Chính Đức Maria đã tuyên xưng niềm tin như thế trong bài ca Magnificat:”Chúa giơ tay (chính xác là “cánh tay”) biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng…”(Lc 1, 51). Bàn tay Thiên Chúa cũng biểu hiện sự che chở, tạo nên sự an tòan (x. Tv 31,6 ). Theo nghĩa đó, Đức Giêsu đã thốt lên lời nguyện cuối cùng trên Thánh Giá:”Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha ( Lc 23.46).

  1. Có lúc, Kinh Thánh cũng dùng “ngón tay” đồng nghĩa với “cánh tay và bàn tay”2. ”Ngắm tầng trời tay (chính xác là “ngón tay”) Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài” (Tv 8,4)3.Ngòai ra, ít nhất hai lần, Cựu Ước đã ghi lại sự kiện Thiên Chúa viết bảng Thập Giới với ngóntay của mình (x. Xh 31,18 và Đnl 9,10). Trong trường hợp này, ngón tay là biểu tượng của năngquyền lập pháp. Trong câu chuyện người phụ nữ ngọai tình bị nhóm Pharisêu dẫn tới trước mặtĐức Giêsu, khi Đức Giêsu cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất…và chờ họ trả lời…(x. Ga 8, 6),phải chăng cử chỉ ấy cũng ám chỉ năng quyền của Người làm ra luật mới, luật bác ái vô hạn (x.Mt 5,43), luật tha thứ mãi mãi (x. Mt 18, 22)? Một điều chắc chắn là, khi Đức Giêsu trừ quỷ, thìlời tuyên bố của Người đã được Luca và Matthêu ghi lại với một chi tiết từ ngữ khác biệt, nhưngnội dung chính yếu vẫn giống nhau: -”…nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Lc 11, 20); -“…nếu tôi dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông”(Mt 12,28). Từ đó Giáo Hội đã hiểu: “ngón tay Thiên Chúa” chính là biểu tượng của Chúa Thánh Thần. Thế nên trong bài thánh thi “Veni Creator Spiritus…” (“Lạy Chúa Thánh Thần Sáng Tạo, xin ngự đến…”), Giáo Hội gọi Ngôi Ba Thiên Chúa là “Ngón tay nơi bàn tay bên phải của Chúa Cha” ( ”Digitus paternae dexterae”).

-1 Xem Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh, mục “Cánh tay & Bàn tay” (VTB “Bras & Main).

-2 Xem Bibel-Lexikon (Từ Vựng Thánh Kinh), mục “Finger” (“ngón tay”) của A. van den Born.

-3 Phải chăng vì hiểu là đồng nghĩa, hay đúng hơn vì yếu tố tiết điệu của câu văn, nên bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ đã đánh rơi “ngón” và chỉ giữ lại “tay”? Tương tự như thế đối với “cánh tay” và “tay” trong Lc 1,51 vừa trích dẫn trên đây.

  1. Cách hiểu của Giáo Hội trong Phụng Vụ về các cụm từ “ngón tay”,”bàn tay” và “cánh tay Thiên Chúa” như là biểu tượng của Chúa Thánh Thần có thể giúp chúng ta khám phá ra một ý nghĩa đặc biệt của hai bàn tay cụt nơi pho tượng Đức Mẹ Măng Đen.

3.1. Thật vậy, Đức Trinh Nữ Maria, “Đấng-Đầy-Ân-Sủng”(x. Lc 1,28), đã được đặc ân cưu mang Con Đấng Tối Cao bằng một cuộc thụ thai đồng trinh bởi quyền năng Chúa Thánh Thần: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc1,35). Cuộc giáng sinhcủa Ngôi-Lời-Làm-Người có thể coi như khởi đầu của một cuộc tạo dựng mới do Chúa ThánhThần, Ngón Tay hoặc Quyền Năng của Thiên Chúa thực hiện (x. St 1,2; Lc 1,35). Quyềnnăng Thiên Chúa bao bọc Đức Maria. Quyền năng Thiên Chúa cũng thâm nhập tòan diện conngười Đức Giêsu khi Ngôi Lời đầu thai trong lòng Đức Trinh Nữ. Đó là lúc Chúa Cha “ban Thánh Thần vô ngần vô hạn”cho Đức Giêsu (x. Ga 3,34) hoặc dùng Thánh Thần đầy quyềnnăng như dầu thiêng mà xức cho Người (x. Cv 10,38). Đối với Đức Maria cũng như ĐứcGiêsu, được đầy Thánh Thần có nghĩa là “đầy ân sủng” (x. Lc 1,28; Ga 1,14), “đắc sủng với Thiên Chúa”, “đẹp lòng Thiên Chúa” (x. Lc 1, 30; Mc 1,11…), và “được chúc phúc”(Lc1,42). Chính Đức Trinh Nữ Maria đã ý thức rõ về điều này trong bài ca Magnificat: “Từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”, vì “Đấng Tòan năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả”(Lc 1, 48-49), khi Người đóai nhìn thân phận khiêm nhường của nữ tỳ Người (Lc 1,48),cũng như “Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường”(Lc 1,52) và “giơ cánh tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng”(Lc 1,51). Nói tóm lại, cánh tay, bàn tay hoặc ngóntay của Thiên Chúa là chính Chúa Thánh Thần, Đấng luôn họat động trong Đức Giêsu và ĐứcMaria..

