skip to Main Content

Chúa sẽ đền bù

15.7 Thánh Bonaventure, Gmtsht

Is 1:10-17; Tv 50:8-9,16-17,21,23; Mt 10:34-11:1

Chúa sẽ đền bù

Thánh Bonaventura — một tu sĩ Phanxicô, một thần học gia, một Tiến Sĩ Hội Thánh — vừa uyên bác và vừa thánh thiện. Vì nét linh đạo luôn luôn thể hiện nơi con người và văn bản của ngài, nên lúc đầu ngài được gọi là Tiến Sĩ Ðạo Ðức; nhưng trong các thế kỷ gần đây ngài được gọi là Tiến Sĩ Thánh theo gương “Cha Thánh” là Thánh Phanxicô, vì ngài sống tinh thần đích thực của một tu sĩ Phanxicô.

Sinh ở Bagnoregio, Tuscany một thành phố thuộc miền trung nước Ý năm 1221. Khi còn nhỏ, Bonaventura được chữa khỏi căn bệnh hiểm nghèo qua lời cầu nguyện của Thánh Phanxicô Assisi.

Ðược sự khuyến khích của Thánh Phanxicô và cảm kích trước đời sống gương mẫu của các tu sĩ khác, ngài gia nhập Dòng Phanxicô lúc hai mươi hai tuổi. Sau khi khấn trọn, ngài đến Balê tiếp tục việc học với các giáo sư nổi tiếng là Thánh Alexander ở Hales và Gioan ở Rochelle. Tại Balê, ngài trở nên người bạn chí thân với Thánh Tôma Aquinas và cả hai cùng đậu bằng Tiến Sĩ.

Vào năm 1257, ngài được chọn làm bề trên Dòng khi mới ba mươi lăm tuổi và đã thành công trong việc hòa dịu các xáo trộn trong Dòng vì những bất đồng nội bộ. Ngài rất có công với Dòng và đã viết lại tiểu sử của Thánh Phanxicô. Ngài được Ðức Giáo Hoàng Clementê IV bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục của York, nhưng ngài xin đừng ép buộc phải chấp nhận vinh dự ấy. Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô X đã buộc ngài phải chấp nhận một vinh dự cao hơn, đó là chức Hồng Y và Giám Mục của Albanô.

Vào sáng ngày 15 tháng 7 năm 1274, trong khi Công Ðồng Lyon II đang khai diễn, Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô X và các giáo phụ trong Công Ðồng đã phải bàng hoàng khi nghe tin Ðức Bonaventura từ trần. Một người chép sử vô danh đã ghi lại cảm tưởng về ngài: “Một người uyên bác có tài hùng biện, và thánh thiện ngoại hạng, ngài nổi tiếng về sự nhân từ, dễ làm quen, hòa nhã và giầu lòng thương người. Với tất cả các đức tính ấy, ngài được Thiên Chúa yêu dấu và thực sự là một con người. Trong tang lễ của ngài, nhiều người đã nhỏ lệ, vì Thiên Chúa đã ban cho ngài một ơn sủng, đó là bất cứ ai biết đến ngài đều quý mến ngài một cách chân thành.”

Người được Đức Sixtus IV tôn phong hiển thánh ngày 14 tháng 4 năm 1482 và Đức Sixtus V tuyên phong Tiến Sĩ Hội Thánh ngày 14 tháng 3 năm 1588.

Trang Tin mừng hôm nay làm cho chúng ta có cảm tưởng Chúa Giêsu đưa ra toàn là những điều nghịch lý. Tại sao Chúa Giêsu không đem đến hoà bình mà lại đem chiến tranh? Thực sự phải đi sâu vào vấn đề mới có thể hiểu được. Chúng ta đừng tưởng hòa bình là không có chiến tranh. Nhưng đúng hơn hoà bình đích thực chỉ có sau những trận chiến ác liệt. Trận chiến là cuộc phân chia phải-trái, thiện-ác, và quyết liệt là chọn lựa điều thiện. Vì thế, nếu chưa chiến đấu là còn lưỡng lự chưa dứt khoát. Thiên Chúa không chấp nhận tình trạng dở dở ương ương. Nóng thì nóng hẳn, nguội thì nguội hẳn, hâm hâm dở dở, Thiên Chúa sẽ loại trừ.

Chúng ta thấy Chúa đưa ra cho người môn đệ sự lựa chon : “Anh em đừng tưởng Thầy đem đến bình an cho trái đất: Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà” (Mt 10,34-36).

Nghe có vẻ ngược đời, nhưng sự chia rẽ ở đây nói lên một sự lựa chọn cho người môn đệ. Những ai dám sống và hành động theo con đường Chúa Giêsu, thì thường bị người đời coi là dại dột, là ngu xuẩn, là điên rồ, thậm chí còn bị ghen ghét hoặc bị bách hại đủ điều. Vì thế, Người đòi môn đệ phải sẵn sàng chia sẻ sự đau khổ mà Chúa Giêsu phải chịu. Vì thực tế sẽ có sự chia rẽ từ trong gia đình: trong cùng một nhà mà có những người tin Chúa và có kẻ lại không tin. Nhưng ai bền đỗ đến cùng thì sẽ được ơn cứu độ.

Và có thể nói rằng trang Tin mừng hôm nay cho biết hệ quả của bước đường theo Chúa. Theo Chúa, người môn đệ phải chấp nhận nhiều thua thiệt: họ có thể bị chống đối từ ngoài xã hội đến trong gia đình, và một cách nào đó, Chúa Giêsu cũng bị xem là nguyên cớ của các tranh chấp, chống đối. Thật thế, làm sao không có đối nghịch giữa ánh sáng và bóng tối, giữa Chúa Giêsu và thế gian, giữa quyền lực Thiên Chúa và quyền lực thế gian. Bước theo Chúa, người môn đệ phải chọn lựa, và chỉ chọn lựa tình yêu Chúa mới cho họ xứng đáng được gọi là môn đệ Ngài.

Chúa nói rõ về chuyện ưu tiên trong chọn lựa của người môn đệ :“Ai yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10,37).

Và rồi chúng ta thấy phải chăng Chúa Giêsu đặt ra một điều kiện của Chúa quá khó? Sở dĩ Ngài đưa ra điều kiện như vậy, để nói lên một sự dứt khoát chứ không phải nửa vời. Ngài không khuyến khích việc vô ơn bất hiếu với cha mẹ, hoặc phải sống vô tâm vô tình với người thân, nhưng là Ngài muốn nhấn mạnh đến sự ưu tiên chọn Chúa là trên hết và Ngài đòi hỏi sự so sánh hơn kém khi phải chọn lựa. Nếu phải chọn lựa giữa Chúa Giêsu với cha mẹ và người thân, thì những người quyết tâm theo Chúa phải dám chọn Chúa Giêsu là gia nghiệp.

Bỏ cha, bỏ mẹ, vợ con, anh em là bỏ những cái gì ngoài mình, nhưng Chúa còn đòi hỏi hơn nữa là dám bỏ cả mạng sống nếu phải làm chứng cho Chúa.

Với con người thì so đo tính toán nhưng với Chúa thì đừng so sánh bởi lẽ Chúa quảng đại hơn sự so đo tính toán của con người. Xin Chúa thêm ơn để chúng ta đừng so đo tính toán bất cứ điều gì với Chúa.

 

 

 

 

Back To Top