skip to Main Content

ĐẤNG CÔNG CHÍNH

19.3 Thánh Giuse Bạn Đức Mẹ Maria

Ds 21:4-9; Tv 102:2-3,16-18,19-21; Ga 8:21-30

ĐẤNG CÔNG CHÍNH

Trong Giáo Hội, sau Đức Mẹ, Thánh Giuse là vị thánh cả trong Giáo Hội, được mọi người tôn kính mến yêu cách đặc biệt. Trong Kinh Thánh, thánh Giuse được gọi là người công chính. Thánh Giuse được Giáo Hội tôn vinh với nhiều tước hiệu cao quý. Một trong những tước hiệu đó là: “Thánh Giuse – Đấng bảo trợ Giáo Hội và những tâm hồn dâng hiến.”

Đức Thánh Cha Piô IX, một vị Giáo hoàng có lòng sùng kính thánh Giuse đặc biệt, đã viết về thánh Giuse như sau : “Ngoài Đức Mẹ ra, thì trên trời dưới đất không tìm được vị thánh nào có thần thế để bênh vực Giáo Hội cho bằng thánh cả Giuse”.

Chính vì thế, ngày 8-12-1870, Ngài đã long trọng tuyên bố đặt Thánh Giuse làm quan thầy Giáo Hội hoàn vũ, ký thác Giáo Hội cho sự che chở phù trì của Thánh Cả Giuse.

Riêng đối với Giáo Hội Việt Nam, thánh Giuse đã trở nên gần gũi và thân thương. không chỉ vì Ngài là bạn thanh sạch của đức Maria và là cha nuôi của Đấng Cứu Thế, nhưng còn là Đấng bảo trợ luôn đồng hành với Giáo Hội Việt Nam suốt chặng đường dài lịch sử, từ lúc mới phôi thai cho tới trưởng thành.

Việc nhận thánh Giuse làm Đấng bảo trợ bắt nguồn từ một biến cố lịch sử trọng đại. Đó là sự kiện cha Alexandre de Rhodes và cha Marquez, sau những ngày vượt trùng dương nguy hiểm, nhờ lời khấn thánh Giuse hai cha đã cập bến an toàn, tại cửa Bạng – Thanh Hóa, đúng vào ngày 19-3-1627, ngày lễ kính thánh Giuse.

Hôm ấy, hai cha đã dâng thánh lễ cảm tạ thánh Giuse và phó thác Miền này cho Ngài gìn giữ.

Mừng lễ thánh Giuse hôm nay, chúng ta không chỉ dừng lại ở một vài nét lịch sử liên quan giữa Ngài với Giáo Hội, nhưng còn là dịp để chúng ta tìm hiểu và noi gương các nhân đức của Ngài.

Trong Tin Mừng, Thánh Giuse được giới thiệu là “người công chính” gắn liền với đời sống âm thầm. Không một lời nào của ngài được ghi nhận. Nhưng giữa những biến cố bên cạnh Chúa Giêsu và Mẹ Maria, thánh Giuse lại xuất hiện trong một diện mạo khác, vừa năng động mau mắn vừa xác quyết tin yêu. Nếu đức tin là một sự lên đường liên tục thì thông qua những đáp ứng lên đường mau mắn của Giuse trong những lần được mộng báo, ta có thể gọi ngài là “con người của niềm tin”.

Thánh Kinh không ghi lại một lời nói trực tiếp nào của thánh nhân. Ngài chỉ xuất hiện một vài lần cách mờ nhạt. Ngài sống ra sao, chết cách nào chẳng có bút tích nào ghi lại.  Cả đời Ngài chỉ sống âm thầm, khiêm tốn, cầu nguyện và lao động.  Hoàn toàn lo lắng phục vụ Chúa Giêsu và Đức Maria.  Có thể nói lẽ sống của Ngài, vinh dự của Ngài, niềm vui và hạnh phúc của Ngài  chính là chu toàn bổn phận Chúa Cha đã giao phó cho.

Thánh Giuse là người công chính. Công chính ở điểm nào? Kinh Thánh ghi: ‘ ông không chịu tố cáo bà Maria đã có thai trước khi hai ông bà về sống chung. Không chịu tố cáo để trở nên công chính.  Như vậy, công chính ở đây bắt đầu ở cẩn ngôn khi phán đoán. Cẩn trọng trong lời ăn, tiếng nói. Người trưởng gia đình cần phải cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói, nhất là khi cần phải bình phẩm về người khác. Cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói là bằng chứng cho biết người đó công chính. Thánh Giuse không nói cũng không có nghĩa là ông bỏ qua, không nói gì hết. Thánh nhân đã nói rất nhiều. Khi nào? Thưa nói trong lúc cầu nguyện cùng Thiên Chúa, xin Chúa soi sáng cho biết việc phải làm. Chính việc cầu nguyện này biến thánh Giuse trở thành người công chính. Như thế công chính không phải do lời nói, cẩn ngôn, cũng không phải do hành động mà chính là lòng tin. Thánh Giuse không thể tự làm cho mình nên công chính. Thánh Giuse trở nên công chính là do Lời Chúa, ân sủng Chúa giúp thánh Giuse trở nên công chính. Lời Chúa là lời công chính và ai tin vào Lời đó sẽ được Lời làm cho ra công chính. Có lẽ tư tưởng bài hát Lời Ngài dậy con trong đêm tối. Lời Ngài dậy con lúc lẻ loi lấy từ tư tưởng này của thánh Giuse.

