skip to Main Content

Ý Nghĩa Của Cuộc Sống

17.9 Thứ Ba trong tuần thứ Hai Mươi-Tư Mùa Quanh Năm

1 Cr 12:12-14,27-31; Tv 100:1-2,3,4,5; Lc 7:11-17

Ý Nghĩa Của Cuộc Sống

Trong cuộc sống công khai, chắc chắn Chúa Giêsu đã chứng kiến nhiều cái chết cũng như tham dự nhiều đám tang. Nhưng việc Ngài làm cho kẻ chết sống lại được Tin Mừng ghi lại không quá ba lần: một em bé gái con của vị kỳ mục trong dân; Lazarô em trai của Marta và Maria; người thanh niên con của bà góa thành Naim. Cả ba trường hợp chỉ là hồi sinh, chứ không phải là phục sinh theo đúng nghĩa, bởi vì cuộc sống của những người này chỉ kéo dài được thêm một thời gian nữa, để rồi cuối cùng cũng trở về với bụi đất.

Thành Nain trở thành điểm hẹn giữa Chúa Giêsu và các môn đệ, cùng đông đảo dân chúng. Nơi đây Chúa Giêsu làm phép lạ và an ủi một bà goá có người con duy nhất qua đời. Chúng ta học được gì từ những hành động tuyệt vời của Chúa Giêsu?

Trước tiên, Chúa Giêsu chạnh lòng thương hoàn cảnh của bà. Điểm hẹn Nain là điểm hẹn tỏ lộ lòng thương xót của Chúa đối với nhân loại. Chúa Giêsu thương xót một hoàn cảnh bi đát, và trên hết, Chúa thương xót con người. Là môn đệ và là con Chúa, chúng ta học được từ Người về tính cảm thương đối với người khác. Là con Chúa, chúng ta biết thương xót, biết cảm thông, biết xúc động và trái tim chúng ta không trở nên chai đá trước các hoàn cảnh đòi buộc chúng ta phải lên tiếng. Chúng ta giúp đỡ và thương cảm với các hoàn cảnh đau thương vì họ cần chúng ta, nhưng trên hết chúng ta làm là vì chính Chúa đã làm như vậy. Tắt một lời, Chúa mời gọi chúng ta yêu thương nhau.

Kế đến, các việc làm cụ thể mà Chúa Giêsu dành cho bà goá và người con của bà đã chết: Người an ủi bà: “bà đừng khóc nữa” ; sau đó, Người lại gần và chạm vào quan tài rồi nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!” . Ta có cảm tưởng, qua những hành động này của Chúa Giêsu, Người như là chính người mẹ của người chết: nỗi đau mất con, khát khao gần bên con, tiếc thương con, mong con được sống lại. Ta có thể nói, khát khao của người mẹ là của Chúa Giêsu, nhưng người mẹ thì tuyệt vọng, còn Chúa Giêsu là hy vọng. Tình yêu của Chúa vượt lên trên cả những gì người mẹ cần, và trên cả những gì con người muốn.

Chúa Giêsu đã không đến để làm cho con người được trường sinh bất tử ở cõi đời này, đúng hơn, Ngài đưa con người vào cuộc sống vĩnh cửu. Nhưng để đi vào cuộc sống vĩnh cửu thì điều kiện tiên quyết là con người phải kinh qua cái chết. Chết vốn là thành phần của cuộc sống và là một trong những chân lý nền tảng nhất mà Chúa Giêsu đến nhắc nhở cho con người. Mang lấy thân phận con người là chấp nhận đi vào cái chết. Chính Chúa Giêsu cũng không thoát khỏi số phận ấy. Thánh Phaolô đã nói về thái độ của Chúa Giêsu đối với cái chết: “Ngài đã vâng phục cho đến chết và chết trên Thập giá”. Ðón nhận cái chết và đi vào cõi chết như thế nào để cuộc sống có ý nghĩa, đó là điều Chúa Giêsu muốn bày tỏ cho con người khi đi vào cái chết.

