Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
CHO BẰNG TẤM LÒNG
05 25 Đ Thứ Bảy Tuần IX Thường Niên.
Lễ thánh Bô-ni-phát (Boniface), Giám mục, Tử đạo, lễ nhớ.
Thứ Bảy đầu tháng. Ngày đền tạ trái tim vô nhiễm Đức Mẹ.
Thánh Lu-ca Vũ Bá Loan, Linh mục (U1840); Thánh Đa minh Nguyễn Văn Toái (Toại), Ngư phủ (U1862); và Thánh Đa minh Nguyễn Văn Huyện (Huyên), Ngư phủ (U1862), Tử đạo.
Tb 12,1.5-15.20; Mc 12,38-44.
CHO BẰNG TẤM LÒNG
Cuộc tử đạo của thánh giám mục thành Mayence và 52 người bạn đã diễn ra ngày 5 tháng 6 năm 754. Trong khi dâng Thánh lễ ở Dokkum, thuộc Frise miền Bắc (Hà Lan ngày nay), các Ngài đã bị dân Frisons sát hại, dẫu rằng họ đã được các ngài loan báo Tin Mừng của Chúa. Lễ nhớ thánh Boniface ca ngợi ngài là vị Tông Đồ vĩ đại của nươc Đức. Ngài hoạt động truyền giáo đến tận vương quốc dân Francs.
Mãi đến năm 1874, theo lời yêu cầu của các Nghị phụ Công đồng Vaticanô I, người ta mới đưa lễ nhớ thánh Boniface vào lịch Giáo triều Rôma. Tuy nhiên thánh nhân đã được tôn kính không những tại Đức, mà còn ở Anh là quê quán của ngài. Nơi đây, một Công đồng đã ban tặng người tước hiệu Đấng Thánh Bảo Trợ, bên cạnh thánh Grégoire Cả và thánh Augustin de Cantorbéry.
Winfrid sinh khoảng năm 673 tại vương quốc Anglo-saxon Wessex, nước Anh. Ngài được giáo dục trong các Đan viện Biển Đức miền Exeter và Nutshulling và khấn dòng năm 715.
Vì mong ước ra đi loan báo chân lý đức tin cho dân ngoại, lần đầu tiên ngài đến Frise năm 716. Nhưng nỗ lực này kết thúc trong thất bại. Năm 719, Đức Giáo Hoàng Grégoire II trao ngài sứ vụ loan báo Tin Mừng cho những kẻ thờ tà thần ở Đức, và cho gọi ngài bằng tên của một vị thánh tử đạo người Rôma: Bonifacius. Năm 722, ngài được phong giám mục, trực thuộc Tòa thánh nên không có giáo phận riêng.
Sau khi loan báo Tin Mừng cho miền Hesse – nơi đây ngài đã hạ ngã Cây sồi thiêng Donar, gần Geismar vào năm 725 – ngài sang Thuringe, lưu lại nơi này bảy năm và lập nhiều Đan viện. Sau đó, Đức Giáo Hoàng Grégoire III trao cho ngài một cánh đồng truyền giáo mới ở Bavière và phong ngài làm Tổng giám mục năm 732. Boniface ở lại đó 9 năm, cho đến năm 741, vào thời điểm này ngài lập các giáo phận quan trọng thuộc giáo tỉnh như Salzbourg, Freising, Ratisbonne, Passau.
Để hoàn thành tốt hơn sứ vụ loan báo Tin Mừng, thánh giám mục xin Đức Giáo Hoàng Zacharie quyền đặc miễn của Giáo Hoàng cho Đan viện Fulda mà ngài vừa thành lập năm 744: đây là quyền đặc miễn đầu tiên trong lịch sử.
Năm 747, dưới áp lực của các môi trường người Francs, xem Boniface như một người Anglo-saxon nguy hiểm, nên Pépin le Bref đã tách Boniface ra khỏi các nơi ấy. Sau cùng, vào ngày lễ Chúa Thánh Thần năm 754, ngài bị một nhóm người ngoại đạo sát hại cùng với 52 bạn, trong khi ngài đang rao giảng Tin Mừng cho miền Frise miền Bắc. Các thánh tích của ngài luôn được sùng kính tại Đan viện Fulda. Chính vì luôn trung thành tưởng nhớ đến ngài mà các giám mục Đức thường qui tụ về thành phố này.
