Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Để thu phục người anh em
Thánh Maximilian Kolbe, Lmtđ
Ed 9:1-7; Tv 113:1-2,3-4,5-6; Mt 18:15-20
Để thu phục người anh em
Cha Maximilianô Kolbe sinh tại Zdusnka Wola, nước Balan, ngày 8-1-1894. Năm 1907, nhập học tại chủng viện dòng Phanxicô, được gởi qua học ở Roma. Ngày 28-04-1918, thụ phong linh mục. Là một tông đồ nhiệt thành về lòng sùng kính thánh mẫu Maria, Cha Kolbe đã tích cực cổ võ lòng tôn sùng ấy đặc biệt bằng báo chí (Nguyệt san “Người hiệp sĩ của Đức Mẹ Vô Nhiễm”) phát hành một lần tới một triệu số năm 1938) và bằng một trung tâm thánh mẫu. Năm 1930, cha qua Nhật và thành lập một trung tâm tương tự. Năm 1936, cha trở về Balan.
Ngày 1-9-1939, quân đội Đức của Hitler tấn công Balan, mở đầu cho cuộc thế giới chiến tranh thứ II.
Mười ngày sau, mật vụ Đức bắt giam cha Maximilianô Kolbe gần ba tháng. Được trả tự do, cha trở lại đời sống hoạt động tông đồ cho đến ngày 17-2-1941, thì bị bắt lại. Và lần này cha bị giam ở trại tập trung Auschwitz, nơi đã từng tiêu diệt 6 triệu người Do Thái và vô số những người khác trong các phòng hơi ngạt. Cha Kolbe cũng chết tại đó.
30 năm sau, ngày 17-10-1971 tại thánh đường Phêrô, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã long trọng phong cha lên hàng chân phước. Tại buổi lễ này người ta thấy có sự hiện diện của cụ Giasowniczek, người mà trước kia cha Maximilianô Kolbe đã chết thay cho.
Rồi ngày 10-10-1982 Đức Gioan Phaolô II đã phong Ngài lên bậc hiển thánh.
“Hôm ấy là ngày 30/7/1941, trong nhà giam số 14 tại trại tập trung Auschwitz, nơi mấy tháng trước đó, một nhóm tù nhân vừa được dẫn tới, trong đó có cha Maximilianô Kolbe, tu sĩ dòng Phanxicô Balan. Hôm ấy thiếu mất một tù nhân. Các tử tù biết rằng cứ một tù nhân đào thoát là hai mươi tù cùng trại phải nhịn ăn cho đến chết. Đêm ấy không ai trong khu nhà giam chợp mắt được. Mọi người đều sợ hãi, mặc dù nhiều lúc họ vẫn mong chờ cái chết đến để giải thoát họ.
Chết dưới làn đạn, có lẽ còn chịu được, nhưng chết đói chết khát thật là một cái chết kinh sợ nhất. Từ căn nhà hành hình, phát ra những tiếng la rú rùng rợn. Đêm ấy, cha Kolbe lo an ủi đồng bạn và giải tội cho những ai cần.
Sáng hôm sau khi điểm danh, tên cai ngục đã báo tin người ta đã không tìm lại được kẻ đào thoát. Cả trại 14 đứng im như trời trồng và hồi hộp chờ án lệnh. Viên cai ngục dừng lại trước hàng những tù nhân và tuyên bố: “Mười đứa trong tụi bay sẽ chết thay nó. Lần sau sẽ là 20 đứa”. Tuyên bố xong hắn ta chậm rãi đi ngang qua hàng đầu, có vẻ suy nghĩ, rồi nói : “Tên này… tên này… tên này. Tất cả 10 người. 10 người bị tử hình”. Lúc đó một trong số những người ấy kêu lên: “Ôi vợ tôi, các con tôi!”. Những người còn đứng trong hàng ngũ thở ra nhẹ nhõm.
