Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Khuôn vàng thước ngọc
18.7 Thứ Năm trong tuần thứ Mười Lăm Mùa Quanh Năm
Is 26:7-9,12,16-19; Tv 102:13-14,15,16-18,19-21; Mt 11:28-30
Khuôn vàng thước ngọc
Mang lấy ách của tôi là một kiểu nói bóng các thầy Rabbi Do Thái thời xưa quen dùng, hàm ý nhìn nhận ai làm Thầy. Còn ách hay gánh mà Đức Giêsu nói tới ở đây chính là đạo lý Tin Mừng. Có thể nói đạo lý này được tổng hợp trong ba điểm: Tin, tức là chấp nhận trở thành môn đệ và thụ giáo với Chúa; khiêm nhượng, tức là thái độ của chúng ta đối với Thiên Chúa; và hiền lành, nói đến thái độ chúng ta cần có đối với tha nhân. Nói khác đi: chúng ta phải bắt chước Đức Giêsu, sống hoàn toàn theo ý Cha vì yêu mến, đồng thời vì vâng ý Cha, mà hy sinh cho tha nhân cho đến chết trên thập giá.
Thông thường khi nhắc tới ách, nói tới gánh tức là nói tới một cái gì đó nặng nề và cực nhọc. Vậy mà trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Đức Giêsu lại nói với chúng ta: “Ách của tôi thì êm ái và gánh của tôi thì nhẹ nhàng”. Ách và gánh mà Đức Giêsu nói đến ở đây, chính là những đau khổ và những thử thách mà Ngài đã đón lấy khi chấp nhận mang kiếp phàm nhân.
Đó cũng còn là cái chết đau thương mà Đức Giêsu đã tự nguyện đón nhận lấy như cái chết của một tên tử tội. Những thử thách Đức Giêsu đã chịu cũng nặng nề và cực nhọc biết bao, đến độ khi ở trong vườn Cây Dầu, Đức Giêsu đã phải xin Chúa Cha cất đi cho Ngài nếu như có thể: “Lạy Cha, nếu được, xin Cha cất chén nắng này khỏi con”.
Thế nhưng, cuối cùng, Ngài đã hoàn toàn đón nhận và làm cho nó trở nên êm ái, nhẹ nhàng trong tình yêu dâng tặng cho Cha của mình. Nói khác đi, Đức Giêsu đã đón nhận cái chết với tất cả sự tuân phục và yêu mến. Chính tình yêu làm cho những đau khổ phải chịu của Đức Giêsu trở nên chẳng có chi đau đớn, chẳng có chi nặng nề. Đặc biệt, Đức Giêsu đã không chấp nhận mọi đau khổ và cái chết như một định mệnh nghiệt ngã hay như một bi kịch không lối thoát, nhưng Ngài đã coi đó như một cơ may của những ân phúc cao cả, như một khởi điểm cho sự sống mới và như một khởi nguồn cho hạnh phúc đích thực.
Đức Giêsu phán: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Qua những lời này, chúng ta có cảm giác Ngài như nói với những kẻ đang cố gắng tìm kiếm Thiên Chúa một cách vô vọng, ráng cố gắng làm lành một cách vô vọng, đang thấy mọi nỗ lực của mình rốt cuộc chẳng được gì cả, chán nản, kiệt sức rồi. Ngài cũng đang mời gọi những người mệt mỏi vì tìm kiếm chân lý. Người Hy Lạp nói rằng: “Rất khó tìm thấy Thiên Chúa và khi anh đã tìm được Ngài thì anh lại không thể nào nói cho người khác biết về Ngài”. Chúng ta biết Thiên Chúa không phải nhờ sự tìm tòi của trí tuệ mà là do biết chạy đến và yêu mến Đức Giêsu. Thật vậy, chúng ta có thể chấm dứt việc tìm kiếm Thiên Chúa khi được chiêm ngưỡng Đức Giêsu, bởi vì trong Ngài, chúng ta thấy Thiên Chúa Cha, đúng như lời của Ngài nói với các môn đệ. Là những người môn đệ, chẳng phải chúng ta cũng luôn được mời gọi nhìn theo gương Đức Giêsu mà tiến bước sao?
Đức Giêsu kêu gọi chúng ta hãy mang lấy ách của Ngài. Trong khi đó, người ta dùng thuật ngữ “cái ách” để chỉ sự tuân phục, phó thác. Họ nói đến cái ách của lề luật, của điều răn, cái ách của nước trời, cái ách của Đức Chúa. Nhưng rất có thể Đức Giêsu dùng những chữ đó trong lời kêu gọi của Ngài với một nghĩa gần gũi với chúng ta hơn. Ngài nói ách của Ngài êm ái, chữ “êm ái” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là vừa vặn, sít sao. Ở xứ Palestine, người ta làm ách bằng gỗ cho bò cái. Con bò được mang đến để người ta đo kích thước, sau đó người ta bào cái ách cho thật nhẵn và đem bò đến thử. Người ta điều chỉnh cái ách thật cẩn thận sao cho thật vừa để khỏi làm trầy cổ con vật. Một số một truyền thống cho rằng, Đức Giêsu là người thợ làm ách giỏi nhất miền Galilê. Khắp xứ, người ta tìm đến tiệm mộc của Ngài để mua những cái tốt nhất và khéo nhất. Có điều gì ngăn cản chúng ta cũng tin như thế không nhỉ?
