Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Chạnh lòng thương
9.7Thứ Ba trong tuần thứ Mười Bốn Mùa Quanh Năm
Hs 8:4-7,11-13; Tv 115:3-4,5-6,7-8,9-10; Mt 9:32-38
Chạnh lòng thương
Tin Mừng hôm nay thánh Matthêu thuật lại phép lạ, Chúa chữa một người bị câm do quỷ khống chế, khi quỷ bị trục xuất ra thì người ấy nói được. Chúa đã giải thoát anh ra khỏi tình trạng câm lặng để anh có thể nói những điều tốt đẹp. Người ta bảo: “ Nói là gieo, nghe là gặt”. Thật vậy nếu ta nói những điều hay thì chẳng khác gì chúng ta đã gieo những hạt giống tốt vào lòng người nghe, ngược lại nếu chúng ta nói những điều xấu xa, gian dối thì chẳng khác chi chúng ta gieo những giống cây độc vào lòng người khác. Ở đây sau khi chứng kiến phép lạ xảy ra, có nhiều người thán phục quyền năng Thiên Chúa mà thốt nên rằng: “ Ở Ít-ra-el chưa hề thấy thế bao giờ”. Thế nhưng ngược lại bọn Pha-ri-sêu thì lại cho rằng: “ Ông ấy dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ”. Vì thế những lời nói của họ như giống độc làm mù lấp người nghe.
Người ta đem đến cho Chúa Giêsu một người câm bị quỉ ám. Chúa trừ quỉ ra và người câm nói được, dân chúng thấy vậy thì khâm phục quyền năng Chúa, tin tưởng Chúa là Đấng Thiên Sai; còn người biệt phái thì không chịu tin Chúa mà lại tin ma quỉ… Và Chúa đi khắp các thành các làng mạc rao giảng Tin mừng Nước Chúa và chữa lành mọi bệnh tật. Khi thấy dân chúng đông đúc không ai cứu giúp thì Ngài chạnh lòng thương họ. Ngài bảo các môn đệ xin Chúa Cha cho nhiều người đến dìu dắt họ.
Mở đầu Tin mừng là câu chuyện Chúa Giêsu trục xuất một tên quỉ ra khỏi người câm. Toàn dân thì ca tụng, nhưng người biệt phái độc miệng cho rằng: Chúa dùng quyền tướng quỉ mà trừ quỉ. Khi đã không ưa thì dưa có dòi, biệt phái tìm cách để nói xấu Chúa Giêsu, vì giáo lý của Ngài đã vạch trần thái độ kiêu ngạo, dối trá và giả hình của họ. Tuy nhiên, đối với Chúa Giêsu, sự chống đối không quan trọng khi Ngài không phản kháng, mà điều khẩn thiết hơn cả là Tin mừng phải được loan báo cho muôn dân.
Trong ý thức hệ của người Do thái, họ vẽ ra trong tư tưởng của mình một lối sống kiểu Biệt phái giả hình và đòi dân theo, họ quan niệm một thời kỳ cứu độ và một Đấng Messia giàu sang, chứ không phải hoà đồng chung bàn với người hèn kém. Từ đó họ không nhận ra được Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế. Với ý thức hệ như thế, họ không những bị trói buộc trong tư tưởng thiển cận của họ, không nhận ra được dấu chỉ của thời đại, mà còn bắt người khác phải suy nghĩ và hành động như họ. Chính vì thế mà họ gièm pha những lời Chúa Giêsu nói và những việc Ngài làm. Họ tìm cách lèo lái dân thoả hiệp với họ và xuyên tạc sự thật về Chúa Giêsu, trong khi dân chúng ca tụng công việc của Chúa thì họ lại bóp méo xuyên tạc cho đó là việc của tướng quỉ.
Chúa Giêsu chạnh lòng thương trước hiện trạng của con người vất vưởng lầm than, mà những bậc làm “thầy” Do thái không giải quyết được cho họ. Họ như rắn mất đầu, thiếu vắng đời sống tâm linh. Trong bản tính nhân loại, một mình Chúa cần sự cộng tác của các môn đệ cùng làm công việc của Ngài như một “mục tử” và “lương y”. Trước sự bao la của hoạt động tông đồ, điều đầu tiên mà Chúa Giêsu yêu cầu là cầu nguyện: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa”.
