skip to Main Content

Chúa Giêsu cầu nguyện cho chúng ta

14.5 Thánh Matthia, Tông Đồ

Cv 20:17-27; Tv 68:10-11,20-21; Ga 17:1-11

Chúa Giêsu cầu nguyện cho chúng ta

Hôm nay, Giáo Hội kính nhớ thánh Mathia tông đồ. Tuy được gọi là tông đồ, nhưng thánh Mathia không thuộc nhóm Mười Hai Tông Ðồ nguyên thủy của Chúa Giêsu; ngài là người được chọn để thay thế cho kẻ phản bội là Giuđa Iscariốt.

Mathia theo tiếng Hybalai có nghĩa là “được trao ban”, Tin Mừng không hề nhắc đến nhưng hầu chắc ngài đã từng là một trong số bảy mươi hai người môn đệ đã theo và sống với Chúa Giêsu, từ lúc Chúa chịu phép rửa cho đến lúc Chúa lên trời và như vậy đã chứng kiến cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Nếu cộng đoàn đã đồng thanh chọn ngài để thế chỗ cho Giuđa, thì cũng để ngài trở nên nhân chứng về sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Ðây chính là ý nghĩa của tước hiệu Tông Ðồ.

Tông đồ theo nguyên ngữ có nghĩa là “được sai đi”. Thánh Phêrô đã xác định “được sai đi để làm chứng cho sự Phục Sinh của Chúa Giêsu”. Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu chính là nền tảng của niềm tin, là chìa khóa mở ra chiếc cầu của ơn cứu độ giữa Thiên Chúa và con người, giữa thời gian vĩnh cửu. Chính nhân danh Chúa Kitô Phục Sinh mà các tông đồ đã hoán cải các dân tộc, rửa tội cho kẻ tin và thực thi những phép lạ.

Sau ngày lễ Ngũ Tuần, các tông đồ đã làm chứng về sự phục sinh của Chúa khắp nơi, từ Palestina đến Hy Lạp, từ Rôma đến Ai Cập và Siri. Các ngài thiết lập các Giáo Hội, các cộng đoàn những kẻ tin Chúa Kitô Phục Sinh. Ðược cộng đoàn ủy thác cho sứ mệnh khi chọn làm tông đồ, thánh Mathia đã làm chứng cho sự phục sinh của Chúa đến cùng. Có nhiều truyền thuyết về nơi hoạt động và cách thế tử đạo của thánh Mathia. Tất cả đều hội tụ vào một điểm nổi bật là ngài đã dùng chính mạng sống mình để làm chứng cho sự phục sinh của Chúa Kitô.

Ðức tin chúng ta đang có là đức tin được các thánh tông đồ truyền lại. Sợi dây chuyền nối kết chúng ta với các thánh tông đồ tuy vô hình nhưng vô cùng sống động. Với không biết bao nhiêu xương máu, niềm tin và sự phục sinh của Chúa Kitô mà các thánh tông đồ đã dùng chính mạng sống của mình để làm chứng đã được truyền lại cho chúng ta. Ðây là gia sản quí giá nhất mà chúng ta đã được thụ hưởng, mà chúng ta cũng được mời gọi để chia sẻ với tất cả mọi người. Sự Phục Sinh của Chúa Kitô gắn liền với cuộc tử nạn của Ngài. Có đi vào cõi chết, Chúa Giêsu mới sống lại. Tiến trình này đã trở thành qui luật cơ bản của niềm tin Kitô giáo.

Các thánh tông đồ đã sống qua quy luật ấy cho đến cùng khi dùng chính mạng sống của mình để làm chứng cho sự phục sinh của Chúa Kitô. Các ngài xác tín rằng không thể là nhân chứng của sự phục sinh mà không tham dự vào cuộc tử nạn của Chúa Kitô. Ðược rửa tội, nghĩa là, nói như thánh Phaolô: “được mai táng với Chúa Kitô”. Ðể cũng được sống lại với Ngài, các tín hữu Kitô tham dự vào sứ mệnh tông đồ của Giáo Hội.

Cũng như các thánh tông đồ, các tín hữu Kitô cũng làm chứng cho sự phục sinh của Chúa Kitô bằng cái chết từng ngày của họ. Chết đi cho những khuynh hướng thấp hèn của bản thân. Chết đi những gì đi ngược lại những giá trị của Nước Trời. Có chiến đấu và chết đi từng ngày như thế, họ mới cảm nhận được sức sống của Chúa Kitô Phục Sinh bừng lên trong họ và tỏa sáng đến những người chung quanh.

Tin mừng hôm nay ghi lại lời Chúa Giêsu xin Chúa Cha tôn vinh Người, để Chúa Cha được tôn vinh, và những lời Chúa Giêsu mạc khải cho các môn đệ.

