skip to Main Content

Bụt Nhà Không Thiêng

4.9 Thứ Hai trong tuần thứ Hai Mươi-Hai Mùa Quanh Năm

St 4:13-18; Tv 96:1,3,4-5,11-12,13; Lc 4:16-30

Bụt Nhà Không Thiêng

Đoạn Tin Mừng Chúa Giêsu thuật lại, khi Ngài trở về thăm quê hương là Na-da-rét. Ngày ấy dân Na-da-rét họ đón tiếp Người chẳng ra gì. Đó cũng là điềm báo Người bị dân Người chối bỏ. Và Chúa Giêsu là người thật sự đến để giúp họ, thoát khỏi luật tâm lý muôn đời “bụt nhà không thiêng”. Thế nên chúng ta cũng nhận ra câu nói bất hủ của Chúa Giêsu: “không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”. Người cũng cảm nhận được cái đớn đau, khó khăn, đã từng bị bạn bè, xóm giềng ruồng rẫy, khi hy sinh lãnh nhận sứ mệnh làm ngôn sứ tại xứ sở mình.

“Ngài vào hội đường Nagiarét” ( c.16). Hội đường là nơi hội họp của người Do Thái ở Palestine cũng như ở các nơi khác tụ về. Trong ngày Sabát họ đọc sách luật, sách ngôn sứ và sau đó là cắt nghĩa giảng giải. Người Do Thái nào đã đến tuổi trưởng thành đều có quyền đọc sách, nhưng người ta thường chọn vị nào có hiểu biết về kinh thánh để giảng giải cho dân. Chúa Giêsu đã đến tuổi trưởng thành và Ngài đã được ông trưởng hội đường trao nhiệm vụ đọc sách cho Ngài trong ngày hôm ấy. Đó là sách ngôn sứ Isaia. Ngài không chọn lựa nhưng mở ra và bắt gặp một đoạn nói về việc khởi đầu cho công cuộc rao giảng của Ngài. Hiện tượng này không thể xem là ngẫu nhiên, nhưng có lẽ Thiên Chúa đã sắp xếp khi giới thiệu Con Ngài vào trần gian trong sứ vụ Đấng Mêsia: “Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi” ( c. 18) ý nói về hoạt động của Chúa Giêsu là do Chúa Cha xức dầu và do Thánh Thần hướng dẫn. Đây là hoạt động của cả Ba Ngôi trong công trình cứu độ.

Công việc của Chúa Giêsu là : “đem Tin Mừng cho người nghèo, loan báo cho kẻ giam cầm biết họ được phóng thích, ban cho người mù được thấy ánh sáng, kẻ bị áp bức được tha bổng, tự do, công bố năm hồng ân của Chúa” (18-19). Với vỏn vẹn trong 2 câu, Thánh sử Luca đã mượn lời ngôn sứ Isaia để nói về thân phận và sứ vụ của Chúa Giêsu. Ngài đến đem bình an, sự tự do và hạnh phúc cho những người nghèo khổ. Ngài chính là Đấng Mêsia mà dân Do Thái mong đợi. Ngài cởi bỏ xiềng xích, tháo gỡ gông cùm cho những người tù tội, nô lệ. Ngài công bố năm hồng ân của Chúa mà đối với người Do Thái phải 50 năm mới được hưởng một lần. Trong năm hồng ân, mọi của cải mất mát sẽ trở về, ruộng đồng được nghỉ ngơi. Đó là năm ân xá cho toàn thể dân chúng ( x. Lc 25, 10-13). Chúa Giêsu đến, Ngài công bố năm hống ân sẽ được thực hiện, phúc lành Thiên Chúa sẽ ban dư tràn trên dân, trên những ai biết mở  lòng ra đón nhận.

Sau khi đọc sách xong, Chúa Giêsu cuộn sách trả lại và ngồi xuống giảng giải. Ngài khẳng định: “ Hôm nay lời kinh thánh mà các ông vừa nghe đã ứng nghiệm” ( c.20). Như thế là một cách Chúa Giêsu giới thiệu mình chính là Đấng  Mêsia, Đấng đến từ Thiên Chúa mang phúc lành cho toàn dân và hôm nay ơn cứu độ đã đến. Mọi người đều tán thành những lời ấy ( c.22). Họ tỏ ra hiểu được sứ điệp của lời Người vừa đọc và như sẵn sàng chuẩn bị đón chào con người của Ngài, là người vừa thốt ra lời hay ý đẹp.

Đến đây, chúng ta tưởng rằng việc rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu đã thành công ngay bước khởi đầu, ngay ngày “ ra quân”, thế mà họ lại xầm xì “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?”. Một câu hỏi như muốn lột trần Chúa Giêsu bằng con mắt tự nhiên ghen tỵ của họ. Họ thức tỉnh chính họ rằng: con người bằng xương bằng thịt đang đứng trước họ chỉ là con người bình thường trong một gia đình lao động mà họ biết rất rõ veà thân thế và sự nghiệp. ChúavGiêsu đã đọc được điều đó trong lòng họ, trong thái độ của họ nên Ngài vạch trần tỏ tường ghen tỵ ấy bằng một lời khẳng định : “ Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình” ( c. 24). “ Ngài đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” ( Ga,11).

