skip to Main Content

ĐẤNG PHẢI ĐẾN

Ngày 16 tháng 12

Thứ 7, tuần 2, Mùa Vọng. Các bài đọc: Hc 48,1-4.9-11; Mt 17,10-13.

ĐẤNG PHẢI ĐẾN

Trong Mùa Vọng, người được nhắc nhiều nhất chính là Gioan Tẩy Giả. Bởi vì Ngài vừa là vị tiên tri cuối cùng của thời Cựu Ước, vừa là người loan báo, chuẩn bị dọn đường trực tiếp cho Đấng Cứu Thế. Có thể nói: Gioan Tẩy Giả là vị tiên tri kết thúc thời Cựu Ước, và khai mào cho thời Tân Ước.

Mặc dù ngài là người sống trong sa mạc, tuy nhiên, những lời giảng của ngài đã lay động nhiều tâm hồn, và ngày càng đông người đến để xin thụ huấn…

Sứ mạng của Gioan đến là để canh tân các tâm hồn, kêu gọi sám hối để được ơn cứu độ của Đấng Cứu Thế. Sứ mạng này cũng chính là của Êlia thời Cựu Ước.

Thời của Êlia gọi là thời của chỉnh đốn. Thời của Êlia, tôn giáo Baal lên ngôi. Vua nghe lời bà hoàng hậu ngoại giáo mang thần dân ngoại về thờ. Tôn giáo chính thức của cha ông họ bị chà đạp. Êlia mệnh danh là “người của Chúa” đến để chỉnh đốn lại mọi sự và đưa họ về với Chúa. Thế nhưng sau cuộc chiến thắng các tiên tri thần Ba-al, Êlia bị truy sát và phải chạy trốn sự truy lùng của quan lính của bà hoàng hậu dân ngoại này.

Thời của Gioan Tẩy Giả, có thể nói lịch sử không lập lại giống thời của Êlia, nhưng cũng cần phải chỉnh đốn lại mọi sự, nhất là về mặt tôn giáo. Có tương truyền rằng, khi Đấng Messia xuất hiện thì phải có Êlia đi trước dọn đường. Gioan Tẩy Giả chính là Êlia hiểu theo cách đó: đến để sửa đường lối Chúa cho ngay, đến để dọn đường cho Chúa.

Thật vậy, Êlia đến để loan báo về tình thương của Thiên Chúa trên dân Người, ngài cũng trở thành trung gian để khẩn cầu lòng thương xót của Thiên Chúa, làm nguôi cơn thịnh nộ của Người. Ngài còn đóng vai trò làm người giao hòa giữa mọi người với nhau, xây dựng sự hiệp nhất và bình an trong xã hội.

Đến thời Gioan cũng vậy. Ông đến để kêu gọi dân quay trở lại đường chính nẻo ngay để chuẩn bị tâm hồn, dọn lòng thanh sạch để đón mừng Đức Giêsu đến. Hai con người nhưng cùng chung một sứ mạng. Hai thời điểm, nhưng cùng hướng về một mục đích. Vì thế, nếu Êlia đã phải chịu bách hại vì sứ vụ, thì Gioan cũng không thoát khỏi cảnh tù đầy và giết chết… Đặc biệt, chính Đức Giêsu, Ngài cũng đồng số phận với các tiên tri khi thực thi sứ mạng cứu chuộc nhân loại.

Các môn đệ Chúa Giêsu khi nghe điều này thì hiểu Chúa nói về Gioan. Chúng ta hôm nay khi nghe điều này thì chúng ta hiểu ngay cả Chúa Giêsu cũng bị loại trừ, bị giết hại và còn hơn thế, ngay chính chúng ta chứ không phải ai khác, cố lờ đi những lời Chúa nói và còn tìm cách loại trừ Người. Loại trừ bằng cách không để ý tới việc chỉnh đốn lại cuộc đời, lối sống chúng ta cho ngay ngắn, chính trực. Loại trừ khi chúng ta dửng dưng với lời kêu gọi hối cải về chính những tội lỗi của mình. Chúng ta cố chấp trong tình trạng của mình, cũng chẳng khác nào dân xưa cố chấp trong sự hẹp hòi, ích kỷ, ngạo mạn, vô lối, bất chấp Chúa mời gọi chúng ta hãy sửa đường lối cho thẳng ngay. Còn nhiều cái phải chỉnh đốn. Còn nhiều cái phải sửa đổi.

