Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
CHÚNG TA LÀ NHỮNG LỮ KHÁCH EM-MAU
CHÚNG TA LÀ NHỮNG LỮ KHÁCH EM-MAU
Luca 24:13-35
Thánh Lu-ca chỉ kể lại hai cuộc hiện ra của Chúa Phục sinh (24,13-33 và 24,36-49), còn cuộc hiện ra thứ ba (x. câu 34) thì ông chỉ nói rất vắn gọn. Thêm nữa, cuộc hiện ra đầu được ban cho hai môn đệ, vốn chẳng có vai trò nào trong Tin mừng Lu-ca lẫn Công vụ Tông đồ, được kể dài dòng hơn cuộc hiện ra thứ hai, vốn xác nhận Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang ở với họ như những chứng nhân chính thức của cuộc Phục sinh. Sau cùng, đối với Phê-rô, Lu-ca nêu lên cuộc hiện ra dành cho ông, nhưng chẳng kể lại. Dù thế, đây là cuộc hiện ra đầu hết và quan trọng hơn cả.
Trình thuật “hai môn đệ làng Em-mau” có mục đích cho thấy làm sao sau khi đã trò chuyện với Chúa trên đường (cc.13-27), cuối cùng họ đã nhận ra Đức Giê-su khi dùng bữa tối (cc.28-35); nó chẳng chứa việc sai đi truyền giáo nào cả. Sở dĩ Lu-ca gán cho nó tầm quan trọng lớn lao, là vì ông muốn lôi kéo các độc giả vào, cho họ thấy câu chuyện mang tính thời sự và một giá trị thường xuyên đối với họ. Đời sống Giáo hội, với những cuộc hội họp thờ phượng, lúc đưa ra lời giải thích Thánh Kinh và xảy ra việc cử hành Thánh Thể, chính là nơi mà tín hữu có thể nhận ra hôm nay sự hiện diện của Đấng Phục Sinh. “Bạn đường vô danh của ông Cơ-lê-ô-pát mang tên của mỗi một tín hữu” (Charles Perrot) đang đọc hay nghe trang Tin mừng thời danh này.
Hy Vọng Rồi Tuyệt Vọng
“Hỡi những kẻ ngu độn và trí lòng chậm tin vào mọi điều các tiên tri đã nói! Thế thì Đức Ki-tô lại không phải chịu khổ nạn như thế đã, rồi mới vào vinh quang của Người sao ?” (bản dịch của Nguyễn Thế Thuấn). Ngay cả trong ngày Phục sinh, ngay cả khi hát Alleluia, chúng ta cũng hãy để cho Đấng Sống Lại “đối xử thô bạo” với mình như thế. Có lẽ khi nói những lời ấy, Đức Giê-su đã nở nụ cười của lối mắng yêu, và hai môn đệ cũng nhanh chóng mỉm cười; rất tốt khi được Người, Đấng Hằng Sống, gọi là ngu độn!
Hãy trao đổi cũng nụ cười ấy với Người. Vì chúng ta cũng là những lữ khách Em-mau. Chúng ta tiến bước trên con đường đời mình với nhiều hy vọng đầu tiên rất ư thuần khiết, rồi ngày càng pha trộn, pha trộn chất Ki-tô giáo lẫn chất ngoại giáo, sáng sủa lẫn tối mờ, xả thân và ích kỷ. “Chúng tôi đã từng nuôi hy vọng chính Người sẽ giải thoát Ít-ra-en”, hai môn đệ nói thế, hàm ý Người sẽ lên ngôi vinh hiển để họ cũng được thông phần, và chúng ta cũng y như họ. Rồi các thất vọng đã đến: với Đức Giê-su thế là chấm dứt vĩnh viễn. Mộng vàng nay đã tan mây! Trở về làng cũ cấy cày cho xong!
Thình lình xảy ra cuộc Gặp gỡ. Khó tin đến nỗi thoạt tiên hai môn đệ chẳng thấy gì: “Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ”. Nhưng họ chẳng nhận ra Người, một đàng vì tham vọng tiêu tùng đã làm ý thức họ mờ tối, đàng khác vì cuộc Phục sinh đã làm cho hình dạng bên ngoài của Đức Giê-su thay đổi. Chúng ta từng có cuộc gặp gỡ giống thế nhưng cũng đã khép kín như họ trước cái không ngờ: Thiên Chúa trước mặt chúng ta, Thiên Chúa ở với chúng ta!
