Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
CỘT TRỤ CỦA HỘI THÁNH
29.6 Thánh Phêrô và Phaolô, Tông Đồ
Ac 2:2,10-14,18-19; Tv 74:1-2,3-5,5-7,20-21; Mt 8:5-17
CỘT TRỤ CỦA HỘI THÁNH
Từ xưa tới nay, Giáo Hội vẫn có thói quen liên kết hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô trong một triều thiên vinh quang. Kinh Tiền Tụng hôm nay đã diễn tả như sau: Thánh Phêrô là vị thủ lãnh trong việc tuyên xưng Đức Kitô. Thánh Phaolô là người bảo vệ lừng danh trong việc tìm hiểu Đức Kitô. Thánh Phêrô thiết lập Hội Thánh tiên khởi cho những người Israel còn lại. Thánh Phaolô là thầy và là đấng dạy dỗ muôn dân được kêu gọi. Và kinh Tiền Tụng đã kết luận: Các ngài đã dùng những đường lối khác nhau mà quy tụ một gia đình cho Chúa. Với lời ca tụng trên đây, Giáo Hội không những đề cao sự hợp nhất giữa hai đường lối khác nhau mà còn ngợi khen sự hợp nhất giữa hai con người có nhiều khác biệt.
Thực vậy, thánh Phêrô vốn bản chất dân chài lưới, trực tính và nghiêng về thực tiễn. Còn thánh Phaolô là người trí thức, hay lý luận và thích đào sâu giáo lý. Thánh Phêrô quan tâm đến việc loan báo Tin Mừng cho người đạo cũ, nên không muốn sửa đổi nhiều những gì vốn có kẻo phật lòng họ. Còn thánh Phaolô nhằm truyền bá đức tin cho các dân ngoại, nên muốn bỏ đi những lề luật của đạo cũ không còn thích hợp, kẻo nặng gánh cho những người dân ngoại xin tòng giáo. Thánh Phêrô là Giáo hoàng, nhưng không vì thế mà áp đặt ý kiến của mình. Thánh Phaolô là Giám mục, nhưng không vì thế mà không thẳng thắn trình bày quan điểm riêng của mình, để trao đổi và bàn luận. Thánh Phêrô là người đã có lần chối Chúa vì yếu đuối và đã ăn năn sám hối do cái nhìn xót thương của Chúa. Còn thánh Phaolô đã có lần bắt bớ đạo Chúa vì lầm lạc và đã trở lại nhờ sự giúp đỡ của một môn đệ Chúa.
Với nhiều khác biệt, hai thánh Phêrô và Phaolô tông đồ đã được liên kết lại để bổ túc cho nhau, làm cho nền móng của Giáo Hội được bền vững. Động lực liên kết các ngài lại với nhau chính là việc mở rộng Nước Chúa. Cái nhìn trên đây giúp chúng ta thêm tin tưởng hơn vào Chúa trong việc bảo vệ, xây dựng và phát triển Giáo Hội. Đúng thế, Giáo Hội là hình ảnh của sự quy tụ hiệp thông và liên kết. Giáo Hội là khí cụ kết hợp với Chúa và với nhân loại. Trong Giáo Hội có yếu tố Thiên Chúa và cũng có yếu tố nhân loại. Có người nhân đức và cũng có kẻ tội lỗi. Có phẩm trật và cũng có thành phần dân Thiên Chúa. Giáo Hội vừa trung thành với truyền thống vừa phải đổi mới cho thích hợp với lịch sử từng thời và từng nơi. Giáo Hội vừa củng cố đức tin cho người có đạo lại vừa truyền bá đức tin cho người ngoại đạo.
Biết liên kết những cái khác nhau trong Giáo Hội và trong nhân loại là một đặc điểm quan trọng của Kitô giáo. Bởi vậy trong giây phút này chúng ta hãy cầu nguyện cho sự hiệp nhất, mặc dù có những khác biệt trong lòng Giáo Hội, nhưng chúng ta vẫn có thể và phải liên kết phải trở nên một hầu ước vọng của Chúa Giêsu sẽ là một sự thật: Xin cho mọi người được hợp nhất trong chúng ta để cho thế gian nhận biết rằng Cha đã sai con.
Hai thánh Phêrô và Phaolô tông đồ là cột trụ của Hội Thánh. Các ngài là những viên đá tảng, đá quý để xây dựng toà nhà Hội thánh vững chắc và toả rạng cho khắp năm châu.
Các ngài là cột trụ của niềm tin cho toàn thể Hội thánh. Một niềm tin không gì có thể lay chuyển đến nỗi “ma quỷ cũng không thắng nổi”. Một đức tin can trường đến nỗi dầu có chịu nhiều thiệt thòi, dầu có phải trải qua những gian truân cùng khốn: tù đầy, đói rét hay phải bôn ba rầy đây mau đó, phải vượt qua biết bao phong ba bão tố, các ngài vẫn vui lòng chấp nhận vì được thông phần đau khổ với Thầy Giêsu.
