Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
NIỀM TIN CỦA NGƯỜI ĐÀN BÀ XỨ CANAAN
7.8 Thứ Tư trong tuần thứ Mười Tám Mùa Quanh Năm
Gr 31:1-7; Gr 31:10,11-12,13; Mt 15:21-28
NIỀM TIN CỦA NGƯỜI ĐÀN BÀ XỨ CANAAN
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đề cao lòng tin của người đàn bà xứ Canaan, tức là một người ngoại giáo. Một trong những điều hẳn sẽ làm chúng ta ngỡ ngàng, đó là trên Thiên đàng, chúng ta sẽ gặp gỡ những người chúng ta chưa từng quen biết, ngay cả những người chưa một lần mang danh hiệu Kitô hay đặt chân đến nhà thờ.
Thời Chúa Giêsu, có biết bao người ngoại giáo có lòng tin sâu sắc hơn cả những người Do thái. Trước hết, tiên tri Isaia đã từng khiển trách lòng giả dối của người Do thái: “Dân này thờ Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng họ thì xa Ta”. Thời Chúa Giêsu, có biết bao người bị loại ra khỏi xã hội, bị đặt bên lề Ðền thờ, và có lẽ cũng không hề thuộc toàn bộ lề luật của Môsê, nhưng lại có lòng sám hối và tin tưởng sâu xa hơn. Nói với những người chỉ giữ đạo một cách hình thức, Chúa Giêsu đã cảnh cáo: “Không phải những ai nói: Lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời; nhưng là những kẻ thực thi ý Chúa”.
Người đàn bà Canaan có lẽ không hề biết đến lề luật Môsê, nhưng đã sống niềm tin của mình một cách mãnh liệt. Lòng tin đó được thể hiện qua việc phó thác hoàn toàn vào quyền năng của Chúa Giêsu. Trong tình thế hầu như tuyệt vọng, bà đã chạy đến với Chúa Giêsu; sự van nài của bà cho thấy sự kiên nhẫn và lòng tin sắt đá của bà. Sự khác biệt cơ bản giữa một người có niềm tin và một người không có niềm tin, không hệ tại ở danh hiệu Kitô hay những thực hành đạo đức, mà chính là lòng tin. Tin vào sự hiện diện quyền năng của Thiên Chúa trong cuộc sống, tin vào tình yêu vô biên của Ngài, tin vào ý nghĩa của cuộc sống, tin vào tình người, đó là sắc thái chủ yếu của người có niềm tin: chính trong niềm tin đó, con người gặp gỡ Chúa Giêsu.
Bà mẹ người Ca-na-an có đứa con bị quỷ ám và làm khổ thân xác nó. Bà biết Chúa Giêsu đang giảng dạy ở gần Bê-ta-ni-a, nên đến xin Chúa chữa con bà. Chúa làm lơ để thử lòng bà. Rồi lại dùng câu tục ngữ: “Không nên lấy bánh của con cái mà ném cho chó”, ngụ ý từ chối. Vì thương con và cũng vì được nghe người ta đồn thổi về quyền năng và lòng nhân hậu của Chúa. Bà khiêm nhường nài nỉ : “Thưa Thầy, đúng vậy. Nhưng lũ chó con cũng được ăn những mụn bánh từ bàn ăn rơi xuống”.
Với các tông đồ thì hành động của bà chỉ là một sự quấy rầy, còn với Chúa Giêsu thì Người đã dành quyền ưu tiên cho dân Israel, thế nhưng người đàn bà xứ Canaan đã lật đổ các vấn đề đó để đi thẳng tới đối tượng. Chính điều này đã làm cho chúng ta phải suy nghĩ. T
Người phụ nữ bất hạnh có đứa con gái đau yếu, và bà đã kêu tới Chúa Giêsu, nhưng tiếng kêu của bà không có vẻ hiếu thắng. Bà không ý thức là mình đang nêu lên một quyền lợi. Trái lại khi nghe Chúa bảo là Người chỉ muốn hoạt động ở Israel chứ không muốn hoạt động nơi người ngoại giáo, thì bà đã trả lời với một cung cách làm nổi bật mức độ khiêm nhường của lời cầu xin. Bà cầu xin và đặt mình ngang hàng với đàn chó con, sống bằng những mẩu bánh vụn từ bàn rơi xuống. Bà đã gắn cho đức tin cái tính chất khiêm nhường khiến cho Chúa Giêsu cũng phải cảm động và xiêu lòng.
Trước sự kiên trì của người phụ nữ, Chúa Giêsu lên tiếng “không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con”, một thử thách dường như quá nặng, quá khó đối với người ngoại giáo này. Nếu người mẹ xứ Armênia chỉ hy sinh những giọt máu để cứu đưa con, thì bà mẹ Canaan lại hạ mình xuống ngang với “con cho” cũng vì đứa con. Nhưng chính lòng khiêm tốn của bà lại làm cho các tông đồ phải ngạc nhiên “Thưa Thầy đúng lắm, nhưng mà chó con cũng đáng được hưởng những mảnh vụn từ trên bàn của chủ nó rơi xuống”. Trước câu trả lời đầy khiêm tốn này đã làm cho Chúa Giêsu “phải bó tay” mà thốt lên “Đức tin của bà mạnh thật, bà muốn sao thì được như vậy”.
