Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Cho đi là còn mãi
7.3 Thứ Hai trong tuần thứ Nhất Mùa Chay
Lv 19:1-2,11-18; Tv 19:8,9,10,15; Mt 25:31-46
Cho đi là còn mãi
Tin Mừng hôm nay tập trung về diễn tiến trong cuộc phán xét chung. Đây là quang cảnh thu gọn của cuộc đại phán xét. Cuối bài giảng của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Matthêu từ chương 5 đến hết chương 7, Thánh sử đã loan báo về sự phán xét đối với những môn đệ chân chính và khẳng định Đức Tin KiTô Giáo là một hành động được tóm tắt bằng Tình Yêu đối với tha nhân.
Dụ ngôn về “ cuộc phán xét chung” là một trong chuỗi dụ ngôn có nội dung nói lên cách thức chuẩn bị biến cố cánh chung như thế nào và sự tỉnh thức Chúa đòi hỏi mỗi người.
Thánh Matthêu đã nhấn mạnh đến những khía cạnh đáng thương nhất mà người nghèo phải gánh chịu đó là: đói, khát, khách lạ, trần truồng, đau yếu, ngồi tù. Điều họ cần không phải là cái gì cao sang mà đó chỉ là một chén cơm, một ly nước lã, một chỗ nghỉ chân, một manh áo rách, một viên thuốc hay một lời hỏi thăm.
Vì vậy, chúng ta đừng do dự khi mở rộng lòng mình với mọi người. có những lúc, chỉ một ánh mắt trìu mến, một nụ cười thân thiện, hay một câu nói ấm lòng cũng đủ chắp cánh cho một trái tim. Trong dụ ngôn người Samari nhân hậu, mặc dù chỉ là một người khách ngoại kiều qua đường nhưng sự chăm sóc đó nói lên tình yêu không biên giới, tình yêu vô vị lợi. Thánh Vinh Sơn, tấm gương phục vụ và yêu thương được thể hiện rõ nét qua cuộc đời và linh đạo của ngài khi ngài dành phần lớn thời gian, công sức, tâm huyết để theo đuổi một lý tưởng phục vụ người nghèo mà ngài ấp ủ.
Câu 31 mở đầu việc ngự đến trong vinh quang của Con Người có các Thiên Thần theo sau hầu hạ. Trước mặt Con Người là một đám đông hỗn độn gồm cả chiên lẫn dê. Và chính Con Người sẽ là người phân xử, tách biệt và lựa chọn: chiên ở bên này và bên kia là dê. Ở câu 32, tác giả đã nêu lên sứ vụ mục tử của Con Người. Người hiểu rõ và biết được sự khác nhau giữa chiên và dê. Đây là lúc vị mục tử sẽ phân loại bầy chiên dê hỗn tạp này, trong uy quyền và công bằng trong xét xử. Tiêu chuẩn của việc phân loại dựa trên lòng yêu mến của thần dân đối với Vua là cách đối xử của họ với anh em mình ( c.40 và 45). Phần thưởng hay hình phạt đều dựa trên cách đối xử ấy.
Mở đầu lời nói mà Đức Vua dành cho những người thuộc bầy chiên mà Người chăn dắt rằng: “ Những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từthuở tạo thiên lập địa ( c. 34). Cách xưng hô của Đức Vua đủ cho chúng ta biết những người bên phải là người được Chúa Cha tuyển chọn và yêu thương. Họ được chúc phúc “ vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho Ta ăn; Ta khát, các ngươi đã cho Ta uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm. ( c. 35-36). Đức Vua kể hàng loạt việc tốt, việc lành mà họ đã cư xử với những người anh em đồng loại mà được Ngài kể như là làm cho chính Ngài “ mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.”
( c.40 ). Chính Ngài xác định người anh em bé nhỏ là hiện thân của Ngài trên trần gian. “ Người anh em bé nhỏ” mà chúng ta thấy Chúa nêu lên là: Người đói khát, người không có áo mặc, người không có nơi trú chân, người đau bệnh và người bị tù đày. Họ thuộc tầng lớp thấp kém trong xã hội, bị xã hội khinh khi, ruồng bỏ… Chính Chúa ở trong họ. Chính Chúa cần đến sự giúp đỡ, ân cần của chúng ta khi họ bị đói khát, bị bỏ rơi, bị xem thường. Chính Chúa cần chúng ta khi họ lang thang trên vỉa hè, đường phố trong những đêm giá lạnh, cô đơn. Chính Chúa cần đến chúng ta khi họ đang phải chống trả với những căn bệnh thời đại, bất trị. Chính Chúa cần chúng ta khi họ bị quên lãng trong chốn tù đày, bị xã hội gắn cho một cái mác “ đi tù về…” và họ sống trong mặc cảm không sao vươn lên để làm lại cuộc đời.
Từ câu 41-45, Thánh sử cũng chỉ lập lại những sự kiện, những câu hỏi đối đáp như trên, nhưng tình thế lật ngược 1800 chỉ vì cách cư xử khác biệt của “ những kẻ bên trái”. Danh từ những người được chúc phúc , được chuyển thành “quân bị nguyền rủa” và nơi chốn cũng thay đổi từ “ Vương quốc dọn sẵn” nay trở thành “chốn lửa đời đời, nơi dành cho Ác Quỷ và đồng bọn”.
Dụ ngôn kết thúc trong câu 46 đủ nói lên “cõi đi về” của mỗi người tuỳ theo cách họ cư xử với anh em đồng loại khi còn sống. Suốt dụ ngôn, chúng ta không hề thấy một lời van xin hay một cử chỉ thương xót. Lúc này chỉ còn sự công bằng, thưởng phạt mà thôi.
Phục vụ, bác ái phải đi đôi với cầu nguyện. cầu nguyện là một cách thức dễ dàng nhất để tiếp cận với Chúa và với tha nhân. Chính cầu nguyện đã chèo lái hoạt động của rất nhiều vị thánh và cả thánh Vinh sơn. Cầu nguyện chiếm một vị trí ưu tiên trong cuộc sống của một vị thánh bác ái. Nhờ cầu nguyện chúng ta kiên vững được trong ơn gọi. Thiên Chúa không từ chối gì khi ta cầu nguyện.
Đời sống cầu nguyện như là linh hồn của người tông đồ, phải làm sao để trở nên một người chiêm niệm trong hành động và tông đồ trong cầu nguyện. Thánh Vinh Sơn, một nhà hoạt động truyền giáo nhưng ngài ý thức rõ tầm quan trọng của việc cầu nguyện. Ngài viết trong hiến pháp: “chúng ta cần chu toàn những thực hành thiêng liêng sau đây, đọc Thánh Kinh, tôn sùng Thánh Thế, nguyện ngắm chung, xét mình, đọc sách thiêng liêng, tĩnh tâm hằng năm và thực hành việc linh hướng.”
Và rồi ta thấy rằng để chúng ta có được những lợi thế trong ngày con Người trở lại trong vinh quang, chúng ta phải làm gì trước những người anh em nhỏ nhất, những người nghèo? ta phải biết phục vụ người nghèo là gì?, cách thức chúng ta phục vụ, và phục vụ phải đi đôi với cầu nguyện. Mỗi người hãy biết chia sẻ, biết cho đi, vì cho đi là còn mãi.