Lời nguyện mới trong Thánh lễ được trích từ sách lễ Ambroise và Paris. Lời nguyện xin thánh giám mục Boniface chuyển cầu “cho chúng ta giữ vững lòng tin và lấy cả cuộc đời can đảm tuyên xưng lòng tin mà thánh tử đạo đã dùng lời nói rao giảng và lấy máu đào để chứng minh”. Nhờ tích cực hoạt động Tông Đồ trong nhiều vùng đất châu Âu, và cũng nhờ tiếp xúc dễ dàng với các Giáo Hoàng và các vị vua chúa, ngài đã hỗ trợ việc chuyển giao quyền Giáo Hoàng từ thời Byzantin sang thời Francs.
Phương pháp truyền giáo của Boniface dựa trên hai điểm chính: trước hết tìm kiếm sự hậu thuẫn của vua chúa và quan quyền mà không bao giờ phương hại sự tự do của Hội thánh; sau đó, kêu gọi sự hỗ trợ của các Đan viện, là những trung tâm đích thực của đời sống Kitô giáo và rao giảng Tin Mừng.
Khi phân chia vương quốc của Charles Martel năm 741; Carloman được hưởng vùng Austrasie, đã nhờ Boniface giúp loại bỏ những sự lạm dụng trong việc chuyển nhượng bổng lộc danh tước, và buông lỏng kỷ cương trong giới giáo sĩ và ngay cả các đan sĩ Celte phiêu bạt. Để đạt mục đích này, Boniface đã triệu tập một Công đồng chung các giám mục Francs tại Soisson năm 742. Công đồng này kéo dài trong ba năm và đã đưa ra sắc lệnh cải tổ quan trọng trong Giáo hội Francs.
Các Đan viện là những trung tâm sinh hoạt Phụng Vụ và cũng là trung tâm văn hóa xã hội. Việc phát triển xây dựng các Đan viện là một trong những đặc điểm quan trọng trong việc thánh nhân xây dựng và tái tổ chức các Giáo hội, như ở Bavière, Thuringe hay tại các quốc gia nói tiếng Pháp. Thánh Boniface cũng là tác giả sách ngữ pháp, hệ thống đo lường và sáng tác nhiều thơ văn.
Bài đọc – Kinh sách đề xuất một lá thư của thánh giám mục Boniface qua đó chúng ta thấy được các đặc tính của vị mục tử như ngài: “… Chúng ta chớ như những con chó câm, những lính canh thinh lặng, những kẻ chăn thuê chạy trốn sói dữ; nhưng chúng ta hãy là những mục tử chuyên chăm, biết lo lắng cho đoàn chiên Chúa Kitô, biết rao giảng mọi ý định của Thiên Chúa cho hết mọi người, thuộc mọi tầng lớp cũng như tuổi tác, cho kẻ lớn cũng như người bé, cho người giàu cũng như kẻ nghèo, trong mức độ Thiên Chúa giúp sức cho, lúc thuận tiện cũng như lúc gặp phải nghịch cảnh, theo cách thức như thánh Grégoire đã chép trong sách mục vụ” (Thư 78).
Chúa Giêsu đến để mạc khải cho con người một Thiên Chúa khác biệt. Thiên Chúa của Chúa Giêsu là Thiên Chúa yêu thương mọi người, ngay cả và nhất là những người kém may mắn nhất trong xã hội. Thiên Chúa của Chúa Giêsu là Thiên Chúa mà người ta không thể giới hạn vào một số công thức bùa chú. Thiên Chúa mà lòng quảng đại vượt trên mọi tính toán cân lường của con người.
Mạc khải cho chúng ta một Thiên Chúa như thế, Chúa Giêsu muốn chỉ cho chúng ta một thái độ đúng đắn phải có, đó là lòng tín thác tuyệt đối vào tình yêu của Thiên Chúa. Lòng tín thác ấy luôn luôn mời gọi chúng ta nhìn vào mọi biến cố cuộc sống với tất cả tin tưởng lạc quan. Khi có một cánh cửa nào đó trong căn nhà của cuộc sống chúng ta bị đóng lại, thì Thiên Chúa lại mở ra những cánh cửa khác. Thiên Chúa không bao giờ bỏ cuộc và bỏ rơi chúng ta; ngay cả khi đứng trước tội lỗi chúng ta, Ngài cũng không thất vọng, nhưng vẫn luôn luôn tìm một lối thoát tốt đẹp hơn cho chúng ta.
