skip to Main Content

Sức Mạnh Của Lời Chúa

16.9 Thánh Cornelius, Ghtđ và Cyprian, Gmtđ

1 Cr 11:17-26,33; Tv 40:7-8,8-9,10,17; Lc 7:1-10

Sức Mạnh Của Lời Chúa

Sau khi Thánh Fabian tử vì đạo thì Giáo Hội thời bấy giờ không có giáo hoàng trong vòng 14 tháng, vì sự bách hại quá mãnh liệt. Trong thời gian ấy, Giáo Hội được điều hành bởi một tập thể linh mục. Cyprian, một người bạn của Cornelius, viết lại rằng Cornelius được chọn làm giáo hoàng “bởi quyết định của Thiên Chúa và của Ðức Kitô, bởi sự chứng thực của hầu hết mọi giáo sĩ, bởi lá phiếu của người dân, với sự đồng ý của các linh mục lớn tuổi và những người thiện chí”.

Trong thời gian hai năm Thánh Cornelius làm giáo hoàng, vấn đề lớn nhất thời bấy giờ có liên quan đến Bí Tích Hòa Giải và nhất là vấn đề tái gia nhập Giáo Hội của các Kitô Hữu đã chối đạo trong thời kỳ bị bách hại. Cả hai thái cực đều bị lên án. Ðức Cyprian, giám mục của Phi Châu, yêu cầu đức giáo hoàng xác định lập trường mà Ðức Cyprian chủ trương, đó là người bội giáo chỉ có thể hoà giải bởi quyết định của vị giám mục (trái với thông lệ thật dễ dãi của Novatus).

Tuy nhiên, ở Rôma, Ðức Cornelius lại gặp một quan điểm đối nghịch khác. Sau cuộc bầu giáo hoàng, một linh mục tên Novatian (một trong những người điều hành Giáo Hội) tự mình tấn phong làm Giám Mục Rôma – giáo hoàng đối lập đầu tiên. Novatian chủ trương rằng, không những người bội giáo, mà ngay cả những người phạm tội sát nhân, tội ngoại tình, tội gian dâm hay người tái hôn thì Giáo Hội cũng không có quyền tha tội! Ðức Cornelius được sự hỗ trợ của hầu hết mọi người trong Giáo Hội (nhất là Ðức GM Cyprian ở Phi Châu) để lên án chủ thuyết của Novatian, dù rằng giáo phái này kéo dài trong vài thế kỷ. Vào năm 251, Ðức Cornelius triệu tập thượng hội đồng ở Rôma và ra lệnh những người “sa ngã” được hòa giải với Giáo Hội qua “bí tích hoà giải” thông thường.

Một tài liệu từ thời Ðức Cornelius, cho thấy sự phát triển của Giáo Hội Rôma trong giữa thế kỷ thứ ba, mà lúc ấy gồm 46 linh mục, bảy phó tế, bảy trợ phó tế. Số Kitô hữu được ước lượng khoảng 50.000 người.

Thánh Cornelius từ trần vì hậu quả của sự lưu đầy ở phần đất bây giờ là Civita Vecchia.

Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta suy niệm về lời quyền năng của Chúa. Thông thường, Chúa Giêsu chữa trị bằng cách đặt tay hoặc sờ đến bệnh nhân. Cũng có trường hợp Ngài làm một cử chỉ hay chỉ nói một lời, như được ghi lại trong trình thuật chữa bệnh cho người đầy tớ của viên bách quản.

“Xin Ngài chỉ nói một lời”. Lời thỉnh cầu của viên bách quản gợi lại câu Thánh vịnh 106: “Thiên Chúa sai lời của Ngài đi chữa trị”. Qua lời thỉnh cầu này, viên bách quản mặc nhiên nhìn nhận Chúa Giêsu thực sự đến từ Thiên Chúa và lời của Ngài là lời quyền năng và hữu hiệu. Lời thỉnh cầu của viên bách quản thể hiện một niềm tin sâu sắc, đến độ đã được Giáo Hội lặp lại mỗi ngày trong Thánh lễ, để nhắc nhở chúng ta về sức mạnh của lời Chúa, cũng như bổn phận rao truyền lời Chúa trong cuộc sống chúng ta.

