Cơ cấu tổ chức và phẩm trật của Giáo hội…
ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ: YÊU TỐT ĐỂ NÓI TỐT – NHỮNG THÁCH THỨC NHÂN NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI 2023
ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ:
YÊU TỐT ĐỂ NÓI TỐT – NHỮNG THÁCH THỨC NHÂN NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI 2023
Sr. Hosea Rupprecht
Bạn đã có bao giờ nghe biết về Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội chưa? Nếu chưa, thì cũng không sao, và đây là dịp để bạn trải nghiệm về ngày này.
Vào Chúa Nhật trước Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Giáo hội cử hành việc nhìn nhận Truyền thông xã hội như là một món quà Thiên Chúa ban cho nhân loại, và như một tiềm năng tuyệt vời đối với việc Phúc âm hoá. Ngày này cũng nhắc nhở Giáo hội tận dụng các công nghệ truyền thông để loan báo Tin Mừng, truyền bá điều tốt đẹp, đồng thời giáo dục con cái mình suy tư cách nghiêm túc về những sứ điệp dành cho ngày này.
Năm nay ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 57 sẽ được cử hành vào Chúa nhật ngày 21. 5, và Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi sứ điệp với chủ đề “Nói bằng trái tim”.
Chúa Giêsu đã từng cảnh báo những người Pharisêu rằng điều khiến người ta ô uế là từ trong lòng, “Vì tự lòng phát xuất những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống” (Mt 15, 19). Tất nhiên, nếu trái tim của chúng ta tràn ngập niềm vui, lòng trắc ẩn, tình yêu thương, lòng biết ơn và sự tha thứ, thì chính những phẩm chất đó sẽ lan toả trong cuộc sống và trong sự giao tiếp của chúng ta, như cách diễn tả của Tin Mừng Lc 6, 44: xem quả thì biết cây.
Để trở thành những người truyền đạt tình yêu của Thiên Chúa cách hữu hiệu hơn, cả trong lời nói và trong cuộc sống, Đức Thánh Cha đưa ra một vài thách thức đối với chúng ta trong thời đại kỹ thuật số này.
Thanh lọc con tim. Nếu muốn nói lên sự thật trong đức ái, chúng ta phải thanh lọc con tim của mình. Trong thân phận con người tội lỗi, tâm hồn chúng ta sẽ chẳng bao giờ là hoàn toàn tinh sạch, nhưng chúng ta cố gắng để lớn lên trong nhân đức mỗi ngày. Đức Thánh Cha nói:
Chỉ khi biết lắng nghe và nói bằng một trái tim trong sáng, chúng ta mới có thể nhìn xa hơn những vẻ bề ngoài và vượt qua được những tiếng ồn ào hỗn độn, cả trong lĩnh vực truyền thông, khiến chúng ta khó phân định được trong một thế giới phức tạp mà chúng ta đang sống.
Điều gì trong lòng tôi cần được thanh lọc để sự giao tiếp của tôi nâng đỡ người khác?
Giao tiếp thân tình. Điều này nghe có vẻ đơn giản, nhưng mới đây tôi có xem một đoạn tin tức về một hành khách của hãng hàng không phàn nàn một cách vô lý và vô lối về việc một em bé la khóc trên máy bay. Những cách ứng xử thô kệch của anh ta thực sự đã gây xáo trộn cho cả chuyến bay. Giao tiếp của anh ấy hoàn toàn không bằng trái tim. Đức Thánh Cha đưa ra mẫu gương của Chúa Giêsu phục sinh, Đấng đi bên cạnh và nói chuyện với các môn đệ đang phiền não trên đường Emmaus (Lc 24, 13-35). Chúa Giêsu nói với họ từ trái tim, tôn trọng sự đau khổ của họ, và không áp đặt suy nghĩ của Người lên họ. Những gì Chúa Giêsu làm là yêu thương mở trí cho họ hiểu được ý nghĩa sâu xa của những gì đã xảy ra. Chính sự giao tiếp thân tình của Chúa Giêsu đã làm cho tâm hồn họ bừng cháy lên.
Sự giao tiếp của tôi có thân tình, có toát lên niềm cảm hứng và lòng trắc ẩn không?
Giao tiếp chân thực. Đức Thánh Cha giới thiệu Thánh Phanxicô Salêsiô như một mẫu mực của sự giao tiếp xuất phát từ tình yêu thương. Vị tu sĩ Dòng Tên ở thế kỷ XVII đã xác tín rằng, “Cứ thương yêu cho tốt đẹp thì sẽ biết diễn tả cách tốt đẹp”, vì “chúng ta giao tiếp thế nào thì chúng ta là như thế”. Sự giao tiếp chân thực đã bị ảnh hưởng trong nền văn hóa được đánh dấu bằng hành vi thái quá. Thật vậy, nhiều người thể hiện những gì họ mong muốn trên mạng xã hội chứ không phải là con người thật của họ. “Nói từ trái tim” có nghĩa là chân thực trong giao tiếp của chúng ta.
Tôi có chân thực trong các giao tiếp của mình không, nhất là trực tuyến?
Hãy nói theo “cung cách của Thiên Chúa”. Thách thức này chạm đến tiến trình Hiệp hành. Đức Phanxicô nói: “Trong Giáo hội, chúng ta rất cần một nền truyền thông vỗ về các tâm hồn, đó là dầu xoa dịu những vết thương và soi sáng hành trình của anh chị em chúng ta”. Điều này đòi hỏi, trước hết là lắng nghe người khác mà không thành kiến, được nuôi dưỡng bằng sự gần gũi, cảm thông và dịu dàng, và sau đó mới lên tiếng. Nếu chúng ta có thể mô hình hóa cách giao tiếp này trong một thế giới phân cực, thì đó thực sự là một món quà cho nền văn hóa của chúng ta.
Tôi có mô hình hóa việc lắng nghe trong giao tiếp của mình hay tôi chỉ chú tâm tới việc mình được nghe?
Với những thách thức này, Đức Thánh Cha kêu gọi mọi người phát triển theo cách giao tiếp nói lên sự thật từ trái tim, vốn là “điều cần thiết để nuôi dưỡng một nền văn hóa hòa bình”. Chỉ khi nào chúng ta nói từ trái tim thì “phép lạ của sự gặp gỡ”, như cách gọi của Đức Thánh Cha, mới có thể xảy ra.
Đức Thánh Cha kết thúc sứ điệp dành cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội năm nay bằng lời cầu nguyện mà chúng ta có thể cầu xin cho chính mình và cho thế giới:
Xin Chúa Giêsu – Lời tinh tuyền tuôn trào từ trái tim Chúa Cha – giúp chúng con thực hiện việc truyền thông một cách rõ ràng, cởi mở và chân thành.
Xin Chúa Giêsu – Lời nhập thể – giúp chúng con lắng nghe nhịp đập của con tim, để tái khám phá chúng con là anh chị em của nhau, và giải trừ sự thù địch gây chia rẽ.
Xin Chúa Giêsu – Lời của sự thật và tình yêu – giúp chúng con nói lên sự thật trong đức ái, để chúng con cảm thấy mình là những người bảo vệ lẫn nhau.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm