Sứ điệp Ngày Giới trẻ Thế giới năm 2023 –…
Cha Raymond J. de Souza: Tại sao Tổng thống Trump giành được tình cảm quý mến của các tín hữu truyền thống?
Cha Raymond J. de Souza: Tại sao Tổng thống Trump giành được tình cảm quý mến của các tín hữu truyền thống?
Linh mục Raymond J. de Souza, là chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada. Trong một bài phân tích đăng trên tờ First Things ngày 4 tháng 12, 2020, ngài cho rằng Tổng thống Trump có một tầm nhìn chiến lược khi cho rằng các cuộc bổ nhiệm thẩm phán ở Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ có một tầm quan trọng sống còn đối với các chính sách phò sinh và tự do tôn giáo ở Mỹ. Ba bổ nhiệm thẩm phán của Tổng thống Trump tại Tối Cao Pháp Viện và hàng loạt các bổ nhiệm khác vào các tòa Phúc Thẩm Liên Bang của ông đã tái định hình nền chính trị Hoa Kỳ. Chính vì thế, theo Cha Raymond J. de Souza, Tổng thống Trump đã, đang và sẽ tiếp tục giành được tình cảm quý mến của các tín hữu truyền thống, bất kể những gì sẽ xảy ra.
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Supremacy of the Court
by Fr. Raymond J. de Souza
Tầm quan trọng tối thượng của Tòa án
Phán quyết về quyền tự do tôn giáo lúc nửa đêm từ Tối Cao Pháp Viện vào tuần trước — trong vụ Giáo phận Công Giáo Brooklyn kiện Thống đốc Cuomo — xác nhận lý do tại sao Tổng thống Donald Trump, dù thế nào, vẫn nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người. Tổng thống Trump hiểu rõ hơn hàng lãnh đạo của Đảng Cộng hòa, mà ông thay thế, rằng các cuộc bổ nhiệm thẩm phán có tầm quan trọng tối cao đối với các cử tri ủng hộ cuộc sống và tự do tôn giáo.
Cần phải nhớ lại lịch sử, vì nó giải thích cho chúng ta thấy chính đường lối mạnh dạn trước các ưu tiên cốt lõi của các tín hữu truyền thống đã mở ra cánh cửa cho Tổng thống Trump và cho việc tái định hình nền chính trị Mỹ.
Năm 1987, khi chủ tọa phiên điều trần xác nhận Thẩm Phán Robert Bork, Joe Biden đã áp dụng một thứ chính trị duy quyền lực vào việc đề cử các thẩm phán. Biden, với sự trợ giúp khét tiếng của Ted Kennedy, đã ngăn chặn Bork với lý do đơn giản rằng Bork không đồng ý với triết lý tư pháp của mình. Họ đã bỏ phiếu để ngăn chặn anh ta – để “bork” [hãm hại] anh ta thực sự. Đó là điều họ đã làm.
Tổng thống Ronald Reagan lại đi thưởng cho Biden bằng cách cử Anthony Kennedy lên thay Bork (sau khi người được đề cử tiếp theo, là Douglas Ginsburg, rút lui). Trong ba mươi năm tiếp theo, Kennedy đã miệt mài trung thành với giấy phép phá thai được yêu thích của Biden và trưng diện cho bản thân mình vai trò làm cha đẻ cho việc thiết lập hôn nhân đồng giới như một quyền hiến định.
Tổng thống tiếp theo là George HW Bush còn làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Chúng ta hãy quay trở lại thời điểm ba mươi năm trước khi xảy ra bổ nhiệm thẩm phán đầu tiên của Tổng thống George HW Bush. Nó rơi vào thời điểm Thẩm Phán William Brennan, nhà lãnh đạo của cánh cấp tiến tại Tối Cao Pháp Viện, nghỉ hưu. Ông ta được Thẩm Phán Antonia Scalia gọi là “vị thẩm phán có ảnh hưởng nhất của thế kỷ”. Tổng thống Dwight Eisenhower, người đã bổ nhiệm cả Thẩm Phán Brennan lẫn Chánh án Earl Warren, đã nói một câu thật chua chát rằng “Tôi đã phạm hai sai lầm, và cả hai cái sai lầm của tôi đều đang ngồi trong Tối Cao Pháp Viện”.
