Cơ cấu tổ chức và phẩm trật của Giáo hội…
Đức Tổng Giám Mục Chaput: Joe Biden không thể rước lễ vì chính sách phá thai làm hàng triệu thai nhi chết oan
Đức Tổng Giám Mục Chaput: Joe Biden không thể rước lễ vì chính sách phá thai làm hàng triệu thai nhi chết oan
Trong thư thứ Nhất gởi các tín hữu Côrintô, Thánh Phaolô viết: “Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không nhìn nhận Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình.” (1 Cr 11: 28-29)
Trước lời cảnh cáo quyết liệt ấy của Thánh Phaolô, Đức Tổng Giám Mục Charles J. Chaput, Tổng Giám Mục hiệu tòa Philadelphia vừa có một bài nẩy lửa đăng trên tạp chí First Things của Hoa Kỳ ngày 4 tháng 12. Ngài nhận định rằng ông Joe Biden không nên Rước Lễ vì ông ta ủng hộ “tội lỗi luân lý nghiêm trọng” là phá thai. Ngài cũng cảnh báo rằng cá nhân các Giám Mục nào công khai ý định cho phép Joe Biden Rước lễ có nguy cơ gây “hại nghiêm trọng” cho chính Biden, và gây “bất đồng nghiêm trọng” cho các Giám mục khác.
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Mr. Biden and the Matter of Scandal
by Charles J. Chaput, O.F.M. Cap. 12.4.20
Ông Biden Và Vấn Đề Tai Tiếng
Quý vị độc giả có thể nhớ lại rằng trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2004, Thượng nghị sĩ John Kerry đã dẫn đầu phe Dân chủ. Là một người Công Giáo, nhưng Kerry lại có một số quan điểm chính sách mâu thuẫn với niềm tin luân lý của Giáo hội. Điều này đã dẫn đến những căng thẳng nội bộ giữa các Giám Mục Hoa Kỳ về cách giải quyết vấn đề Rước Lễ đối với các quan chức Công Giáo nào công khai và kiên trì chống đối các giáo huấn Công Giáo về các vấn đề như phá thai. Vào thời điểm đó, Hồng Y Theodore McCarrick của Washington, cùng với Giám Mục Donald Wuerl của Pittsburgh, có những quan điểm rất khác với quan điểm của tôi về cách thức tiến hành.
Lúc đó tôi đã tin, và bây giờ tôi vẫn tin rằng việc công khai từ chối không cho các quan chức chính phủ như thế rước lễ không phải lúc nào cũng là khôn ngoan hay lúc nào cũng là một phương thế mục vụ tốt nhất. Làm như vậy một cách ồn ào và mạnh mẽ có thể gây hại nhiều hơn là có lợi, khi mời các quan chức đó cứ tiếp tục đắm mình trong ánh sáng truyền thông như là các nạn nhân của Giáo Hội. Tuy nhiên, điều mà tôi phản đối vào năm 2004 là bất kỳ sự thờ ơ nào có vẻ như không quan tâm đến vấn đề này, bất kỳ gợi ý nào trong các tuyên bố hoặc các chính sách của các Giám Mục sẽ khiến các Giám Mục quay lưng lại với tầm quan trọng của một vấn đề rất nghiêm trọng. Vào thời điểm đó, may mắn thay, Bộ Giáo lý Đức tin đã giải quyết mọi sự nhầm lẫn liên quan đến thực hành đúng trong những vấn đề này bằng bản ghi nhớ vào tháng 7 năm 2004 gởi cho McCarrick lúc bấy giờ còn là một Hồng Y, Sự Xứng Đáng Để Rước Lễ: Các Nguyên Tắc Chung. Tài liệu này bao gồm các đoạn văn sau:
5. Liên quan đến tội trọng phá thai hoặc an tử, khi sự hợp tác chính thức của một người trở nên tỏ tường (trong trường hợp của một chính trị gia Công Giáo, điều này được hiểu là khi người đó liên tục vận động và bỏ phiếu cho việc hợp pháp hóa luật phá thai và an tử), trong trường hợp đó, mục tử của người ấy phải gặp đương sự, hướng dẫn anh ta về giáo huấn của Giáo Hội, thông báo cho anh ta biết rằng anh ta không được lên Rước Lễ cho đến khi anh ta chấm dứt hoàn cảnh tội lỗi khách quan, và cảnh báo anh ta rằng nếu anh ta cứ lên rước lễ, anh ta sẽ bị từ chối Thánh Thể.
