skip to Main Content

Chúa đó

22.4 Thứ Sáu trong tuần Bát Nhật Lễ Phục Sinh

Cv 4:1-12; Tv 118:1-2,4,22-24,25-27; Ga 21:1-14

Chúa đó

Sau khi nhận tin báo từ Maria Madalêna là các ông sẽ được thấy Đức Giêsu phục sinh tại Galilê (x. Mt 28,10). Tuy nhiên, ngày và giờ thì không biết, nên trong khi chờ đợi, các ông đã tranh thủ đi đánh cá. Tuy nhiên, lần ra quân đầu tiên của các ông đã thất bại.

Thánh sử Gioan trình thuật: họ thức suốt đêm để đánh cá, nhưng tới sáng, họ vẫn trắng tay, không bắt được con cá nào!

Vì thế, họ sửa soạn giặt lưới để đi nghỉ sau một đêm vất vả cực nhọc. Đúng lúc ấy,        Chúa Giêsu hiện ra và đứng trên bãi biển gọi các ông với những từ rất thân thương, gần gũi: “Này các chú, không có gì ăn ư”. Khi họ đáp không có, Đức Giêsu truyền lệnh cho họ thả lưới bên phải mạn thuyền thì sẽ bắt được cá. Kết quả đúng như lời Đức Giêsu nói. Tổng tất cả là 153 con. Ngay lập tức, người môn đệ được Đức Giêsu thương mến nhận ra Thầy của họ và reo lên: “Chúa đó!”.

Tin Mừng chúng ta vừa nghe, tác giả cho biết đây là lần thứ ba Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ. Tuy nhiên, lần này có những điểm đặc biệt vì ngoài việc củng cố niềm tin, chúng ta thấy có những tình tiết khác:

Thứ nhất, vâng lời Chúa thì sẽ được thành công cách mỹ mãn hơn cả suy tính của con người. Có Chúa mọi chuyện sẽ được êm đẹp. Thuyền đầy cá và lưới không rách chứng minh điều đó.

Thứ hai, qua mẻ cá lạ với 153 con, muốn nói lên các ông sẽ là lưới người như lưới cá và ơn cứu độ phải được loan đi đến với hết mọi người, mọi nơi và mọi thời.

Thứ ba, công cuộc truyền giáo là của mọi người, không riêng rẽ. Vì thế, sự hiệp nhất để cùng nhau thi hành sứ vụ là điều cần thiết. Một mình không thể chu toàn. Lưới đầy cá và phải nhờ các thuyền khác cùng kéo lên cho thấy đặc tính này.

Cuối cùng, yêu mến thì sẽ nhận ra Chúa và đi vào mối tương quan mật thiết với Ngài cách đặc biệt như Gioan.

Trình thuật sau cùng trong Tin Mừng thánh Gioan kể lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu phục sinh với các môn đệ ở biển hồ Tibêria. Các môn đệ trải qua một đêm thả lưới, đến sáng vẫn chưa bắt được con cá nào. Nghe tiếng Đức Giêsu từ trên bờ vọng ra: “Cứ thả lưới xuống bên phải thuyền thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng lần này không sao kéo lên được vì lưới đầy cá. Như đã có kinh nghiệm đọc ra dấu chỉ, các môn đệ nhận ra Chúa và đến với Người.

Điểm nhấn của trình thuật sau cùng này trong tin mừng Gioan là ba lần Đức Giêsu hỏi ông Phêrô: “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy hơn các anh em này không?” và cũng ba lần ông can đảm và khiêm tốn đáp rằng: “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến Thầy.” (Ga 21, 15-17)

Chúa Giêsu và Phêrô đã có ít nhất ba năm đồng lao cộng khổ, đã cùng chia nhau biết bao thăng trầm sóng gió trong cuộc đời rao giảng Tin Mừng. Ba năm không phải là khoảng thời gian quá ngắn để có thể hiểu được lòng dạ một người vốn gần gũi bên mình. Thế nên, thật ngạc nhiên khi Thầy Giêsu lại hỏi Phêrô đến ba lần câu hỏi về tình yêu của ông dành cho Người. Vì Đức Giêsu chưa hiểu được tấm lòng Phêrô? hay là vì Phêrô đã chưa một nào lần thật lòng tuyên xưng tình yêu của mình dành cho Thầy Giêsu?

