skip to Main Content

Cốt Lõi Của Ðạo

30.10
Thứ Hai trong tuần thứ Ba Mươi Mùa Quanh Năm

Rm 8:12-17; Tv 68:2,4,6-7,20-21; Lc 13:10-17

Cốt Lõi Của Ðạo

Đức Giêsu đã đi rao giảng được một thời gian, có rất đông người theo để nghe Chúa giảng. Hôm nay ngày Sabat, Ngài vào giảng trong hội đường và ở đó Ngài chữa một người đàn bà bị tật khòm lưng đã 18 năm. Vậy mà viên trưởng hội đường lại căm giận Chúa. Nhân dịp này, Chúa dạy bài học: luật giữ ngày nghỉ không quan trọng bằng luật yêu thương. Người Do thái chỉ tìm cách soi mói bắt bẻ, mà không biết cảm thương với người xấu số. Họ dựa vào Thiên Chúa để trách móc người khác. Điều đó cho thấy, họ không biết sống theo tinh thần bao dung, nhân hậu của Chúa.

Chúng ta nên biết: Bộ luật của người Do thái nhận tại núi Sinai khi Chúa truyền cho ông Maisen chỉ có 10 điều, nhưng được giải thích tỉ mỉ trong sách Lêvi và Đệ Nhị luật thành hơn 500 điều. Một trong những điều quan trọng là ngày nghỉ Sabat, thuộc giới răn thứ ba trong thập điều, được tuân giữ chi tiết, cặn kẽ và nếu phạm vào có thể bị ném đá chết.

Thực ra, khi ban bố lề luật, Thiên Chúa muốn sự yêu mến và tự nguyện, nhưng dần dà, được giải thích quá tỉ mỉ đến cả những chi tiết nhỏ nhặt. Đề rồi, các luật sĩ, biệt phái thì sinh ra vụ luật và dùng luật làm thứ bình phong che chắn và làm lợi cho họ, còn dân chúng thì cảm thấy nặng nề, để rồi thay vì yêu mến và tự nguyện, họ chỉ giữ vì buộc phải giữ và luật trở thành gánh nặng đè trên vai họ.

Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy hai thái độ trái ngược nhau trước cảnh khổ của người lân cận. Đức Giêsu, Đấng là hiện thân của tình thương, đã nhìn thấy và hiểu rõ cảnh khổ của người phụ nữ bị còng lưng. Ngài đã vượt ra khỏi khung cảnh của luật Maisen, để giải thoát cho một con người. Trong khi đó, ông trưởng hội đường lại có thái độ vụ hình thức, vụ luật, lãnh đạm vô tâm, xem thường nỗi thống khổ của người lân cận. Ông tìm lý do biện hộ cho thái độ thiếu bác ái, thiếu thông cảm của mình nơi luật Maisen. Ông bực tức nói với đám đông: “Đã có sáu ngày phải làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày Sabat”.

Tin Mừng thuật lại, Chúa Giêsu chữa một phụ nữ còng lưng ngày Sabbat. Người nói: “Hỡi bà kia, bà được khỏi tật của bà” (Lc 13,12).

Điều này khiến cho “Ông trưởng hội đường tức giận, vì Chúa Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabbat” (Lc 13,14).

Ngày Sabbat có nguồn gốc từ Thiên Chúa khi tạo dựng vũ trụ và con người trong vòng sáu ngày, đến ngày thứ bảy Thiên Chúa nghỉ ngơi (x. St 1,1-8.27-28-2,3), và đặc biệt là trong biến cố vượt qua Biển Đỏ cách lạ lùng. Dân Do Thái được thoát khỏi cảnh nô lệ người Ai Cập, bởi sự can thiệp kỳ diệu do quyền năng của Thiên Chúa. Vì vậy, thuở ban đầu ngày Sabbat là ngày dùng để tôn thờ và tạ ơn Thiên Chúa. Tuy nhiên, thời gian về sau, ngày Sabbat đã bị những người Biệt phái làm sai lệch ý nghĩa chính của nó.

Vì vậy, Chúa Giêsu xác định rõ lại cho họ thấy ý nghĩa đích thực của ngày Sabbat. Ngày Sabbat được đặt ra là để “làm việc lành và để cứu sống” (x. Lc 6,9), nên Chúa Giêsu đã không ngần ngại chữa một phụ nữ còng lưng và “Người đặt tay trên bà ấy, tức thì bà đứng thẳng lên và tôn vinh Thiên Chúa” (Lc 13,14).

Ta cũng xin Chúa giúp chúng ta ý thức về ý nghĩa và mục đích của việc nghỉ ngày Chúa Nhật. Đó là thời gian chúng ta dành để sống thân tình với Chúa, với tha nhân và quan tâm những người cần được giúp đỡ. Qua đó, chúng ta vượt thắng lòng ham mê của cải vật chất, để được sống trong tình thương của Thiên Chúa và mọi người.

Và rồi một trong những nguyên nhân dẫn đến cái chết của Chúa Giêsu, chính là cuộc xung đột giữa Ngài và những người Biệt phái. Những người Biệt phái bám vào việc tuân giữ nghi thức và luật lệ đến độ dẫm lên trên cả mạng sống con người. Trong khi đó, đối với Chúa Giêsu, cốt lõi của đạo chính là tình yêu. Phân định về việc giữ ngày Hưu lễ, Chúa Giêsu tuyên bố dứt khoát: “Ngày Hưu lễ được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày Hưu lễ”. Ngài đã giải thoát một người đàn bà khỏi bị còng lưng trong ngày Hưu lễ, để chứng tỏ sự sống của con người, giá trị của con người, hay đúng hơn, tình yêu thương cao cả hơn tất cả những nghi thức và việc tuân giữ bên ngoài.

Xin cho chúng ta hiểu rằng cái cốt lõi của đạo chính là tình thương. Xin cho những lời cầu kinh, những việc tuân giữ luật lệ không là những cái vỏ hình thức bên ngoài, mà phải dẫn chúng ta đến những hành động cụ thể của tình yêu. Xin cho chúng ta luôn xác tín rằng sống cho tình yêu là được sống trong Chúa.

 

 

Back To Top