Ba mươi bốn năm sau khi Brennan gia nhập Tối Cao Pháp Viện, Tổng thống Bush [Cha] lại phạm phải cùng một sai lầm tương tự. Ông có hai lựa chọn là Thẩm phán Edith Jones, là Amy Coney Barrett vào thời đó, và một tay khó lường trước được là David Souter. Tổng thống Bush đã không nắm bắt được cơ hội quan trọng để lật đổ sự dẫn đầu của phe cấp tiến tại Tối Cao Pháp Viện, như Tổng thống Trump sẽ làm ba mươi năm sau đó.
Tổng thống Bush đã chọn Souter, là người được người ta kháo rằng là một người bảo thủ cách kín đáo. Tổng thống Bush sau đó phải thừa nhận rằng việc bổ nhiệm Souter là một “sai lầm lớn” vì Souter là một lá phiếu đáng tin cậy cho các vấn đề cấp tiến và đồng lõa với Kennedy trong các vấn đề xã hội. Tổng thống Bush nói với người viết tiểu sử mình là Jon Meacham rằng tức điên hơn nữa là ông đã có cảm giác bất an vào thời điểm đó: “Tôi ngần ngại không muốn đặt Souter vào ghế thẩm phán, nhưng sau tôi còn kinh hãi hơn khi khám phá thấy hắn ta là một thứ Earl Warren – sau khi hắn ta đã ngồi vào tòa án. Hắn ta đã hành xử y hệt như thế.” [Earl Warren (sinh ngày 19 tháng Ba, 1891; qua đời 9 tháng Bẩy, 1974) là Chánh Án thứ 14 của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ. Ông được tổng thống Cộng Hòa Dwight Eisenhower bổ nhiệm nhưng lại thường đứng về phe của đảng Dân Chủ]
Năm 1992, khi Souter tham gia cùng Kennedy để bảo vệ “sự nắm vững những điều thiết yếu” của Roe trong vụ Planned Parenthood kiện Casey, tin tức này khiến Biden rơi nước mắt vì sung sướng trước kết quả bất ngờ, ông ta “cười, la hét và ôm thượng nghị sĩ phò phá thai Warren Rudman tại một nhà ga công cộng của một tuyến đường sắt” bởi vì, “đôi khi, có những kết thúc thật đáng mừng”
Tổng thống Bush sửa chữa sai lầm vào năm sau đó bằng cách đề cử Clarence Thomas thay thế Thurgood Marshall, bất chấp mọi nỗ lực của Biden nhằm bác bỏ bổ nhiệm này.
Mười lăm năm sau, đến lượt Tổng thống George W. Bush, là người đã đưa ra hai bổ nhiệm vào năm 2005. Người đầu tiên, John Roberts, thay thế Sandra Day O’Connor. Đây là cơ hội để thay đổi một lá phiếu nghiêng ngả theo hướng bảo thủ một cách đáng tin cậy. (Roberts được nâng lên thành chánh án khi William Rehnquist qua đời trước khi Roberts được xác nhận thay thế vị trí của O’Connor.)
