Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
CHỌN PHẦN TỐT NHẤT
8.10 Thứ Ba Thứ Ba trong tuần thứ Hai Mươi-Bảy Mùa Quanh Năm
Gl 1:13-24; Tv 139:1-3,13-14,14-15; Lc 10:38-42
CHỌN PHẦN TỐT NHẤT
Tin mừng theo thánh Luca 10,38-42 kể cho chúng ta một câu chuyện rất đơn giản nhưng cũng đầy cảm động.
Theo Tin mừng Gioan thì cô Mácta và Maria là hai người chị của anh Ladarô. Gia đình này gồm những người bạn khá thân tình của Chúa Giêsu, cư ngụ ở Bêtania gần Giêrusalem. Dù vậy, sự kiện Chúa Giêsu đến nhà hai người phụ nữ là Mácta và Maria rồi giảng dạy ở nhà họ thực ra vẫn là một sự kiện có phần bất thường.
Tuy nhiên chính sự việc có vẻ bất thường này lại rất đáng để chúng ta chú ý vì nó cho thấy Chúa Giêsu không hề phân biệt đối xử nhưng Ngài nhìn đến với từng con người, dù là đàn ông hay đàn bà; họ đều là đối tượng được Thiên Chúa ưu ái, yêu mến cho nên Ngài sẵn sàng đến nhà của hai người phụ nữ và giảng dạy ở đó.
Và khi Chúa Giêsu cùng với các môn đệ đến gia đình này thì trong việc tiếp đón, hai chị em Mácta và Maria đảm nhận những nhiệm vụ khác nhau: cô Mácta thì giữ vai trò của người chủ trong gia đình, lo lắng chuẩn bị bữa ăn cho khách, còn cô Maria thì giữ vai trò tiếp chuyện với khách. Sự phân vai trong nhiệm vụ này cũng là bình thường vì nhà có hai chị em.
Tuy nhiên cách miêu tả của thánh Luca trong bài Tin mừng lại vượt ra khỏi cái khung cảnh cụ thể trong thực tế và nhắm đến những mục tiêu thần học, tức là vượt xa hơn việc miêu tả một sự kiện lịch sử. Do đó, chúng ta cần giải thích sự khác biệt trong vai trò cũng như trong cách hành xử của Mácta và Maria theo cái nhìn và với mục tiêu thần học hơn là theo quan điểm lịch sử.
Ở câu 39, tác giả Luca khắc họa hình ảnh của cô Maria như là một người môn đệ ngồi bên chân Chúa và lắng nghe lời Ngài. Kiểu nói ‘ngồi dưới chân’ là kiểu nói được thánh Luca dùng trong diễn từ của thánh Phaolô ở Cv 22,3 (=ngồi dưới chân Gamalien) để chỉ tư cách của người môn đệ; người môn đệ là người ngồi dưới chân của thầy mình. Rồi động từ ‘lắng nghe’ lại được tác giả chia ở thời vị hoàn có ý diễn tả sắc thái liên tục và kéo dài của thái độ lắng nghe. Như vậy bằng cách nói cô Maria ngồi dưới chân Chúa và lắng nghe lời Ngài, tác giả muốn khắc họa cô Maria như là điển hình của người môn đệ.
Cô Mácta lại được Luca mô tả với những đường nét khác: tất bật phục vụ khách. Sự tất bật phục vụ của cô Mácta cũng được tác giả nhấn mạnh với mục tiêu khắc họa một cách rõ nét hơn, sự khác biệt và thậm chí là sự đối nghịch của cô Mácta so với tư thế môn đệ chăm chú lắng nghe của cô Maria.
Vì thế, có thể nói trong câu chuyện của Luca, cô Mácta là hình ảnh điển hình của những thành viên trong cộng đoàn Hội thánh luôn nhiệt thành hoạt động và coi những hoạt động đó có vai trò quan trọng hơn hẳn so với thái độ của những người môn đệ luôn giữ tâm hồn ở trong tư thế lắng nghe Lời.
Đó chính là ý nghĩa và chủ đích thần học của tác giả Luca trong cách ông khắc họa những đường nét của nhân vật Maria và của Mácta trong câu chuyện. Chúng ta cần phải hiểu theo ý nghĩa này hơn là chỉ giải thích theo nghĩa lịch sử.
Rồi tác giả kể tiếp có lẽ với một chút bực mình: cô Mácta không nói gì với em mình cả. Đây là vấn đề. Cô tiến lại bên Chúa Giêsu và nói với Ngài, chứ không nói với em mình: “Thưa Thầy, em con để con phục vụ một mình mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay”.
Tại sao Mácta lại muốn Maria giúp một tay, có phải để cô cũng được nghe lời dạy của Chúa Giêsu hay là bởi vì khách đông quá cô không thể phục vụ một mình? Chúng ta không biết lý do và có lẽ cũng không cần chú ý đến lý do tại sao cô Mácta lại muốn em mình giúp một tay vì đó không phải là điểm nhấn của câu chuyện.
Trước lời yêu cầu của cô Mácta, Chúa Giêsu phản ứng như thế nào? Tác giả Tin mừng ghi lời Chúa đáp: “Mácta, Mácta ơi, chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi”.
