skip to Main Content

Chúa Thánh Thần là Thầy dạy Kitô hữu

17.5 Thứ Tư trong tuần thứ Sáu Mùa Phục Sinh

Cv 17:15,2218; Tv 148:1-2,11-12,12-14,14; Ga 16:12-15

Chúa Thánh Thần là Thầy dạy Kitô hữu

Trước khi trở về cùng Chúa Cha, Chúa Giêsu đã hứa ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ (Ga 14, 16). Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý giúp các môn đệ thấu hiểu Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu (Ga 16, 5-13). Mầu Nhiệm này, tự sức mình, con người không thể thấu hiểu được (Ga 16, 12b), bởi lẽ, không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa, nếu không phải là Thánh Thần của Thiên Chúa ban cho (1 Cr 2, 11). Như vậy, với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, con người sẽ thấy được vẻ đẹp tròn đầy của Sự thật (Ga 16, 13).

Chúa Giêsu đã nói trước với các Tông đồ và đồng thời cũng là lời hứa với các ông, là Ngài sẽ sai Chúa Thánh Thần, là Thần Chân lý đến để tiếp tục giảng dạy cho các ông và cho cả thế giới biết tất cả sự thật về Ngài.

Tin mừng hôm nay trình bày về sư phạm của Chúa Thánh Thần, giúp chúng ta hiểu biết, huấn luyện ta lớn lên. Điều này giúp chúng ta tin tưởng vào ơn phù trợ và ơn soi sáng hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, để nhờ đó chúng ta ý thức và sốt sắng hơn trong việc cầu nguyện với Chúa Thánh Thần.

Chúa Giêsu là mạc khải trọn vẹn về Chúa Cha. Nhưng các môn đệ Người có khả năng tiếp nhận trọn vẹn mạc khải ấy hay không là một chuyện khác. Người xác nhận rằng các ông chưa “có thể chịu nổi” sự thật toàn vẹn. Người hứa rằng Thần khí sự thật, tức Chúa Thánh Thần, sẽ đến – nhưng không phải để trao “cú một” nguyên gói sự thật, mà là để “dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn”. Như thế, việc khám phá sự thật là một quá trình cần phải được tiếp tục không ngừng trong sự dẫn dắt của Thánh Thần; và thái độ đúng đắn của người môn đệ Chúa Giêsu là khiêm tốn, ngoan ngoãn lắng nghe sự dẫn dắt – thường một cách rất tế nhị và từ những phía rất bất ngờ – của Chúa Thánh Thần. Thái độ hãnh thắng, tự mãn, coi mình hoàn toàn đúng và kẻ khác hoàn toàn sai… chắc chắn không phải là thái độ của một người ở trong Thần Khí sự thật.

Chúa Thánh Thần đến hướng dẫn những môn đệ của Đức Giêsu đến sự thật toàn vẹn. Chúa Giêsu dùng từ ngữ “hướng dẫn đến sự thật toàn vẹn” để nói lên một trong những trách vụ của Chúa Thánh Thần. Đây không có nghĩa là Chúa Thánh Thần mạc khải thêm cho các môn đệ Chúa Giêsu biết những sự thật mới mẻ về Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần không mạc khải thêm những điều mới. Mạc khải của Chúa Giêsu đã trọn vẹn, nhưng các môn đệ chưa lãnh hội trọn vẹn hết mọi sự được, cần nhờ đến Chúa Thánh Thần để được dẫn sâu vào trong các sự thật của Chúa, để hiểu mỗi ngày một hơn mạc khải của Chúa. Các ngài cần đào sâu hơn giáo huấn của Chúa Giêsu, cần hướng dẫn đến sự thật toàn vẹn, cần hiểu sâu xa hơn về mầu nhiệm của Chúa Giêsu Kitô, nhờ qua Thánh Thần. Chúa Giêsu biết các môn đệ còn là những người có những giới hạn và cả những tật xấu nữa, và do đó đang cần đến sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần biết là chừng nào để có thể làm chứng cho Chúa cách đáng tin.