Nhưng hóa ra là bản thân Roberts cũng lại có xu hướng lung lay, ông ta đã bỏ phiếu để duy trì Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng và trong những trường hợp khác, ông ta tham gia với nhóm tứ tấu tự do của Tối Cao Pháp Viện khiến cho họ dành được đa số. Đầu năm nay, Roberts đã tham gia cùng những người theo chủ nghĩa cấp tiến để duy trì các hạn chế liên quan đến việc thờ phượng tại California trong bối cảnh đại dịch coronavirus. Đó là một quyết định đã được tòa án đảo ngược một cách hiệu quả vào tuần trước trong vụ Giáo phận Công Giáo Brooklyn kiện Cuomo. Lần này, Roberts vẫn đứng về phía những người cấp tiến, nhưng với việc Thẩm Phán Barrett đã thay thế bà Ruth Bader Ginsburg quá cố, những người theo chủ nghĩa cấp tiến cộng với Roberts giờ đây chỉ còn là thiểu số.
Chính sự đề cử thứ hai của Tổng thống Bush vào năm 2005 đã mở ra cơ hội để Tổng thống Trump đưa việc đề cử các thẩm phán trở thành một phần cốt lõi trong lời kêu gọi của ông đối với các cử tri Đảng Cộng hòa đang bất mãn. Tổng thống Bush đề cử Harriet Miers, một người bạn Texas của ông, cũng là một cựu luật sư riêng và Cố vấn Tòa Bạch Ốc. Bảng câu hỏi đề cử của cô được đệ trình lên Ủy ban Tư pháp Thượng viện đã được trả lại trên cơ sở lưỡng đảng vì các câu trả lời của cô quá thiếu sót. Biểu hiện thiếu năng lực này của cô và khả thể là cô sẽ rơi vào đâu đó giữa O’Connor và Souter, về cơ bản, đã dẫn đến một cuộc nổi dậy của những người bảo thủ trong Đảng Cộng Hòa. Đối mặt với sự bất mãn quá lớn từ những người ủng hộ mình, Tổng thống Bush đã rút lại đề cử này và cử Samuel Alito thay thế. Samuel Alito là người được cộng đồng luật pháp bảo thủ tin tưởng.
Mười lăm năm sau, khi Ginsburg qua đời khi còn đang tại chức, Tổng thống Trump tuyên bố rằng ông sẽ đề cử một nữ thẩm phán. Miers nhu nhược, và Edith Jones đã già đều không có cơ hội.
Một trong những sáng kiến chính trị hiệu quả nhất của Tổng thống Trump trước khi đắc cử là công bố một danh sách các ứng cử viên có triển vọng được bổ nhiệm vào Tối Cao Pháp Viện. Trên thực tế, đó là một lời hứa rằng những ngày tháng trong đó những đề cử theo kiểu dĩ hòa vi quý của Tổng thống Bush đã kết thúc. Sẽ không có Souter hay Miers dưới thời Tổng thống Trump.
Nếu Tổng thống Bush mà đưa được Miers vào Tối Cao Pháp Viện, thì phán quyết tuần trước chống lại lệnh của Thống đốc Andrew Cuomo giới hạn việc tham dự ở các nhà thờ rất có thể đã đi theo hướng khác, với cả Roberts và Miers ngả theo phe cấp tiến. Thật vậy, rất có thể với Miers trên sân thay vì Alito, một chuỗi dài các quyết định 5-4 trong mười lăm năm qua sẽ đi theo hướng khác.
Hãy nhớ lại rằng trước khi Tổng thống Trump đánh bại Hillary Clinton, ông đã từng đánh bại một ứng cử viên vĩ đại khác của Đảng Cộng Hòa vào năm 2016, là Thống đốc Jeb Bush. Tổng thống Trump đưa ra các dấu chỉ cho thấy rằng ông sẽ không kéo dài tình trạng bổ nhiệm các thẩm phán có “năng lượng thấp” như trong chính sách của Tổng thống Bush đối với các bổ nhiệm thẩm phán. Việc Tổng thống Trump thực hiện lời hứa đó – cũng như việc người Công Giáo và người Do Thái ở Brooklyn hiện có thể thờ phượng mà không bị áp đặt các giới hạn phân biệt đối xử – là lý do chính khiến Tổng thống Trump tiếp tục nhận được sự ủng hộ từ những tín hữu truyền thống.
Đặng Tự Do