Đó là số phận của các ngôn sứ trong thời Cựu Ước và cũng là điềm báo cho số phận sau này của Chúa Giêsu. Ngài bị chính dân Ngài chối bỏ, giết chết bằng cách đóng đinh trên Thập Giá. Sống ngôn sứ là dám chết cho lời chứng của mình và cái chết là lối chứng hương hồn và sống động nhất. Như các ngôn sứ trong Cựu ước, như Gioan Tẩy Giả và nhất là như Chúa Giêsu Đấng đã gióng lên tiếng yêu bằng cây Thập giá vinh quang. Đó là lối đường yêu thương của Thiên Chúa: Yêu đến cùng ( x. Ga 13,1).

Từ câu 25-27, Chúa Giêsu đưa ra dẫn chứng : Trong Cựu ước, những ai thuộc đoàn dân Chúa mà từ chối ơn lành, thì Thiên Chúa sẽ ban ơn cứu độ ấy cho dân ngoại như Êlia đã giúp bà goá Xa-rep-ta, như Êlisa đã chữa Naaman xứ Xyria. Những ví dụ này đánh động lòng chai cứng của người Do Thái, nhưng họ cứ chai lì trong  sự bướng bỉnh, cố chấp nên thay vì họ thay đổi, sám hối, ăn năn thì họ lại tỏ ra phẩn nộ, điên cuồng. Họ đồng phản ứng bằng cách: dứng dậy và lôi Chúa Giêsu ra khỏi thành, đưa lên đỉnh núi để tiêu diệt một con người dám nói lên sự thật, như gai nhọn đâm vào lòng họ. Họ muốn dập tắt tiếng nói lương tâm bằng hành vi giết chết một con người tiên tri. Nhưng họ không làm được vì giờ của Ngài chưa đến, vì con dường cứu độ của Ngài chỉ kết thúc ở Giêrusalem chứ không ở Nagiar

Quả thật, trong cuộc sống chúng ta cũng vậy, thành kiến luôn là căn bệnh chung của nhiều người, thành kiến đôi khi là một tâm trạng thiên lệch rất tai hại, từ sự yên trí, phán đoán, nhất là những tư tưởng suy đoán không hay cho người khác. Thích mới lạ, nhiều lý luận ngược chiều cho là hay, dựa theo dư luận số đông của mọi người.

Tại quê hương, khi chúng ta gặp người ấy quá quen, thân cận quá, thì chúng ta khó có thể chấp nhận tài năng của họ, hoặc họ có một địa vị cao trọng, danh giá, về thăm quê hương, chúng ta luôn có cái nhìn tò mò, soi mói tìm hiểu, hơn là kính nể khi họ về quê nhà hay xứ sở của mình, nếu người đó có tài nhưng gia đình nghèo khó, thì họ coi rẻ rúng, cũng như Chúa Giêsu khi trở về quê nhà cũng bị dân làng nhìn theo kiểu “Ông không không phải là con bác thợ mộc sao? Mẹ của ông không phải là bà Maria , anh em của ông không phải là các ông Gia-cô-bê, Gio-xép, Si-mon và Giu-đa sao? Bởi đâu ông được như thế?” (Mt 13, 55-56). Cũng vậy, Chúa hiểu rõ tâm lý của họ.

Chúng ta là người Kitô hữu là chấp nhận ra đi làm ngôn sứ, biết rao giảng và thực hành sống lời Chúa, loan báo Tin Mừng đến cho tha nhân, dẫu cho mọi người không chấp nhận chân lý và sự thật, đổi sang thái độ nghi ngờ hay chống đối. Ngay cả Chúa Giêsu cũng đóng vai trò ngôn sứ bởi từ Chúa Cha mà đến, nhưng cũng cùng chung một số phận như bao ngôn sứ khác. Vậy chúng ta tham dự vào vai trò ngôn sứ của Chúa Giêsu ngay trong mọi hoàn cảnh, hãy cảm thông hay chấp nhận với mọi người bằng sự thương yêu chân thành, đây không phải là thái độ lẩn tránh, mà bình tĩnh và cầu nguyện để tiếp tục chương trình, không để cho những người hay chống đối, có thể cản trở công việc thi hành sứ vụ, Thiên Chúa trao phó.
Lời Chúa luôn là kim chỉ nam, hướng dẫn, và chữa lành cho tâm hồn mỗi người, để tìm được sự thanh thảnh, bình an trong tâm hồn, giúp chúng ta vững tin ra đi loan truyền Lời Chúa đến tận cùng trái đất.

 

Back To Top