skip to Main Content

Điều răn đứng đầu

31  26  X  CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN.

Ca vịnh tuần III.

Không cử hành lễ cầu cho người qua đời (D2, D3), trừ lễ an táng.

Đnl 6,2-6; Hr 7,23-28; Mc 12,28b-34.

(Tr) Chiều: Lễ Vọng CÁC THÁNH NAM NỮ, lễ trọng.

Từ chiều tối, cử hành Thánh lễ Vọng Các Thánh Nam Nữ thay vì Thánh lễ Chúa nhật.

Điều răn đứng đầu

 

Đối với một số bạn trẻ, yêu chẳng có gì khó. Yêu là gặp nhau, quen nhau, nhớ nhau. Yêu là hẹn hò, viết thư, tặng quà sinh nhật. Nhưng dần dần quan niệm về tình yêu trở nên sâu xa hơn. Các bạn nhận ra yêu là trao hiến bản thân, là hy sinh chính mình để sống cho người khác.

Tình yêu đích thực không dễ như nhiều người lầm tưởng. Vào ngày tận thế, chúng ta sẽ bị xét xử về tình yêu.

Một vị kinh sư tốt lành hỏi Đức Giêsu về điều răn đứng đầu trong số 613 khoản luật. Ngài trích Ngũ Thư để tóm lại trong hai điều răn chính: yêu Thiên Chúa hết lòng và yêu tha nhân như chính mình. Tất cả lề luật cô đọng trong một thái độ là yêu mến.

Giữ luật mà quên yêu mến có thể dẫn đến óc nệ luật. Giữ luật phải trở nên phương thế để bày tỏ tình yêu.

“Yêu mến là chu toàn lề luật” (Rm 13,10).

Thánh Âu-tinh phàn nàn là mình đã yêu Chúa quá muộn. Còn chúng ta lại thấy mình yêu Chúa quá ít và hời hợt.

Khi nghe Đức Giêsu nhắc lại lời kinh của người Do Thái: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, với trọn cả trái tim ngươi, với trọn cả linh hồn ngươi, với trọn cả trí khôn ngươi, với trọn cả sức lực ngươi…”, ta mới thấy đòi hỏi quyết liệt của Thiên Chúa. Ngài muốn ta yêu Ngài bằng tất cả con người mình.

Cụm từ “với trọn cả” được lặp lại nhiều lần như nhắc ta chẳng nên giữ điều gì lại.

Sống điều răn thứ nhất là đặt Chúa lên trên hết, là dành ưu tiên một cho Chúa giữa những ưu tiên. Coi Chúa là tất cả, mãn nguyện vì có Chúa. Dành cho Chúa tất cả, để Chúa chiếm trọn mình.

Điều răn thứ hai bắt nguồn từ điều răn thứ nhất: yêu người thân cận như chính mình. Người thân cận là mọi người chẳng trừ ai. Chỉ trong Chúa tôi mới có thể yêu thương đến vô cùng. Trong Chúa, tôi nhận ra tha nhân là anh em, con một Cha, là hình ảnh của Đức Kitô đang cần tôi giúp đỡ. Trong Chúa, tôi cảm nhận phẩm giá đích thực của một người, dù đó là một thai nhi, một phạm nhân hay người mất trí.

Tình yêu thực sự với Thiên Chúa đưa tôi về với anh em. Tình yêu anh em đòi tôi gặp gỡ Thiên Chúa để múc lấy nơi Ngài sức mạnh hầu tiếp tục hiến trao. Đó là nhịp đập bình thường của trái tim người Kitô hữu, cứ đong đưa giữa hai tình yêu. Hay đúng hơn chỉ có một tình yêu: tôi yêu tha nhân trong Chúa và tôi yêu Chúa nơi tha nhân.

Chúa Giêsu đã sống đến cùng hai điều răn Ngài dạy. Ngài sống để yêu và chết vì yêu. Tình yêu của Ngài là lễ toàn thiêu và hy tế.

Yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự. Tuy nhiên Chúa là chúa tể mọi loài. Quyền uy vô song tuyệt đối. Nhưng Ngài là Thiên Chúa rất mực yêu thương. Ngài ban cho ta sự sống. Ngài nhận ta làm con của Ngài. Ngài cai quản vũ trụ không bằng quyền uy nhưng bằng tình thương. Ngài là người cha luôn yêu thương con cái. Ngài mong muốn ta đáp lại bằng tình yêu mến Ngài. Yêu mến Thiên Chúa không những là điều công bằng và hợp tình hợp lý, mà còn đem lại cho ta sự sống và hạnh phúc. Xa lìa Thiên Chúa đưa ta đến diệt vong vì mất sự sống và mất hạnh phúc. Nhưng con người yếu hèn, lại bị ma quỉ cám dỗ, nên thường lãng quên Thiên Chúa, coi thường Thiên Chúa và phản bội tình yêu của Ngài.