Đức Giêsu phán: “Ách của Ta thì êm ái”, ở đây có lẽ Ngài muốn nói rằng, sự sống ta ban cho các ngươi không phải là một gánh nặng làm trầy trụa các ngươi; nhưng là, mọi thứ đều được làm theo kích thước vừa với các ngươi. Như vậy, bất cứ điều gì Chúa gửi đến cho chúng ta đều đã được làm sẵn để thật thích hợp với nhu cầu và khả năng của mỗi người; còn nếu Chúa trao phó công tác cho mỗi người, thì chắc chắn không có gì vượt sức gánh vác của họ. – Đức Giêsu phán: “Gánh của tôi thì nhẹ nhàng”. Điều đó không có nghĩa là một gánh nặng dễ mang, nhưng gánh nặng được đặt trên vai chúng ta trong tình yêu, được mang trong tình yêu và nhờ tình yêu khiến nó trở nên nhẹ nhàng. Khi chúng ta ý thức rằng, gánh nặng của chúng ta là yêu Chúa và yêu người thì nó sẽ trở thành một bài ca được tấu lên bởi những nốt nhạc trầm hùng, diễn tả một thức tình yêu bất diệt. Có một câu chuyện xưa kể lại rằng, một người đàn ông nhìn thấy một cậu bé đang cõng một em nhỏ bị đau chân. Ông tiến tới và hỏi: “Chắc nặng lắm phải không em”? Cậu bé trả lời: “Nó đâu phải là gánh nặng, nó là đứa em nhỏ của tôi mà”. Gánh nặng được ban và được mang trong tình yêu thì luôn luôn nhẹ nhàng như thế.
“Anh em hãy học với tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường”. Chính trong cuộc khổ nạn mà Đức Giêsu cho thấy bằng chứng rõ nhất về sự hiền lành này: không một chút giận dữ, không một lời đe dọa. “Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe” (1Pr 2,23). Tư cách này của Chúa ghi đậm trong ký ức của các môn đệ Ngài, đến nỗi thánh Phaolô, khi muốn van nài người Côrintô về một điều gì đó thân thương và thiêng thánh, đã viết cho họ: “Tôi xin dựa vào lòng nhân từ và khoan dung của Đức Kitô mà khuyên nhủ anh em” (2 Cr 10,1). Tuy vậy, Đức Giêsu đã làm hơn nhiều, chứ không chỉ để lại cho ta gương mẫu về sự hiền lành và nhẫn nại đến độ anh hùng; Ngài còn biến hiền lành và bất bạo động thành dấu chỉ nói lên sự cao cả đích thực. Cao cả không ở chỗ đưa mình lên trên người khác, trên đám đông, nhưng hạ mình xuống để phục vụ và đưa người ta lên. Theo thánh Augustinô, trên Thánh giá, Đức Giêsu cho thấy sự chiến thắng đích thực không ở chỗ biến người khác thành nạn nhân, nhưng biến mình thành nạn nhân, hay nói cách khác, Ngài tự biến mình thành tế vật ngang qua sự hiền hậu và khiêm nhường của mình. Đó chẳng phải là tấm gương sáng để chúng ta noi theo sao?
Qua những lời trên đây của Đức Giêsu, chúng ta được mời gọi xác tín rằng, không ai trên đời này, có thể thỏa mãn được những khát vọng của chúng ta, có thể cứu chúng ta cho bằng Đức Giêsu, bởi vì Ngài là Thiên Chúa quyền năng. Ngoài ra, qua lời mời gọi và lời hứa ấy, chúng ta cũng được mời gọi để xác quyết rằng, nếu chúng ta biết chạy đến với Chúa mỗi khi gặp khó khăn, đau khổ và thử thách; chắc chắn, chúng ta sẽ nhận được sức mạnh nâng đỡ và sự an ủi vượt xa những gì chúng ta chờ đợi và vượt xa những gì lòng người dám ước mong. Chính vì thế, Đức Giêsu không chỉ ban ơn nâng đỡ, mà Ngài còn mời gọi chúng ta hãy mang lấy ách và gánh của Ngài, bởi như Chúa đã hứa với thánh Phaolô: “Ơn Ta đủ cho con”. Những ách và gánh mà Đức Giêsu đòi hỏi chúng ta là gì nếu không phải là những bổn phận, những thánh giá mà Chúa muốn chúng ta vác lấy như là cơ hội tốt để được cùng Chết và cùng Phục sinh với Ngài sao?
Qua Lời Chúa hôm nay, Đức Giêsu mời gọi tất cả chúng ta hãy đến với Ngài, chắc chắn không phải để được trút đi những gánh nặng của cuộc sống, nhưng để nhận được sức mạnh tình yêu làm cho những gánh nặng đó trở nên êm ái và nhẹ nhàng, và rồi tâm hồn chúng ta sẽ tràn ngập sự bình an.