skip to Main Content

Cuộc gặp lịch sử

15.1 Thứ Ba trong tuần thứ Ba Mươi-Ba Mùa Quanh Năm

Kh 3:1-6,14-22; Tv 15:2-3,3-4,5; Lc 19:1-10

Cuộc gặp lịch sử

Câu chuyện về việc gặp gỡ của Cha Giêsu với ông Giakêu trong Tin Mừng hôm nay thật thú vị và đầy ý nghĩa, đánh dấu một khúc quanh mới trong cuộc đời Giakêu. Thật sự, khi trèo lên cây sung để xem Cha Giêsu, Giakêu chỉ làm theo sự thỏa mãn hiếu kỳ là muốn nhìn thấy mặt ông Giêsu kỳ lạ nào đó. Ông đã làm theo sự phán đoán nhận định khôn ngoan về khả năng thể lý thấp bé của mình là phải leo lên cây để nhìn Chúa Giês cho rõ. Đơn giản là thế! Ông thật đơn sơ như một đứa trẻ, chẳng sợ tiếng dèm pha, đàng đàng là một vị trưởng thuế vu, vậy mà lúi húi leo lên cây, ngồi núp để quan sát Chúa Giêsu.

Giakêu là một trưởng nhóm thu thuế của thành Giêricô, ông giàu có vì lạm thu bất chính. Ông bị coi là người tội lỗi, bị khai trừ và khinh bỉ. Chúa Giêsu không nhìn ông bằng con mắt ấy, Ngài nước nhìn trên cây sung, một cái nhìn thân thiện, có sức cảm hóa tâm hồn; một cái nhìn chân tình và yêu thương ấy đã khiến ông nhìn lại mình và quyết tâm đổi mới.

Ngài nói với ông: “Này Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”. Hạnh phúc quá bất ngờ: Ngài không chỉ biết  ông đang ở trên cây mà còn biết cả tên ông. Ngài không chỉ muốn đến thăm mà còn xin ở lại. Ông chỉ có ao ước nhỏ nhoi là nhìn thấy Ngài, nhưng Ngài lại cho ông cả một ân huệ lớn lao vượt quá lòng ông mong ước. Ông chỉ muốn thấy kẻ đã chữa cho anh mù Bartimêô là người thế nào, nhưng chính Đấng ấy lại chữa lành đôi mắt tâm hồn ông.

Da-kêu, một con người đầy tội lỗi trong cái nhìn của người dương thế. Ông đáng bị lên án, bị nguyền rủa và bị chúc dữ. Bởi vì, ông là kẻ tiếp tay cho những người bóc lột tài sản của dân chúng, đẩy họ vào chốn lầm than cơ cực, cho nên, ai cũng nhìn ông với con mắt khinh chê, nhục mạ và đầy giận dữ.

Đang khi đó, Chúa Giêsu là một con người được đông đảo dân chúng yêu mến và  kính trọng bởi những lời giảng dạy đầy uy quyền và hết sức hấp dẫn. Sự hấp dẫn này không những chỉ thu hút những con người hiền lành và đạo hạnh, nhưng nó còn làm cho một người đầy tội lỗi như Da-kêu cũng phải quan tâm và mến phục.

Và rồi, hai con người hoàn toàn đối lập nhau về nhiều mặt đã tìm đến nhau bởi một mối dây duy nhất là sự thiện ý. Da-kêu tỏ ra đầy thiện ý trong cái mong mỏi gặp gỡ thầy Giê-su mà mọi người đang tán tụng. Việc ông trèo lên cây chứng tỏ ông đang khao khát tìm đến một thứ hạnh phúc bền vững hơn, sâu xa hơn so với những hoa lợi mà ông nhận được trong công việc thu thuế hằng ngày.

Còn Chúa Giêsu, Ngài tỏ ra đầy thiện ý trước khát vọng của con người, đặc biệt là những người tội lỗi. Ngài đã đi bước trước để đến với Da-kêu và gọi chính tên ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông” (Lc 19,5b), một cái gọi làm cho bao người giật mình và thắc mắc. Nhưng ai thắc mắc thì cứ thắc mắc, Chúa Giê-su vẫn cứ yêu thương, vẫn ban ơn cứu độ, vẫn làm cho người ta  phải hoán cải. Da-kêu đã thật sự hoán cải trước tiếng gọi tình yêu của Thiên Chúa.

