skip to Main Content

HY SINH

12.8

Thứ Hai trong tuần thứ Mười Chín Mùa Quanh Năm

Ed 1:2-5,24-28; Tv 148:1-2,11-12,12-14,14; Mt 17:22-27

HY SINH

Qua đoạn Tin mừng trên, Chúa Giêsu tiên báo cuộc thương khó lần thứ hai. Cũng giống như Chúa đã tiên báo cuộc thương khó lần thứ nhất, là Con Người sẽ bị đau khổ, chịu chết và sẽ sống lại.

Qua lời tiên báo lần này, một lần nữa Chúa Giêsu muốn mặc khải cho các tông đồ biết được Người đến thế gian để đem ơn cứu độ cho loài người bằng cuộc thương khó, chịu chết và sống lại. Qua cái chết của mình, Chúa Giêsu sẽ chiến thắng sự chết bằng cách là Người đã phục sinh.

Bằng cách này, hay cách khác Chúa Giêsu muốn mặc khải cho các tông đồ biết Người chính là Đấng Cứu Độ. Nhưng các ông vẫn không nhận ra. Do đó, khi Chúa tiên báo cuộc thương khó lần thứ hai thì các tông đồ buồn phiền như trang Tin mừng đã nói đến.

Có lẽ, cách nào đó, nếu đặt vị trí của mình vào trường hợp của các tông đồ, chúng ta cũng sẽ buồn khi nghe Chúa nói về cuộc thương khó.

Các tông đồ nói riêng, chúng ta nói chung, nỗi buồn của chúng ta vẫn mang tính cách của thế gian, với thân phận mỏng giòn của một kiếp người. Nhưng với Chúa Giêsu, Chúa muốn chúng ta sống bằng đức tin. Tin vào ơn cứu độ của Chúa đã đem lại cho chúng ta qua cuộc thương khó, sự chết và sự phục sinh của Người. Nhờ ánh sáng đức tin vào Đức Giêsu, chúng ta mới dễ dàng vượt qua được những chông gai thử thách, những cơn cám dỗ của thế gian.

Lời Chúa cho chúng ta biết hai sự kiện: sự kiện thứ nhất là việc Chúa Giêsu nộp cho Đền Thờ. Sự kiện thứ hai là việc Chúa Giêsu loan báo cho các môn đệ về cuộc thương khó. Qua hai sự kiện này, chúng ta có thể rút ra được một bài học về sự Hy sinh. Chúa Giêsu hy sinh nộp thuế cho Đền thờ, dù điều đó không phải là bổn của Người, bởi Đền thờ là nhà của Cha (x. Lc 2,49). Sở dĩ Người hy sinh nộp thuế như vậy để làm gương cho các môn đệ. Còn về cuộc thương khó, đó là một sự hy sinh lớn lao mà Chúa Giêsu dành cho nhân loại. Trong sự kiện này, Chúa Giêsu đã hy sinh chính mình để đổi lấy sự sống cho mỗi người chúng ta.

Trong cuộc đời của chúng ta, mỗi một ngày sống đều là một của lễ hy sinh dâng lên Thiên Chúa để đáp lại tình yêu cứu độ của Người. Của lễ mà thiếu đi sự hy sinh thì sự dâng hiến chỉ là hành vi giả dối đối với Thiên Chúa. Hy sinh càng lớn lao thì giá trị của hiến lễ càng cao cả. Hy sinh càng âm thầm thì hiến lễ càng được Thiên Chúa yêu thích.

Cuộc sống hằng ngày của chúng ta có rất nhiều cách thức để hy sinh. Chúng ta cùng nhau suy nghĩ một vài cách điển hình như sau:

Khi có được tinh thần hy sinh, thì chúng ta mới dám đón nhận và làm những công việc mà không ai muốn làm, nhưng có giá trị rất lớn đối với Thiên Chúa. Bởi lẽ, nó bắt nguồn từ một tâm hồn lương thiện và khiêm nhu chân thực.

Trong những ngày giãn cách xã hội này, có rất nhiều việc nhỏ bé và âm thầm để chúng ta có thể hy sinh như: “Hy sinh sống ở nhà, không đi ra đường, hạn chế tiếp xúc, thực hiện nghiêm túc những chỉ thị của nhà chức trách…. Chia sẻ thời gian, vật chất, lương thực, thực phẩm để giúp đỡ những người đang đau khổ” (Trích Bữa Ăn Thiêng Liêng, thứ năm 05/08/2021 của Cha sở Phaolô Trương Hoàng Phong).

Nói đến hy sinh là nói đến tình yêu. Không có tình yêu thì sự hy sinh chỉ là một hành vi cao hứng nhất thời, hay chỉ là tô thêm màu sắc cho cái tôi của mình. Các tông đồ là những người đã được Chúa Giêsu huấn luyện kỹ lưỡng và đã chứng kiến biết bao nhiêu phép lạ của Thầy mình. Thế nhưng khi nghe Chúa nói đến việc phải hy sinh, các ông đã tỏ ra “buồn phiền lắm”. Phải chăng tình yêu là điều rất quan trọng để có thể hy sinh?

Thật vậy, chính sự hy sinh mới nói lên một tình yêu chân thành, sâu thẳm đối với Thiên Chúa và tha nhân. Những ai tha thiết yêu mến Thiên Chúa cũng đều mong mỏi được hy sinh với Người và vì Người. Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã nói: “Không có tình yêu, các hành vi, dù sáng chói nhất, cũng không đáng kể gì”.

Ngang qua cuộc thương khó và tử nạn, Chúa Giêsu đã hoàn toàn vâng phục Thánh Ý của Chúa Cha. Qua việc nộp thếu cho Đền thờ, Chúa làm gương cho chúng ta trong việc vâng phục quyền bính dân sự. Đó là mẫu gương tuyệt hảo về sự vâng phục!

Là Kitô hữu, chúng ta hãy là những đầy tớ trung thành của Chúa. Điều đó làm cho chúng ta trở thành một “của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12,1). Điều đẹp lòng Thiên Chúa chính là việc chúng ta chu toàn những gì Người muốn, điều Chúa thích là “con thích làm theo thánh ý” (x.Tv 40, 9).

Nhờ Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được thay đổi: từ tội lỗi sang công chính; từ bất tuân sang vâng phục. Sự vâng phục của chúng ta không phải là phục lụy mà là trở nên giống Chúa Kitô. Đấng luôn vâng phục vì yêu mến Chúa và tha nhân. Ơn gọi Kitô hữu là một ơn gọi vâng phục như Đức Kitô đối với Chúa Cha. Thế nên các tín hữu được định nghĩa là “những người con biết vâng phục” (x. 1Pr 1, 14).

Trước tình hình khó khăn và phức tạp như hiện nay, chúng ta cần có sự gắn kết mật thiết với Chúa để luôn được bình an trong vâng phục. Cần biết lắng nghe, bởi ý Chúa có thể nói qua mọi hạng người. Cần suy nghĩ và tìm hiểu xem Chúa muốn nói gì với chúng ta qua hoàn cảnh đó!

Chúng ta hãy nghĩ đến Mẹ Maria, Mẹ chẳng hiểu hết những gì Mẹ xin vâng, nhưng trong tin tưởng và lòng kính mến Thiên Chúa Mẹ đã đón nhận tất cả. Xin Vâng!

Back To Top