Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
NÊN MUỐI MEN CHO ĐỜI NHƯ CHA THÁNH ANPHONGSÔ
Thánh Anphongsô Maria Liguori, Gmtsht
Gr 18:1-6; Tv 146:1-2,2-4,5-6; Mt 13:47-53
Rm 8, 1-4; Mt 5, 13-19
NÊN MUỐI MEN CHO ĐỜI NHƯ CHA THÁNH ANPHONGSÔ
Hôm nay mồng 1 tháng 8 Dòng Chúa Cứu Thế trên Toàn Cầu Mừng Lễ Thánh Tổ Anphongsô Maria Liguori: Thánh Anphongsô sinh tại Marianella ngày 27-12-1696. Vào đại học hoàng gia năm 12 tuổi, nhận thanh kiếm hiệp sĩ lúc lên 14 tuổi, đậu hai bằng tiến sĩ luật đạo và đời năm 16 tuổi, làm luật sư và chánh án khi 20 tuổi, “Hãy bỏ thế gian và hiến toàn thân cho Ta”. Ngày 19 tháng 8 năm 1723 người rút thanh gươm nhà quý tộc thường đeo, đặt trước bàn thờ Đức Mẹ; rời bỏ pháp đình để đi theo tiếng Chúa “Hỡi thế gian, ta đã biết ngươi rồi!” Ngày 21-12-1726, Anphongsô được thụ phong linh mục. Ngài thường nói: “Chính Đức Mẹ đã cứu tôi khỏi thế gian và đưa tôi vào hàng giáo sĩ”.
Tháng 11 năm 1732, Anphongsô ngồi trên lưng một con lừa, từ biệt thủ đô Naples để lên đường đi lập Dòng và ngày 9 thánh 11 năm 1732, trong chính ngày lễ Chúa Cứu Thế, tại Scala, Dòng Chúa Cứu Thế được chính thức thành lập với năm Tu Sĩ đầu tiên….
Ngày 1 tháng 8 năm 1787, trong khi chuông nhà thờ Pagfani báo hiệu Kinh Truyền Tin thì Anphongsô qua đời, trong tay cầm mẫu ảnh Đức Mẹ, nguồn hy vọng. Theo truyền thống của Dòng, ngày một anh em qua đời là ngày nghỉ, ngày vui, ngày sinh nhật của Anphongsô trên trời. Thánh Anphongsô hưởng thọ 91 tuổi, và ngài được tôn phong hiển thánh năm 1839 và Tiến Sĩ Hội Thánh năm 1871.
Sống trong một thế giới, trong một xã hội mà con người đua đòi, chạy theo con đường ăn chơi, xa xỉ, phung phí tiền của. Sống trong một giai đoạn mà ngay cả giới nhà tu cũng tranh nhau qui tụ về chốn đô thị để hưởng thụ, thỏa hiệp và sống dễ dãi. Đời sống đạo đức ở nhiều nơi bị sa sút trầm trọng, bè rối hoành hành giữa lòng Hội Thánh. Con người tưởng chừng không đâu tìm ra lối thoát giữa một xã hội xem ra bị chìm lỉm, ngụp lặn trong tội lỗi. Anphongsô đệ Liguoriô xuất hiện.
Chàng Anphongsô có mặt như vị anh hùng của thế kỷ. Với bầu nhiệt huyết sẵn có, với lòng đạo đức, thánh thiện, với thiện chí và lòng tin sắt đá, Anphongsô đã như hừng hực lửa Thánh Thần, bằng những tác phẩm giá trị và qua những lời giảng đầy lửa, đanh thép, Anphongsô đang vực dậy cả một Giáo Hội đang lâm nguy. Con người của Anphongsô sở dĩ có được tinh thần ấy và cảm nghiệm ấy bởi Anphongsô đã say mến Thiên Chúa. Ngài đã say mê Thiên Chúa với tất cả con người, với tất cả con tim rực cháy của mình. Mà chúng ta không xem Ngài như một con người kỳ diệu sao được khi Ngài có đủ điều kiện, đủ tài đức để sống vinh thân phì gia trong đất nước Ý Đại Lợi lúc đó: nhà giầu, cha mẹ quí phái, có chức có quyền trong triều đình, Anphongsô lại học giỏi mau chóng thành đạt với tuổi rất trẻ, mới 16 tuổi đời, Anphongsô đã đậu cả hai bằng tiến sĩ đời và đạo. Với một tương lai rực sáng như thế, Anphongsô quả có đầy đủ tất cả để hưởng thụ một đời sống xa hoa, phú quí với nhà lầu, danh vọng, vợ đẹp, con khôn…
Thánh Anphongsô quả là ngọn lửa say mến Chúa Giêsu và từ ngọn lửa say mến ấy, Ngài đã đốt lên, đốt mãi không ngừng trong tâm hồn các sĩ tử của Ngài và cũng ngọn lửa ấy luôn được thắp lên trong mọi tâm hồn những người thành tâm tìm kiếm Chúa.