Tuy nhiên, dẫu biết điều ấy, đức tin chúng ta vẫn không thức tỉnh đủ, con tim chúng ta quá chậm rì, chúng ta tiếp tục tiến bước trong cuộc đời như thể Người chẳng có đó. Vì chúng ta luôn mong ước bản thân Người hiển linh, Giáo hội Người hiển thắng.
Rạo Rực Rồi Bừng Sáng
Nhưng đôi khi tâm hồn cũng cháy lên: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ?” Kinh Thánh! Đừng hy vọng tiến tới trong đức tin nếu không đọc Kinh Thánh, tất cả Kinh Thánh, kho tàng lớn lao của Mạc khải mà hôm nay Đức Giê-su cho chúng ta chìa khóa để hiểu: “Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình đã rồi mới vào trong vinh quang của Người”. Các ngôn sứ (tức Cựu Ước) đã tiên báo như vậy! Khó thấu hiểu, khó chấp nhận thật, tuy nhiên Đức Giê-su sẽ thân thương gọi chúng ta là ngu độn bao lâu chúng ta chưa thật sự nội tâm hóa bí mật của mọi bí mật này.
Quỹ đạo lớn đi từ thập giá đến vinh quang, đó chính là chuyện đời của Đức Ki-tô, chuyện đời của thế giới, chuyện đời của mỗi một con người. Ai hiểu con đường gian khổ này thì đã hiểu tất cả. Chúng ta chỉ có thể sống một cái gì đó với Đức Giê-su khi xin vâng đối với tình yêu, và lúc đó chúng ta cũng xin vâng đối với gian khổ. Ai nghĩ rằng yêu thương không phải trả giá gì hết thì xin mời đi chỗ khác vậy! Nhưng khi chúng ta đau khổ để thương yêu, thì sẽ thấy Đức Giê-su có đó.
Chẳng hoàn toàn như thế. Các môn đồ đã nhận lấy bí mật lớn lao, lòng họ đã rạo rực (“Xin ở lại với chúng tôi”), thế nhưng họ vẫn chưa nhận ra Người. Phải có cuộc bẻ bánh (tức Thánh Thể, Thánh Lễ) và lần này họ đã hiểu. Dẫu cho Người “biến mất trước mắt họ”, từ nay Người sẽ luôn có đó, ta sẽ có thể tiến bước với Người từ thập giá đến vinh quang. Ngay lập tức hai môn đồ có một phản xạ tốt: đi loan báo điều kỳ diệu: “Chúa sống lại thật rồi! “ Và tất cả trả lời: “Đúng thế”. Làm Ki-tô hữu sẽ là sống niềm xác tín đó và thông truyền đó ra.
Như thế đức tin chúng ta nẩy sinh nhờ ba yếu tố lớn, với ba thời điểm lớn: Lời Chúa, Thánh Thể và Chứng từ. Ba yếu tố này ngày nọ đã biểu lộ ra qua cuộc đối thoại giữa một tín hữu Công giáo (vốn là một tông đồ xã hội nổi tiếng) với một mục sư Tin lành. Vị mục sư nói với anh: “Tôi nghĩ rằng Kinh Thánh đã đủ giúp chúng ta gặp Chúa và hiểu Chúa thực sự rồi. Thánh lễ chỉ là bịa đặt vô ích của Công giáo các anh” – “Thưa mục sư, tôi nghĩ rằng Thánh Kinh chưa đủ mà còn phải có Thánh Thể, Thánh Lễ nữa! Bằng chứng là câu chuyện hai môn đệ làng Em-mau. Khi nghe Đức Giê-su giải thích Kinh Thánh, họ chỉ mới thấy lòng rạo rực. Phải đợi đến lúc Người bẻ bánh, họ mới nhận ra được Người!” Đúng là Lu-ca đã đẽo gọt trang Tin Mừng này để nêu bật cho ta ba phương thế gặp gỡ Chúa (Thánh Kinh, Thánh Thể, Chứng từ) cũng như để biến nó thành sơ đồ của cuộc sống Ki-tô hữu: sống đời mình như một thánh lễ và thành thử như một việc chấp nhận thập giá mỗi ngày đời ta.
Một sự chấp nhận mà ngược đời thay, sẽ đem lại hạnh phúc: tiến về vinh quang Thiên Chúa cùng với Đức Giê-su! “Xin ở lại với chúng con” như thế là một lời tình yêu có nghĩa “Con muốn ở với Người”. PVL