skip to Main Content

Đồng thân đồng phận

17.12 Thứ Bảy trong tuần thứ Ba Mùa Vọng

St 49:2,8-10; Tv 72:3-4,7-8,17; Mt 1:1-17

Đồng thân đồng phận

          Gia phả của Chúa Giêsu chứng tỏ Con Thiên Chúa nhập thể là một người thực sự trong lịch sử Dân Chúa. Qua các thời đại, Thiên Chúa là Đấng trung thành đã thực hiện lời hứa cứu độ.

          Thông thường khi viết gia phả của một dòng họ, người ta có ý chọn những điểm tốt để ghi lại và tránh nhắc đến những gì lầm lỗi, thiếu sót của cha ông. Nhưng trong gia phả của Chúa Giêsu, thánh sử Matthêu dường như không tránh né những “điểm tối” của tổ tiên, dòng dõi Ngài. Cụ thể, tất cả những tội lỗi có trong trần gian dường như đều được phơi bày trong gia phả của Ngài. Về tội dùng mưu mẹo để hại người, ta thấy ngay điều đó ở Đavít, vị vua dùng mưu mẹo để đẩy Urigia đến chỗ chết nhằm chiếm vợ của ông ta. Về tội thờ ngẫu tượng, thì một con người nổi tiếng về sự khôn ngoan như vua Salomôn cũng vẫn vướng vào tội ấy.

          Thánh Mátthêu viết lại gia phả Chúa Giêsu là để giới thiệu: Đức Giêsu là Đấng muôn dân trông đợi, Đấng mà các tiên tri của dân Do thái loan báo trước, Ngài là con người thật. Ngài cũng có dòng dõi tổ tiên như chúng ta. Ngài được sinh ra và thuộc về một dân tộc như chúng ta. Tuy nhiên, bản gia phả không nói: ông Giuse sinh ra Chúa Giêsu, nhưng lại nói: “Ông Giuse chồng bà Maria, bà là Mẹ Đức Giêsu, cũng gọi là Đấng Kitô”. Điều đó cho thấy Ngài còn có nguồn gốc là Thần linh. Ngài được thụ thai không theo kiểu loài người nhưng do quyền năng của Thánh Thần. Vì thế, Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là người thật.

          Qua gia phả mà thánh Mátthêu kể lại chúng ta thấy từ tổ phụ Abraham đến vua Đavít là mười bốn đời, từ Đavít đến thời lưu đày ở Babylon là mười bốn đời, và từ thời lưu đày đến Đức Kitô cũng là mười bốn đời. Gia phả cho ta thấy Đức Giêsu là con người thật, con người lịch sử. Ngài cũng có dòng dõi tổ tiên như chúng ta. Ngài được sinh ra thuộc về một dân tộc như chúng ta. Ngài có cha có mẹ hợp pháp theo lý lịch như chúng ta.

          Trong suốt chiều dài lịch sử, qua gia phả Đức Giêsu, chúng ta thấy Đức Giêsu sinh ra làm người trong một dòng tộc gồm có kẻ tốt người xấu, kẻ có đạo người ngoại giáo, kẻ tốt như Abraham, Isaác, Giacóp; người xấu và ngoại đạo như Tama đã lấy cha chồng, Rakháp là một kỹ nữ, Bétxêba là người đàn bà ngoại tình… Điều đó chứng tỏ Thiên Chúa chấp nhận làm người trong thân phận thấp hèn của họ để cứu chuộc họ, và đây là dấu chỉ tính phổ quát của ơn cứu độ.

          Chúng ta nên lưu ý: trong bản gia phả, thánh Mátthêu thường dùng cụm từ “cha sinh con”, nhưng khi đến thánh Giuse, bản gia phả không nói: ông Giuse sinh ra Đức Giêsu, mà viết: “Giacóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức        Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô” (Mt 1,16). Điều đó cho thấy Đức Giêsu còn có nguồn gốc Thần linh. Ngài được sinh ra không theo kiểu loài người nhưng do quyền phép của Thiên Chúa. Như vậy, thánh Giuse không là cha sinh ra Chúa Giêsu nhưng chỉ là cha nuôi, cha trên lý lịch, nhờ đó Chúa Giêsu được thừa hưởng danh hiệu “con cháu của vua Đavít”.

          Lịch sử cứu độ qua những nhân vật bất xứng làm nên gia phả Đấng Cứu Thế, gợi cho chúng ta sự xác tín rằng: dù chúng ta tội lỗi, bất xứng, nhưng chúng ta không mặc cảm, mà vững tin tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.

          Chúa không thực hiện việc cứu độ loài người từ trời cao. Người có thể và dư quyền để làm việc đó. Nhưng để cứu loài người, Chúa đã nhập thể và nhập thế để từ đó Chúa đưa loài người sa ngã đứng lên. Con Thiên Chúa chấp nhận làm con cháu của người phàm, trong đó có cả những người tội lỗi. Ngài đã đón nhận và liên kết với con người, với cả những lỗi lầm và thiếu sót của họ. Kẻ tội lỗi cũng có chỗ đứng trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

          Chúng ta được Mẹ Giáo Hội mời gọi bước vào những ngày chuẩn bị đặc biệt để đón mừng Đấng Cứu Thế đến trong nhân loại. Bạn và tôi đều thuộc dòng dõi của một nhân loại ngập chìm trong lầm lỗi và thiếu sót. Dù tội lỗi, xấu xa đến đâu, chúng ta vẫn được Thiên Chúa tặng ban Đấng Cứu Thế. Bởi vậy, hơn bao giờ hết, trong những ngày này, chúng ta được mời gọi đứng dậy, ra khỏi bóng tối tội lỗi để cùng với Đấng Cứu Thế bước vào đời sống sung mãn trong ân sủng của Thiên Chúa.

Back To Top