Chúa Giêsu đã sống lại, Ngài đã về trời và từ đây Ngài không còn hiện diện hữu hình bên chúng ta, nhưng Ngài không bỏ mặc ta cô đơn giữa thế gian. Ngài xin Chúa Cha gìn giữ chúng ta, vì Chúa Cha đã trao chúng ta cho Ngài. Chúng ta thuộc về Ngài cũng như Ngài thuộc Chúa Cha. Ngài cũng cầu xin cho chúng ta được hiệp nhất trong tình yêu của Ngài và Thiên Chúa Cha. Hạnh phúc biết bao khi chúng ta được đi vào trong mầu nhiệm tình yêu Ba Ngôi.

Tin mừng dài và khó hiểu. Chúng ta chỉ cần biết đây là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho các môn đệ trước khi Ngài về trời. Đối với Ngài lúc này Ngài thấy mình thanh thản, vì đã chu toàn công việc Cha đã trao phó, lúc này Ngài về trời. Đối với Ngài thì thanh thản, nhưng còn các môn đệ còn phải ở lại thế gian, họ sẽ gặp muôn vàn khó khăn, xin Cha hãy gìn giữ họ trong bình an.

Chúa Giêsu vạch ra 4 khó khăn họ sẽ gặp phải:

Thế gian đầy tội lỗi, đầy cám dỗ, sợ họ không đứng vững.

Thế gian sẽ bắt bớ họ, sợ họ nản chí.

Họ sẽ chia rẽ vì bất đồng ý kiến với nhau, Giáo hội sẽ chia năm sẻ bảy.

Ngài cầu cho họ biết hiệp nhất với nhau để xây dựng Hội thánh.

Chúa Giêsu cảm thấy tội nghiệp cho chúng ta. Có thể quảng diễn ý Chúa Giêsu một cách đơn sơ: Lạy Cha, phần con thì đã khoẻ rồi vì đã thoát khỏi thế gian, nhưng những môn đệ của con thì thật tội nghiệp vì còn phải ở lại thế gian, cái thế gian đó méo mó, chứ không còn tốt đẹp như hồi Cha mới dựng nên, cái thế gian đầy dẫy sự xấu sự ác sự khổ, cái thế gian có muôn vàn cạm bẫy, cái thế gian chẳng có giá trị nào vĩnh viễn… Thật là tội nghiệp cho chúng. Vậy xin Cha hãy gìn giữ chúng.

Chúa Giêsu biết rõ ở trong thế gian là thế nào và thoát khỏi thế gian là thế nào, nên Ngài mới cầu nguyện như vậy. Còn chúng ta chỉ biết có thế gian này, cho nên chúng ta quyến luyến nó, chúng ta sợ phải mất nó, khi nghe đến ngày chúng ta lìa xa thế gian thì chúng ta sợ hãi âu lo.

Theo Chúa Giêsu, giờ đây là đến lúc Ngài đi vào cuộc tử nạn và Phục sinh. Vì thế, Thập giá làm vinh hiển Chúa Cha, vì nơi đó thể hiện sự vâng lời tuyệt đối. Thật thế, Chúa Giêsu đã tôn vinh Chúa Cha bằng việc vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người và ban cho Người một danh hiệu cao trọng hơn mọi danh hiệu. Như vậy, Thập giá không những làm vinh hiển Chúa Cha, mà còn làm vinh hiển Chúa Giêsu, vì Thập giá chưa phải là dấu tận cùng. Cái chết của Chúa Giêsu không phải là một kết thúc, bởi vì đã có sự phục sinh liền sau, cái chết chỉ là mở lối cho vinh quang tỏ hiện. Bởi thế, khi giờ đã đến, Chúa Giêsu đón nhận khổ nhục và cái chết trên Thập giá, đó là lúc Ngài bước qua ngưỡng cửa dẫn vào cõi sống vinh quang muôn đời

Sau khi trình bày với Chúa Cha về hoàn cảnh tội nghiệp của chúng ta còn ở lại thế gian, Chúa Giêsu thưa tiếp: “Xin cho chúng hiệp nhất nên một”. Khi người ta ở trong một tình thế nguy hiểm thì người ta phải đoàn kết lại với nhau. Chúa Giêsu biết chúng ta phải gặp nhiều nguy hiểm ở thế gian, nên Ngài xin Chúa Cha giúp chúng ta đoàn kết hiệp nhất.

Chúng ta đang phải đối phó nhiều thứ nguy hiểm lắm: nguy hiểm do ma quỷ quấy phá, nguy hiểm do những kẻ thù của Giáo hội, nguy hiểm do những cám dỗ và cạm bẫy của người đời. Khi chúng ta không đoàn kết hiệp nhất với nhau, thì chẳng những chúng ta không giúp gì được cho nhau, để thoát khỏi những nguy hiểm ấy, trái lại chúng ta còn làm khổ thêm cho nhau, làm yếu sức nhau, làm cho nhau dễ sa ngã hơn nữa. Những sự bất hoà, chia rẽ, thiếu bác ái đã làm cho biết bao người phải chán nản không còn hăng say chu toàn nhiệm vụ, không còn nhiệt tình đi theo lý tưởng, không còn đủ sức đón nhận hy sinh.

 

 

 

 

Back To Top