Yêu tha nhân như chính mình. Thiên Chúa là Đấng vô hình vô ảnh ta không thấy được. Ta nói yêu mến Thiên Chúa, điều đó khó mà kiểm chứng được. Nên Thiên Chúa đã ràng buộc điều răn mến Chúa vào điều răn yêu người. Yêu Chúa thì phải yêu tha nhân. Yêu tha nhân là bằng chứng yêu mến Chúa. Còn hơn thế nữa, yêu tha nhân chính là yêu Chúa. Vì Chúa đã tự đồng hóa với con người, với những người bé nhỏ nhất trong xã hội. Điều này chính Chúa Giêsu đã công khai minh định: “Ta bảo thật, mỗi lần các ngươi giúp đỡ một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”. Thành ra hai giới răn chỉ là một. Đó chỉ là hai khía cạnh của cùng một giới răn.

Yêu Chúa thì chắc chắn tất cả chúng ta đều có thể quả quyết dễ dàng chúng ta yêu Chúa. Nhưng lấy gì làm bằng chứng? đó là lòng yêu người, nghĩa là căn cứ vào tình yêu của chúng ta đối với tha nhân mà người ta biết chúng ta có lòng yêu Chúa. Chính Chúa Giêsu đã có lần nói: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau”. Vậy chỉ còn một vấn đề chúng ta cần tìm hiểu là chúng ta phải thực hiện lòng yêu người như thế nào.

Trước hết, chúng ta phải yêu thương bằng lời nói: yêu ai, người ta ca tụng họ, yêu mọi sự của họ, yêu cả nết xấu của họ nữa: “Yêu nhau yêu cả đường đi”. Nhưng ghét ai, người ta dùng ba tấc lưỡi để hành tỏi, nói xấu họ hết lời: “ghét ai ghét cả đường đi lối về”, “ghét cả tông chi họ hàng”. Cho nên, một thứ thước đo chính xác để biết mình có yêu thương người khác hay không là mình có nói tốt hay nói hành nói xấu họ. Người ta nói xấu nhau vì ghét nhau, vì không ưa nhau, vì thù oán nhau. Càng có nhiều liên hệ với nhau, người ta càng dễ nói hành nhau, mà cũng vậy, không gì đau khổ hơn và gương mù hơn khi những người thân thuộc nói xấu nhau.

Thể hiện tình yêu thương bằng lời nói, dĩ nhiên là tốt rồi, nhưng tốt nhất vẫn là yêu thương bằng việc làm. Việc làm đây là sự giúp đỡ bằng tay chân hành động, bằng sức khỏe, bằng thời giờ, bằng đời sống phục vụ… Đây là một cách thể hiện tình yêu thương rõ ràng và cụ thể nhất. Bởi vì yêu thương trong lòng, bằng ước muốn tốt, bằng thông cảm… thì vô hình không kiểm chứng được; yêu thương bằng lời nói có thể bị coi là lý thuyết suông, đầu môi chót lưỡi. Nhưng yêu thương bằng sự tận tâm giúp đỡ, bằng sự chấp nhận những hy sinh phiền toái của phục vụ… thì mới là yêu thương thực sự và dễ gây được kết quả tốt. Chẳng hạn: khi làm việc, biết nhận lấy phần trách nhiệm nặng hơn, không dừa cho người khác, sẵn sàng cho vay mượn khi cần thiết, khi có khả năng, khi có dịp; coi công việc của người khác cũng là của mình. Có những người chỉ cần chúng ta giúp một quyết định, một an ủi, một khích lệ, một lời cầu xin, một sự thông cảm, một lòng tôn trọng, một sự tha thứ… Có biết bao nhiêu dịp và biết bao nhiêu cách chúng ta có thể làm để giúp ích người khác.

Sau hết, yêu người, yêu thương nhau là chứng tích cho người ta nhìn nhận ra Thiên Chúa. Có nhiều người không bao giờ đến nhà thờ để nghe nói đến tình yêu của Thiên Chúa, có nhiều người không bao giờ được thấy chúng ta cầu nguyện sốt sắng ở nhà thờ, nhưng người ta xem thấy cách chúng ta yêu thương nhau thật mà họ nhận ra Thiên Chúa của tình yêu. Nếu chúng ta sống thực sự yêu thương nhau thì không ai đánh giá sai lầm về đạo của chúng ta.

Qua lời dạy hôm nay Chúa muốn cho ta hiểu rằng tình yêu là quan trọng nhất. Tình yêu là giới răn đứng hàng đầu trong các giới răn. Mọi lề luật đều phải hướng đến tình yêu. Ai chu toàn tình yêu là chu toàn lề luật. Như câu kết của kinh Mười điều răn: Mười điều răn ấy tóm về hai điều này mà nhớ: Trước kính mến một Thiên Chúa trên hết mọi sự. Sau lại yêu người như mình ta vậy.

Qua lời dạy hôm nay Chúa muốn cho ta hiểu rằng lề luật của Chúa thật nhẹ nhàng vì lề luật chính là tình yêu. Nếu yêu mến Chúa và yêu mến anh em, ta sẽ thấy việc giữ luật không còn gì khó khăn nữa. Tình yêu sẽ làm cho ta cảm nếm sự ngọt ngào trong việc tuân giữ lề luật. Như lời Chúa mời gọi: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng”.

Qua lời dạy hôm nay Chúa muốn giúp ta xây dựng một thế giới mới chan chứa tình người. Thế giới còn chiến tranh, xã hội còn nhiều bất công vì con người chưa tuân giữ luật Chúa. Nếu mọi người biết yêu mến Chúa và yêu mến nhau, thế giới sẽ tươi đẹp, cuộc sống sẽ hạnh phúc

 

Back To Top