Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
LÊN NÚI BIẾN HÌNH
6.8 Thứ Ba Lễ Chúa Giêsu Hiển Dung
Gr 30:1-2,12-15,18-22; Tv 102:16-18,19-1,29,22-23; Mt 14:22-36
LÊN NÚI BIẾN HÌNH
Ðức Giêsu cho ba tông đồ chủ chốt là Phêrô, Giacôbê và Gioan được thấy cảnh Biến hình để các ông có thể giữ vững đức tin của chính các ông sau ngày Thứ Sáu Chịu nạn và giúp giữ vững đức tin cho các bạn đồng chí hướng. Vậy mà trong dinh thượng tế, vì khiếp sợ, ông Phêrô đã chối Thầy mình ba lần. Phúc thay cho ông Phêrô, khi nghe tiếng gà gáy, ông liền nhớ lại lời Chúa tiên báo, khiến ông: Oà lên khóc (Mc 14:72). Nước mắt ông tuôn trào ra như là ông hối hận nói với Thầy mình: Sao con có thể chối Thầy khi con xin dựng ba lều ỏ trên núi để chiêm ngưỡng cảnh vinh quang của nước Thầy mà? Rồi con còn tuốt gươm chép đứt tai tên đầy tớ của vị thượng tế để bảo vệ Thầy, mà sao giờ này con lại hèn nhát đến thế? Như vậy những thực tại của cảnh Biến hình: đám mây, áo trắng hơn tuyết, sự hiện diện của ông Môsê và ông Êlia, tiếng phán từ đám mây có mục đích giúp các tông đồ nhận thức rằng cảnh khổ hình và thập giá của Thầy mình, không phải là một thất bại, nhưng chỉ là một sự biến đổi: qua thánh giá tới phục sinh.
Sau khi từ bỏ mọi sự mà theo Chúa Giê-su và cùng với Người rong ruổi trên các nẻo đường Pa-lét-ti-na để rao giảng Tin mừng, được nghe những lời Chúa giảng, thấy những phép lạ Chúa làm, chứng kiến thái độ yêu – ghét của dân chúng và những nhà lãnh đạo Do-thái dành cho Chúa, nhất là khi nghe thấy Chúa loan báo về việc “Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ… bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại” (x. Mt 16,21), các tông đồ bắt đầu lo sợ và đặt ra những vấn nại về Chúa Giê-su và sứ mạng của Người.
Chính trong bối cảnh này, Chúa Giê-su dẫn ba môn đệ thân tín (Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an) lên núi. Người biến hình trước mắt các ông. Cho các ông xem thấy thần tính và dung nhan sáng láng của Người, khiến các ông ngất ngây, thích thú, muốn được sống trong tình trạng sáng láng tốt lành ấy. Ông Mô-sê và Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người. Một đám mây bao phủ các Ngài và có tiếng Chúa Cha giới thiệu: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”!
Khi suy niệm về sự kiện này, các nhà chú giải cho rằng: Tuy không phải là chóp đỉnh, nhưng Chúa Biến Hình là một trong những sự kiện quan trọng nhất của Tân ước, vì nó thâu tóm tất cả mạc khải:
Chúa Giê-su tỏ lộ vinh quang thần linh của mình trong chốc lát vừa xác nhận lời tuyên xưng của Phê-rô (x. Mt 16,16), vừa phê chuẩn mạc khải của Người là muốn bước vào trong vinh quang vĩnh cửu, phải đi qua thập giá tại Giê-ru-sa-lem, nhằm củng cố niềm tin cho các môn đệ trước biến cố tử nạn.
Mô-sê và Ê-li-a, những người phát ngôn của Lề Luật và các ngôn sứ trong Cựu Ước đã xuất hiện để giới thiệu Đấng Ki-tô của Tân Ước cho các tông đồ Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an, là những cột trụ của Giáo Hội, có sứ mạng làm chứng và rao giảng Tin mừng cho mọi thụ tạo về một Đấng Ki-tô tử nạn và phục sinh đúng như lời các ngôn sứ đã loan báo.
Chúa Cha xác nhận Chúa Giê-su là Con yêu dấu của Ngài và mời gọi các tông đồ: “Hãy vâng nghe lời Người”! Hãy vâng nghe Người, vì Người là Con Thiên Chúa và là Ngôi Lời vĩnh cửu, đã trở nên người phàm. Người chính là vị Đại Ngôn Sứ mà tất cả các tiên tri đã loan báo và là Đấng Cứu Độ muôn dân mong đợi theo như lời Chúa hứa. Người không đến để bãi bỏ Lề Luật, nhưng là để kiện toàn và ban cho nhân loại một điều răn mới, đó là giới răn yêu thương: “Yêu thương như Chúa đã yêu. Yêu đến nỗi chết cho người mình yêu” (x. Ga 15,12-13).
