Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
CHỜ ĐỢI TRONG TỈNH THỨC
30/8 Thứ Sáu trong tuần thứ Hai Mươi-Nhất Mùa Quanh Năm
1 Cr 1:17-25; Tv 33:1-2,4-5,10,11; Mt 25:1-13
CHỜ ĐỢI TRONG TỈNH THỨC
Ðời người là một cuộc đợi chờ và đợi chờ nào cũng bao hàm tình yêu trong đó. Ðợi chờ chính là một cuộc thử nghiệm tình yêu, bởi vì con người chỉ hết lòng đợi chờ mong mỏi người nào hoặc điều gì mà mình hết lòng yêu thương hoặc quí chuộng. Với ý nghĩa đó, đợi chờ phải là một cuộc chuẩn bị thực sự.
Dụ ngôn mười trinh nữ chờ đợi chàng rể đến lúc bắt đầu tiệc cưới mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay, làm nổi bật thái độ tỉnh thức đợi chờ, nghĩa là các trinh nữ hướng về chàng rể với tâm hồn yêu thương, với đèn dầu để cháy sáng.
Chúa Giêsu được mô tả qua dung mạo chàng rể và tiệc cưới là Nước Thiên Chúa. Chàng rể đến chậm và vào lúc bất ngờ, tức là việc Chúa Kitô đến trong vinh quang vào lúc cuối cùng lịch sử là điều bất ngờ, không ai có thể đoán trước được. Các trinh nữ được bước vào tiệc cưới với đèn cháy sáng. Ðèn cháy sáng là dấu chỉ của một đức tin sống động. Các trinh nữ khôn ngoan đã lãnh lấy và chu toàn trách nhiệm của mình để giữ đèn của mình được luôn cháy sáng, cho đến khi chàng rể là Chúa Kitô đến, dù chàng rể có đến chậm.
Những chi tiết của dụ ngôn cho hiểu thêm trách nhiệm của cá nhân trong việc giữ cho đèn đức tin được luôn cháy sáng. Mỗi Kitô hữu phải tích cực sống đức tin, chứ không thể vay mượn hay nhờ người khác làm thay được; mỗi Kitô hữu cần đến sự khôn ngoan của Thiên Chúa để vượt qua mọi thử thách trong cuộc đời, để luôn sống trong hy vọng, sống theo ánh sáng sự sống, chứ không bị mê hoặc bởi những cám dỗ của thời đại đã bị trần tục hóa và đầy tinh thần hưởng thụ.
Có lẽ trong chúng ta, không ai trải qua cuộc sống này mà không một lần chờ đợi. Người ta vẫn thường nói rằng “chờ đợi là hạnh phúc”. Nhưng cũng có người bảo chờ đợi chỉ mang lại khổ đau. Một ngày sống có rất nhiều lần chúng ta phải chờ đợi: chờ đợi một ai đó, chờ đợi một chuyến đi, chờ đợi một sự kiện.
Nếu ta để tâm quan sát xung quanh ta sẽ thấy mọi người, mọi vật đều có những khoảnh khắc chờ đợi: những chiếc xe đẩy hàng rong chờ đợi người mua; những người đi lại chờ đèn để băng qua đường; những điểm xe buýt lác đác vài người đợi chuyến xe kế tiếp. Chờ đợi có thể sẽ rất buồn và rất lâu, nhưng cũng có thể chờ đợi là niềm vui và hạnh phúc vì người ta đợi sẽ đến, việc ta mong sẽ thành. Ta cứ phải chờ, cứ phải đợi, chờ rất nhiều, đợi cũng rất lâu đơn giản vì ta không thể nào làm khác được.
Và để không bỏ lỡ điều ta đã cất công chờ đợi, để không tuột khỏi tầm tay điều mình mong ngóng, thì thái độ không thể thiếu nơi mỗi người là sự tỉnh thức.