Chúa Giêsu đã lên ái thái độ giả dối của Pharisêu và Người đã dạy các môn đệ phải quảng đại cho đi, noi gương một bà góa nghèo đã dâng hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng bạc Rô-ma, là số tiền nhỏ bé bà dùng để nuôi bản thân mình trong ngày một ngày. Bà đã được Chúa Giêsu đánh giá cao việc dâng cúng quảng đại này: “Thầy bảo thật anh em: bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó. Còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để sống” (Mc 12,43b-44).
Tin Mừng theo thánh Marcô thuật lại cho chúng ta câu chuyện diễn ra trong Đền thờ Giêrusalem nơi dân chúng bỏ tiền dâng cúng. Có nhiều người giàu bỏ bao nhiêu đồng tiền, song có một góa phụ nghèo, chỉ bỏ hai đồng xu nhỏ. Chúa Giêsu quan sát kỹ lưỡng người đàn bà ấy và Người lưu ý các môn đệ về sự tương phản trong cảnh tượng này. Chúa Giêsu nói, bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn ai hết, bà tuy thật túng thiếu, nhưng đã bỏ vào thùng tiền tất cả những gì bà có để nuôi sống mình. Còn những người khác rút từ túi mình tiền dư bạc thừa của họ mà dâng cúng. Vậy là thước đo không phải là số lượng nhưng là với cả tấm lòng thành. Đây không phải là vấn đề ví tiền, nhưng là con tim, là tấm lòng. Có sự khác biệt giữa ví tiền và con tim.
Những người giàu có khoa trương cho đi những điều dư thừa, trong khi bà góa, kín đáo và khiêm tốn, do sự nghèo khó cùng cực của bà, lẽ ra bà có thể chỉ cúng một đồng cho Đền thờ và một đồng kia giữ lại cho mình. Nhưng bà không muốn kiểu sống nửa với, nghĩa là dâng cho Thiên Chúa nửa chừng; bà dâng tất cả. Vì thế, Chúa Giêsu nói, bà đã cho nhiều hơn tất cả những người khác. Trong sự nghèo khó của mình, bà hiểu rằng, có Chúa là có tất cả; bà cảm thấy được Chúa hoàn toàn yêu thương và đáp lại bà yêu Chúa trọn vẹn. Gương của bà già ấy mới đẹp làm sao!
Kinh nghiệm cho thấy có những khi chúng ta cho đi, nhưng người khác lại không đón nhận, hoặc có lúc người ta đón nhận nhưng chỉ đón lấy trong sự ép buộc chứ không mấy vui vẻ. Thành thực mà nói, nhiều khi ta trao tặng mà người kia không đón nhận, có lẽ không phải vì món quà không có giá trị, nhưng vì cách thức chúng ta cho đi có vấn đề. Chúng ta hãy cho đi bằng tất cả tấm lòng và hãy học cách cho đi như chính Chúa Giêsu đã cho đi.
Nhìn lại trong dòng lịch sử, không có ai có cách cho đi đẹp cho bằng Chúa Giêsu. Người đã cho đi tất cả kể cả mạng sống của mình chỉ vì yêu thương nhân loại. Sự trao hiến của Người là một sự cho đi đến tận cùng, một sự cho đi không tính toán. Người không những cho đi chính mình mà còn dạy cho nhân loại chúng ta biết nghệ thuật của sự cho đi. Có thể nói, cả cuộc đời Đức Giêsu là một lời giáo huấn liên tục về sự cho đi và cách thức cho đi.
Một việc lành của chúng ta chỉ thực sự tốt khi nó được thực hiện với lòng yêu thương. Câu chuyện về người đàn bà ủng hộ đồng bào bị lũ lụt nói trên: Ban đầu bà đã có quyết định tốt khi dự định bỏ thùng ủng hộ một triệu đồng. Nhưng khi thấy nhiều người khác cũng bỏ vào thùng một triệu như vậy, thì bà liền đã tăng số tiền ủng hộ lên gấp đôi để tỏ ra mình quảng đại hơn người khác. Sau đó việc lỡ rút nhầm bao thơ 200 đôla Mỹ tương đương năm triệu đồng bỏ vào thùng là việc ngoài ý muốn của bà, thể hiện qua việc bà tiếc nuối muốn đòi lại số tiền dư ra kia, nhưng rồi cũng do thói sĩ diện hão, cuối cùng bà đành phải chấp nhận số tiền bỏ thùng lớn gấp nhiều lần. Số tiền bà góp này cũng không có giá trị bao nhiêu về thiêng liêng khi ra trước tòa Chúa phán xét sau này vì không phát xuất từ tình yêu tha nhân.