Chúa Biến Hình cho chúng ta được nếm trước việc ngự đến trong vinh quang của Chúa Giê-su, Đấng “sẽ biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (x. Pl 3,21). Nhưng được như vậy, chúng ta phải “xuống núi” để chịu lao nhọc, sỉ nhục và chịu đóng đinh ở trần gian cùng với Chúa Giê-su và như Chúa Giê-su. Bởi “Người là Sự Sống, đã xuống thế gian để bị giết; Người là Bánh Hằng Sống đã xuống thế gian để chịu đói; Người là Đường đã xuống thế gian, để chịu mệt nhọc và gục ngã trên đường; Người là nguồn mạch, đã xuống thế gian để chịu khát” (x. Thánh Augustinnô, Sermo 78).
Sau cảnh Biến hình, Ðức Giêsu căn dặn các tông đồ không được nói cho ai biết về chuyện này cho tới khi Con Người sống lại từ cõi chết. Và các ông đã tuân giữ lời Chúa. Sau khi Ðức Giêsu từ cõi chết sống lại thì thánh Phêrô mới thuật lại cảnh biến hình trong thư gừi giáo đoàn và nhắc lại tiếng phán từ trời: Ðây là Con yêu dấu của Ta, Ta hết lòng qúi mến (2 Pr 1:17). Ðó là tiếng Thiên Chúa Cha phán mà thánh sử Mác-cô đã thuật lại trong Phúc âm hôm nay: Ðây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người (Mc 9:7).
“Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”. Đó là lệnh truyền của Chúa Cha, là điệp khúc kết luận của tiếng nói từ trời cao. Điệp khúc quan trọng vì cả ba Phúc âm đều nói đến. Lời của Chúa Kitô chính là chuẩn mực, là lề luật tuyệt đối mang lại ơn cứu độ cho nhân loại. Lời của Chúa Kitô là Lời Giao Ước vĩnh cửu cho con người được tham dự vào sự sống thần linh của Thiên Chúa Ba Ngôi.
“Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”, một phán quyết long trọng và công khai của Chúa Cha. Từ nay, vâng nghe Lời Chúa Kitô, chúng ta sẽ được biến hình với Chúa Kitô, cùng được hưởng vinh quang Phục sinh với Chúa Kitô.
Chúa Kitô biến hình một khoảnh khắc thoáng qua. Cuộc biến hình trọn vẹn qua mầu nhiệm Phục sinh, đây là cuộc biến hình ngàn thu. Cuộc biến hình này là căn tính niềm tin của những người theo Chúa. Hãy để hồng ân của Chúa chiếu rực trong cuộc đời của chúng ta ngỏ hầu nhân loại thấy chúng ta biến hình, nghĩa là có thể thấy Chúa Kitô nơi khuôn mặt và đời sống chúng ta.
Trong ngày lễ Chúa Biến hình, Giáo hội muốn dạy người tín hữu hai chân lý. Thứ nhất là Ðức Giêsu có hai bản tính: một bản tính Thiên Chúa và một bản tính loài người. Thứ hai là loài người có ngày sẽ được thông phần vào vinh quang của Nước Chúa. Thật là một điều vinh dự và an ủi, khi người tín hữu mang trong mình thân xác yêu đuối, bệnh tật và rồi sẽ chết, lại có thể được chung hưởng vinh quang phục sinh trên nước trời.
Thánh Phêrô trong lúc xuất thần có xin Thầy mình để được ở lại trên núi hầu được tiếp tục chiêm ngưỡng cảnh vinh quang của nước Chúa, cho tâm hồn được chìm đắm trong thiên cảnh tuyêt vời. Ông chưa nhận thức được rằng ông còn phải xuống núi đã để làm chứng cho đức tin vào Chúa, để chịu đau khổ và vác thánh giá trước khi được vào vinh quang. Và đó là đường lối của đạo Chúa: qua đau khổ thánh giá, mới tới vinh quang phục sinh. Là môn đệ Chúa, sao ta có thể đi theo con đường khác ngoài đường Chúa đã đi?