Về đức tin, bà mẹ đau khổ ấy đã tìm đến với Chúa, bà tin Chúa là vị ngôn sứ quyền năng và nhân hậu. Có thể một người khác nghe câu tục ngữ kia đã cảm thấy mình bị xúc phạm vì cho là mình bị khinh chê. Nhưng bà này đã phản ứng một cách rất khiêm nhường. Khiêm nhường là chìa khóa mở lòng thương xót của Thiên Chúa.
Niềm tin của bà thật cảm động, vì bà quá khiêm tốn trước mặt Chúa. Bà chỉ ao ước nhặt từng mảnh vụn ơn thánh rơi rớt của những người con Chúa. Bà biết mình không xứng đáng được ơn. Bà không dám nghĩ mình được tắm trong biển cả yêu thương của Chúa, nhưng chỉ cần một giọt thánh ân trong biển lòng thương xót của Chúa có thể cứu sống con của bà.
Niềm tin của bà còn đạt tới niềm tin tưởng tuyệt đối, không có gì lay chuyển nổi! Cho dù trước thái độ xua đuổi khéo léo của các môn đệ và sự lạnh lùng của Chúa Giêsu. Bà không bỏ cuộc. Bà vẫn một lòng cậy trông vào Chúa đến mức độ mà Chúa phải ca tụng bà: “đức tin của bà thật lớn lao. Bà muốn sao được vậy”. Và phép lạ đã diễn ra bởi lòng tin của một người mẹ hết mình vì con.
Đức tin có thể được sánh ví như một bắp thịt. Nếu không chịu khó tập luyện thì bắp thịt ấy sẽ suy yếu dần. Trái lại, càng luyện tập, thì bắp thịt ấy càng trở nên mạnh mẽ. Đức tin cũng vậy, nó cần phải được tập luyện. Trong phạm vi này, chúng ta có nhiều cách để tập luyện để củng cố cho đức tin nên mạnh mẽ.
Trước hết, chúng ta có thể học hỏi lời Chúa, tìm hiểu Phúc Âm như chúng ta đang làm trong giây phút này. Chúng ta có thể tham dự thánh lễ một cách sốt sắng. Chúng ta có thể cầu nguyện riêng tư một cách có ý thức, để kín múc nguồn sinh lực thiêng liêng cho đức tin của mình. Tuy nhiên có một phương cách luyện tập đức tin rất hữu hiệu.
Về cầu nguyện, bà này vừa khiêm nhường vừa kiên trì. Khiêm nhường và kiên trì là hai bí quyết làm dịu lòng Chúa, nên con bà được khỏi sự quấy rối của ma quỷ. Vì dù ta không cầu nguyện thì Chúa cũng đã luôn luôn để ý đến chúng ta, phương chi khi chúng ta tin tưởng mà đến với Chúa với tâm hồn khiêm nhường và kiên trì thì tất nhiên Chúa phải lắng nghe.
Đời sống nội tâm, đời sống cầu nguyện là nền tảng của đời sống kitô hữu nhưng sau khi suy gẫm, sau khi cầu nguyện ta diễn tả niềm tin vào Chúa như thế nào chứ đâu phải cứ ngày ngày, giờ giờ ngồi bên Chúa là hay đâu. Có những người chăm chăm chú chú, ngày ngày giờ giờ cầu nguyện nhưng sau khi cầu nguyện xong trở lại đời sống bình thường thì cư xử khó có ai đón nhận được?
Chẳng nói đâu xa, trong giới “luật sĩ và biệt phái” thời hiện đại cũng thế thôi. Cũng mang trong mình cái áo của “luật sĩ và biệt phái” đấy nhưng cách cư xử chẳng ra làm sao cả. Chính “luật sĩ và biệt phái” không sống lòng tin chân chính vào Chúa, không diễn tả lòng tin thật của mình vào Chúa mà chỉ sống cái hình thức bên ngoài thì làm gì mà đòi hỏi giáo dân sống niềm tin tinh tuyền.
Hình ảnh người phụ nữ “ngoại giáo” hôm nay là cơ hội để chúng ta xét lại niềm tin của chúng ta vào Chúa. Từ “luật sĩ và biệt phái” thời hiện đại cho đến giáo dân xét xem mình còn tin Chúa hay không? Nếu còn tin Chúa thì chắc chắc Chúa sẽ ban ơn lành cho chúng ta. Thiên Chúa bao dung, Thiên Chúa quãng đại, Thiên Chúa hào phóng nhiều hơn là chúng ta tưởng
Trong một hoàn cảnh mà cái nhìn của con người có thể cho là tuyệt vọng, người Kitô hữu hơn bao giờ hết được mời gọi để nêu cao niềm tin của mình. Ðây là thời điểm để họ chứng tỏ bản sắc đích thực của mình. Trong cuộc sống chỉ có nghi kỵ và hận thù, họ được mời gọi để đốt lên ngọn đuốc của yêu thương. Trong một xã hội bị gậm nhấm bởi chán nản tuyệt vọng, họ được mời gọi để mang lại niềm hy vọng. Chỉ khi nào giữ đúng vai trò đó, người Kitô hữu mới thực sự xứng đáng với danh hiệu của mình.