Nhưng rồi một chuyện bất ngờ xảy ra: Có một người tù không thuộc nhóm những người bị chỉ định, mạnh dạn bước ra khỏi đám người đang xếp hàng im lặng trong sợ hãi, nhìn thẳng vào người cai ngục. Tên này kinh ngạc lùi lại một chút rồi hô to: “Đứng lại!”
Cha Maximilianô Kolbe dừng lại trước mặt y. Thế rồi một cuộc đối thoại chưa từng nghe đã diễn ra. Một cuộc đối thoại điên khùng mà những người sống sót đã kể lại thật chính xác:
– Xin ông cho phép tôi được chết thay cho một trong những người bị lên án này!
Viên cai tù kinh ngạc nhìn cha.
– Anh là ai ?
– Là một linh mục công giáo.
– Anh muốn chết thế cho ai?
– Người này. Cha Kolbe chỉ vào người vừa mới la khóc.
– Tại sao?
– Bởi vì đời tôi không còn giúp ích gì mấy. Trong khi ông này còn có gia đình.
Viên cai trại suy nghĩ, rồi đưa tay ra hiệu đồng ý. Cha Kolbe nhập bọn với đám tử tội.
Một phút im lặng. Không ai hiểu rõ sự việc vừa xảy ra.
Các tù nhân bị lột hết quần áo, nhốt vào một căn hầm. Kể từ giây phút đó, người tù không còn gì để ăn và điều kinh khủng là không có gì để uống gì nữa.
Trước kia căn nhà hầm này luôn vang lên những tiếng kêu la thảm thiết. Thật là một địa ngục nhỏ. Nhưng lần này có cái gì đã thay đổi. Mấy người lính Đức quốc xã rất đỗi ngạc nhiên. Đám tử tù cầu nguyện và ca hát. Vẫn có tiếng rên rỉ, nhưng không còn là những tiếng kêu tuyệt vọng nữa.
Ngày thứ 12, tức ngày 14-08-1941 cửa phòng giam đói được mở ra. Mọi người đều đã chết, trừ một mình cha Kolbe, với đôi mắt vẫn sáng dù thân mình tàn rũ. Cha ngồi giữa đất, đầu tựa vào tường, thân mình ngay thẳng và khuôn mặt rạng rỡ. Viên cai ngục bắt ngài đưa tay ra và chích cho một mũi thuốc độc ân huệ. Vị linh mục chết ngay. Họ đưa xe đến xúc xác ngài và các bạn tù đem đi. Như bao nhiêu người khác, xác cha bị hoả thiêu trong lò và nắm tro tàn bị ném tung trong gió bốn phương.
Đời sống cộng đoàn và những vấn đề nẩy sinh trong đời sống chung từ lâu luôn được xem là vấn đề hết sức tế nhị và nhậy cảm. Khi nẩy sinh vấn đề, những người có trách nhiệm hoặc những ai luôn thiết tha đời sống chung, nếu không biết hành xử đúng thời đúng lúc, dễ dẫn đến hậu quả khôn lường. Chính vì tầm quan trọng đó, Tin mừng Mátthêu dành hẳn chương 18 để nói về những bài giảng của Chúa Giêsu liên quan đến đời sống Giáo hội, đời sống cộng đoàn. Một trong những vấn đề mà Giáo hội muốn chúng ta suy niệm hôm nay chính là chúng ta phải hành xử thế nào khi gặp phải một người anh em trót phạm tội?
