Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
PHÚC CHO AI KHÔNG THẤY MÀ TIN
3.7 Thánh Tôma, Tông Đồ
Am 5:14-15,21-24; Tv 50:7,8-9,10-11,12-12,16-17; Mt 8:28-34
PHÚC CHO AI KHÔNG THẤY MÀ TIN
Hôm nay, Giáo Hội mừng kính thánh Tôma (còn có tên gọi là Đi-đi-mô), ông là một trong mười hai tông đồ của Chúa Giêsu .Tôma là người Do-thái, miền Ga-li-lê, làm nghề chài lưới, Chúa Giêsu đã chọn ngài vào số mười hai tông đồ, và ngài đã từ bỏ mọi sự để chỉ còn thuộc về thầy chí thánh mà thôi.
Có lẽ thánh Tôma được biết đến nhiều nhất bởi sự kiện được ghi trong Tin Mừng hôm nay: các tông đồ khác kể lại cho ông là đã nhìn thấy Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với họ, nhưng ông không tin và đòi được tận mắt nhìn sự việc thì mới tin. Tám ngày sau, khi Chúa Giêsu hiện ra lần nữa với các tông đồ, cũng có mặt Tôma, thì ông đã tin và thốt lên câu nói nổi tiếng: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Lời tuyên xưng ấy đã trở thành một phát biểu đức tin trong Tân Ước. Nhờ ngài mà Kitô hữu có được lời nhận định của Chúa Giêsu: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”
Từ lâu, người ta thường nhìn thấy nơi thánh Tôma là một con người hoài nghi, chúng ta có thể nhận ra chính mình nơi ông, khi đức tin chúng ta bị lung lay bởi sự hoài nghi. Nhưng chúng ta hãy nhìn kỹ hơn, vào chiều ngày Phục Sinh, mặc dù các môn đệ khác đã kể lại cho ông điều họ đã nhìn thấy, ông vẫn không tin. Ông đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” Trong thực tế, Tôma không phải là người hoài nghi, mà là người muốn tự mình cảm nhận tất cả. Ông không bằng lòng với những gì người khác kể lại. Ông muốn thấy và tự mình sờ chạm và chỉ tin với điều kiện ấy mà thôi.
Có lẽ ông cần đến bằng chứng rằng Đấng bị đóng đinh và Đấng Phục Sinh là một, vì thật lòng mà nói làm sao tin được một người chịu cực hình đến chết trong những đớn đau khủng khiếp như thế, lại có thể sống lại một hai ngày sau đó được. Cho nên ông cần một bằng chứng rõ ràng để tin vào một Đấng Phục Sinh.
Sau cuộc thương khó của Chúa Giêsu, các tông đồ buồn sầu, riêng ông Tôma thất vọng tê tái, ông tách mình ra khỏi nhóm anh em tông đồ, gặm nhấm nỗi buồn một mình đơn lẻ. Chúa Giêsu hiện đến với các môn đệ, không có ông Tôma ở đó. Các môn đệ thuật lại : “Chúng tôi đã được thấy Chúa”. Ông đáp : “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”. Câu nói của ông Tôma làm cho các anh em khác bất ngờ vì sự cứng lòng của ông. Nhưng câu nói ấy lại giúp chúng ta có thể nảy sinh xác tín ở một góc nhìn khác. Đối với các môn đệ, từ trước cho đến bây giờ, việc nhận ra Chúa là được thấy Ngài. Nhưng, từ nay việc nhận diện ra Chúa Giêsu không còn là thấy ngài nữa, mà nhận ra Ngài nhờ chạm vào các vết thương của Ngài. Khi chạm vào các vết thương đó, chắc chắn chúng ta cảm nghiệm được Chúa yêu thương chúng ta đến mức nào. Từ đây, dấu hiệu hùng hồn nhất mà nhân loại nói về căn cước của Chúa Giêsu, đó chính là các vết thương mà Chúa Giêsu đã chịu từ cuộc thương khó của Ngài vì yêu thương nhân loại.
Đoạn Tin Mừng còn cho chúng ta biết, 8 ngày sau, Chúa Giêsu lại hiện ra với các môn đệ, và lần này có cả ông Tôma. Chúa Giêsu bảo ông Tôma : “Ðặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Ðưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Ðừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI đã cảm nghiệm và nói rằng :
“Thánh Tôma đã phản ứng câu nói của Chúa Giêsu, bằng lời tuyên xưng đức tin một cách hùng hồn nhất trong toàn thể Tân Ước : lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !
Về điều này, thánh Augustino đã bình luận : Ông Tôma đã thấy và động chạm đến Chúa Giêsu, nhưng ông lại tuyên xưng niềm tin của mình nơi Thiên Chúa, là Đấng ông không thấy và cũng không động chạm đến. Điều ông thấy và động chạm đến, đã đưa ông đến chỗ tin nơi điều mà cho đến bấy giờ ông còn nghi ngờ”.
Chạm vào chính Chúa Giêsu để cảm nghiệm và tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa quả là một điều cần thiết và quan trọng. Trong cuộc sống mỗi người Kitô hữu, chúng ta được mời gọi nên một với Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn của Ngài. Chúng ta cũng chạm vào các vết thương của Ngài, nhưng ước gì như Thánh Tôma hôm nay, chúng ta cũng biết tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa : “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”.
Thánh sử Phúc âm tiếp tục với lời cuối cùng của Chúa Giêsu nói với ông Tôma : “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin !” Chúa Giêsu nói lên một nguyên lý căn bản không chỉ cho riêng thánh Tôma, mà cho các tín hữu Kitô đến sau thánh Tôma, nghĩa là cho tất cả chúng ta. Từ nay chúng ta thật là người có phúc, vì chúng ta không được may mắn thấy Chúa như thánh Tôma, nhưng chúng ta vẫn vững tin. Thánh Tôma Tiến Sĩ Thiên Thần gởi thêm lời khuyến khích cho mỗi chúng ta : “Người không thấy mà tin thì có công phúc hơn nhiều so với người thấy mà tin”.
Lời Chúa hôm nay soi sáng cho chúng ta những lúc đức tin mờ tối, những lúc ấy chúng ta muốn được chạm vào Chúa, chúng ta muốn Chúa hiện diện tỏ tường. Ước gì chúng ta cũng xứng đáng được hưởng lời chúc phúc của Chúa Giêsu nói với ông Tôma hôm nay : “Phúc cho những ai không thấy mà tin !” Ước gì mỗi ngày sống, khi vác thánh giá đời mình, chúng ta cũng nên một với Chúa. Ước gì mỗi lần đức tin lung lay cũng là mỗi lần chúng ta tuyên xưng “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”.