skip to Main Content

HÔN NHÂN CÔNG GIÁO

6.10 Chúa Nhật Chúa Nhật thứ Hai Mươi-Bảy Mùa Quanh Năm

St 2:18-24; Tv 128:1-2,3,4-5,6; Dt 2:9-11; Mc 10:2-16; Mc 10:2-12

HÔN NHÂN CÔNG GIÁO

Hôn nhân, với các khía cạnh liên quan của nó, vẫn luôn là một vấn đề lớn của xã hội loài qua các thời đại. Trước đây tôi vẫn thường coi nó là một vấn đề thuần luân lý. Chính vì suy nghĩ như thế cho nên trong công tác mục vụ, tôi thường xuyên phải đối mặt với, một bên là những đòi hỏi bền vững của các ràng buộc luân lý, bên kia là sự yếu đuối mỏng dòn của thực tế con người. Không ít lần trong thâm tâm tôi cảm thấy bị xâu xé khủng khiếp; không biết cách nào trung hòa giữa hai trạng thái đối nghịch nhau như thế.

Hôn nhân Công giáo là một bí tích linh thánh chứ không phải đơn thuần chỉ là một khế ước mang tính xã hội. Xã hội ngày nay, người ta vẫn cho ly dị là hợp hiến. Giáo hội nói không. Giáo hội không bao giờ cho phép, và thực sự Giáo hội cũng không có quyền cho phép. Quyền đó dành cho Thiên Chúa và chỉ một mình Thiên Chúa mà thôi. Hiểu như vậy, ly dị trong Kitô giáo chính là tiếm quyền của Thiên Chúa, hay nói thẳng ra là ăn cắp độc quyền duy nhất dành choNgài. Cho dù Giáo hộikhông loại bỏ những nạn nhân của sự đổ vỡ trong đời sống gia đình và cố gắng đưa ra những giải pháp để chữa trị tận căn (sanatio), nhưng Giáo hội tuyệt đối không bao giờ cổ xúy việc ly dị. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay nhắc lại cho chúng ta những giáo huấn quan trọng này.

Sách Sáng thế gợi lại định chế “một vợ một chồng” giữa người nam và người nữ do chính Đức Chúa Giavê thiết định ngay từ thuở ban đầu: ” Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2,24).

Trong bài Tin mừng, Chúa Giêsu cũng lặp lại xác quyết đó: ” Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ. Vì thế người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai nên một xương một thịt (Mc 10,7-9)”. Khi nhắc lại giáo huấn này, Đức Giêsu cũng gợi nhắc về tội ngoại tình mà chúng ta thường dễ mắc phải qua nhiều dạng thức khác nhau.

Có được phép ly dị không? Đây là một vấn đề thời sự, nhưng cũng là một vấn đề đã được đặt ra từ xa xưa: Từ thời Chúa Giêsu những người Biệt Phái Pharisiêu đã từng đặt vấn đề này để thử Chúa Giêsu, bởi vì ông Môsê đã cho phép họ được làm giấy ly hôn để đuổi người vợ nào không vừa mắt chồng ra khỏi nhà (Đnl 24,1-4). Điều này cho ta thấy số phận hẩm hiu của người phụ nữ trong chế độ “chồng chúa vợ tôi”.

Khi đặt câu hỏi cho Đức Giêsu, người Pharisêu muốn lôi kéo Đức Giêsu vào trong cuộc tranh luận về các lý do cho phép ly dị. Đức Giêsu không đi vào trong tranh luận về các lý do hợp pháp để ly dị. Như trong các trường hợp khác, Người đăt cuộc tranh luận trên một bình diện khác. Người đưa các người đối thoại trở lại với Kinh Thánh, với cách xử sự và ý muốn của Thiên Chúa Tạo Hóa vào thuở tạo thiên lập địa. Tương quan giữa người nam và nữ không phải là điều mà con người tự do định liệu, bởi vì không phát xuất từ con người, nhưng từ Thiên Chúa trong tư cách là Đấng Tạo Hóa. Ngài đã tạo dựng loài người trong sự khác biệt nam nữ; Ngài đã nhắm người này cho người kia, đã quy định rằng họ kết hợp với nhau và nên “một xương một thịt”. Phá hỏng sự bố trí này của Thiên Chúa Tạo Hóa là một hành vi xuyên tạc thô bạo và chống lại ý muốn của Đấng Tạo Hóa. Như thế, hậu quả tiêu cực là cấm ly dị và tái kết hôn. Vì vậy, sau đó, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng ly dị và cưới vợ hoặc lấy chồng khác là phạm tội ngoại tình.

Chúa Giêsu đã giải quyết thế nào? Ly dị là một trục trặc của tình yêu, nó không phải là vấn đề chính yếu. Cái chính yếu của hôn nhân là tình yêu hiệp nhất. Với Thiên Chúa không có vấn đề ly dị. Vấn đề ly dị là vấn đề của con người. Chúa Giêsu đã trả lời với họ: “Chính vì lòng chai dạ đá của các ông mà ông Môsê đã phải nhượng bộ cho phép các ông làm giấy ly hôn, chứ từ ban đầu, ý muốn của Thiên Chúa không phải như thế”.