6. Khi “những biện pháp phòng ngừa này không có tác dụng hoặc không thể thực hiện được, và người được đề cập, với sự kiên trì cố chấp, vẫn cứ lên rước Mình Thánh Chúa, thì thừa tác viên Thánh Thể phải từ chối trao Mình Thánh Chúa” (xem Tuyên bố của Hội đồng Giáo hoàng Giải thích các Văn Bản Luật về việc Rước lễ của những người Công Giáo đã ly dị, và tái hôn dân sự [2002], số 3-4). Quyết định này, nói đúng ra, không phải là một hình thức chế tài hay một hình phạt. Cũng không phải là thừa tác viên Thánh Thể đang đưa ra một phán xét chủ quan về tội lỗi của người đó, nhưng là đang phản ứng trước việc người đó không thích hợp để rước lễ do hoàn cảnh tội lỗi khách quan.
Theo hiểu biết của tôi, tuyên bố đó vẫn còn hiệu lực. Và nó phản ánh kỷ luật bí tích lâu đời của Giáo Hội Công Giáo dựa trên Lời Chúa.
Các hệ quả cho thời điểm hiện tại là rõ ràng. Những nhân vật công khai xưng mình là “Công Giáo” đang gây tai tiếng cho các tín hữu vì khi rước lễ như thế họ tạo ra một ấn tượng rằng các luật luân lý của Giáo hội là tùy chọn [tuân thủ cũng được, không tuân thủ cũng không sao]. Và các Giám Mục cũng gây ra tai tiếng tương tự khi các ngài không dám công khai lên tiếng về vấn nạn và nguy cơ phạm thánh này. Vì thế, cũng đáng xem lại những lời trong Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo về cái ác – và những thiệt hại nghiêm trọng – gây ra bởi tai tiếng:
2284. Tai tiếng là thái độ hoặc cách hành động dẫn người khác đến chỗ làm điều xấu. Ai gây ra tai tiếng, người đó trở thành tên cám dỗ người lân cận. Người đó làm hại đến các nhân đức và sự chính trực; người đó có thể đưa anh em mình đến cái chết về phần thiêng liêng. Làm gương xấu trở thành một trọng tội, nếu bằng hành động hay bằng sự thiếu sót, gương xấu ấy cố ý lôi kéo tha nhân đến chỗ phạm trọng tội.
2286. Tai tiếng có thể phát sinh do luật pháp hoặc những thể chế, do chạy theo xu thế thời trang hoặc dư luận. Như vậy, mắc tội làm gương xấu, là những ai thiết lập những luật lệ hoặc những cơ cấu xã hội dẫn đến việc phong hóa bị suy đồi và đời sống đạo hạnh bị hư hỏng, hoặc đến “những hoàn cảnh xã hội, dù cố ý hay không, làm cho người ta khó, hoặc hầu như không thể thực hiện được một đời sống Kitô giáo phù hợp với các điều răn của Nhà Làm Luật tối thượng”. Cũng mắc tội làm gương xấu, là các chủ nhân đặt ra những luật lệ khuyến khích gian lận, các bậc phụ huynh làm cho con cái “tức giận”, hoặc những kẻ khích động dư luận một cách gian manh, khiến dư luận quay lưng lại với những giá trị luân lý.
Những Giám Mục công khai cho biết trước rằng họ sẽ thực hiện cuộc đối thoại riêng nếu Joseph Biden đắc cử tổng thống và cho phép ông ta Rước lễ, trên thực tế đang làm suy yếu hiệu quả công việc của lực lượng đặc nhiệm được thành lập tại cuộc họp của Hội Đồng Giám Mục vào tháng 11 để giải quyết chính xác vấn đề này và các vấn đề liên quan. Điều này gây ra tai tiếng cho các Giám Mục và linh mục anh em của họ, và cho nhiều người Công Giáo đang quyết tâm trung thành với giáo huấn của Hội Thánh. Nó gây thiệt hại cho Hội Đồng Giám Mục, cho ý nghĩa của tính đồng đoàn, và cho kết quả công việc vận động của Hội Đồng với chính quyền tương lai.