3.2. Mẫu số chung ấy tạo nên sự tương đồng cơ bản giữa Mẹ Maria và Chúa Giêsu: tương đồng về thái độ vâng phục Thiên Chúa và sẵn sàng hiến dâng chính mình cho Thiên Chúa sử dụng để thực hiện chương trình của Người (x. Lc 1,38; Dt 10,7.9); tương đồng trong đời sống cầu nguyện diễn ra dưới tác động của Chúa Thánh Thần (x. Lc 1,46-55; Lc 10,21). Mẫu số chung ấy mở đường cho Mẹ Maria thông dự một cách đặc biệt vào sứ vụ cứu thế của Chúa Giêsu, mà biểu hiện cao nhất là sự tự hủy và tự hạ tột độ nơi Thập Giá (x. Pl 2,6-8). Thế nên, sự hiện diện của Mẹ Maria dưới chân Thánh Giá (x.Ga 19,25-27) mang một ý nghĩa trọng đại và sâu sắc đặc biệt.

3.3. Đức Giêsu ý thức mình là “Đầy Tớ” hoặc “Tôi Trung” của Đức Chúa Giavê (x. Mt20,28; Mt 12,15-21 // Is 42,1-4; Mt 26,28 // Is 53,4-12…). Đức Maria cũng biết mình là “Nữ Tỳ, Nữ Tỳ khiêm hạ của Chúa” (Lc 1, 38. 48). Điểm liên kết sâu sắc nhất Trái Tim Mẹ với Trái Tim Chúa Giêsu, chính là ý thức về thân phận tôi tớ trong mầu nhiệm tự hủy và tự hạ nơi Thập Giá. Công Đồng Vatican II diễn tả sự hợp nhất đó như sau:”…Đức Trinh Nữ cũng đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, trung thành hợp nhất với Con cho đến bên Thập Giá, là nơi mà theo ý Thiên Chúa, ngài đã đứng đó (x. Ga 19,25). Đức Maria đã đau đớn chịu khổ cực với Con Một của mình và dự phần vào hy lễ của Con, với tấm lòng một người mẹ hết tình ưng thuận hiến tế hy vật do lòng mình sinh ra…”(GH 58). “…đặc biệt hơn mọi người khác, Đức Maria là cộng sự viên quảng đại và tôi tá khiêm hạ của Chúa. Vì đã cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa Kitô, đã dâng Chúa Kitô lên Chúa Cha trong đền thánh và cùng đau khổ với Con mình chết trên thấp giá, Đức Maria đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Đấng Cứu Thế nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy, và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy, trên bình diện ân sủng, ngài thật là Mẹ chúng ta” (GH 61). Đó là nhận thức thần học của Giáo Hội.

3.4. Trong Phụng vụ, Giáo Hội đã thiết lập lễ nhớ Đức Mẹ Sầu Bi vào ngày 15 tháng 9, liền sau lễ Suy Tôn Thánh Giá Chúa Giêsu (bậc lễ kính) ngày 14/9.

3.4.1. Nơi Nhà Thờ, Nhà Nguyện và cả tại tư gia nữa, rất nhiều mẫu ảnh chuộc tội (tức là Thánh Giá có Chúa Giêsu chịu đóng đinh) diễn tả một cách hết sức ấn tượng chân dung người “Tôi Tớ Đau Khổ của Đức Chúa Giavê”: “chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích…Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn…”(Is 53, 2-3). Và điều nghịch lý lạ lùng nhất, chính là khi hai bàn tay của Chúa Giêsu bị đóng đinh vào Thập Giá, nghĩa là theo logic nhân lọai, đã mất hết khả năng hành động, thì theo cách hiểu sâu sắc của thánh Gioan, đó lại là lúc Người chứng tỏ mình là “Đấng Hằng Hữu”hợp nhất với Chúa Cha Hằng Hữu (x. Ga 8,28) và có khả năng “lôi kéo mọi người lên với mình”(Ga 12,32). Sức mạnh phi thường ấy chính là Chúa Thánh Thần, Ngón tay của Thiên Chúa hằng ở với Chúa Giêsu và đã từng giúp Người khử trừ Satan (x. Mt 12,28; Lc 11,20). Cũng chính Chúa Thánh Thần đã “thúc đẩy Người tự hiến tế như lễ vật vẹn tòan dâng lên Thiên Chúa”(Dt 9,14). Và lúc hai bàn tay Đức Giêsu bị vô hiệu hóa trên Thập Giá, thì Chúa Thánh Thần, Ngón Tay quyền năng của Thiên Chúa, hành động thay cho Đức Giêsu để lôi kéo mọi nguời đi vào mầu nhiệm Vượt Qua của Con Thiên Chúa, và làm cho họ cùng chịu đóng đinh với Người, để được Chúa Cha lôi kéo đi theo Chúa Con vào vinh quang của cuộc siêu thăng trong biến cố Phục Sinh. Nói rằng “Chúa Cha lôi kéo”(x. Ga 6,44), điều đó có nghĩa Người lôi kéo bằng Ngón Tay đầy sức mạnh của mình là Chúa Thánh Thần. Và nói rằng “Chúa Giêsu lôi kéo”(x. Ga 12,32), điều đó có nghĩa Chúa Giêsu hiệp lực với Chúa Cha (x. Ga 5,17; 10,30) lôi kéo chúng ta, và Người lôi kéo chúng ta cũng bằng chính Ngón Tay thần linh kỳ diệu ấy.

