Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Dấu Lạ Cả Thể
16.10 Thứ Hai trong tuần thứ Hai Mươi-Tám Mùa Quanh Năm
Rm 1:1-7; Tv 98:1,2-3,3-4; Lc 11:29-32
Dấu Lạ Cả Thể
Theo nhận xét của thánh Phaolô trong thư gửi giáo hữu Côrintô, “Người Do Thái đòi hỏi dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan” (1 Cr 1, 22). Có vẻ người Do Thái thích dấu lạ và đòi hỏi dấu lạ để tin.
Bài Tin Mừng Thánh Luca thuật rằng sau khi Chúa Giêsu làm phép lạ cứu một người bị câm thì dân chúng chia ra thành 3 nhóm phản ứng khác nhau : nhóm thứ nhất (đa số) tin Ngài ; nhóm thứ hai không tin, cho rằng Ngài đã làm tà thuật do dựa vào thế lực quỷ vương Bêenzêbun, Chúa Giêsu đã trả lời cho họ ; nhóm thứ ba cũng không tin, họ đòi Ngài phải đưa ra một dấu chỉ “từ trời” chứng minh Ngài là kẻ được Thiên Chúa sai đến.
Đối với những người cứng tin, Thiên Chúa sẽ chẳng cho dấu lạ nào ngoài dấu lạ Giôna. Ta biết Giôna là một ngôn sứ ban đầu không vâng lệnh Chúa để đi rao giảng cho dân thành Ninivê, nhưng sau khi phải bị một con cá nuốt vào bụng 3 ngày thì ông đành vâng theo. Kết quả là toàn dân thành ấy đã hối cải. Khi nhắc chuyện Giôna, Chúa Giêsu không nhắm đền việc ông bị cá nuốt, mà nhắm đến sự hoán cải của dân thành Ninivê, để khuyên người do thái hãy nghe theo lời rao giảng của Ngài như dân Ninivê xưa nghe lời Giôna.
Thế nào là phép lạ? Theo quan niệm thông thường, khi một sự kiện có giá trị tích cực không thể giải thích được thì đó là phép lạ. Những người có niềm tin tôn giáo thì cho rằng phép lạ là một sự can thiệp của Chúa. Giáo Hội Công Giáo luôn tin có phép lạ, nhưng trong thực tế lại tỏ ra vô cùng thận trọng trong việc nhìn nhận các phép lạ; cụ thể là những gì đã và đang xảy ra tại Trung tâm Thánh Mẫu Lộ Ðức bên Pháp: từ hơn 100 năm nay, đã có trên 2,000 trường hợp khỏi bệnh được nhiều người xem là phép lạ, nhưng cho tới nay, Giáo Hội Công Giáo chỉ chính thức nhìn nhận 67 vụ thực sự là phép lạ theo đúng nghĩa mà thôi.
Thế nào là phép lạ? Thiên Chúa có còn làm phép lạ không? Ðó là những câu hỏi mà Tin Mừng hôm nay như muốn nêu lên để chúng ta cùng suy nghĩ. Chúa Giêsu thực sự làm nhiều phép lạ: Ngài biến nước thành rượu, Ngài nhân bánh và cá ra nhiều để nuôi sống đám đông, Ngài chữa lành bệnh tật, Ngài làm cho kẻ chết sống lại. Tất cả những phép lạ Chúa Giêsu thực hiện đều nhắm nói lên sứ mệnh của Ngài và Ngài chính là Ðấng Thiên Chúa sai đến để cứu rỗi nhân loại. Một số người Do thái đã tin nhận và đi theo Ngài, nhưng phần đông vẫn tỏ ra dửng dưng trước những lời rao giảng của Ngài. Riêng những thành phần lãnh đạo trong dân, như nhóm Biệt Phái, thì chẳng những không tin nhận, mà còn chống đối Ngài ra mặt; họ thách thức nếu Ngài làm một dấu lạ cả thể thì họ mới tin nhận Ngài.