Thánh Anphongsô dù đã là Giám Mục, Ngài vẫn luôn sống khó nghèo và nơi Ngài luôn tỏa sáng ngọn lửa say mến Thiên Chúa. Thánh Anphongsô có lòng yêu mến Đức Mẹ, Ngài đã thực hành và truyền lệnh cho các sĩ tử của Ngài luôn phải sùng kính Đức Mẹ và rao truyền về Đức Mẹ. Ngài đã làm gương cho các sĩ tử và mọi người về việc lần chuỗi Mân Côi, Ngài nói:”Chuỗi Mân Côi là giây bền đỗ…”.
Quan đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ phải trở nên muối ướp và đèn soi. Bằng hai hình ảnh cụ thể này, Ngài phác hoạ một luật sống mà các môn đệ phải tuân theo khi Ngài gởi họ đi vào đời.
Muối là vật dụng thường thức dùng trong việc nấu nướng. Không có muối, đồ ăn thiếu hương vị và lạt lẽo. Nhưng người Do Thái còn dùng muối làm phân bón. Vì vậy mà Ngài bảo: Các con là muối đất. Trong Kinh Thánh, muối là hình ảnh được nhắc lại nhiều lần. Từ vụ vợ ông Lót nhìn lại đàng sau mà biến thành tượng muối, đến chút muối mà thánh Phaolô căn dặn nên đặt vào trong lời ăn tiếng nói cho có hương vị khi giao tiếp với anh em.
Các con là muối, nghĩa là chúng ta hãy sống đạo dức, thực thi những điều Ngài dạy, để thánh hoá bản thân, nêu gương sáng cho người khác, hâm nóng những cõi lòng đã nguội lạnh. Nếu chúng ta không sống Lời Chúa trọn vẹn, thì chúng ta như muối đã nhạt, không ích lợi gì, chỉ đáng đem đổ ra ngoài đường cho người ta dày đạp. Người Do Thái ngày xưa đổ rác cả ra đường phố cho khách qua lại dẫm lên.
“Chính anh em là ánh sáng cho trần gian”(Mt 5,13). Đây là lời mời gọi tuyệt vời dành cho người Kitô, bởi lẽ chỉ Thiên Chúa mới là Ánh Sáng (1Ga 1,5). Chỉ Chúa Giêsu mới dám nhận mình là Ánh Sáng (Ga 8, 12). Vậy ta muốn trở thành ánh sáng như Chúa Giêsu, ta phải ở gần Ngài: gần đèn thì ta được toả sáng.
Ánh sáng không thiên vị một ai, không thích người này và cũng không chê người kia. Ánh sáng của mặt trời lan tỏa khắp nơi, chiếu sáng mọi người và mọi nhà. Ánh sáng của người Kitô cũng vậy,”ánh sáng của anh em phải ở trên cao, vượt trên mọi danh vọng, tiền tài, lạc thú. Không phải để khoe khoang, tự kiêu, nhưng là để tôn vinh Cha, Đấng ngự trên trời” (Mt 5, 16).
Ánh sáng của cây nến tuy nhỏ bé nhưng cũng đủ toả sáng cả một căn phòng, làm cho bóng tối phải lùi bước. Một khi ánh sáng của ngọn nến bừng lên, đó cũng là lúc ngọn nến bị đốt cháy, bị tan biến đi. Người Kitô cũng vậy, phải mất đi cho chính mình, phải tan biến đi để “Ánh Sáng Chúa Kitô” được loan toả khắp nơi, khắp mọi nhà, khắp mọi tâm hồn.
Xin Chúa qua lời chuyển cầu của Thánh Anphongsô để rồi mỗi người chúng ta cũng trở nên muối cho đời và ánh sáng cho trần gian như lòng Chúa mong muốn.