Chúa Giêsu phân biệt rõ rệt đâu là ý muốn của Thiên Chúa và đâu là ảnh hưởng của thời đại. Và ảnh hưởng của thời đại không những làm lu mờ, mà có khi còn làm mất cả ý muốn rõ rệt của Ngài. Thánh ý Thiên Chuá khi dựng nên con người có nam có nữ là để sống chung với nhau. “Đàn ông ở một mình không tốt”. Và Ngài đã dựng nên người đàn bà. Người đàn bà, trước tiên là hông ân của Thiên Chúa ban cho người đàn ông. Đây là quà tặng cao nhất mà Thiên Chúa ban cho người đàn ông, sau khi Ngài đã dựng nên cả vũ trụ đặt dưới chân của ông Ađam. Nhưng Ađam vẫn cảm thấy cô đơn, thiếu thốn, cho đến khi Ađam gặp được chiếc xương sườn cụt của mình là Evà, ông đã reo lên: “Đây đúng là xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi”. Đó là hôn nhân đầu tiên. Từ đó “người đàn ông luôn luôn đi tìm chiếc xương sườn đã bị lấy mất, còn người đàn bà luôn luôn luyến tiếc nơi mình đã xuất phát” (Osty) để kết hợp với nhau thành một xương một thịt, một thân một thể. “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly”.

Điều Chúa Giêsu muốn bảo vệ trước hết là phẩm giá con người. Con người càng thấp bé, càng bị hiếp đáp bao nhiêu, càng phải được bảo vệ bấy nhiêu. Trong chế độ “chồng chúa vợ tôi”, Chúa đã đòi phải trả lại cho phụ nữ quyền làm con người, phải nhìn phụ nữ theo ý muốn của Thiên Chúa. Phải nhìn chân giá trị của người phụ nữ như là người hỗ trợ, bổ túc và làm sung mãn cho người đàn ông. Vì vậy, hôn nhân phải đặt căn bản ở sự tương trợ lẫn nhau, tôn trọng giá trị của nhau. Chính sự hiệp nhất này làm cho hai người trở nên một và phát sinh hoa trái cho sự sống mới. Đó là những đứa con của tình yêu. Cha mẹ có yêu thương nhau thì mới yêu thương con cái là kết quả của tình yêu giữa vợ chồng với nhau. Cha mẹ không được bỏ rơi con cái. Phải đón nhận tất cả con cái Thiên Chúa đã ban cho, bởi vì các em bé là con người. Phải tôn trọng các em như con người, từ bào thai các em đã là hơi thở và là đối tượng của tình yêu Thiên Chúa. Cha mẹ, vợ chồng có chung tình vẹn nghĩa với nhau mới có thể đảm bảo hạnh phúc cho con cái mình.

Sở dĩ khi xưa, ông Môsê đã chăm chước cho dân Israel được rẫy vợ là vì lòng dạ họ lì lợm, bướng bỉnh, chai đá. Còn ngày nay, Chúa Giêsu đã rút lại luật Môsê, chính thức thay thế nhừng gì là hủ tục trong Cựu ước bằng luật Tân Ước, chính thức xác nhận ý muốn của Thiên Chúa từ thuở ban đầu là nhất phu nhất phụ và bất khả phân ly của hôn nhân. Hơn nữa, từ ngày Chúa Giêsu đến, từ ngày Ngôi Lời nhập thể làm người, hôn nhân đã tìm thấy lại tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Bởi vì, việc kết hợp vợ chồng trong hôn nhân là biểu tượng, là hình ảnh của sự kết hợp giữa Chúa Kitô và Hội Thánh. Đó là điều Thánh Phaolô đã nhiều lần nói đến trong thư gởi tín hữu Êphêsô: “Cũng như Đức Kitô không thể chia cắt với Hội Thánh, thì chồng cũng không thể chia ly với vợ”. Chính với tư cách là Hiền Thê của Chúa Kitô mà Hội Thánh buộc các con cái của mình khi lập gia đình phải tuân giữ định luật vẫn chi phối sự kết hợp giữa Hội Thánh với Chúa Kitô, như Hiền Thê với vị Hôn Phu của mình. Làm sao Hội Thánh có thể trở về với những nhượng bộ của thời Cựu Ước về hôn nhân được, khi mà Hội Thánh đã được nghe chính miệng Chúa Giêsu trả lời cho những người Biệt Phái Pharisiêu: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, con người không được phân ly”.

Thánh Phaolô (1Cr 7,10-11) nói rất rõ về điều này: “Ai đã kết hôn, thì tôi truyền –thực ra không phải tôi, mà là Chúa– là vợ không được lìa chồng, và giả như đã lìa chồng, thì phải ở độc thân, hay phải làm hoà lại với chồng, và chồng không được rẫy vợ”.

Hôn nhân là một định chế do chính Đấng Tạo Hoá thiết lập, là một giao ước có tầm vóc vững chắc, vĩnh viễn, nghĩa là một sự thoả thuận cá nhân không thể rút lui lại được. Vì lợi ích của vợ chồng, của con cái, của xã hội và của Giáo Hội nữa, nên mối dây liên kết thánh thiện của bí tích Hôn Nhân không lệ thuộc vào sở thích của con người, nghĩa là không còn được tự ý bỏ nhau, một khi đã thề hứa chung tình vẹn nghĩa, nên vợ nên chồng. Vì vậy, Chúa Giêsu còn nói rõ ràng rằng: phải liệt kê vào tội ngoại tình, khi người chồng hoặc người vợ bỏ nhau đi lấy người khác trong lúc mối dây hôn nhân vẫn còn hiệu lực. Chỉ có cái chết của một bên mới cho phép bên kia được tái hôn mà thôi.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa chúc phúc cho mọi gia đình, nhất là các gia đình Kitô hữu mà Chúa đã thánh hiến một cách đặc biệt bằng bí tích Hôn nhân. Nhờ đó, những phẩm giá tự nhiên cũng như những giá trị thiêng liêng cao cả của đời sống hôn nhân được bảo toàn, được cổ võ, được kiên cường và ngày càng tiến gần đến tình yêu trung thành và vĩnh cửu của Thiên Chúa.

 

 

Back To Top