Một trong những cái chết vô nghĩa và do đó cũng chối bỏ ý nghĩa cuộc sống, đó là tự tước đoạt sự sống của mình. Những cái chết như thế là lời tự thú rằng cuộc sống không có, cuộc sống không còn ý nghĩa và như vậy không còn đáng sống. Jean Paul Sartre, người phát ngôn của cả thế hệ không tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, đã viết trong tác phẩm “Buồn Nôn”: “Tôi nghĩ rằng chúng ta đang ngồi đây ăn uống là để bảo tồn sự quí giá của chúng ta, nhưng kỳ thực, không có gì, tuyệt đối không có lý do gì để sống cả”.

Cuối cùng, chúng ta hãy để ý đến chính hành động của người thanh niên khi Chúa Giêsu cho sống lại. Khi Chúa Giêsu cho người thanh niên sống lại thì “người chết liên ngồi lên và bắt đầu nói” . Khi nói được tức là người đó có khả năng diễn đạt chính mình (diễn đạt bằng ngôn ngữ hoặc bằng hành động), và việc nói lên được điều suy nghĩ nó diễn tả được tính cách của mình. Đức cố Hồng y, Tổng giám mục Milan, Carlo Maria Martini đã nói về đoạn này như sau: “Chúa Giêsu phục hồi khả năng của anh ta để anh ta tự nói,… quan trọng nhất là việc thủ đắc khả năng diễn đạt chính mình, và các thực tại trong đời sống, đưa chúng vào trong một ngôn ngữ giàu tưởng tượng và hiệu quả” . Ở đây, chúng ta có thể hiểu thêm rằng, chúng ta không biết người thanh niên nói gì, nhưng hẳn là, nếu anh ta diễn đạt được nhân cách của mình thì chắc chắn anh ta sẽ biết cảm ơn Chúa Giêsu và bước theo Người là Đấng đã cứu chữa anh.

Chúa Giêsu đã vâng phục cho đến chết. Ðón nhận cái chết, Ngài đã thể hiện cho chúng ta thấy thế nào là một cuộc sống sung mãn, Ngài đã chứng tỏ cho chúng ta thấy thế nào là một cuộc sống có ý nghĩa và đáng sống. Ðón nhận cái chết như ngõ đón vào vinh quang phục sinh, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy điểm đến và vinh quang đích thực, đó là sự sống vĩnh cửu. Ngài đã vâng phục cho đến chết. Vâng phục của Ngài là vâng phục trong tin tưởng, phó thác, trong khiêm tốn và yêu thương; đó là điều mang lại ý nghĩa cho cuộc sống và làm cho cuộc sống trở thành đáng sống.

Bình thường mỗi người chúng ta ai cũng phải qua bốn cửa ải là: sinh, lão, bệnh, tử. Đã có sinh ắt phải có tử. Cuối cùng, mọi người sinh ra trên trần gian đều phải kết thúc cuộc hành trình bằng cái chết. Từ thời Cựu ước, dân Ítraen đã coi chết là một điều khó hiểu: Tại sao Thiên Chúa nhân từ đã dựng nên vũ trụ vạn vật mà lại để cho sự chết lọt vào trần gian như vậy. Nhưng rồi Lời Chúa trong Thánh Kinh đã dần dần cho thấy: Chết chính là hậu quả của tội lỗi của loài người, bắt đầu từ tội tổ tông như lời tuyên phán của Thiên Chúa: “Ngày nào ngươi ăn quả cây ấy thì ngày ấy ngươi sẽ phải chết”. Nguyên tổ Ađam Evà đã phạm tội nghe ma quỷ cám dỗ ăn quả cây trái cấm ấy nên đã phải chịu phạt là phải chết: Chết về thể xác cũng như linh hồn. Nhưng Thiên Chúa đã hứa ban Đấng Cứu Thế đến chiến thắng sự chết bằng sự phục sinh vinh quang.

Đức Giêsu chính là Đấng Cứu Thế quyền năng. Thánh Luca trong Tin Mừng hôm nay đã dùng từ “Chúa” cho Đức Giêsu. Chúa theo tiếng Hy lạp có nghĩa là “Ông Chủ”. Nhận Đức Giêsu là Chúa là nhận Người chính là ông chủ của sự sống và có quyền trên sự chết.

 

 

 

 

Back To Top