Nhiều người giải thích rằng, ba lần Chúa Giêsu gạn hỏi là một cách khéo léo để nhắc Phêrô về ba lần ông đã chối Thầy trong cuộc thương khó. Điều ấy có thể đúng. Thế nhưng rõ ràng Thầy Giêsu đến với Phêrô không phải để vặn vẹo hay hạch tội, nhưng là để dứt điểm chữa lành mặc cảm tội lỗi và để hàn gắn những đổ vỡ trong tâm hồn Phêrô. Ba lần đối diện với câu hỏi của Chúa Giêsu là ba lần Phêrô có cơ hội để xác tín về tình yêu của mình. Tình yêu ấy vượt qua những lỗi lầm sai phạm và những bất trung bất tín… Có lẽ ít khi ta thấy ông Phêrô tuyên xưng lòng mến cách điềm tĩnh và lặng lẽ như lần này, bởi tính cách của ông luôn sôi nổi, mạnh mẽ. Nhưng để thưa lên những lời như thế, Phêrô hoàn toàn cậy dựa vào ơn Chúa, vì cú vấp ngã đau thương của ông trong cuộc thương khó của Thầy Giêsu đã giúp Phêrô nhận ra mình mong manh và dễ ngã thế nào.

Kinh nghiệm của tông đồ Phêrô cho ta thấy rằng ta cần ơn đặc biệt để yêu mến và bước đi theo Chúa. Phêrô đã từng tự tin và cậy vào sức riêng. Vấp ngã và được Đức Giêsu nâng dậy giúp Phêrô hiểu mình hơn, biết Chúa hơn và nhờ đó có thể theo Chúa hơn.

Theo Chúa luôn là một hành trình riêng tư, một tương quan cá vị với Chúa. Nơi đó, chỉ có Chúa và ta. Trải qua nhiều kinh nghiệm khác nhau, thăng trầm, hăng say hay cả những vấp ngã, ta học được bài học yêu thương và lớn lên trong lòng mến. Theo Chúa trong đời sống thường ngày cũng cần những nỗ lực bản thân và ơn Chúa trợ giúp. Câu hỏi Chúa dành cho ông Phêrô “con có yêu mến Thầy không?”cũng áp dụng cho mỗi người chúng ta vào một thời điểm nào đó trên hành trình theo Chúa hoặc cũng có thể là ngay hôm nay.

Để trả lời cho Chúa, chúng ta cần nhìn vào cõi lòng mình để biết mình hơn, để nhìn ra con tim đang nghiêng về đâu giữa nhiều chọn lựa. Thật tốt lành nếu chúng ta cũng có thể thưa lên với Chúa câu nói đầy xác tín của Phêrô “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết rõ con yêu mến Thầy.” Và nếu câu trả lời không hẳn như thế, chúng ta cũng đừng vội hốt hoảng nhưng xin Chúa giúp để can đảm chọn Chúa, để con tim biết yêu mến hơn và để theo sát Chúa hơn. Ước gì Chúa tiếp tục đến với chúng ta mỗi ngày để hướng dẫn và chỉ dạy chúng ta trong những bôn ba vất vả, xin Chúa nâng đỡ khi chúng ta yếu đuối hay vấp ngã và xin Chúa thực hiện những điều kỳ diệu từ những nỗ lực bé nhỏ bình thường của chúng ta.

 

Trang Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy tin tưởng vào quyền năng của Chúa. Sống tín thác vào Ngài ngay trong những biến cố đau buồn, thất vọng nhất của cuộc đời. Sống tình hiệp nhất, yêu thương và làm chứng cho Chúa trong thời đại chúng ta hôm nay.

Back To Top