Đưa ra vấn đề trót phạm lỗi của người anh em – một vấn đề luôn luôn tồn tại trong đời sống cộng đoàn, Chúa Giêsu muốn rằng, cộng đoàn đó khi hành xử với người anh em, trước hết phải đặt đức ái lên trên hết mọi cách hành xử. Đây chính là nền tảng, là chìa khoá để có thể dẫn người anh em lầm lỗi trở về. Trong mọi trường hợp, đức ái phải được tôn trọng tuyệt đối, bởi nếu không, chúng ta sẽ rơi vào khuôn sáo của kỷ luật, của luật pháp, của kéo bè đảng phái, của lên án,… và hậu quả là, không đem người anh em trở về mà lại còn đẩy họ ra xa hơn mối liên hệ với cộng đoàn. Kế đến, vì có người anh em phạm tội nên đời sống cộng đoàn ít nhiều bị rạn nứt. Vì thế, Chúa Giêsu muốn hàn gán sự rạn nứt này bằng chính đời sống cầu nguyện chung. Chúng ta có thể xem đây là phương thức hữu hiệu nhất để nối kết tình bác ái cũng như hiệp nhất trong cộng đoàn. Như thế, khi có người anh em trót lỗi lầm, chúng ta biết cần phải làm gì trước tiên để dẫn họ quay về nẻo chính đường ngay.
Nắm vững được chìa khoá của vần đề, giờ đây Chúa Giêsu muốn chúng ta tiến hành một cuộc chinh phục, nhắm vào người anh em trót lỗi lầm. Dĩ nhiên tiến trình chinh phục mà Chúa Giêsu đưa ra không ra khỏi lối quan niệm của người Dothái, nhưng đó lại là tiến trình mô phạm nhất và vẫn còn giá trị cho mọi thời. Chúng ta thấy tiến trình tiếp cận người anh em lầm lỗi luôn theo trình tự tiệm tiến, từ kín đáo, riêng tư đến công khai với mục đích giúp người anh em nhận ra lỗi lầm để sửa đổi. Tiến trình Chúa Giêsu đưa ra không nhằm để vạch trần hay nhục mạ người anh em lầm lỗi, trái lại, Người muốn dùng để cứu lấy người anh em, đừng để họ phải hư mất. “Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã được một món lợi là người anh em mình”. Ngôn từ dùng để tiếp cận người anh em không phải là loại ngôn từ hàng chợ, chua cay gắt gỏng, đầy mầu sắc lên án hay phê bình chỉ trích, nhưng là loại ngôn từ nhẹ nhàng đầy tình bác ái, cảm thông và yêu thương.
Thế nhưng vẫn có những trường hợp cá biệt, cố chấp không đón nhận sự hoà giải của cộng đoàn. Trong trường hợp này, Chúa Giêsu đưa ra một giải pháp cuối cùng, đó là xem họ “như một người ngoại hay một người thu thuế”. Đưa ra giải pháp này, chúng ta thấy Chúa Giêsu không nhằm kết án hay loại trừ người anh em mà chỉ xem họ như những người chưa nhận ra Thiên Chúa là chân lý và là lẽ sống. Đồng thời Chúa Giêsu cũng muốn mời gọi chúng ra hãy đồng hành với họ, đồng bàn với họ như Chúa Giêsu đã từng đồng bàn với những người thu thuế, tôn trọng phẩm giá của họ. Lý do duy nhất để chúng ta hành xử như thế là bởi vì họ như những người chưa có niềm tin; cuộc đời của họ vẫn còn khép kín, chưa mở lòng ra đón nhận chân thiện mỹ và công việc của họ vẫn ngập tràn sự bất công và bóc lột người khác. Chính vì thế, hơn ai hết, họ là những người đáng thương hơn đáng trách và chúng ta cần phải dùng bác ái để đối đãi với họ và không ngừng dùng lời cầu nguyện để xin Chúa sớm dẫn họ trở về nẻo chính đường ngay.
Xin cho Lời Chúa hôm nay giúp mỗi người chúng ta nhìn lại cách chúng ta hành xử với người anh em lầm lỗi. Người đó có thể là một người con trong gia đình, người anh em trong bà con thân tộc hay trong từng khu phố, xóm làng; người đó cũng có thể là một tu sỹ, một linh mục, giám mục trong Giáo hội,… Đứng trước một người anh em trót phạm tội, Chúa Giêsu muốn các môn đệ hãy dùng đức ái và lời cầu nguyện để thu phục người anh em mình, còn chúng ta thì sao?