Hai con người này tuy được sự giáo dục khác nhau, và hấp thụ những văn hoá khác nhau, nhưng họ lại đi chung một đường, và cùng chung một lý tưởng. Cuộc đời các ngài đều phải lội ngược dòng để làm lại cuộc đời, để thay đổi cách sống sao cho phù hợp với niềm tin của mình.
Thực vậy, nhìn vào đời sống của hai trụ cột của Hội thánh, chúng ta thấy: một Phêrô đã từng sa ngã. Ông đã từng can ngăn không muốn cho Chúa nộp mình chịu chết. Ông đã đi đến tận tùng của sa ngã là hành vi chối Chúa đến ba lần trong cùng một đêm. Một Phaolô đã hăng say lùng bắt các môn đệ của Chúa. Chính ông đã đồng loã với bọn quá khích ném đá vị tử đạo đầu tiên là Stephano. Thế nhưng, ý Chúa nhiệm mầu. Tình yêu của Chúa đã thắng vượt những yếu đuối của Phêrô và Phaolô. Chúa đã dùng muôn nghìn cách để đổi đời các ngài. Chúa đã tạo cho các ngài cơ hội để chuộc lại lỗi lầm. Chúa đã nói cùng Phêrô: “một khi con trở lại hãy củng cố đức tin của anh em con”.
Theo Thánh Kinh kể lại: Sau khi chối Thầy lần thứ ba, từ trên pháp đình Chúa nhìn xuống Phêrô, Ngài biết hết! Phêrô chột dạ. Phêrô nhớ lại lời Thầy: “Nội trong đêm nay, trước khi gà gáy con đã chối Thầy ba lần”. Tức thì, Phêrô lầm lũi ra khỏi pháp đình, nước mắt tuôn trào, tâm hồn trũi nặng, một cái gì đó đã chết trong ông. Vâng, đã chết rồi, niềm tự hào, tự tin quá mức. Còn lời nào biện mình cho hành động hèn nhát của ông. Còn đâu lời khẳng khái: “mọi người có bỏ Thầy, riêng con thì không bao giờ”. Ông chỉ là cát bụi, ông biết mình chỉ là cát bụi, yếu hèn và rất dễ sa ngã. Nhưng đêm hôm đó, một biến cố trọng đại đã “đổi mới” tâm hồn Phêrô. Lòng ăn năn bộc phát và lòng khiêm nhường chân thành đã biến Phêrô thành người thuyền trưởng trên con tàu Giáo hội.
Còn Phaolô thì sao? sau khi ngã ngựa đớn đau bởi một luồng sáng chói loà. Mắt ông không còn thấy gì nữa, ông như kẻ bị mù trong ba ngày. Nhưng thật ra, tâm hồn ông lại sáng. Ông đang thấy và thấy rất rõ. Đó là Đức Giêsu, Người đã Sống lại thật, lên trời ngự bên hữu Chúa Cha. Đó là sự thật mà ông phải chấp nhận. Một sự thật mà từ nay ông phải làm chứng về những điều đã nghe, đã thấy và đã biết.
Vâng, có thể nói, nhờ sự đổi mới cuộc đời của Phêrô và Phaolô mà cả thế giới được đổi mới. Văn hoá ky-tô giáo đã làm mới lại bộ mặt địa cầu. Có thể nói ở đâu đó còn có những người chưa tin vào Chúa nhưng họ đã được thấm nhuần văn hoá Kitô giáo. Ở đâu đó vẫn còn đó những người được đổi mới cuộc đời nhờ vào lời Chúa và sức mạnh của tin mừng. Ở đâu đó vẫn còn đó những tâm hồn thất vọng, lầm than họ đã bừng lên niềm hy vọng nhờ những giá trị tin mừng mà Kitô giáo mang lại cho họ.
Mừng kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, mỗi người chúng ta được mời gọi tiếp nối truyền thống của các tông đồ mang tin mừng đến khắp cùng trái đất. Mỗi người chúng ta cũng là những viên đá sống động, góp phần xây dựng toà nhà Hội thánh. Dù nhỏ bé, yếu hèn và bất lực, nhưng Chúa sẽ dùng tuỳ theo nhu cầu của Ngài. Chính Ngài sẽ đổi mới cuộc đời chúng ta bằng ân sủng và tình thương của Ngài, để nhờ đó chúng ta cũng có khả năng đổi mới môi trường chúng ta đang sống. Đồng thời chúng ta hãy cầu nguyện nhiều hơn cho Đức Thánh Cha, cho các giám mục là những Đấng kế vị thánh Phêrô và các tông đồ. Xin Chúa ban thêm sức mạnh, nghị lực và ơn khôn ngoan, để các ngài luôn là điểm tựa cho niềm tin của chúng ta.