Trước thái độ đó, Chúa Giêsu mượn hình ảnh của tiên tri Yôna để nói về Ngài. Tiên tri Yôna đã đến Ninivê để rao giảng sự sám hối, tất cả các phép lạ của Chúa Giêsu cũng đều nhằm nói lên sứ mệnh của Ngài và kêu gọi sám hối. Tiên tri Yôna đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm. Giáo Hội tiên khởi đã xem đây như là một dấu chỉ loan báo chính cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Như vậy, nếu có một dấu lạ cả thể mà Chúa Giêsu thực hiện để đáp lại thách thức của những người Biệt phái, thì dấu lạ đó không gì khác hơn là chính cái chết của Ngài; chết để nên Lời, và Lời ấy là Lời của Yêu Thương.
Ngày nay, không thiếu những người thách thức Thiên Chúa. Cũng như những người Biệt phái, họ đòi Thiên Chúa phải làm một dấu lạ cụ thể nào đó, họ mới tin nhận Ngài. Nhưng mãi mãi, Thiên Chúa sẽ không bao giờ hành động như thế. Ngài mãi mãi vẫn là Thiên Chúa Tình Yêu. Ngài đã nhập thể làm người và sống cho đến tận cùng thân phận làm người. Cái chết trên Thập giá vốn là tuyệt đỉnh của thân phận làm người, do đó đã trở thành dấu lạ cả thể nhất mà Thiên Chúa đã thực hiện, đó là dấu lạ của tình yêu.
Thiên Chúa vẫn tiếp tục bày tỏ dấu lạ cả thể ấy. Trong trái tim mỗi người, Thiên Chúa đã đặt vào đó sức mạnh vĩ đại nhất là tình yêu. Sức mạnh ấy không ngừng nung nấu con người; sức mạnh ấy đang được thể hiện qua những nghĩa cử mà chúng ta có thể bắt gặp mỗi ngày. Ðó là phép lạ cả thể nhất Thiên Chúa đang tiếp tục thực hiện trong lịch sử con người. Tình yêu vốn là sức mạnh vĩ đại nhất, nhưng thường lại được bày tỏ qua những cử chỉ nhỏ bé và âm thầm nhất. Một nụ cười thân ái, một cái xiết tay, một lời an ủi, một cử chỉ tử tế, một ánh mắt cảm thông và tha thứ, đó là những cử chỉ nhỏ, nhưng lại là biểu hiện của dấu lạ cả thể nhất là tình yêu.
Nội dung và ý nghĩa của phép lạ không nằm ở việc thỏa mãn trong sự thách thức, mà là ngang qua phép lạ, người đón nhận sẽ có tâm tình sám hối, thay đổi đời sống và có mối tương quan thân mật, tin tưởng nơi Thiên Chúa và có tấm lòng bao dung với tha nhân. Sự biến đối này được khởi đi từ tâm tình khiêm tốn và sẵn sàng làm mới lại đời sống cho phù hợp với Thánh Ý Thiên Chúa.
Thực trạng ngày nay của mỗi người chúng ta hẳn rất giống với người Pharisêu khi xưa! Thường thì chúng ta hay xin Chúa cho mình làm ăn phát đạt, mà không hề để ý đến cách kinh doanh của mình! Có khi kinh doanh bất chính nhưng vẫn xin Chúa cho thuận buồn xuôi gió! Hay cộng tác vào những chuyện trái với luân thường đạo lý, nhưng lại xin được bình an! Hoặc xin Chúa chữa lành bệnh tật nhưng đời sống không có gì thay đổi…! Đôi khi cũng có những người thách thức Chúa như những Pharisêu khi xưa!
Và Chúa luôn cho chúng ta những cơ may để đón nhận một phép lạ, cũng như để làm một phép lạ, nếu chúng ta biết đóng góp phần của chúng ta. Dù là một nụ cười, một ánh mắt cảm thông, một sự tha thứ, một bàn tay nâng đỡ ủi an, một chén gạo, một manh áo,tất cả đều có thể là những đóng góp của chúng ta, để Chúa làm một phép lạ.