Có vẻ như một số nguyên tắc quan trọng đang bị đe dọa ở đây:
Mỗi Giám Mục địa phương phải chịu trách nhiệm trước Thiên Chúa về việc chăm sóc cho các linh hồn và sự toàn vẹn của các bí tích trong Giáo hội — trong toàn thể Giáo hội, nhưng đặc biệt trong giáo phận địa phương của ngài.
Mỗi Giám Mục địa phương cũng có nghĩa vụ phải tuân thủ kỷ luật trong giáo phận của mình đối với các giáo huấn Công Giáo và phải làm rõ các giáo huấn đó cho người dân trong giáo phận của mình. Điều này bao gồm giáo huấn về tầm quan trọng của việc rước lễ một cách xứng đáng.
Trong khi mỗi Giám Mục địa phương, được hướng dẫn bởi sự thận trọng, có một số quyền tự do nhất định để xác định cách tốt nhất trong việc áp dụng các kỷ luật bí tích trong giáo phận của mình, thì không Giám Mục nào có thể bỏ qua các nguyên tắc về phương diện luân lý và bí tích.
Khi các Giám Mục công khai thông báo về việc họ sẵn sàng cho ông Biden rước lễ, mà không giảng dạy rõ ràng về mức độ nghiêm trọng trong việc ông ta tạo điều kiện cho tệ nạn phá thai (và việc ông chấp thuận các mối quan hệ đồng giới), họ đã gây bất bình nghiêm trọng cho các Giám Mục anh em và dân của họ. Lý do là hiển nhiên. Bằng những hành động trong suốt cuộc đời công khai của mình, ông Biden đã chứng tỏ rằng ông ta không hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo. Nói cho công bằng, ông ta đã ủng hộ nhiều điều thiện và nhiều vấn đề phục vụ lợi ích chung. Tuy nhiên, nhiều hành động và lời nói của ông ta cũng đã hỗ trợ hoặc tạo điều kiện cho những tệ nạn đạo đức nghiêm trọng trong đời sống công cộng của chúng ta, dẫn đến việc hủy diệt hàng triệu sinh mạng vô tội. Ông Biden đã nói rằng ông ta sẽ tiếp tục thúc đẩy các chính sách tương tự trong tư cách tổng thống, và do đó ông ta không được phép rước lễ. Ý định đã nêu của ông đòi hỏi một sự phản ứng mạnh mẽ và nhất quán từ các nhà lãnh đạo và các tín hữu của Giáo hội.
Đây không phải là một vấn đề “chính trị”, và những người mô tả vấn đề này như một vấn đề “chính trị” chỉ có thể là những người thiếu hiểu biết hoặc cố tình gây nhầm lẫn vấn đề này. Đây là vấn đề thuần túy thuộc về trách nhiệm của các Giám Mục trước mặt Chúa về tính toàn vẹn của các bí tích. Hơn nữa, còn có một vấn đề cấp bách là sự quan tâm mục vụ đối với phần rỗi của một người. Tối thiểu, mọi Giám Mục có nhiệm vụ phải thảo luận riêng về những vấn đề luân lý quan trọng này và tác hại của việc rước lễ một cách bất xứng với những nhân vật công cộng có hành động trái với giáo huấn của Giáo hội. Rước lễ không phải là một quyền lợi mà là một ân sủng và một đặc ân; và nói về vấn đề “quyền”, thì các cộng đồng tín hữu phải có quyền ưu tiên đối với sự toàn vẹn của niềm tin và thực hành của mình.
Trong năm tới, rất nhiều người sẽ theo dõi hàng lãnh đạo Công Giáo của đất nước chúng ta. Họ sẽ được dẫn dắt, tốt hay xấu, bởi chứng tá của các Giám Mục Hoa Kỳ.
J.B. Đặng Minh An dịch