Trước hết, trong câu trả lời này của Chúa Giêsu, chúng ta chú ý cách Chúa Giêsu gọi tên Mácta 2 lần: “Mácta, Mácta”. Trong Kinh thánh, cách gọi tên 2 lần này luôn luôn là dấu hiệu báo trước một sự việc quan trọng, thậm chí là nghiêm trọng. Ví dụ như ở St 22,11 Thiên Chúa gọi Ápraham: “Ápraham, Ápraham!” Thiên Chúa gọi ông 2 lần như vậy là để ngăn ông sát tế Isaác con trai của ông. Lúc ấy, Ápraham đã đặt cậu con trai của mình trên bó củi, ông rút dao tính giết Isaác sát tế cho Thiên Chúa thì ngay lúc đó thần sứ của Thiên Chúa gọi: “Ápraham! Ápraham!”. Đó là một chuyện hết sức quan trọng. Ở một chỗ khác, chúng ta cũng thấy xuất hiện cách gọi tên 2 lần này, đó là khi Thiên Chúa gọi: “Samuel! Samuel!” và Chúa gọi đến ba lần. Đó là trong Cựu ước. Sau này, Chúa Giêsu phục sinh cũng gọi thánh Phaolô trên đường Đamát: “Saun! Saun!”. Trong Kinh thánh dù là Cựu ước hay Tân ước, chúng ta thấy cách gọi 2 lần đó là một dấu hiệu cho thấy có chuyện quan trọng.
Trong đoạn Tin mừng Luca chúng ta đang phân tích đây cũng vậy. Khi Chúa Giêsu gọi cô Mácta 2 lần liên tiếp: “Mácta! Mácta!” tức là đang có một chuyện rất nghiêm trọng xảy ra. Và quả thực, phản ứng và lời nói của cô Mácta ở đây cho thấy cô đang ở trong một tình trạng rất đáng ngại. Tại sao đáng ngại? Đáng ngại không phải là vì cô ta đang tất bật lo lắng việc này việc kia mà vấn đề là qua lời cô nói với Chúa Giêsu, Mácta cho thấy cô đã không hiện diện và đã không làm việc trong tư thế của một người môn đệ, mà trái lại, xem ra cô đang làm ngược lại.
Cô Maria ngồi bên chân Chúa mà lắng nghe Ngài, đó là cô đang hiện diện trong tư thế của một môn đệ lắng nghe lời Chúa Giêsu. Khác với Maria, cô Mácta đang đi thì dừng lại (nghĩa là đang trong tư thế đứng), cô đứng bảo Chúa Giêsu cần phải làm gì: “Em con để con làm việc một mình mà Thầy không thấy sao?” rồi sau đó cô nói Chúa Giêsu cần phải nói gì: “Xin thầy bảo em con giúp con một tay”.
Cô Mácta trong thực tế đang đóng vai một vị tôn sư dạy cho Chúa Giêsu biết Ngài phải làm gì và phải nói gì. Cô đang đứng vào vị trí bậc thầy và đẩy Chúa Giêsu xuống vị trí của người môn đệ cần được cô dạy cho biết phải nói gì và phải làm gì. Khi trật tự bị đảo lộn đến mức độ nguy hiểm như vậy thì chúng ta hiểu được phản ứng của Chúa Giêsu thể hiện qua cách gọi: Mácta! Mácta!
Sự nghiêm trọng không nằm ở chỗ cô ta tất bật không ‘chịu’ nghe lời của Chúa mà nằm ở chỗ là cô ta xếp Chúa ở vị trí một học trò trong khi Mácta trở thành một cô giáo, một bậc tôn sư dạy cho Chúa biết phải làm và nói gì. Đó là một tình cảnh rất nghiêm trọng, khác hẳn với thái độ của Maria ngồi dưới chân Chúa và lắng nghe lời Ngài trong thái độ của một người môn đệ.
Rồi Chúa nói tiếp: “Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi”. Ở đây, Chúa Giêsu đặt đối lập giữa một bên là lo lắng nhiều chuyện với bên kia là chỉ có một chuyện cần thiết; đặt đối lập giữa hai chuyện này để làm nổi bật vẻ đẹp của thái độ lắng nghe lời Ngài giảng dạy.
Mối bận tâm về Nước Thiên Chúa phải chiếm vị trí ưu tiên tuyệt đối so với mọi sự khác, cho dù những sự ấy không hề bị phủ nhận cũng không hề bị đánh giá thấp. Nhưng mối bận tâm về Nước Thiên Chúa vẫn phải là mối bận tâm chiếm vị trí ưu tiên tuyệt đối. Đó chính là ý nghĩa của lời Chúa Giêsu nói với cô Mácta: “Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi”. Chỉ có chuyện về Nước Thiên Chúa mới là chuyện cần thiết nhất.
Rồi Chúa khẳng định Maria đã chọn phần tốt nhất. Phần tốt nhất ở đây không phải là chẳng làm gì cả mà phần tốt nhất mà Maria đã chọn là hiện diện trong tư thế của một môn đệ. Lắng nghe lời của Chúa Giêsu, hiện diện trong tư thế của một môn đệ của Chúa Giêsu, đó mới là phần tốt nhất chứ không phải là ở nhưng không, không làm gì cả. Maria đã chọn phần tốt nhất tức là chọn hiện hữu, và tất nhiên ở trong cả hoạt động nữa, trong tư thế của một môn để lắng nghe lời của Chúa Giêsu, đó chính là phần tốt nhất.