Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Bi thương nhưng không mất đường hy vọng
15.9 Đức Mẹ Sầu Bi
1 Tm 1:1-2,12-14; Tv 16:1-2,5,7-8,11; Lc 6:39-42
Bi thương nhưng không mất đường hy vọng
Hôm nay, chúng ta cùng với toàn thể Giáo hội mừng lễ Đức Mẹ Sầu Bi. Ngẫm nghĩ đến việc mừng lễ Đức Mẹ sầu bi, dường như ta cảm thấy có cái gì đó kỳ kỳ, không ổn thì phải! Đời thuở nhà ai lại đi ăn mừng lễ một người mẹ khi người mẹ đó gặp cảnh sâu thảm, bi thương vì phải chứng kiến cái chết của con mình bao giờ! Ở trong nỗi khổ đau, sầu bi thì làm sao có cái gì để mà ăn mừng?!
Giáo hội đặc biệt kính nhớ đến Đức Mẹ sầu bi, nhớ đến hình ảnh Mẹ đau khổ, âu sầu ôm xác Chúa Giêsu dưới chân thập tự giá. Không phải ngãu nhiên mà lễ nhớ đến Đức Mẹ sầu bi lại được cử hành ngay sau ngày suy tôn Thánh giá – tưởng nhớ đến cuộc khổ nạn đầy đau thương của Con Thiên Chúa để cứu chuộc muôn người. Nỗi đau mà Người gánh chịu vô cùng to lớn, nhưng nỗi đau ấy nơi người Mẹ chứng kiến cảnh Con mình chịu đớn đau cũng không hề thua kém. Chính vì thế, khi tưởng nhớ đến cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, chúng ta cũng đừng quên nhớ đến người Mẹ cũng chịu nỗi đớn đau như ngàn mũi dao xuyên tim.
Hôm nay mừng lễ Đức Mẹ Sâu Bi, Giáo hội nhắc nhớ cho chúng ta biết về giá trị của hạnh phúc, giá trị của niềm hy vọng trong chính nỗi khổ đau và chết chóc. Ngay ở bài đọc 1 trích trong thư gửi tín hữu Do thái hôm nay, chúng ta được nhắc nhớ về niềm hy vọng trong đau thương, hoạn nạn. Tác giả thư Do thái viết: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính”. Suy gẫm đoạn lời Chúa này, bấy lâu nay ta không khỏi thắc mắc: Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà xin Cha Ngài khỏi phải chết và rõ ràng tác giả thư Do thái bảo rằng Ngài đã được nhậm lời! Nhưng thực tế, Đức Giêsu vẫn phải chết tức tưởi trên thập giá! Vậy nghĩa là sao?
Hình ảnh Đức Mẹ đứng dưới chân Thập Giá, mà bài Tin Mừng mời gọi chúng ta chiêm ngắm trong ngày lễ hôm nay, nói lên sự nghịch lí này của Tin Mừng và của mầu nhiệm Vượt Qua.
Dưới chân thập giá, Mẹ sầu bi, nhưng Mẹ vẫn đứng vững chứ không ngã quị. Chúng ta nên đi lại hành trình của Mẹ Maria, từ biến cố truyền tin, để hiểu được tại sao Mẹ đứng vững. Chúng ta cũng cần đi theo Đức Kitô như Mẹ, để có thể đứng vững dưới chân thập giá. Và không cần phải đợi đến biến cố phục sinh, nhưng ở tột đỉnh của sự trao ban, nghĩa là trao ban đến không còn gì, chúng ta được mời gọi nhận ra sự sống mới phát sinh, phát sinh thật đồi dào, phát sinh từ Lời sự sống của Đức Giêsu được thốt lên ngay nơi chết chóc và lúc Ngài đang chết đi. Thật vậy, ngay trong đau khổ của sự chết, một Gia Đình mới phát sinh : Đức Giê-su, nhìn Mẹ, và nói: Thưa Bà, đây là con của Bà. (c. 19, 26)
Như thế, chính lúc Mẹ đang mất đi người con này, mẹ trở thành Mẹ của người con khác; và từ người con này, dưới sức mạnh của Đấng Phục Sinh, sẽ trở thành đông đúc, trong đó có cả con trai lẫn con gái. Chính lúc Mẹ bình an dâng hiến người con Duy Nhất, Mẹ nhận lại gấp trăm, nơi Người Môn Đệ Đức Giê-su thương mến. Và Mẹ cũng không mất đi Người Con Duy Nhất của Mẹ, vì Ngài sẽ hiện diện ở nơi anh chị em mới của Ngài.
Từ hi sinh thập giá, giữa cơn thử thách, ngay trong sự chết, một nhân loại mới phát sinh: những gì của con là của Mẹ; những gì của Thầy là của anh. Cái chết của Đức Giêsu đã làm phát sinh sự sống: Mẹ trở thành Mẹ của Người Môn Đệ Đức Giêsu yêu mến, đại diện cho tất cả các môn đệ thuộc mọi thời; khi dâng hiến người con duy nhất, Mẹ không mất đi, nhưng nhận lại Ngài nơi các môn đệ, nơi cả một đàn con đông đúc. Bởi vì, Đức Giêsu sẽ đi vào sự sống mới và hiện diện bên cạnh, ở giữa và bên trong các môn đệ nam nữ.
Dưới chân Thánh Giá, Mẹ Maria nhận lấy Giáo Hội của Chúa Giê-su, và Thánh Gioan, người môn đệ Chúa Giê-su quý mến, đã thay mặt anh em tông đồ, nhận Mẹ là Mẹ Giáo Hội, và đưa Mẹ về nhà mình, đón Mẹ về làm Mẹ Giáo Hội. Từ lời xin vâng đón nhận cưu mang Con Chúa, đến lời xin vâng đón nhận Giáo Hội của Chúa Giê-su, Mẹ Maria đã âm thầm tự hiến đời mình cho Thánh Ý Thiên Chúa được thành toàn để nhân loại được cứu rỗi. Đúng như lời tiên tri Simêon nói với Mẹ: Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà.
Lễ Mẹ sầu bi là một dịp cho mỗi người chúng ta biết ý thức chấp nhận tất cả những nghịch cảnh trong cuộc sống, để thanh luyện bản thân, và để đồng công với Chúa Kitô. Đức Maria, Hiền Mẫu của chúng ta, đã dạy và làm gương cho chúng ta đó là: đừng than vãn giữa những đau khổ thử thách. Mẹ khuyến khích chúng ta hãy liên kết những đau khổ của chúng ta với lễ hy sinh của Con Mẹ, và hiến dâng những đau khổ ấy như hiến lễ để mưu ích cho bản thân, gia đình, Giáo Hội, và toàn thể nhân loại.