Chỉ trong Chúa Thánh Thần, nghĩa là trong đức tin, con người mới cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Giêsu, chỉ trong Thánh Thần, con người mới có thể hiểu biết về Chúa Giêsu. Đó là cảm nghiệm mà các môn đệ Chúa Giêsu có thể có được từ sau lễ Ngũ tuần. Trước đó, Chúa Giêsu phục sinh đã nhiều lần hiện ra cho các ông, nhưng sự hiểu biết của các ông về mầu nhiệm của Ngài vẫn còn bị giới hạn. Chỉ sau khi Thánh Thần hiện xuống, các môn đệ mới cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa Giêsu Phục sinh và chân lý của Ngài mới sáng tỏ trong tâm hồn các ông. Chúa Giêsu đã khẳng định vai trò giáo dục của Chúa Thánh Thần, khi Ngài nói với các môn đệ: Khi Thần chân lý đến, Ngài sẽ đưa các con vào tất cả sự thật.

Ngày nay đối với chúng ta, đời sống chúng ta luôn luôn cần đến sự giúp đỡ, hướng dẫn và giữ gìn. Ai sẽ giúp chúng ta điều đó? Thưa là Chúa Thánh Thần. Ngài không hiện diện giữa chúng ta theo kiểu Chúa Giêsu đã hiện diện giữa các Tông đồ, nhưng Ngài ở trong lòng chúng ta, để thực hiện nơi chúng ta những gì Chúa Giêsu đã thực hiện nơi các Tông đồ lúc Ngài còn tại thế. Ngài soi sáng trí khôn chúng ta, Ngài sưởi ấm cõi lòng chúng ta, Ngài thúc giục chúng ta làm điều lành và tránh điều xấu.

Chúa Giêsu khẳng định: “khi nào Thần Khí Sự Thật đến, Ngài sẽ đưa anh em tới sự thật toàn vẹn” (c.13a). Một sự thật về Chúa Cha, về Chúa Giêsu và về Ba Ngôi Thiên Chúa. Một sự thật về Tình Yêu của Thiên Chúa và con đường cứu độ của Ngài. Sự thật ấy đời đời ở trong Ba Ngôi Thiên Chúa, ở nơi cung lòng Chúa Cha. Sự Thật ấy chính là Ngôi Hai Thiên Chúa: “Ngài không tự mình nói ra, nhưng những gì Người nghe, Ngài sẽ nói lại và loan báo những điều sẽ xảy đến” (13b).
Như thế, Chúa Thánh Thần ở đây đóng vai trò giảng dạy và củng cố niềm tin cho các Tông Đồ. Ngoài ra, Ngài cũng tỏ lộ những điều sẽ xảy ra trong tương lai như một bằng chứng về quyền năng Thiên Chúa của Ngài.

Một sứ vụ khác của Chúa Thánh Thần là tôn vinh Chúa Giêsu “Ngài sẽ tôn vinh Thầy, vì Ngài sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (c.14). Như thế, Chúa Thánh Thần là ngôn sứ mới, sẽ nói về Chúa Cha và ở đây Ngài cũng nói về Chúa Con. Ngài tôn vinh Chúa Con trong Chúa Cha, vì việc làm của Chúa Con là thực hiện trọn vẹn chương trình cứu độ của Chúa Cha. Ngài chỉ nói lại, chỉ làm sáng tỏ những Mầu Nhiệm nơi Chúa Con, những lời nói hành động của Chúa Con mà các Tông đồ chưa thấu hiểu khi các ông còn ở trong trần gian, còn sống trong xác thịt yếu đuối.

Lãnh nhận niềm vui Phục sinh, mỗi người chúng ta được Hội thánh mời gọi làm cho niềm vui ấy được kéo dài trong từng ngày sống và lan toả đến những người chung quanh, bằng cách để Thánh Thần hướng dẫn đời mình. Nhờ đó, họ trở nên những chứng nhân về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa (Cv 1, 8); và, hoa trái của Thánh Thần là: bác ái, hoan lạc, bình an, quảng đại, nhân từ, lương thiện, trung tín, hiền hòa, và tiết độ (Gl 5, 22-23) sẽ trổ sinh trong cuộc đời của họ.

 

Back To Top