Đối với người kitô hữu, mỗi ngày sống trên trần gian là một ngày chờ đợi để gặp Chúa. Để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ yêu thương này, Thiên Chúa luôn kêu gọi con người hãy tỉnh thức và sẵn sàng vì Chúa đến cách bất ngờ. Trong dụ ngôn mười cô trinh nữ này, Nước Thiên Chúa được ví như bữa tiệc cưới. Chúa Giêsu chính là chàng rể, các trinh nữ là mỗi người trong chúng ta, là toàn thể nhân loại này. Giờ Chúa đến là giờ ta giã từ cõi đời này. Tiệc cưới là hạnh phúc Nước Trời. Chàng rể đến muộn nói lên sự bất ngờ của giờ chết.
Thiên Chúa dựng nên con người, Ngài mong cho con người được hạnh phúc, muốn cho hết thảy mọi người được cứu độ, và đó là ý của Ngài, như lời Chúa Giêsu đã nói:“Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.” (Ga 6,40). Bởi thế, mười cô trinh nữ đều được tuyển chọn đi đón chàng rể, cả mười cô dự kiến sẽ vào dự tiệc vui với chú rể. Chàng rể đến mong cả mười cô đều được tham dự tiệc cưới.
Việc Chúa đến tận nơi tìm ta, cho thấy con người được Chúa trân trọng, Chúa không ra lệnh hay triệu tập ta đến như một người lãnh đạo. Nhưng Chúa đích thân đến đón rước linh hồn ta, Chúa yêu thương ta biết bao!
Thế nhưng điều kiện để được vào dự tiệc cưới là phải có đèn sáng. Đèn ai không sáng sẽ bị loại ra ngoài.
Một ngọn đèn dầu cháy sáng được là nhờ sự liên tục cung cấp những giọt dầu, nếu những giọt dầu hết, thì đèn sẽ tắt. Dầu trong đèn của chúng ta không phải những gì quá lớn lao, đến nỗi ta không thể tích luỹ được, mà đó là: lòng tin, cậy, mến và những điều căn bản cần có trong cuộc sống hàng ngày nơi mỗi người: sự hy sinh, yêu thương nâng đỡ nhau, những suy nghĩ tốt về người khác… Đó còn là những giọt dầu tình yêu thương giữ cho đời sống đạo đức của chúng ta cháy sáng giống một ngọn lửa sống động. Những người đèn sáng là những người yêu mến Chúa thiết tha nên chăm lo thực hành Lời Chúa, biểu lộ lòng yêu mến Chúa bằng những việc làm cụ thể.
Còn những người đèn tắt, cũng muốn vào dự tiệc cưới, nhưng không chịu chuẩn bị. Họ tin theo phong trào, giữ đạo theo dư luận, là kitô hữu nhưng đời sống hoàn toàn như người không có đức tin. Họ sống buông thả theo những đam mê, dục vọng. Dù biết là rồi một ngày không xa họ sẽ rời bỏ thế giới trần tục này, nhưng họ vẫn tìm lợi danh bằng mọi giá, những mưu mô, tính toán cho riêng mình. Đó là những người có đèn mà không có dầu; có đèn mà đèn không sáng; có đạo mà không giữ đạo; biết luật Chúa nhưng không thực hành. Chúa Giêsu đã trích dẫn sự kiện trong Kinh Thánh biến cố Đại Hồng Thủy để mời gọi mọi người hãy học bài học lịch sử đó như một kinh nghiệm sống để luôn chuẩn bị sẵn sàng, vì không biết giờ nào và ngày nào sẽ là lúc tận cùng của cuộc sống cá nhân. Lúc tận cùng ấy huyền nhiệm và khó hiểu được diễn tả như việc có hai người đang làm ruộng, hay hai người đang xay bột, một người được để lại và người kia được đem đi. Hay cũng bất ngờ như người chủ đi xa trở về vào lúc những người giúp việc không ngờ.
Xin Chúa mở rộng đôi mắt chúng ta để nhận ra sự hiện diện của Chúa trong lịch sử. Xin ban sức mạnh để chúng ta chu toàn bổn phận cho phù hợp với thánh ý Chúa.