Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Bài Học Khiêm Nhường
29/10 Thứ Bảy trong tuần thứ Ba Mươi Mùa Quanh Năm
Pl 1:18-26; Tv 42:2,3,5; Lc 14:1,7-11
Bài Học Khiêm Nhường
Thời Chúa Giêsu cũng như thời nay biết bao người chưa hề một lần tự nhủ mình phải khiêm tốn, không nên kiêu căng tự mãn. Câu chuyện thánh Luca kể lại đã gồm tóm giáo lý của Chúa về sự khiêm nhường: Hễ ai nhấc mình lên sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống sẽ được nhấc lên. Ngài đưa ra kết luận này nhân dịp đến dự một bữa tiệc tại nhà viên thủ lãnh các người Biệt phái khi thấy những người được mời chọn chỗ nhất. Các môn đệ của Chúa không được làm như thế nhưng phải học đến tận cùng mẫu gương khiêm nhượng thẳm sâu nơi Thầy mình. Thánh Phaolô trong thư Philipphê nói:
“Ngài, phận là phận của một vị Thiên Chúa nhưng Ngài đã không nghĩ phải giành cho được chức vị đồng hàng cùng Thiên Chúa. Song Ngài đã tự hủy mình ra không là lãnh lấy phận tôi đòi, trở thành giống hẳn người ta, đem thân đội lốt người phàm. Ngài đã tự hạ mình thấp hèn, trở thành vâng phục cho đến chết và là cái chết trên Thập Giá.”
Khiêm nhường trước hết hệ tại thái độ xác định vị trí khách quan của mình: tội lỗi trước Đấng Toàn Năng và Chí Thánh. Người khiêm nhường nhìn nhận rằng mọi sự mình có đều do lãnh nhận nơi Chúa, rằng mình là đầy tớ vô dụng, tự mình không là gì khác hơn là tội nhân. Nhưng kẻ khiêm nhường lại không thất vọng, ngã lòng, nhưng sẽ mở tâm hồn đón nhận ơn Chúa, đón nhận năng lực của ân sủng.
Tin Mừng hôm nay thuật lại rằng hôm đó Chúa Giêsu đến dùng bữa tại nhà một đầu mục nhóm Biệt phái. Nhận thấy ở đó có những thực khách háo hức chọn chỗ nhất, Chúa Giêsu liền nói với họ một dụ ngôn, trong đó Ngài mời gọi người ta hãy sống khiêm nhường bằng cách chọn lấy địa vị sau chót: khi anh được mời đi ăn cưới, anh đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng cũng được mời… Trái lại, khi được mời, anh hãy ngồi vào chỗ cuối.
Xét bề ngoài, thì đây chỉ là một vấn đề lịch sự, bởi vì xếp chỗ ngồi là việc của chủ nhà, chứ không phải của người dự tiệc. Tuy nhiên, việc chọn chỗ cuối như thế phải được thực hiện một cách đơn sơ, tự nhiên, chứ nếu tìm chỗ cuối với hậu ý và hy vọng được mời lên chỗ cao hơn, thì đó là một sự khiêm nhường giả tạo, một sự kiêu ngạo tinh tế.
Lời khuyến cáo của Chúa Giêsu còn tiềm ẩn một ý nghĩa sâu sắc hơn. Ðối với Ngài, tiệc cưới tượng trưng cho Nước Thiên Chúa, trong đó kẻ nào nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống, còn kẻ hạ mình xuống sẽ được nhắc lên. Vượt ngoài tầm đòi hỏi của xã giao, lời nói của Chúa làm cho con người đi xuống chiều sâu của khiêm nhường và tiến lên chiều cao của Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa là một vinh dự, một ân ban, mà chỉ những ai tự hạ và ý thức mình là hư vô mới có thể lãnh nhận. Còn kẻ tưởng mình cao trọng, chắc chắn không thể chiếm hữu Nước Thiên Chúa, và Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng, nhưng ban ơn cho người khiêm nhường.
Dân Israel đã học hỏi sự khiêm nhường trước hết bằng kinh nghiệm về sự toàn năng của Chúa, Đấng cưú thoát họ. Họ giữ cho kinh nghiệm ấy được sống động bằng cách tưởng nhớ đến kỳ công của Thiên Chúa trong việc phụng tự của họ. Phụng tự đó là trường dạy khiêm nhường. Trong lúc ca tụng và tạ ơn Thiên Chúa, người Israel bắt chước gương vua Đavít khi nhảy múa trước hòm bia để tôn vinh Chúa… Rồi những nhục nhã, thất bại và lưu đày cũng cho họ ý thức về sự bất lực căn bản của con người.
Chính lúc chúng ta khiêm hạ và sống bác ái vô vị lợi, chúng ta đang “thêu dệt” công trình nhân cách chính mình trong cuộc sống hằng ngày. Hơn nữa, tinh thần đức tin của chúng ta đang vươn tới núi Sion Thành Thánh, nơi đại hội Giêrusalem của những người tin, đó là đại hội giữa các con đầu lòng của Thiên Chúa là những kẻ đã được ghi tên trên trời, như thư Do Thái phác họa (Dt 12, 18-19.22-24a).
Sách Huấn Ca cũng nhấn mạnh làm việc phục vụ yêu thương một cách khiêm tốn thì càng được yêu mến hơn: “Hỡi các con trai và con gái của ta, hãy thi hành công việc của các con một cách khiêm tốn thì các con sẽ được yêu mến hơn khi các con đem quà tặng cho kẻ khác” (Hc 3,17-18). Hơn nữa khiêm tốn giúp ta thực thi bác ái với một tâm hồn quảng đại không mong đáp trả như Chúa Giêsu đã kêu gọi (Lc 14, 12-13) đó là đức ái không tìm tư lợi mà thánh Phaolô khuyên người tín hữu (1Cr 13, 4).
Với lời mời gọi và gương sống tự hạ, khiêm nhường của Chúa từ lúc sinh ra cho đến lúc chết trên Thập giá, chúng ta hãy quyết đi vào con đường khiêm nhường bằng cách sống đúng với giới hạn của một thụ tạo nhỏ bé trước mặt Thiên Chúa vô biên, để nhờ đó Ngài sẽ là tất cả cho chúng ta.
Giáo huấn của Chúa Giêsu mang sứ điệp tinh thần khiêm tốn và cách thực thi sống bác ái quảng đại không vụ lợi, không mong được đáp trả như người đời thường nghĩ: “Có qua có lại mới toại lòng nhau”. Giáo huấn khiêm tốn và bác ái đó đã được thánh Phaolô nối tiếp khi chia sẻ với giáo hữu thành Ephêsô: “Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau” (Ep 4, 2). Trong thư gửi giáo đoàn Galat, vị Tông đồ còn nhấn mạnh các hoa trái sinh từ Thánh Linh trong đó có đức ái và sự khiêm tốn hiền hòa.
Để sống khiêm nhường đích thực, chúng ta hãy ngắm nhìn Chúa Giêsu Thánh Thể, Đấng đã hạ mình xuống làm tội nhân chịu treo trên Thập Giá, đối với người đời đây đã là địa vị quá thấp hèn, nhưng Chúa còn muốn ẩn thân dưới hình Bánh hình Rượu, bề ngoài bất động, hầu cho ta được thấy sự tiêu hao mình đi vì lợi ích của mọi người.