skip to Main Content

Bài Học Kiên Nhẫn

 

26.7 Thánh Joachim và Anna, thân phụ mẫu Đức Mẹ

Gr 14:17-22; Tv 79:8,9,11,13; Mt 13:35-43

Bài Học Kiên Nhẫn

Mục đích của dụ ngôn thường chỉ muốn nói lên một điều chính yếu. Điều chính yếu trong dụ ngôn cỏ lùng là sự hiện diện của quỉ thần trong cuộc sống con người. Chúng cạnh tranh với Thiên Chúa để lôi kéo con người theo chúng; nhưng chúng chỉ có quyền hạn trên con người cho tới Ngày Tận Thế. Trong ngày đó, quỉ thần và con cái của chúng sẽ bị tiêu diệt muôn đời, như lời Chúa Giêsu tuyên bố hôm nay: “Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến Ngày Tận Thế cũng sẽ xảy ra như vậy.”

Chúa Giêsu hay dùng dụ ngôn để nói đến từng khía cạnh của Nước Trời. Trong bài Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu đưa ra ba dụ ngôn để ta suy gẫm , đó là dụ ngôn hạt giống và cỏ lùng, dụ ngôn hạt cải và dụ ngôn men bánh.

Dụ ngôn cỏ lùng giải thích cho chúng ta lý do tại sao lại có sự thiện và sự ác trên trần gian, tại sao trong Hội thánh lại có người lành kẻ dữ ? Và tại sao Thiên Chúa lại để cho người dữ sống chung với người lành mà không tiêu diệt nó đi.

Hai dụ ngôn hạt cải và men bánh nói lên sự tăng triển của Nước Trời. Nước Trời hay Hội thánh chỉ là cộng đoàn nhỏ nhưng sẽ phát triển mạnh trong âm thầm và trong những hoàn cảnh khó khăn, như những cuộc cấm cách, bách hại đạo.

Qua những dụ ngôn này, chúng ta có thể rút ra được một kết luận để cảnh giác chúng ta : đừng có ảo tưởng là có thể có một Hội thánh hoàn hảo ở trên trần gian này, trong đó chỉ còn có toàn những người thánh thiện. Trái lại, kẻ lành người dữ sống chung với nhau. Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi cho kẻ dữ biết ăn năn sám hối để được tha thứ.

Ánh sáng và bóng tối trong thế giới chúng ta đang sống ; điều thiện và sự ác trong mỗi con người đó là hình ảnh mà dụ ngôn lúa và cỏ lùng muốn trình bày. Tuy nhiên, hạt giống tốt mới là hạt giống được Thiên Chúa gieo đầu tiên và ở khắp mọi nơi và rồi sẽ được gặp sau cùng và ở khắp mọi chốn. Cỏ lùng không phải là nguyên thủy và cùng đích. Nhận ra điều này để Kitô hữu có cái nhìn tích cực hơn về xã hội, về con người. Một cái nhìn lạc quan cho tương lai tốt đẹp. Một ánh nhìn cảm thông với anh chị em lầm lỗi, để mở đường đưa họ trở về. Nhìn lên Thiên Chúa để thấy Ngài là Đấng kiên nhẫn, nhân từ, chịu đựng biết bao nhiêu thế kỷ tội lỗi của nhân loại. Ngài không chấp nhận tội lỗi nhưng lại yêu thương tha thứ và chờ đợi tội nhân hối lỗi ăn năn dù có tội đến mấy đi nữa.
Lời Chúa nhắc nhở Kitô hữu trước hết hãy lo hoán cải cuộc sống, từ bỏ tội lỗi, Thiên Chúa luôn yêu thương kiên nhẫn chờ đợi và ban đủ ơn cũng như thời gian để chúng ta quay về. Đồng thời, mời gọi mỗi người hãy biết cảm thông, nhân từ với anh chị em chung quanh.

Các bài đọc hôm nay dạy chúng ta rằng : luôn luôn có một thế lực thù địch ở trong thế gian, tìm kiếm và chời đợi để phá hủy hạt giống tốt. Kinh nghiệm đời sống chúng ta có hai loại ảnh hưởng và cùng tác động trên đời sống chúng ta : ảnh hưởng giúp cho hạt giống Lời Chúa được nảy nở tăng trưởng và ảnh hưởng tìm hủy hoại hạt giống tốt trước khi nó có thể đâm bông kết trái. Đó là bài học nhắc nhở chúng ta phải luôn đề cao cảnh giác.