Thánh Giuse cầu nguyện rất nhiều, nhất là về đêm vì thánh thần linh ứng cho ông vào ban đêm, trong giấc mơ, giấc mộng. Không phải một lần mà là nhiều lần với những sứ vụ khác nhau. Nghe tiếng nói trong mơ, mộng có thể rất thật mà cũng có thể rất mơ hồ. Không thể xác định thánh Giuse có nghi ngờ gì về điều nghe biết trong giấc chiêm bao. Có hai trường hợp có thể xảy ra. Thứ nhất thánh Giuse không tin tuyệt đối vào những gì nghe biết trong giấc chiêm bao. Nếu giả thuyết này đúng thì thánh Giuse đặt trọn niềm tin vào Người Con mà Thiên Chúa trao cho ông coi sóc là một người hết sức đặc biệt. Giả như suy đoán này đúng thì thánh Giuse có thể nghi ngờ vào giấc chiêm bao nhưng lại tin vào Người Con. Mà tin vào Người Con là tin vào Chính Thiên Chúa vì Người Con này là Thiên Chúa giáng trần. Rất có thể Giuse không hiểu như chúng ta hiểu ngày nay. Ông chỉ hiểu là Người Con này có một sứ mạng rất đặc biệt. Bởi đây là Người Con với sứ mạng hết sức đặc biệt nên dù trong cuộc lữ hành có nguy hiểm, khó khăn đến mấy kết quả cũng hoàn thành tốt đẹp vì đây là Người Con Chúa đặc biệt lưu tâm, để ý. Tin tưởng vào lí luận đó mà Thánh giuse vượt qua mọi gian nan, thử thách. Khó khăn mấy cũng cố hoàn thành, thử thách nào cũng gắng vượt qua. Đau khổ nào cũng chấp nhận.

Thánh Giuse không hề than phiền hay đặt nghi vấn về sứ mạng thần linh linh ứng khi ông gặp khó khăn, hoàn cảnh hoạn nạn. Nếu nghi ngờ ông đã bỏ cuộc. Rất dễ chỉ cần quay ngược lại, làm theo ý riêng, suy nghĩ riêng là Giuse tránh khỏi biết bao phiền toái, lo lắng, đau khổ. Bị xua đuổi, bị nằm ngủ nơi chuồng bò, đồng hoang nhưng thánh nhân vẫn một mực trung kiên, tuyệt đối tin tưởng phó thác vào Chúa. Khó khăn, nguy hiểm, khổ sở, rét mướt, đói khát không làm cho thánh Giuse mất lòng tin, hay than van, kêu cầu Chúa thay đổi ý định hay hoàn cảnh. Trái lại thánh nhân quyết tâm tin tưởng, phó thác. Có lẽ thánh Giuse cảm thấy bình an, tự tin trong việc mang gia đình ra đi. Điều này cho thấy thánh Giuse rất tin tưởng vào sức mạnh của cầu nguyện. Chính sự tin tưởng, phó thác tuyệt đối vào Thiên Chúa khiến thánh Giuse trở thành người công chính.

Nhìn vào cuộc đời của Ngài, có lẽ Ngài là một người cha đầy bôn ba, đầy vất vả. Ngài đã phải dẫn dắt gia đình đi qua biết bao sóng gió nguy nan ùa tới như muốn nhận chìm gia đình. Sự khốn khó nguy nan đã khởi sự từ ngày Con Thiên Chúa hạ sinh. Thánh Giuse đã phải đối phó với biết bao cực nhọc. Từ việc bôn ba tìm kiếm quán trọ cho mẹ con hài nhi. Rồi đưa vợ con trốn chạy sang Ai Cập. Nơi đất khách quê người Ngài đã phải vật lộn với miếng cơm manh áo từng ngày cho gia đình. Thế nhưng, Ngài đã vượt qua tất cả. Ngài vẫn mãi mãi là chỗ dựa vững chắc cho gia đình thánh gia. Ngài đã chu toàn bổn phận một gia trưởng trong gia đình đầy khó khăn, với những sóng gió tư bề. Vì thế, cuộc đời của Ngài thực sự là một mẫu gương cho các người cha. Một người cha không sợ nghi nan, không thoái thác trách nhiệm nhưng luôn là điểm tựa cho gia đình được yên vui và hạnh phúc.

Và có lẽ, cuộc đời hôm nay vẫn rất cần những con người như Cha Thánh Giuse. Một người cha để bảo vệ gia đình khỏi những sự tấn công của tục hoá đang làm băng hoại luân lý gia đình và xã hội. Một người cha có trách nhiệm để mang lại cho vợ con điểm tựa của cuộc sống. Một người cha dám quên đi hạnh phúc riêng của mình để mang lại an cư lạc nghiệp cho gia đình. Một người cha biết tuân phục thánh ý Chúa để nêu gương sống đạo cho con cái.

Thánh Giuse tuy không nói một câu nào trên đầu môi cửa miệng, nhưng Ngài vẫn đang nói với chúng ta rất nhiều qua mẫu gương thánh thiện của Ngài. Ngài là ‘Người Công chính’ không phải theo nghĩa hẹp, tức là chỉ tuân giữ lề luật cách nghiêm túc, nhưng Thánh nhân đã hoàn thiện lề luật một cách trọn hảo qua tình yêu nồng cháy dành cho Chúa Giêsu và Đức Maria.

 

 

Back To Top