Viên đại đội trưởng này là người Rôma, một người ngoại. Thông thường, những người như thế bị dân chúng Do thái căm ghét, nhưng ông này là người tốt và được mọi người đón nhận. Vì sống trên đất Do thái, ông biết luật tôn giáo nên ông không dám trực tiếp đến xin Chúa Giêsu chữa bệnh cho tên đầy tớ của mình, ông phải nhờ đến những người bạn Do thái. Ong là người tốt và rất tế nhị, nhưng trên hết ông là người có lòng tin rất mạnh. Bằng chứng là khi nghe biết Chúa Giêsu đang trên đường đến nhà mình, thì ông cho người nhà ra nói với Chúa rằng ông vừa không xứng đáng được Chúa đến nhà mình, vừa không dám làm phiền Chúa như vậy. Ong tin Chúa có quyền năng của Thiên Chúa, nên chỉ cần phán một lời thì tên đầy tớ kia liền được khỏi bệnh. Chúa Giêsu xác nhận: ngay cả trong dân Israen, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế.

Đức Giêsu thán phục đức tin – lòng tin tưởng của viên bách quan và cái nhìn thâm sâu khiến ông phân định được sự hiện diện của Thiên Chúa trong Ngài. Trong những trình thuật hiếm hoi khác nhấn mạnh rõ ràng đức tin của một ai đó, ông ấy hay bà ấy cũng phải vượt qua những chướng ngại, được dựng lên qua những thiên kiến đối với họ, hay bởi những người đi theo Đức Giêsu.

Matthêô không nói rằng người phung cùi được chữa lành, viên bách quan và bà mẹ vợ bắt đầu đi theo Đức Giêsu. Tuy nhiên ngài là tác giả quan tâm nhất đến Giáo Hội, được biểu trưng qua nhóm các môn đệ. Nhưng mặc cho giáo lý này về Giáo Hội, vẫn có những cách khác để sống sự quyết chắc và niềm tin của mình! Ba “người khách lạ” này minh họa cho đức tin – niềm tin tưởng và mời gọi biện phân trong Đức Giêsu là Thiên Chúa đồng cảm với đau khổ của chúng ta. Điều này đủ để gợi lên sự thán phục và chuẩn nhận của Đức Giêsu.

Trong những nhân vật này của các tín hữu bên lề và ngoại thường, đặc biệt là trong hình ảnh của viên bách quan không thuộc về dân Chúa, ta tìm thấy một âm vang của niềm tin phổ quát của Tin Mừng Matthêô: Thiên Chúa đón nhận bất kỳ ai hướng về Ngài, là thành viên trong nhóm hay không, ở trong Giáo Hội hay không. Viên bách quan này nhắc lại các Đạo Sĩ đã mở đầu cho Tin Mừng Matthêô: bước ra từ nơi nào đó, không chính thức thuộc về và không biết đến những truyền thống, họ đã đến để tỏ lòng tôn kính với “vua dân Do Thái” và ra đi sống niềm tin của mình trên những con đường khác (Mt 2, 1-12).

Thế giới ngày nay đang bước vào kỷ nguyên của thông tin. Lời nói xem chừng tràn ngập khắp nơi, nhưng liệu con người có nghe được lời quyền năng có sức chữa trị và giải phóng con người không? Các phương tiện truyền thông đại chúng càng gia tăng và tinh vi, thì lời nói càng được tung ra, nhưng tác hại không kém. Có những lời đường mật dụ dỗ người trẻ sa vòng trụy lạc, nô lệ; có những lời dối trá của chính trị gia; có những lời thất vọng, chán chường của những tiên tri chỉ biết loan báo thảm trạng. Ngược lại, cũng không thiếu những hình thức tước đoạt quyền tự do tư tưởng và phát biểu của con người.

Trong một hoàn cảnh như thế, những người mà niềm tin được xây dựng trên lời quyền năng của Thiên Chúa, hẳn phải nói lên lời của Ngài hơn bao giờ hết. Ngày nay, có biết bao viên bách quản đang chờ đợi một lời nói can đảm, chân thật và hữu hiệu từ các Kitô hữu. Trong một xã hội chỉ có những lời của hận thù, đố kỵ, thì lời của các Kitô hữu phải là lời của yêu thương, hòa giải và tha thứ. Lời của Chúa là lời chân thật và hữu hiệu, lời ấy không chỉ được các Kitô hữu nói bằng môi miệng, mà còn phải được nhập thể vào cuộc sống của họ.

Nguyện xin Chúa, Ðấng nói một lời thì linh hồn chúng ta được lành mạnh, ban sức mạnh, để chúng ta can đảm sống và nói lời Ngài, nhờ đó những người xung quanh nhận ra phép lạ của Ngài.

 

 

Back To Top