Không có vinh quang nào mà không phải trải qua đau thương, không có vinh dự nào mà không đòi hỏi phải chiến đấu. Bởi đó, khi sống trong trần gian đối diện với cái ác, chúng ta không run sợ đầu hàng, hoặc thất vọng nản chí, nhưng hãy kiên tâm chiến đấu để luôn đứng vững trong hàng ngũ con cái Chúa, rồi chắc chắn Chúa sẽ đội mũ triều thiên cho ta. Trong khi chiến đấu với cái ác, chúng ta cũng phải luôn có cái nhìn bao dung với những người tội lỗi, phải có lòng quảng đại, biết cảm thông, và luôn giúp họ tìm dịp trở về. Có như thế chúng ta mới thực sự là những Kitô hữu hoàn thiện như người thợ đóng giầy trong câu chuyện trên.

“Kiên nhẫn không chỉ là khả năng chờ đợi, nhưng chính là cung cách ta cư xử đang khi chờ đợi” (Nhà văn Mỹ J. Meyer). Ta mong muốn Hội Thánh gồm các tín hữu tốt lành, hội đoàn gồm các thành viên nhiệt tâm, con cái gồm các người con hiếu thảo, láng giềng gồm những hàng xóm tốt bụng… Thế nhưng, trong thực tế ta đành phải chấp nhận tình trạng vàng thau lẫn lộn, người tốt – kẻ xấu, lúa tốt – cỏ lùng chen lẫn với nhau. Chúa Giê-su, qua dụ ngôn lúa tốt và cỏ lùng, dạy ta thái độ kiên nhẫn, bao dung khi sống trong “thửa ruộng thế gian.” Trong thiên nhiên, cỏ lùng muôn đời vẫn là cỏ lùng, nhưng trong “thửa ruộng thế gian,” người xấu có thể trở thành người tốt; ngược lại, người tốt có thể trở thành kẻ xấu không thể nào ngờ.

Thiên Chúa không muốn triệt tiêu sự dữ, nghĩa là những kẻ dữ, nhưng muốn họ sống còn và sống chung với những người tốt. Hẳn là Ngài hiểu tính hợp lý trong đề nghị của các đầy tớ, nhưng Ngài đã phải xử sự ngược đời, là vì cỏ lùng sống đan quyện với lúa tốt, nên nếu nhổ cỏ lùng, thì khó tránh được chuyện nhổ cả lúa tốt. Với lại, nếu cỏ lùng không thể thành lúa tốt (về thực vật học), kẻ xấu lại có thể trở thành người tốt (trong đời sống thiêng liêng). Sự hiểu biết và kiên nhẫn của Thiên Chúa là nhằm cứu độ mọi người. Đàng khác, sự xấu và sự thiện đan quyện với nhau tinh vi đến nỗi không dễ gì mà phân tách ra. Thật ra không phải là với những cuộc tiêu diệt mà người ta xây dựng được Nước Thiên Chúa, nhưng là với sự kiên nhẫn và tin tưởng.

Chúa Giêsu giải thích dụ ngôn cỏ lùng. Con cái Nước Trời chính là những hạt giống tốt Chúa gieo xuống mảnh ruộng của Người. Hạt giống tốt sẽ lớn lên theo ngày tháng. Cùng với sự lớn lên của hạt giống tốt ấy cũng có cỏ lùng là con cái của sự dữ do ma quỷ gieo vào. Trong tâm hồn của mỗi người ta cũng luôn có mầm sống của hạt giống tốt và mầm sống của cỏ lùng. Mầm sống của hạt giống tốt là những việc lành phước đức, hy sinh hãm mình. Mầm sống của hạt giống tốt càng mạnh thì mầm sống của cỏ lùng sẽ càng yếu đi.

Chúa Giêsu đến không như một nhà chiến thắng oai hùng, có sức thuyết phục và thống trị mọi người. Con đường Người theo và công trình của Người gây nhiều mệt nhọc. Cái chết của Người trong tình trạng bất lực và bị bỏ rơi dường như cung cấp một dấu chỉ rõ ràng cho thấy Người không đáng giá gì và ta không thể tin cậy nơi Người.

Back To Top