Gioan Tẩy Giả, ông cũng đến để chuẩn bị lòng dân, dọn sẵn một con đường thuận tiện cho Đấng Cứu Thế đến. Gioan cũng đã bị bỏ tù và bị sát hại vì ông lên tiếng tố cáo tội lỗi của vua Hêrôđê. Cuối cùng Đức Giêsu đến để hoàn tất lời hứa cứu độ, và Người cũng sẽ phải chịu đau khổ như tất cả các vị ngôn sứ trước. Người cũng đã đến nhà mình và gõ cửa nhưng người nhà chẳng ai nhận ra.

Những gì Đức Giêsu nói với các môn đệ là sự thật, một sự thật rất thường tình mà cũng đầy phũ phàng. Thế nhưng không vì sự thật đó mà Con Thiên Chúa từ chối đến với nhân loại. Người đã biết trước điều đó và Người đã đến để thánh hóa, để yêu thương và cứu độ tất cả. Những gì là chống đối, là thù nghịch, là chối bỏ, là sát hại đều được Đức Giêsu đón nhận với tất cả tình thương sâu thẳm của một Vị Thiên Chúa. Chúng ta được cứu độ không phải vì công kia việc nọ nhưng vì lòng thương xót của Thiên Chúa.

Lịch sử cứu độ là lịch sử của lòng thương xót, của tha thứ và kiếm tìm. Dù loài người có phản bội bất trung đến đâu, Thiên Chúa vẫn một lòng yêu thương tha thứ. Dù lòng người có ích kỷ hạn hẹp, dù nhân loại có dối lừa đi hoang thì Thiên Chúa vẫn yêu thương vẹn tròn, vẫn chờ đợi ngóng trông. Con người là đối tượng để Thiên Chúa yêu thương cứu độ. Dù người yêu có quay bước lỗi hẹn, dù cha mẹ có bỏ rơi con cái, thì Thiên Chúa vẫn không quên con người. Bản chất của Thiên Chúa là tình yêu, Người không ngừng thể hiện bản chất ấy bằng những hành động cụ thể như yêu thương và bênh vực người nghèo khổ, chữa lành mọi chứng bệnh trong dân.

Điều này đã được Đức Giêsu nhắc lại trong bài Tin Mừng hôm nay, Ngài nói: “Êlia đã đến rồi, và họ không nhận biết ông, nhưng đã đối xử với ông như ý họ. Cũng vậy, Con Người sẽ phải đau khổ bởi họ”.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sám hối, ăn năn vì những lỗi lầm thiếu sót của chính mình.

Noi gương Gioan Tẩy Giả, sống cuộc sống hy sinh để làm gương cho dân chúng noi theo. Đồng thời, chia sẻ bác ái cho những người khó khăn. Sẵn sàng loan báo Tin Mừng của Chúa cho mọi người bằng nhiều cách, nhất là bằng gương sáng.

Nếu có phải liên lụy đến tính mạng thì hãy nhớ rằng: đây chính là số phận của Êlia, Gioan Tẩy Giả và của Đức Giêsu cũng như những môn đệ của Ngài trên khắp thế giới.

Mùa Vọng là mùa dọn lòng cho Chúa đến. Cách thích hợp nhất để đón Chúa ấy là ta dành một chỗ trong lòng ta cho những người khốn khổ, bần cùng cả về thể xác lẫn tinh thần. Bận tâm đến họ cũng có nghĩa là quan tâm đến việc dọn lòng đón Chúa.

 

 

Back To Top