Chúa Giêsu sai môn đệ đi rao giảng Tin mừng, vì Chúa muốn rằng sứ mệnh rao giảng của Chúa cần được tiếp tục mãi trong thời gian từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhờ qua những con người được mời gọi cộng tác với Chúa, làm công việc của Chúa với những quyền năng do Chúa ban cho. Sự hiện diện và sứ mệnh của Giáo hội qua các thời đại trong lịch sử đều nằm trong chương trình của Chúa ngay từ đầu và do ý Chúa muốn, chứ không do sáng kiến của con người.
Bức tranh nhân loại ngày nay thật tăm tối khi sự nghèo khó lại sánh vai bên cạnh sự giàu có và thừa mứa. Dưới gầm bàn ăn của người phú hộ ngày ngày yến tiệc linh đình là vô số những Lazarô đang lê lết quằn quại trong bệnh tật và đau khổ.
Sự hiện diện của những người đau khổ là một tra vấn cho lương tâm Kitô hữu chúng ta. Chính qua chúng ta mà Chúa Giêsu tiếp tục chạnh lòng thương trước nỗi khốn khổ của con người, nhưng cũng chính qua những người khốn khổ mà Chúa Giêsu đến với chúng ta. Trong ngày sau hết, chúng ta chỉ bị xét xử về một điều, chúng ta có nhận ra và yêu thương Ngài nơi những con người khốn khổ không?
Có lần Mẹ Têrêsa đã cầu nguyện với Chúa như thế này: “Xin hãy cho con rao giảng về Chúa, không phải bằng lời nói nhưng bằng gương sống, với sức thu hút mạnh mẽ và sự lôi cuốn của lòng cảm thông, một sự thu hút và lôi cuốn đến từ những gì con làm, bằng chứng rõ ràng cho Tình yêu hoàn toàn đối với Chúa, Đấng hiện diện tràn đầy trong tâm hồn con”.
Nhân loại ngày nay vẫn còn bơ vơ như đoàn chiên không có người chăn. Hãy tập cho mình biết chạnh lòng thương như Chúa Giêsu, để cùng với Chúa làm cho thế giới chúng ta đang sống được ấm áp tình người hơn.
Tin Mừng hôm nay cho thấy tình yêu vô hạn của Chúa Giê-su đối với dân chúng lúc bấy giờ: Ngài tận tình giảng dạy mọi người, rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, ra tay trừ quỷ và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền cho dân chúng. Qua những việc làm cụ thể, tiếp xúc với đám đông dân chúng; Chúa Giê-su đã đau nỗi đau đồng loại (chạnh lòng thương cảm) khi thấy phần đông dân chúng vẫn còn đó những lầm than đói nghèo, họ không được định hướng, họ vất vưởng, bơ vơ lạc lõng tựa như đàn chiên không có người chăn dắt, nuôi dưỡng; như đồng lúa chín vàng nhưng lại thiếu thợ gặt…
Thế giới ngày nay ví như một cánh đồng mênh mông – Lúa chín đầy ra đó mà lại thiếu thợ gặt – Thế giới hôm nay có rất nhiều linh hồn chờ đợi được đón nhận Nước Trời; nhưng người chỉ đường và hướng dẫn cho họ thì vẫn còn thiếu nhiều quá.
Chúa Giê-su xuống thế làm người để cứu thế gian thoát khỏi quyền lực sự dữ và sự chết. Qua đó, Ngài kêu gọi sự cộng tác của con người trong mầu nhiệm Cứu Độ.
Thiết nghĩ, lời kêu gọi của Ngài vẫn còn giá trị và khẩn cấp trong mọi thời đại. Là người Ki-tô hữu, chúng ta có lo lắng và chạnh lòng để Nước Chúa được lan rộng tới các tâm hồn hay không ? Ðức tin của chúng ta có sống động bằng các việc làm cụ thể hay chỉ là kiểu đức tin (chết) nằm trong sổ Rửa tội ?