Nhưng thú vị hơn cả là Chúa Giêsu đang đi ở dưới đất, chung quanh một đám đông vây bủa, nhốn nháo, ồn ào….vậy mà Chúa lại ngước mắt lên cây, tìm một điều gì đó…..làm đám đông phải kinh ngạc… . Giữa Một đám đông hỗn độn trong thành phố buôn bán sầm uất rộng lớn Giêricô, vậy mà Chúa Giêsu đã nhìn thấy ông Giakêu, người thấp lùn núp trên nhánh cây, và gọi đích thị tên ông: Giakêu xuống mau, hôm nay tôi phải ở lại nhà ông…. Chúa ngước mắt lên nhìn ông Giakêu, ánh mắt gặp nhau lần đầu tiên mà dạt dào niềm cảm thông dường như thấu hiểu được nỗi niềm chứa đựng bên trong của Giakêu. Chúa nhìn ông…..một cảm giác ngạc nhiên, ngỡ ngàng nhưng đầy thân thương, chân thành và ấm áp tràn chảy trong sâu thẳm tâm hồn của Giakêu để rồi ông quyết định một hành vi sám hối thật sự.

Khắc khoải một lần nhìn thấy Chúa Giêsu và Giakêu đã gặp, ông đã không chỉ gặp một con người Giêsu thể lý bằng xương bằng thịt, nhưng quan trọng và cốt lõi hơn hết là cuộc gặp gỡ của tình yêu thương, sự hoán cải tận căn và tìm ra được hướng đi của cuộc đời. Với cuộc chạm trán bất ngờ này, Chúa Giêsu đã trở nên ý nghĩa hơn những tài sản vật chất mà Giakêu đã gắng công tìm kiếm, gắn bó và bị trói buộc bao lâu nay. Ông trở nên thanh thoát và sống tràn đầy, trách nhiệm hơn với những người chung quanh. Một lần được gặp gỡ Đức Giêsu, cuộc sống của Giakêu đã thay đổi, Giakêu phải chuộc lại những lỗi lầm, phải đền bù những bất công đã gây ra trong cuộc sống.

Quả thật, thái độ của Da-kêu là thái độ mà mỗi người chúng ta cần phải có trước sự hiện diện thường hằng của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta. Thiên Chúa vẫn đang ở đó, Ngài chờ đợi chúng ta quay trở lại với Ngài, khi chúng ta đã lầm lỡ bước chân vào con đường tội lỗi. Quả thật, thiện ý là một yếu tố rất quan trọng để chúng ta có thể nhanh chóng đón nhận được hồng an tha thứ mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Dù chúng ta có là người tội lỗi đến đâu đi nữa, thì Thiên Chúa vẫn như một người Cha nhân hậu, luôn mòn mỏi mong chờ người con “lầm đường lạc lối” trở về.

Do đó, nếu chúng ta có thiện ý trước tình yêu của Thiên Chúa đối với tội lỗi chúng ta, chắc chắn chúng ta sẽ nhận được ơn tha thứ và bình an, để tiếp tục sống và làm lại cuộc đời trong ánh sáng mới của tình yêu Chúa. Bởi vì, chỉ với sự trợ giúp của Thiên Chúa, chúng ta mới có thể trở thành một con người biết sống quảng đại và hy sinh, yêu thương và phục vụ, để từ đó mỗi ngày càng trở nên thánh thiện hơn trong đời sống chúng ta

Quả thật, nếu thực sự trong cuộc đời mỗi người gặp được Chúa như Giakêu, thì chắc chắn cuộc sống của chúng ta sẽ thay đổi. Càng gặp được Chúa trong sâu thẳm của cõi lòng, cuộc sống của mỗi người tất yếu sẽ liêm chính và công bằng bác ái hơn với những người khác.

 

Back To Top