3.4.2. Tương tự như thế, Đức Maria, người Nữ Tỳ Đau Khổ của Thiên Chúa, chỉ “thiêng”, chỉ mạnh và chỉ có quyền năng trong Chúa Thánh Thần, mà Đức Giêsu đã từng gọi là ngón tay Thiên Chúa. Tình trạng cụt tay, và sự xấu xí của pho tượng Đức Mẹ Măng Đen có khả năng biểu hiện sự hiệp thông và hiệp nhất sâu sắc của Đức Mẹ với Con của mình và sự thông dự trọn vẹn của Mẹ vào trạng thái tự hủy, tự hạ tột độ của Chúa Giêsu nơi Thập Giá. Thật vậy, người Nữ Tỳ Khiêm Hạ và Đau Khổ của Chúa đã xuất hiện trong Phúc Âm, từ thời ban đầu đến cuối cuộc đời trần thế của Ngôi Lời Nhập Thể, như người Mẹ bị lưỡi gươm đâm thâu tâm hồn (x. Lc 2,35), lưỡi gươm ấy trở nên giống như lưỡi đòng đâm thâu Trái Tim đã ngừng đập của Chúa Giêsu trên Thập Giá (x. Ga 19,34), nhưng chính Trái Tim bén nhạy của Mẹ cảm nhận nỗi đau xé lòng ấy dưới chân Thập Giá thay cho Con mình. Hai bàn tay Chúa Giêsu lúc bị đóng đinh, càng trở nên mạnh mẽ. Cũng thế, dường như Đức Mẹ Măng Đen muốn cho mọi người hiểu rằng hai bàn tay của Mẹ tuy bị cụt, nhưng vẫn “thiêng” và hữu hiệu nhờ Chúa Thánh Thần. Thế vào chỗ hai bàn tay hữu hình bị cụt của Đức Mẹ, là Ngón Tay vô hình đầy sức mạnh của Đấng Tòan Năng, nghĩa là chính Chúa Thánh Thần. Ngón Tay thần linh ấy lôi kéo nhiều người đến với Chúa Giêsu qua lời chuyển cầu của Mẹ (x. Ga 2,3), lời dạy bảo của Mẹ (x. Ga 2,5) như tại tiệc cưới Cana, tại đó sự hiện diện và lời nói của Mẹ đã góp phần củng cố đức tin cho các môn đệ (x. Ga 2,11); qua sự hiện diện của Mẹ dưới chân Thập Giá (x. Ga 19, 25-27), tại đó Chúa Giêsu đã trăng trối môn đệ Gioan cho Mẹ trước tiên; và qua sự liên đới của Mẹ với Giáo Hội đang nghe giảng Lời Chúa, đang cầu nguyện, đang cử hành Nghi Lễ Bẻ Bánh và đang hiệp thông trong đức bác ái và sự chia sẻ của cải vật chất (x. Cv 1,14; 2,42- 46). Ngón Tay thần linh thay thế hai bàn tay cụt của Đức Mẹ Măng Đen củng cố đức tin cho các Kitô-hữu, lôi kéo những người chưa biết Chúa Giêsu đến với Chúa Giêsu qua Mẹ Maria (“Ad Jesum per Mariam”), thoa dịu nỗi đau và chúc lành cho những người đau khổ và bất hạnh, như những người khuyết tật, những bệnh nhân phung cùi, bệnh nhân Aids-Sida, và tất cả những ai bị gạt ra bên lề xã hội, trong số đó đáng quan tâm đặc biệt hiện nay là nhiều nhóm dân tộc thiểu số.

(Bài của Lm Phi Khanh Vương Đình Khởi, ofm)

Back To Top