Trong tiền bán thế kỷ XVI, một số lớn bộ tranh, bức chạm, kính màu, bức họa và biểu tượng về Đức Mẹ và các thánh, và cả các di vật cùng các đồ vật có liên quan đến phép lạ hay mang ý nghĩa siêu nhiên, đã bị phá hủy một cách có hệ thống hay bị đưa ra khỏi các nhà thờ, nhà nguyện Công giáo, đặc biệt tại Thụy Sĩ, Hà Lan, tại miền nam nước Đức và tại Anh. Biến cố này do J.Calvin, một trong những thủ lĩnh phong trào Cải Cách khởi xướng, kéo theo những người theo phái này gây nên.
Sự quá khích của những người Cải Cách thời kỳ này có thể đã dựa vào Cựu Ước: “Vì ngươi đã không nhìn thấy một hình thể nào trong ngày Chúa nói với ngươi từ trong khối lửa ở núi Horeb, cho nên ngươi đừng để mình bị suy đồi, đừng làm một hình ảnh nào, điêu khắc, tượng trưng cho bất cứ vật gì” (Đnl 4,15-16).
Vừa qua, trong một cuộc gặp gỡ tại Hamburg giữa hai phái đoàn của Tòa Thượng phụ Constantinopolis và Hội Thánh Tin Lành Đức (EKD), vị Giám mục Tin Lành Petra Bosse-Huber đã đưa ra lời xin lỗi về vụ việc này.
Đối với Giáo hội Công giáo, trong truyền thống Tân Ước, ảnh tượng hoặc các loại hình mỹ thuật từ lâu đã được Giáo hội cho phép bày trí và tôn kính trong các nơi tôn nghiêm. Điều này cũng được ghi rõ trong Nghi thức làm phép ảnh tượng Chúa, Đức Mẹ, các thánh: “Chúa không ngăn cấm chúng con dùng tượng ảnh các thánh của Chúa để kính nhớ và noi gương các Ngài. Chúng con nài xin Chúa ban phép lành và thánh hóa (các) bức tượng (ảnh) này để kính nhớ (Trái Tim Chúa Giêsu , Ðức Mẹ Maria, thánh Cả Giuse, thánh…). Chớ gì nhờ sự tôn kính tượng (ảnh) các Ngài mà chúng con được ơn Chúa phù hộ đời này và được vinh phúc đời sau”.
Tuy nhiên, Giáo hội cũng nhắn nhủ: “Tập tục trưng bày ảnh tượng thánh để tôn kính trong nhà thờ cần được duy trì; tuy nhiên, phải giữ chừng mực về số lượng và thứ tự cân xứng, ngõ hầu không gây ngỡ ngàng cho dân Kitô giáo hoặc mở lối cho những lối sùng kính lệch lạc” (GL 1188).
Qua lời nhắn nhủ này, Giáo hội mong ước các tác phẩm mỹ thuật nơi tôn nghiêm không những cần phải được trưng bày cách tương xứng mà còn phải được nâng lên tầm “nghệ thuật thánh”.
Trong bài viết “Nghệ thuật và Đức tin dưới ánh sáng của Công đồng Vaticanô II và Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo”, Đức cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Ủy ban Nghệ thuật thánh/HĐGMVN đã nhận định: “Vai trò cao nhất của nghệ thuật là giúp con người cầu nguyện và thờ phượng Thiên Chúa. Vai trò này thuộc về nghệ thuật thánh được công đồng Vaticanô II xem như “tột đỉnh” của nghệ thuật tôn giáo và là “một trong những hoạt động cao quý nhất của tài trí con người”. Hiến chế về Phụng vụ thánh đã viết: “Tự bản tính, nghệ thuật thánh nhằm diễn tả một cách nào đó vẻ đẹp vô biên của Thiên Chúa qua những tác phẩm nhân loại. Nghệ thuật này càng làm cho Thiên Chúa được ca tụng và tôn vinh hơn, một khi những tác phẩm đó không nhằm chủ đích nào khác ngoài sự tích cực góp phần hướng tâm trí con người về cùng Chúa cách đạo đức” (nghethuatthanh.net – 5.2.2014).
Bên cạnh các nơi chốn tôn nghiêm, trong các gia đình Công giáo, bàn thờ Chúa và ảnh tượng Đức Mẹ, Thánh Giuse, các thánh hầu như cũng không thể thiếu vắng. Việc bài trí ảnh tượng trong gia đình cũng phải làm sao để không phản cảm và nhất là giúp mọi thành viên có tâm tình cầu nguyện trong những giờ kinh nguyện.
Hoàng Anh